Triết Học Xã Hội Pháp

Triết Học Xã Hội Pháp
  Các nhà tư tưởng theo chủ nghĩa truyền thống, họ là những người ủng hộ tôn giáo - thần quyền và phớt lờ chính quyền - thế quyền và đặc biệt chỉ quan tâm tới những gì đã phá vỡ trật tự xã hội, nhất là sự ảnh hưởng của các cuộc cách mạng tới những giá trị truyền thống của xã hội. Vì thế họ không muốn có bất cứ một cuộc cải cách xã hội nào, họ không muốn thay đổi xã hội, hay thay đổi các thể chế, quy tắc xã hội. Tuy nhiên, nhiều nhà tư tưởng đồng ý cần phải có những cuộc cách mạng, nhưng không phải là những cuộc cách mạng đổ máu, mà là những cuộc cải cách cấu trúc xã hội. Những cuộc cải cách đã được đề xuất thì được trình bày dưới một góc nhìn giả tưởng và chúng ta phải kể đến:
* Marie Charles Fouries (1772 - 1837), quan điểm của ông được xem là rất giả tưởng (utopia). Theo ông chính sự ích kỉ và tư lợi đã ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội. Như các bác sĩ cố ý phát triển các dịch bệnh, rồi viện cớ chữa trị để lấy tiền của người dân, hay các giáo sĩ mong mỏi cái chết của những giáo dân giàu có để nhận một khoản tiền đáng kể trong việc cử hành các nghi thức an táng. Ngoài ra, xã hội văn minh đang bị ảnh hưởng bởi một lũ ăn bám, sống bằng tiền trợ cấp. Thay vì phụ nữ và trẻ em là những người “ăn bám” trong gia đình thì quân lính và thương gia lại là những người “ăn bám” ngoài xã hội. Ông không lên án phụ nữ và trẻ em vì một xã hội văn minh thì phụ nữ và trẻ em không cần phải tham gia sản xuất. Thế nhưng quân lính chỉ tham gia chiến đấu khi có chiến tranh, vậy khi thời bình, họ trở thành những kẻ “ăn không ngồi rồi”, rồi những thương gia là những kẻ đầu cơ, “ăn trên ngồi trốc”, bóc lột sức lao động và thành quả của giai cấp lao động. Vậy một xã hội văn minh thì luôn đầy dẫy sự ích kỉ, bất công và chia rẽ. Điều gì là căn nguyên của tình trạng đó? Theo Fouries, đó là do bởi sự kìm kẹp những đam mê (passion). Thế giới đã được tạo dựng dưới bàn tay của Thiên Chúa Nhân Lành và Ngài gieo vào đó những đam mê nhất định, do đó bản thân chúng luôn tốt đẹp. Do vậy, điều đặt ra chính là phải tái tổ chức xã hội để đảm bảo cho những đam mê của cá nhân được sự phát triển và xã hội đạt đến sự hài hòa. Tổ chức xã hội mà Fouries mong đợi được gọi là “phalanx” - là một nhóm người cả đàn ông, lẫn đàn bà được tuyển chọn, có tính cách, khả năng và trải nghiệm khác nhau. Họ được phân chia theo nhóm tùy theo công việc và tùy theo khả năng. Mỗi thành viên trong nhóm “phalanx” sẽ có đầy đủ cơ hội để phát triển hết khả năng và đam mê của họ. Dĩ nhiên, vẫn có sự cạnh tranh giữa các nhóm, nhưng sự hài hòa luôn được đề cao. Tư tưởng của ông nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách mang tình thời sự về con người và nguồn lao động, hướng tới tài sản và lợi ích chung, nhưng vấn đề về việc phân bố lao động, khu xưởng, tài năng và lợi nhuận rốt cuộc lại vào tay những người cầm đầu. Suy cho cùng tư tưởng, Fouries đã hướng tới một xã hội hài hòa, hoàn hảo, quan tâm đến quyền lợi con người, mặc dù tư tưởng của ông không khả thi nhưng ông đã để lại suy tư cho nhiều nhà tư tưởng khác làm thế nào để tổ chức một cơ cấu xã hội công nghiệp để phục vụ con người và có một sự hài hòa giữa những nhu cầu cá nhân và tập thể.
* Saint-Simon (1760 - 1825), ông là một người đặt niềm tin vào khoa học và ông khẳng định phát triển khoa học là con đường cần phải đi để tiến tới tổ chức tái cơ cấu xã hội. Theo ông, chỉ có khoa học mới có thể làm suy yếu quyền lực của Giáo Hội và độ tin cậy của những giáo điều thần học. Trong giai đoạn trung cổ, không có một yếu tố nào đủ mạnh để trở thành mối đe doa đến quyền lực của Giáo Hội và giai cấp quý tộc. Tuy nhiên đến thế kỉ XVI, thì quyền lực của Giáo Hội đã dần dần yếu đi do bởi những thách đố của các nhà cải cách. Đồng thời tri thức khoa học ngày càng phát triển và điều đó đã làm lung lay tới các niềm tin thần học. Vì thế, sự phát triển khoa học và các giai đoạn chuyển tiếp của tri thức thực chứng đòi hỏi một sự thay đổi về một cấu trúc mới của xã hội. Xã hội mới sẽ là một xã hội không phải của chế độ quân chủ, ở đó không còn sự hiện diện các Giám Mục và địa chủ, mà sẽ là một xã hội của giai cấp công nhân và dĩ nhiên khoa học là một yếu tố không thể thiếu trong xã hội. Theo ông, để một xã hội phát triển theo hướng công nghiệp thì phải có 3 phòng ban. Thứ nhất là phòng ban phát minh, gồm có các kĩ sư và họa sĩ. Họ là những người sẽ phác họa lên những dự án, kế hoạch. Thứ hai là phòng nghiên cứu, gồm các nhà toán học, vật lí và sinh học. Phòng cuối cùng sẽ chịu trách nhiệm thực hiện các dự án đã đưa ra mà được phòng thứ hai xác nhận khả thi. Saint-Simon gọi phòng thứ ba là phòng đại diện. Phòng này bao gồm những người được chọn đại diện cho những người sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Trong xã hội, lợi ích của mọi người rằng buộc với nhau và các hoạt động không còn mang tính thần học hay quân sự, nhưng mang tính kinh tế và thúc đẩy những lợi ích của xã hội. Theo Saint-Simon, xã hội công nghiệp sẽ trở thành một xã hội thực sự yên bình khi phát triển theo đường hướng khoa học công nghiệp và có một thể chế nhà nước phù hợp. Bên cạnh đó, ông vẫn tôn trọng Ki-tô giáo, nhưng ông không chấp nhận sự giáo điều của Ki-tô giáo. Với ông, hệ thống Công Giáo đã lạc hậu và lí tưởng về tình huynh đệ bác ái là một điều mập mờ trong cơ cấu quyền lực của Giáo Hội. Ở đó không thực sự có lòng khoan dung, mà chỉ đầy sự áp bức. Tuy thế, ông vẫn xem thời kì trung cổ không phải là một thời kì mê tín dị đoan đáng lên án, nhưng là một thời kì cần thiết trong lịch sử. Đồng thời, ông nghĩ xã hội mới cũng cần có một tôn giáo mới. Ki-tô giáo mới là những người có liên quan đến thời kì xã hội công nghiệp và khoa học thực chứng, chứ không phải giáo điều của giáo hội.
* Pierre-Joseph Proudhon (1809-1865), điều ông mong ước là một tổ chức xã hội không có chính quyền, một tình trang vô chính phủ. Nhưng tình trạng vô chính phủ không phải là một tình trạng hỗn loạn xã hội, mà đó là một tình trạng không có sự tồn tại của chính quyền độc tài. Việc Proudhon xuất thân từ một gia đình nông dân, đã ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng của ông. Ông nói rằng quyền tư hữu là một hành vi trộm cướp, vì sự lạm dụng quyền tịch thu tài sản của người khác của những tên địa chủ. Ví dụ, một tên địa chủ không tự mình làm việc nhưng thu lợi nhuận từ lao động của người khác, đó gọi một tên cướp. Ông cho rằng, chúng ta có quyền sở hữu (possession), chứ không có quyền tư hữu (property). Quyền sở hữu nghĩa là quyền sử dụng đất đai hay công cụ để lao động, nhưng ‘tư hữu' nghĩa là lạm dụng, sử dụng phương tiện để bóc lột người khác, hay nói rõ hơn ông muốn lên án việc bóc lột của những tên địa chủ và những nhà tư bản. Ông tin rằng để duy trì nền độc lập và phẩm giá con người được đánh giá đúng thì người nông dân và thợ thủ công cần phải 'sở hữu' đất đai để làm việc hoặc “sở hữu” công cụ để lao động và dĩ nhiên họ có quyền hưởng thành quả từ sức lao động của mình. Thế nhưng, tư tưởng về “quyền tư hữu” của ông đã thay đổi, vì theo ông chỉ có quyền tư hữu mới có thể chống lại quyền lực và sự ảnh hưởng của nhà nước. Vì thế, Proudhon nghi ngờ liệu sự phân biệt trước đây của ông giữa quyền tư hữu và quyền sở hữu có còn giá trị như ông từng nghĩ. Vì thế, ông kết luận rằng “quyền tư hữu là sức mạnh duy nhất có thể xem như một sự cân bằng với nhà nước.” Vì ông không muốn quyền lực hay sự chi phối của nhà nước, chính quyền ngày càng lớn trong xã hội. Vì thế khi các tổ chức kinh tế hay hình thức liên kết mà không bị chi phối từ cấp trên nhưng vẫn sản xuất hiệu quả theo các hiệp định hay các hợp đồng tự do mà đã được kí kết với các nhà sản xuất, đó chính là cái mà ông gọi là "vô chính phủ".
* Auguste Comte (1798-1857), ông là người đầu tiên trình bày và đại diện cho chủ nghĩa thực chứng cổ điển. Ông cho rằng tri thức con người phát triển từ giai đoạn thần học tới giai đoạn siêu hình, rồi đến tri thức khoa học thực chứng và ba giai đoạn này đã liên kết với nhau một cách tự nhiên. Trong sự phát triển lịch sử tính qua hàng thế kỉ, tri thức con người đã trải qua ba giai đoạn chính (học thuyết Tam trạng - Three stages): thần học (theological), siêu hình (metaphysical) và thực chứng (positive). Ba giai đoạn này trong sự phát triển tri thức con người có một liên kết như việc chúng ta đi từ thời thơ ấu, đến thanh thiếu niên, rồi đến trưởng thành. Trừ phi ai đó chết sớm, còn lại mỗi cá nhân đều phải trải qua những giai đoạn như thế. Ba giai đoạn này đã phóng chiếu toàn bộ sự phát triển tri thức nhân loại. Xét về giai đoạn thần học, giai đoạn đầu con người khao khát đi tìm những nguyên nhân tất yếu của các hiện tượng. Thời thơ ấu, theo bản năng, cái gì mà con người không biết thì liền qui gán cho các đối tượng siêu nhiên. Theo Comte, trạng thái tâm lí duy linh này đại diện cho giai đoạn bái vật. Tuy nhiên, trong tiến trình của dòng thời gian của nội tại tính trong mỗi đối tượng được phóng chiếu ra bên ngoài như cách thế của các vị thần theo tín ngưỡng đa thần. Sau đó các vị thần của tôn giáo đa thần hợp nhất lại trong khái niệm một chúa - độc thần. Vậy ba giai đoạn nối tiếp nhau: bái vật, đa thần và độc thần được hình thành trong giai đoạn thần học. Giai đoạn thứ hai: giai đoạn siêu hình. Đây là thời kì chuyển tiếp từ khái niệm về một vị thần siêu nhiên được thay thế bởi khái niệm tự nhiên bao quát được hết mọi sự. Giai đoạn thứ ba là giai đoạn thực chứng - dựa vào khoa học. Gia đoạn này con người không nổ lực để tìm ra nguyên nhân tất yếu nhằm mục đích giải thích về thực tại nhưng nổ lực để tìm ra bản chất bên trong của sự vật mà ta không quan sát được.
Comte chia khoa học thành 6 ngành căn bản: Toán học, vật lí, hóa học, sinh học và sinh lí học, thiên văn học và xã hội học. Trong việc phân loại các ngành khoa học, Comte xem mỗi ngành khoa học cần được xem xét và phát triển theo một phương pháp khoa học riêng. Theo Comte, việc tái cơ cấu xã hội phải mang tính vĩ mô, không chỉ trên lĩnh vực xã hội mà còn trên các ngành khoa học khác. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không thể thiếu kiến thức về các quy tắc xã hội và điều này liên quan đến xã hội học, vì khi không có kiến thức về các quy tắc trong các mối tương quan giữa con người với xã hội thì chúng ta khó có thể thúc đẩy cuộc cải cách tiển triển một cách hiệu quả và đạt được sự thay đổi phù hợp và phát triển một cách hài hòa trong xã hội. Vì vậy mục tiêu của công việc tái cơ cấu xã hội là đạt đến sự thống nhất trong tương quan giữa con người và các nhu cầu của con người (hài hòa).
Comte đã phân chia xã hội học thành tĩnh học xã hội (social statics) và động học xã hội (social dynamics). Tĩnh học xã hội nghiên cứu những quy tắc phổ phát về sự tồn tại của xã hội con người, những điều kiện yếu tính hay sự liên kết xã hội. Động học xã hội nghiên cứu những chuyển động, những phát triển của xã hội, những quy tắc của sự phát triển xã hội. Tĩnh học xã hội quan tâm đến những yếu tố của trật tự trong xã hội nhưng trật tự thôi thì chưa đủ mà xã hội đó cần phải phát triển. Vì vậy Comte nhấn mạnh đến sự liên kết chặt chẽ giữa tĩnh học xã hội và động học xã hội. Sự trật tự mà không có sự phát triển dẫn đến sự cứng nhắc hay suy thoái, nhưng phát triển mà không có trật tự thì dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Theo Comte, một xã hội phát triển thì phải được tổ chức bởi những người có hiểu biết, có tri thức và phải kể đến các nhà khoa học và các triết gia thực chứng. Họ sẽ thay thế vị trí của giáo hoàng và các giám mục và khoa học sẽ thay thế cho giáo điều của giáo hội. Trong việc tái cơ cấu xã hội thì quyền lợi của cá nhân phải phục vụ cho lợi ích xã hội và xã hội có nhiệm vụ đảm bảo một số “quyền” cho cá nhân nhưng những quyền đó không tồn tại độc lập với xã hội. Comte không có ý nói xã hội thực chứng được đặc trưng bởi sự đàn áp của chính quyền đối với cá nhân. Với Comte, tình yêu và sự phục vụ con người là những yếu tố quan trọng trong sự phát triển xã hội.

     Như vậy, những gì trình bày trên cho em thấy nhu cầu cần phải có một cuộc “cách mạng” để cải cách xã hội, xây dựng một xã hội mới để thỏa mãn khát vọng tự do của con người và để thay đổi đường hướng phát triển kinh tế cũng như thể chế chính trị sau cách mạng Pháp. Từ những vấn đề mang tính xã hội và con người đó đã dẫn đến sự ra đời của học thuyết giả tưởng của Fourier, học thuyết về sự phát triển xã hội của Saint- Simon, học thuyết vô chính phủ và công xã của Proudhon và học thuyết Tam trạng về sự phát triển con người, cũng như việc phân loại và phương pháp luận khoa học Auguste Comte.Vì vậy, qua tư tưởng của các ông, em nhận thấy sự cần thiết để tiến hành cải cách cơ cấu xã hội, xây dựng một xã hội mới có thể tóm trong bốn mục đích: Thứ nhất, con người không còn phải phụ thuộc vào những giáo điều hay những niềm tin thần thánh mà thay vào đó là khoa học, là tri thức thực chứng. Thay vì cậy nhờ vào quyền lực thánh thiêng của giáo hội hay của Chúa để giải quyết những vấn đề về xã hội và tri thức thì con người đặt niềm tin vào khoa học, khám phá bản chất nội tại của sự vật bằng khoa học thực chứng, bằng việc phát triển khoa học, công nghiệp. Qua đó, biết đề cao vai trò của các khoa học gia, những người hoạch định cho sự phát triển của xã hội theo đường hướng công nghiệp. Thứ hai, thay vì địa chủ hay cường quyền là những người nắm quyền hành trong xã hội, được xem là giai cấp bóc lột, thì cải cách xã hội nhằm giúp người lao động, công nhân, nông dân, thợ thủ công khẳng định vai trò và quyền lợi của mình trong xã hội. Họ có quyền “sở hữu” đất đai, công cụ lao động và hưởng thành quả lao động do chính tay họ tạo nên. Thứ ba, cải cách xã hội để giúp quá trình phát triển xã hội và tri thức con người không phải lệ thuộc giáo điều của giáo hội hay nhưng những quy tắc cũ kĩ của chính quyền, mà thay vào đó là những hợp đồng tự do giữa nhà sản xuất và người sản xuất, con người được tự do phát huy khả năng của mình để hướng tới mục đích xây dựng một xã hội hài hòa vì lợi ích chung. Đồng thời, giúp hạn chế sự ảnh hưởng quyền lực của giáo hội và chính quyền lên người lao động. Thứ tư, cải cách xã hội giúp con người quan tâm đến xã hội con người, tới mối tương quan giữa con người với xã hội, làm sao có sự hài hòa giữa con người và xã hội và hài hòa giữa con người với những nhu cầu của chính mình. Đó chính là sự ra đời của xã hội học.

Comments

Popular Posts