Ngôn Sứ Hôsê: Tình Yêu Lạ Lùng Của Thiên Chúa
Tình
Yêu Lạ Lùng Của Thiên Chúa
Trong
Sách Ngôn Sứ Hôsê
(Hs 2,16-25)
2. Bối Cảnh Lịch Sử Thời Ngôn Sứ Hôsê
4. Tình Yêu Lạ Lùng Của Thiên Chúa (Hs 2,
16-25)
Lúc
sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết:[1]
“Yêu là chết ở trong lòng một ít
Vì ấy khi yêu mà chắc được yêu.
Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu;
Người ta phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết”
Chỉ với hai câu thơ trên, nhà thơ Xuân
Diệu đã khắc họa một kinh nghiệm đau đớn, bẽ bàng trong tình yêu. Một đằng là
yêu mãnh liệt, yêu đến dám cho đi phần sự sống, nhưng một đằng là sự phụ bạc,
thờ ơ. Nhưng thật trớ trêu, dẫu biết là bẽ bàng, là bi kịch, nhưng bao con người
vẫn lao vào yêu, vẫn muốn yêu và chết đi cho tình yêu. Cũng vậy, cách đây hơn
2000 năm, có một câu chuyện tình cũng bi kịch và lạ lùng không kém diễn ra trong
lịch sử dân Ítraen. Ngang qua cuộc đời và những lời rao giảng của ngôn sứ Hôsê,
câu chuyện tình giữa Thiên Chúa và dân Ítraen được trình bày quá đỗi lãng mạn, đầy
kì diệu nhưng cũng không kém phần xót xa.
Hình ảnh một Thiên Chúa vì quá si mê,
yêu đến điên cuồng, sẵn sàng làm mọi thứ để dân Ítraen được sống dồi dào, nhưng
Ítraen lại phụ, hoặc thờ ơ, chẳng biết, cứ mãi chạy theo thần ngoại, mê đắm
trong đời sống vô luân. Một Thiên Chúa cứ mãi mê chạy tìm, gọi mời và tha thiết
được yêu những đứa con của mình, thì Ítraen lại quay lưng, bỏ quên Chúa. Trong
lúc đau khổ, một Thiên Chúa luôn có đó, sẵn sàng giang tay ra nâng đỡ, thì họ
chẳng màng, mà chỉ cậy vào uy quyền trần thế ngoại bang. Nhưng tình yêu lạ làng
của Thiên Chúa chưa bao giờ con người hiểu nỗi và có lẽ sẽ mãi chẳng hiểu nỗi
vì con người càng bất trung, tình yêu Thiên Chúa càng mạnh mẽ và kì diệu.
Vậy, để hiểu rõ hơn tình yêu lạ lùng của Thiên Chúa, người viết khởi đi từ ngôn sứ Hôsê, từ chính cuộc hôn nhân không kém phần lạ lùng của ông, đồng thời tìm hiểu bối cảnh lịch sử dân Ítraen thời ngôn sứ Hôsê hoạt động và đặc biệt tập trung tìm hiểu bản văn của chương 2, 16-25 trong sách ngôn sứ Hôsê, để khám phá sứ điệp bản văn muốn gởi gắm. Cuối cùng, qua những hiểu biết về bản văn, về kinh nghiệm đức tin của Ítraen và tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người, người viết cũng muốn suy tư và phản tỉnh đời sống đức tin cũng như hành trình dấn thân theo Chúa của mình.
1. Ngôn Sứ Hôsê Là Ai?
Hôsê - vị ngôn sứ được Thiên Chúa gọi, sống
ở thế kỉ VIII trước công nguyên (TCN), dưới thời các vua Útdigia, Giôtham,
Akhát và Khítki gia trị vì Giuđa và dưới thời vua Giarópam con vua Giôát trị vì
Ítraen (Hs 1,1). Dường như, ông xuất thân từ chi tộc Ephraim, một chi tộc lớn của
vương quốc miền Bắc[2] và
sứ mạng ngôn sứ của ông cũng chủ yếu diễn ra ở vương quốc Ítraen[3]
với những chủ đề lớn mà ông rao giảng như tôn giáo, luân lí và chính trị.[4]
Ông bắt đầu sứ vụ nói Lời của Thiên Chúa vào khoảng năm 746, dưới thời trị vì của
vua Giarópam II (786-746 TCN). Có lẽ, sứ vụ của ông kéo dài qua thời kì liên
minh anh em nhà Siro-Epharaim (734 -732 TCN) và chấm dứt trước khi thành Samaria
thất thủ (721), trước sự bành trướng và xâm lược vua Sargon II của đế quốc
Átsua.[5]
Kế đến, ngôn sứ Hôsê được xem là người đã
dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Thiên Chúa và luôn tuân phục Người trong bất
cứ mọi hoàn cảnh.[6] Điều
này thể hiện ở việc ông đã tuân lệnh truyền của Thiên Chúa: “Hãy đi cưới một
người đàn bà làm điếm để sinh những đứa con đàng điếm” (Hs 1,2). Ông đã vâng lệnh
Chúa, cưới Gôme – một người phụ nữ làm điếm để làm vợ mình. Mặc dầu, cuộc hôn
nhân của họ cũng sinh nhiều hoa trái, cụ thể ba người con lần lượt ra đời:
Gítrơen, Lô Rukhama và Lô Ammi, nhưng có lẽ đây là một cuộc hôn nhân để lại nhiều
chua xót và thương đau cho ông Hôsê. Thứ nhất, tên của những người con họ sinh
ra mang ý nghĩa lạ lùng: Gítrơen: Thiên Chúa phân tán, Lô Rukhama: Không được
thương và Lô Ammi: Không phải dân Ta (Hs 1, 3-6). Thứ hai, Gôme – người vợ làm
điếm mà ông cưới cũng bất trung, ngựa quen đường cũ, trở về với nghề làm điếm.
Thứ ba, tưởng rằng cuộc hôn nhân của Hôsê với Gôme đã chấm dứt sau khi Gômê trở
lại nghề làm điếm. Không, một lần nữa Thiên Chúa muốn Hôsê tha thứ cho Gôme và
tiếp tục yêu người đàn bà này (Hs 3, 1).
Vậy, đâu là sứ điệp Thiên Chúa muốn gởi
gắm thông qua câu chuyện đầy bi kịch này của ngôn sứ Hôsê? Có thể nói rằng, bốn
hình ảnh: (1) sự tuân phục của Hôsê đối với Thiên Chúa để bước vào cuộc hôn
nhân “lạ lùng”; (2) danh phận “đáng xấu hổ” và sự bất trung của người vợ; (3) những
cái tên mang ý nghĩa tiêu cực của ba người con; (4) một lần nữa Hôsê tha thứ và
đi yêu người vợ bất trung, những hình ảnh này gắn liền với sứ điệp mà Thiên
Chúa muốn ông Hôsê cảnh báo cho người dân ở vương quốc Ítraen (những đứa con đã
được Thiên Chúa yêu mến và tuyển chọn làm dân riêng) về tình trạng sa đoạ trong
đời sống luân lí và tôn giáo, sự bất trung của Ítraen đối với Thiên Chúa (phá vỡ
giao ước Sinai – Thờ phượng một mình Thiên Chúa), bỏ Thiên Chúa để chạy theo
các thần ngoại của vương quốc Átsua.[7]
Nói cách khác, cuộc hôn nhân của Hôsê được xem như hình ảnh dân Ítraen bỏ quên
Thiên Chúa, chạy theo thờ lạy thần Baan ở thế kỉ VIII.[8]
Hơn nữa, vì họ lãng quên Chúa, nên những đau khổ bắt đầu đến với họ (tên của những
đứa con: Thiên Chúa phân tán, không phải dân ta, không được thương). Như vậy, những
lời loan báo của Hôsê như một sự cảnh báo về thực tại của họ, những hậu quả của
việc họ rời xa Thiên Chúa. Tuy nhiên, trên tất cả, những lời rao giảng của Hôsê
cũng không quên cho Ítraen thấy rằng, có một Thiên Chúa luôn hiện diện với dân,
luôn chung thủy với giao ước, luôn dành một tình yêu son sắc cho dân và luôn sẵn
sàng tha thứ trước những lầm lạc và bội tín của Ítraen.
Như vậy, cuộc hôn nhân của ngôn sứ Hôsê
đã trở thành một biểu tượng nói về tình yêu của Thiên Chúa và sự phản bội của dân Ítraen.
Tuy nhiên, điều gì đã xảy ra trong xã hội của vương quốc Ítraen lúc bấy giờ? Tình
hình tôn giáo, chính trị, đời sống luân lí của Ítraen sa đọa thế nào? Tại sao
Thiên Chúa “mượn” cuộc hôn nhân bị kịch của Hôsê này để diễn đạt sứ điệp của
Người?
2. Bối Cảnh Lịch Sử Thời Ngôn Sứ Hôsê
Ngay từ đầu cuốn sách, trong lời phán của
Thiên Chúa với ông Hôsê, Thiên Chúa đã cho thấy tình trạng sa đọa trong đời sống
tôn giáo, luân lí, đồng thời cảnh báo về nguy cơ mất nước của Ítraen: “Cả xứ đều
bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm” (Hs 1, 2), và “Ta sẽ dẹp bỏ vương quốc Ítraen” (Hs
1,4). Bên cạnh đó, như người viết đã lướt qua một chút thông tin về thời gian
và nơi chốn hoạt động ngôn sứ của Hôsê ở phần một. Ngôn sứ Hôsê chủ yếu hoạt động
ở vương quốc miền Bắc, dưới thời trị vì của vua Giarópam II cho tới trước giai
đoạn thủ phủ Samari sụp đổ (721).
Đầu tiên, về mặt chính trị, trong sách
các Vua quyển 2 chương 14-17, đọc lại những trang sử liên quan đến thời của
ngôn sứ Hôsê, có thể nói, đây là thời kì đen tối, đầy biến động, đầy bất ổn. Sau
khi vua Giarópam II băng hà năm 743 TCN, ngoài việc phải chịu sức ép xâm lược của
đế quốc Átsua,[9] phải
gồng mình gánh sưu cao thuế nặng và dâng cống phẩm cho vương quốc Átsua,[10]
thì những cuộc nội chiến, tranh giành quyền lực, các âm mưu giết người trở nên
căng thẳng và tàn ác diễn ra trong khắp vùng Ítraen. Đặc biệt, sau khi vua
Giarópam II mất, chỉ trong một thời gian ngắn (743- 724) đã có liên tiếp sáu vị
vua kế ngôi: Dơkhácgia (743), Salum (743), Mơnakhem (743-738), Pơcácgia
(738-737), Pecác (737-732) và vua Hôsê (732-724). Đặc biệt, cuộc nội chiến giữa
liên minh anh em nhà Sirô-Ephraim[11]
nhằm tấn công vua Akhát của vương quốc Giuđa, với ý định truất ngôi Akhát để thay vào đó một vua có thể gia nhập
liên minh chống lại đế quốc Átsua (2V 15,29 -37; 16),[12]
đã dẫn tới việc cõng rắn cắn gà nhà khi vua Giuđa cầu cứu vua Átsua. Như
vậy, trước sức mạnh quân sự, với tham vọng bá chủ, vương quốc Átsua đã tấn công
Ítrael khi được vua Giuđa cầu cứu. Vua Átsua nhanh chóng chiếm phần lớn lãnh thổ của vương quốc Ítraen, biến
vương quốc này thành một nước chư hầu của Átsua.[13]
Về đời sống tôn giáo, theo các sử gia của
sách các Vua quyển 2, có một điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều lần kéo dài từ
thời vua Giarópam II cho tới vua Hôsê: “Vua đã làm sự dữ trái mắt Đức Chúa”.[14]
Điều này muốn nói lên đời sống chìm đắm trong sa đọa, bất trung của dân Ítraen.
Họ đã thực sự lãng quên Thiên Chúa của cha ông họ, đã từ bỏ giao ước trung
thành với Thiên Chúa để sùng bái ngẫu tượng, thần ngoại.[15]
Đồng thời bối cảnh chính trị quá phức tạp đã góp phần làm cho đời sống tôn giáo
của người dân Ítraen trở nên phức tạp, cụ thể là xu hướng tổ hợp tôn giáo
(syncretism) trong đời sống đạo của dân Ítraen, khi vừa thờ Thiên Chúa, nhưng
cũng thờ thần Baan của dân ngoại (Hs 1,2; 2,10.15; 13,1).[16]
Không những thế, việc sát tế dâng hương trên các đỉnh núi, ngọn đồi, dưới bóng
cây sồi, cây hương, cây sến (Hs 4,13) cũng diễn ra phổ biến trong toàn vùng
Ítraen.
Kế đến, đời sống luân lí của dân Ítraen
cũng gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Trong dân chẳng có thành tín, chỉ có bội thề,
dối trá, sát nhân và trộm cướp. Áp bức, rượu chè, đàn điếm, giết chóc diễn ra
khắp nơi (Hs 4,1-2. 11). Đời sống tôn giáo chẳng còn thánh thiện. Hàng tư tế
cũng giao du với phường kĩ nữ, cũng tế lễ với điếm thần (Hs 4, 14). Như vậy, cả
thường dân lẫn hàng tư tế, đời sống luân lí đã băng hoại, đã đi đến sự đổ nát
bên trong lẫn bên ngoài, như lời ngôn sứ Hôsê đã thốt lên, quả thực Ítraen đã
trở thành: Xứ sở tan thương, dân cư tàn tạ (Hs 4, 3).
Như vậy, trước bối cảnh đầy khó khăn, đầy
biến loạn từ khía cạnh chính trị - xã hội tới chiều sâu tâm linh, ngôn sứ Hôsê
xuất hiện không chỉ như một sự bừng tỉnh, một sự đánh thức, một sự răn đe,
nhưng Hôsê đến còn mang một niềm hi vọng trong lịch sử đầy đen tối của dân
Ítraen. Vậy, sứ điệp ngôn sứ Hôsê loan báo là gì? Tình yêu lạ lùng của Thiên
Chúa và đời sống bội tín của Ítraen được Hôsê trình bày cụ thể ra sao? Với cái
nhìn bao quát, Người viết đi vào tìm hiểu ba chương đầu của sách Hôsê.
3. Tìm Hiểu Bản Văn
Để có thể hiểu rõ và khám phá được nét
kì diệu trong tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa vượt trên tội lỗi và sự bất
trung của con người, người viết muốn đặt đoạn văn Hs 2, 16-25 trong bối cảnh ba
chương đầu của sách Hôsê.
Ba chương đầu của sách Hôsê được sắp xếp
theo một cấu trúc khá rõ ràng: phần mở đầu và kết thúc được trình bày bằng văn
xuôi (chương 1 và 3) nói về cuộc hôn nhân đặc biệt của ngôn sứ Hôsê.[17]
Phần trung tâm là phần thơ (chương 2) được chia thành hai phần: một là hạch tội
và tuyên bố án phạt đối với Ítraen (Hs 2, 4-15) và hai là trình bày về tình yêu
và sự tha thứ của Thiên Chúa dành cho Ítraen (Hs 2, 16-25).[18]
Trước
tiên, bố cục phần mở đầu (chương 1) và phần kết thúc (chương 3) dường như được
trình bày theo lối đối xứng.[19]
Hôsê 1, 2-3 |
Hôsê 3, 1-2 |
Đức
Chúa phán với ông Hôsê |
Đức Chúa phán với tôi |
Hãy
đi |
Cứ đi |
Cưới
một người đàn bà |
Yêu một người đàn bà |
Làm
điếm |
Đang có tình nhân và ngoại tình |
Sinh
những đứa con đàng điếm |
|
Vì
cả xứ đều bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm |
Vì chúng lại quay lưng đi theo các thần khác |
Ông
đã đi cưới bà Gôme. |
Tôi đã bỏ ra mười lăm đồng bạc, ba mươi thùng lúa mạch, để
mua nàng về. |
Có
thể thấy, sách Hôsê mở đầu với lời Đức Chúa phán như là một lệnh
truyền lạ lùng, gây “shock” cho ngôn sứ Hôsê khi bảo ông đi kết hôn với một người
đàn bà, mà người đàn bà cả trong hai trường hợp đều ở trong tình trạng bị ràng
buộc bởi luật Ítraen.[20]
Tiếp đến, trong lời phán của Đức Chúa, có sự xuất hiện của cụm từ “cả xứ” và
“chúng”: “cả xứ đều bỏ Đức Chúa mà đi làm điếm” (Hs 1,2) và “chúng lại quay
lưng đi theo các thần khác” (Hs 3,1). Như vậy, lời Đức Chúa phán, giờ đây,
không chỉ nhắm tới hai nhân vật Hôsê và Gôme, nhưng là cả toàn dân Ítraen. Hình
ảnh người đàn bà trong cả hai trường hợp trên cũng muốn ám chỉ đến tình trạng bất
trung, đời sống sa đọa về khía cạnh tôn giáo và luân lí của dân Ítraen. Kết
thúc hai đoạn văn, ngôn sứ Hôsê đều thi hành mệnh lệnh của Chúa: Kí kết hôn
nhân.[21]
Kế đến, phần trung tâm (chương 2) được
trình bày theo thể loại thơ ca. Cụ thể, nhiều học giả[22]
thấy có hai thái cực và hai cung giọng diễn ra trái ngược nhau trong đoạn này.
Thứ nhất là thái cực hăng say lên án sự bất trung của vị hôn thê thất tín và đồng
thời tuyên bố án phạt với ngôn ngữ nặng nề, thậm tệ, tàn nhẫn (2, 4-15).[23]
Vì sự “ngoại tình” (2,4) nên “đưa nó ra tòa đi” “nó đều phải vứt bỏ” (2,4), “biến
nó thành sa mạc hoang vu, đất khô khan cằn cỗi” (2,5), “con cái chúng, Ta sẽ
không thương” (2,6). Vì việc theo thờ thần ngoại “dâng kính Baan” (2,10), nên
“Ta sẽ trừng phạt” (2,15), “biến chúng thành bụi rậm, mặc dã thú gặm tan hoang”
(1,14). Đoạn văn này, tác giả đã sử dụng một cung giọng vô cùng gay gắt để phán
xét và hạch tội trước tình trạng hoang đàng, sa đọa và vô luân của Ítraen.
Thái cực thứ hai diễn tả sự dịu hiền,
lòng tha thứ và tình thương vô biên của Thiên Chúa với sự chuyển đổi hoàn toàn
trong cung giọng ở những câu cuối của chương 2, 16-25. Tác giả đã thay đổi việc
dùng ngôn ngữ để biểu đạt sự dịu hiền và tình yêu thương của Thiên Chúa trước
những tội lỗi của Ítraen và cho thấy sự kỳ diệu trong tình yêu và sự tha thứ của
Thiên Chúa đã vượt trên sự phản bội và tình trạng tội lỗi của toàn Ítraen. Cụ
thể, vì yêu, Thiên Chúa chấp nhận tội lỗi của dân và tìm mọi cách thể để được đến
gần Ítraen như “quyến rũ”, và đưa họ vào sa mạc để “thổ lộ tâm tình” (2,16).
Ngài cũng gọi dân với cái tên đầy thân thương, trìu mến như người tình: “Mình
ơi” (3,18). Đặc biệt, Ngài chẳng màng tới tội lỗi của Ítraen. Tội ngoại tình của
dân dường như được xóa bỏ để họ trở thành “cô dâu mới”, trong trắng, tinh tuyền
trong hôn ước vĩnh cữu với Thiên Chúa (2,21).
Vậy, ngôn sứ Hôsê đã vẽ nên bức tranh về một Thiên Chúa đầy yêu thương, yêu đến si mê, yêu trong tha thứ và đầy kiên nhẫn như thế nào trong Hs 2,16-25 trước những tội lỗi của dân Ítraen. Sau đây, người viết đi vào chi tiết bản văn, hi vọng có thể giải đáp những câu hỏi trên.
4.
Tình Yêu Lạ Lùng Của Thiên Chúa (Hs 2, 16-25)
4.1
Sa Mạc Nơi Tình Yêu Thiên Chúa Được Biểu Lộ
Dường như, để có thể biến đổi dân
Ítraen, kéo họ ra khỏi tội lỗi, ra khỏi những lệ thuộc vào thế lực thần ngoại và
giúp họ có thể khám phá lại tương quan, tình yêu với Ngài, Thiên Chúa đã đi bước
trước để “quyến rũ” và “đưa nó” vào sa mạc mà “thổ lộ tâm tình” (Hs 2,16).
Nếu Hs 2, 4-15 là một khung cảnh hạch tội,
phán xét, trừng phạt trước tình trạng dân Ítraen chạy theo ngẫu tượng, thờ thần
Baan, lên án lối sống sa đọa trong đời sống luân lí, thì mở đầu cho Hs 2, 16-25
xuất hiện một hình ảnh hoàn toàn trái ngược, đó là một Thiên Chúa si tình. Đặc
biệt, dường như trong Hs 2, 4-15, tác giả không đề cập tới bất kì một chi tiết
nào nói về sự thay đổi, hoán cải hay một hành động trở về, ăn năn của Ítraen
trước những phán xét và trừng phạt, nhưng chỉ thấy hình ảnh Thiên Chúa có một
tình yêu lạ lùng, luôn hành động trước.[24]
Tình yêu lạ lùng này bắt đầu với ba động từ “quyến rũ”, “đưa” và “thổ lộ” gợi
lên một tiến trình tiếp cận Ítraen để tỏ lộ tình yêu và sự quan tâm của Thiên
Chúa. Đây là một tiến trình tiếp cận đầy nhẫn nại, từ tốn và yêu thương để cho
thấy Thiên Chúa đã không vội vã, vồ vập, áp đặt nhưng dịu dàng quyến rũ để đưa
họ vào sa mạc, về sự hoán cải, về sự phục hưng.[25]
Có lẽ, trước tiên Thiên Chúa muốn nhắc
nhở họ về lịch sử dân tộc “ngày nó đi lên từ Ai Cập (2,17),[26]
con cái Ítraen đã như những đứa trẻ thơ, nép vào lòng Thiên Chúa, trung thành, tin
tưởng vào sự quan phòng, che chở và yêu thương của Người ra sao. Để từ đó,
Thiên Chúa một lần nữa muốn thiết lập lại tương quan với con cái Người, muốn phục
hồi lại đời sống thân tình như thuở ban đầu; muốn được tiếp tục yêu những người
con của mình, dẫu chúng lỗi phạm, bất trung; muốn được nối lại sự đối thoại và
phục hồi sự hiệp nhất với dân của Người.
Hành động này của Thiên Chúa phần nào cho thấy “Người không giữ mãi cơn
giận, nhưng chuộng lòng nhân nghĩa” (Mk 7,18) và thực tại tối hậu của Người là
“Đấng giàu lòng từ bi và nhân hậu, hay nén giận và giữ lòng nhân nghĩa với muôn
ngàn thế hệ” (Xh 34,6-7).[27]
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra, tại sao
Thiên Chúa phải “quyến rũ” để đưa dân của Người vào sa mạc mà “thổ lộ tâm
tình”? Tại sao phải là sa mạc mà không phải là một nơi khác? Trước tiên, “quyến
rũ” ( פָתָה
- allure) được xem là một hành vi lôi kéo, dụ dỗ một người nào đó ra khỏi
con đường đáng lẽ người đó phải theo, làm cho người ấy mê mẩn mà làm theo ý của
mình[28]
như Xh 22,15 – một người đàn ông quyến rũ một thiếu nữ chưa đính hôn để ăn nằm
với nàng; Gr 20,7 – Đức Chúa đã quyến rũ Giêrêmia để làm ngôn sứ cho Người. Như
vậy, đứng trước những sa đọa tội lỗi mà Ítraen đang chìm đắm, Thiên Chúa nhìn
mà chẳng đành, nên Người đã quyết định quyến rũ, lôi kéo họ ra khỏi tình trạng
tội lỗi, ra khỏi thói đời lễ nghi của việc thờ thần ngoại và đưa họ vào sa mạc
để bày tỏ tình yêu của Người, để giúp họ nhớ lại tương quan với Thiên Chúa. Như
vậy, Thiên Chúa đã không từ bỏ một phương tiện nào để chinh phục Ítraen, để
hòng nối lại dây tương quan và tình yêu với dân Ngài.[29]
Tiếp đến, hình ảnh “sa mạc” có thể được
xem xét dưới hai tầng ý nghĩa. Thứ nhất là ý nghĩa về nơi của thử thách và của
sự khởi đầu.[30] Trong
Kinh Thánh “sa mạc” (הַמִּדְבָּ֑ר – desert) là nơi “khủng khiếp, đầy rắn lửa và
bọ cạp, là miền đất khô cằn không giọt nước” (Đnl 8,15), là nơi của ma quỷ (Is
13,21). Nơi đây, thời Xuất Hành, còn được
xem là thời kì của thử thách (thử thách về đức tin, về sự trung thành với Thiên
Chúa) của dân được Thiên Chúa tuyển chọn (dân Israel) (Đnl 6-8). Ngoài ra, thời
Ítraen ra khỏi Ai Cập, sự khắc nghiệt của sa mạc đã làm cho Ítraen đối diện với
phận người đầy đau khổ, đầy giới hạn, khi họ bị tước đoạt hết mọi sự. Cuối
cùng, họ phải nại tới Thiên Chúa, phải cậy dựa vào Thiên Chúa, với một Đấng
Siêu Vượt hơn họ. Lúc đó, Thiên Chúa chính là nguồn cậy trông, niềm hi vọng
giúp họ vượt qua những khốn cùng trong sa mạc.[31]
Vì thế, trong “sa mạc” không chỉ là nơi ghi dấu những thử thách trong lịch sử của
Ítraen, nhưng cũng là nơi lưu giữ biến cố tình yêu diệu vời của Thiên Chúa dành
cho họ (Đnl 8,2; 15-18). Ở đó, Ítraen được Thiên Chúa ủi an, chăm sóc (1V 19,4;
Kh 12,6) và họ được gieo hi vọng một sự sống mới, một tương lại mới, một điều
gì đó tốt đẹp hơn (Gr 31,2; Ed 20,10-38).
Hơn nữa, sa mạc chính là nơi Thiên Chúa
thiết lập giao ước với dân Ítraen. Đó chính là giao ước trên núi Sinai (Xh 19.20).
Tại núi Sinai, Thiên Chúa đi bước trước, vì Người đoái thương dân tộc Ítraen và
muốn cho dân tộc đó được trở thành dân riêng, thành con cái của Người (Xh 4,23)
nên Người đã kí một giao ước với dân Ítraen với nội dung Đức Chúa sẽ là Thiên
Chúa duy nhất của Ítraen (Xh 20,2-5) và Ítraen là dân riêng, dân được Thiên
Chúa tuyển chọn (Xh 19, 5-6). Đó cũng chính là tầng ý nghĩa thứ hai của “Sa mạc”:
qua giáo ước Sinai, không phải luôn luôn, nhưng Ítraen đã từng ở trong tình trạng
trung thành và tương quan gắn bó với Thiên Chúa trong thời dân ra khỏi Ai Cập
đi trong sa mạc. Có nhiều lần phản bội với giao ước nhưng rồi họ vẫn trở về với
Thiên Chúa, vẫn trung thành với một Thiên Chúa duy nhất trong đời sống tôn giáo
của họ. Như vậy, sa mạc diễn tả tình trạng tín trung và tương quan yêu thương gắn
bó giữa Thiên Chúa với Ítraen.
Như vậy, để cho thấy, dù có bất trung với
Thiên Chúa, nhưng Ítraen không bao giờ bị Thiên Chúa bỏ rơi. Trái lại, Người
luôn đi tìm họ, dõi bước theo họ, và kêu gọi họ trở về với Ngài. Bằng hành động
quyến rũ “người tình bất trung”,[32]
đưa vào sa mạc để được ở bên, thổ lộ tâm tư tình cảm, mà chẳng màng đến những
gì “người tình” đã và đang làm. Rõ ràng, Thiên Chúa đã dành một tình yêu lạ
lùng cho dân Ítraen, vượt trên cả sự phản bội, sự bất trung của dân Người. Thực
sự, Thiên Chúa có giận (những hạch tội, phán xét 2, 2-15), nhưng cơn giận đó
không sao có thể phủ lấp đi tình thương và lòng nhân hậu của Người. Như ngôn sứ
Isaia cũng nói: “Trong một thời gian ngắn, Ta đã ruồng bỏ ngươi, nhưng vì lòng
thương xót vô bờ, Ta sẽ đón ngươi về tái hợp. Lúc lửa giận bừng bừng, Ta đã một
thời ngoảnh mặt chẳng nhìn ngươi, nhưng vì tình nghĩa ngàn đời, Ta lại chạnh
lòng thương xót, Đức Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi, phán như vậy” (Is 54,7-8). Hay
lời của ngôn sứ Nơkhemia cũng đã thốt lên: “Thiên Chúa là Đấng từ bi nhân hậu,
chậm bất bình, giận dữ nhưng giàu tình xót thương đã không bỏ rơi họ… Và cả khi
họ xúc phạm nặng nề đến Chúa, thì Ngài vẫn mở lượng hải hà” (Nkm 9,16-19). Có
thể nói, tình yêu của Thiên Chúa không dừng lại ở lời nói, nhưng bằng những
hành động cụ thể. Ngài không chờ con người hành động, nhưng luôn Đấng đi trước
trong việc tìm gặp con người. Điều này có thể diễn tả tình yêu của Ngài lớn đến
mức Ngài khiêm nhường đối với cả thụ tạo của mình và làm mọi thứ để được đụng
chạm, được yêu thụ tạo của mình.
Hơn thế nữa, tình yêu lạ lùng vượt quá suy nghĩ của con người khi cao trào được đẩy tới một hành động cụ thể bằng việc kí kết hôn ước vĩnh cửu trong công minh, chính trực, ân tình và xót thương giữa Thiên Chúa với Ítraen (Hs 2, 21).
4.2
Hôn Ước Tình Yêu Vĩnh Cửu
Sau khi đã quyến rũ Ítraen vào sa mạc để
thổ lộ một tình yêu duy nhất, bất biến của Thiên Chúa, Người không chỉ dừng lại
ở mức cảm xúc, tình cảm, nhưng giờ đây Thiên Chúa tiếp tục một lần nữa đi bước
trước, bày tỏ tình yêu tín trung của Người bằng việc kí kết với Ítraen một hôn
ước vĩnh cửu - một hôn ước vượt xa giao ước Sinai.[33]
Cụ thể, Thiên Chúa nói: “Ta sẽ lập với
ngươi một hôn ước (וְאֵרַשְׂתִּ֥יךְ) vĩnh cửu. Ta sẽ lập hôn ước (וְאֵרַשְׂתִּ֥יךְ)
với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương. Ta sẽ lập
hôn ước (וְאֵרַשְׂתִּ֥יךְ) với ngươi trong tín thành, và ngươi sẽ được biết Đức
Chúa” (Hs 2, 21-22). Nếu trước đó, ở phần hạch tội, Hôsê đã vẽ nên một viễn cảnh
không còn hi vọng, không xót thương, đầy sự tan tóc và tàn phá để trả đũa cho sự
bất trung của Ítraen:[34]
“đưa nó ra tòa”, “Ta sẽ lột trần nó ra”, “Ta sẽ không thương”, “Ta sẽ trừng phạt”.
Vậy mà giờ đây, Thiên Chúa sẵn sàng lập hôn ước với họ, một cuộc hôn ước kéo
dài muôn đời mà chẳng đòi hỏi một điều kiện nào.[35]
Đầu tiên, động từ אָרַשׂ (to
betroth, to wed – thành hôn, kết hôn) được lặp đi lặp lại ba lần và động từ này
được xem như “chìa khóa” của toàn đoạn văn Hs 2, 16-25,[36] nhằm cho thấy tình yêu
mãnh liệt và si tình của Thiên Chúa lạ lùng đến nhường nào. Hơn nữa, cuộc hôn
nhân vĩnh cửu mà Thiên Chúa muốn thiết lập với Ítraen thật đặc biệt, vì trong
Kinh Thánh, động từ אָרַשׂ,[37] được dùng trong trường hợp
kết hôn với một trinh nữ như Xh 22,16; Đnl 20,7; 22,23; 28,30. Như vậy, có thể
xem Thiên Chúa chẳng còn màng tới sự bất trung của Ítraen, dường như quá
khứ tội lỗi của Ítraen ngoại tình đã được xoá sạch, để rồi hiện tại cũng như
tương lai của Ítraen được bắt đầu một khởi điểm hoàn toàn mới[38]
như ngôn sứ Isaia đã viết: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như
tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is1,18) hay trong ngôn sứ
Giêrêmia “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng
nữa” (Gr 31,13).
Hơn nữa, trong hôn ước vĩnh cửu này,
Thiên Chúa đã liệt kê năm đặc tính trong hôn nhân giữa Người với Ítraen và được
sắp xếp theo các cặp: công minh và chính trực; ân tình và xót thương, và tín
thành. Đầu tiên, công minh (בְּצֶ֣דֶק – righteousness) và chính trực (וּבְמִשְׁפָּ֔ט
– justice). Ngay từ sách Sáng Thế, công minh chính trực là chuẩn mực mà Thiên
Chúa đã truyền lại cho Ápraham và cho con cháu ông phải tuân giữ, như là điều
kiện để Ngài thực hiện lời hứa của Ngài (St 18,19). Trong sách Đệ Nhị Luật và Lêvi,[39]
cặp đặc tính: công minh – chính trực luôn đi chúng với nhau và được xem là tiêu
chuẩn tiên quyết để bảo vệ sự công bằng và chân lí trong đời sống. Đây còn là cặp
nhân đức mà Thiên Chúa mến chuộng và khi sống cặp nhân đức này, Ítraen được
tình thương Chúa chan hòa mặt đất (Tv 33,4). Họ được sống, sống lâu, sống yên
hàn, sinh sôi và được chiếm hữu đất mà Thiên Chúa đã hứa ban cho Ítraen làm gia
nghiệp.[40]
Thứ hai, ân tình (וּבְחֶ֖סֶד –
lovingkindness) và xót thương (וּֽבְרַחֲמִֽים׃ – mercy) là cặp đặc tính mà
Thiên Chúa hằng khao khát Ítraen tuân giữ để được Thiên Chúa chúc phúc, giữ gìn
và tình thương của Người được luôn đổ tràn trên dân, từ con người cho tới hoa
màu, thú vật (Đnl 7. 12). Đồng thời, cũng nói lên tình thương của Thiên Chúa,
luôn từ bi, không bỏ mặc, không tiêu diệt và không quên giao ước Người đã thề với
cha ông của Ítraen (Đnl 4,31; Tv 78,38).[41]
Đặc biệt, ngôn sứ Giêrêmia đã khắc họa lòng xót thương của Thiên Chúa như một mối
tình muôn thuở Ngài dành cho Ítraen: “Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn
thuở, nên ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31,3).
Đặc tính cuối cùng là tín thành (בֶּאֱמוּנָ֑ה
– faithfulness). Một Thiên Chúa luôn tín thành, không mảy may gian dối (Đnl
32,4), muôn ngàn đời vẫn trọn tình thường và lòng thành
tín của Ngài trải thế hệ (Tv 100,5). Người luôn bảo vệ và yêu thương con
cái Ngài trước kẻ thù hung hãn (Tv 89,23-24). Ngoài ra, vì thành tín dân Ítraen
đã được Thiên Chúa chúc phúc (2Sbn 2), được sống yên hàn (Tv 37,3), được đầy dư
phúc lành và thoát khỏi muôn vàn hình phạt (Cn 28,20).
Như vậy, dù Thiên Chúa có đau buồn và
có tức giận trước sự ngu muội buông theo bội tín của Ítraen (Hs 11,7), nhưng vì
quá si mê, quá yêu Ítraen và vì lòng tín thành của Người, đã khiến trái tim
Ngài thổn thức và ruột gan Ngài bồi hồi (Hs 7,8), nên Thiên Chúa đã không thể bỏ
rơi con cái của Ngài, không thể đoạn giao với Ítraen, như ngôn sứ Isaia đã viết:
“Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49,15)
hay trong sách ngôn sứ Hôsê: “Đức Chúa yêu thương con cái Ítraen, trong khi
chúng lại quay lưng đi theo các thần ngoại” (Hs 3,1). Chính việc thiết lập hôn
ước vĩnh cửu với năm đặc tính: công minh, chính trực, ân
tình, xót thương, và tín thành, cho thấy Thiên Chúa đã dám làm tất cả để
hòng có được tình yêu của Ítraen.[42]
Dẫu Ngài biết rủi ro, cũng như sự bất trung của họ chắn sẽ tiếp tục diễn ra,
nhưng Ngài giống như người si tình, bất chấp làm mọi thứ để có được người mình
yêu. Có thể nói, khi đã dấn thân vào mối tình với con người trong hôn ước vĩnh
cửu, Ngài cũng dám đón nhận hết những hệ lụy của mối tình này, đón nhận cả những
bi đát đau thương của tình yêu. Từ một Đấng ở thế chủ động, Ngài bước xuống, hạ
mình ở thế bị động, chấp nhận rủi ro trong hôn ước vĩnh cửu này. Có lẽ, Thiên
Chúa đã trở nên yếu đuối trong tình yêu với Ítraen vì Ngài đã trao ban tất cả
tình yêu của Ngài và cũng chỉ cần tình yêu trên tất cả mọi sự[43]
như trong Hôse đã viết: “Vì Ta muốn tình yêu chứ không cần hy lễ, thích được
các ngươi nhận biết hơn là được của lễ toàn thiêu” (Hs 6,6).
Tuy nhiên, hôn ước này cũng cho thấy nét
kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa, của một Thiên Chúa mà con người không bao giờ
hiểu hết. Dân càng đàn điếm, tội lỗi, chẳng còn tín thành, chẳng có ân nghĩa
(Hs 11,8), thì tình yêu Thiên Chúa lại càng mãnh liệt, càng chẳng nỡ bỏ rơi và
càng yêu thương chúng hết tình (Hs 14,5). Thậm chí, Ítraen càng phản bội với
giao ước thì Ngài lại càng muốn cột chặt muôn đời với họ trong hôn ước vĩnh cửu.
Cho nên, chính hôn ước vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã kí kết là minh chứng rõ ràng
và cụ thể cho tình yêu lạ lùng và mãnh liệt này của Ngài. Đây không phải là một
tình yêu trừu tượng, chỉ ở trời cao, nhưng là một tình yêu cụ thể, một tình yêu
dấn thân trọn vẹn một cách đam mê, đầy sự sống, đầy cảm xúc, có thể xem yêu như
điên, yêu bất chấp.[44]
Như vậy, từ việc quyến rũ để đưa Ítraen
vào sa mạc để thổ lộ tâm tình, để ước mong được kề bên, được trò chuyện, đến
quyết định táo bạo bằng hôn ước vĩnh cửu, Hôsê đã khắc họa một Thiên Chúa si
tình, rất người với đầy cung bậc cảm xúc của một người đang yêu và muốn được
yêu. Thật sự, Ngài là một Thiên Chúa thổn thức vì yêu, đau khổ vì yêu, tổn
thương vì yêu và đã tìm mọi cách thế chỉ để mong có được tình yêu từ Ítraen – một
người tình đã làm cho Ngài bao lần đau khổ. Tuy nhiên, hình ảnh bất trung của
Ítraen và tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ năm xưa không chỉ gói gọn trong lịch
sử Ítraen hơn 2000 năm trước, nhưng ý nghĩa sứ điệp trong lời rao giảng của
ngôn sứ Hôsê còn mang tính phổ quát cho mọi thời đại, ngay cả lúc này, nơi đây,
cụ thể cho chính cá nhân người viết – một tu sĩ đã kí kết hôn ước với Thiên
Chúa.
5. Bài Học
Phản Tỉnh
Qua hai câu chuyện tình bi thương, trắc trở, nhưng đầy kì diệu
giữa Hôsê với người vợ Gômê và giữa Thiên Chúa với dân Ítraen, người viết có cơ
hội cảm nghiệm hơn về tình yêu diệu kì của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Đồng
thời, hình ảnh người vợ Gômê và dân Ítraen như là tấm gương phản chiếu chân thực
về cuộc đời và hành trình sống đức tin, cũng như con đường theo Chúa trong ơn gọi
dâng hiến của người viết.
Trước tiên, Thiên Chúa đã cúi xuống với lịch sử con người, một
lịch sử chất chồng bao tội ác, bất trung và hoang đàng. Tuy nhiên, đứng trước sự
ác của con người, Thiên Chúa đã không đành hủy diệt những đứa con tội lỗi của
mình, nhưng bằng tình yêu tuyệt đối, Ngài vẫn ôm lấy thân phận mỏng dòn của con
người, vỗ về và nói lời yêu thương. Vì một điều không bao giờ thay đổi rằng: Thiên
Chúa luôn mãi là Đấng nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương và qua
bao thế hệ, Ngài vẫn giữ một niềm thành tín (Tv 100,5). Nếu Người có giận, cũng
chỉ giận trong giây lát, nhưng yêu thương, Ngài thương suốt cả đời (Tv 29,6).
Chính vì thế, tình yêu của Thiên Chúa trước đây vẫn thế, hôm nay vẫn thế và
muôn đời vẫn thế, không bao giờ thay đổi. Ngài vẫn đeo đuổi cuộc đời mỗi người
chúng ta, luôn đi bước trước để tìm gặp, vẫn đứng ở một góc dễ nhìn để chờ đợi
và mĩm cười trông ngóng dù con người trượt dài trong tội như thế nào đi chăng nữa.
Đặc biệt, Thiên Chúa đã không yêu con người một cách sơ sơ, xa
xa, yêu tạm thời, yêu trên môi miệng, nhưng Ngài yêu một cách cụ thể, gần gũi, trọn
vẹn và mãi mãi, đến nỗi ban chính Con Một của mình (Ga 3,16). Con Một của Ngài chính
là Chúa Giêsu Kitô – một vị Thiên Chúa toàn năng đã chấp nhận bước vào trong giới
hạn, trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như
người trần thế. Thậm chí, Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu
chết, chết trên cây Thập Giá (Pl 2, 7-8). Đó là một tình yêu không biết phải diễn
tả như thế nào. Yêu đến dâng hiến cả cuộc đời mình, là chấp nhận chết một cách
đau đớn tủi nhục với tất cả con người chứ không chết trong lòng một ít như cách
mô tả của nhà thơ Xuân Diệu.
Như vậy, thời Cựu Ước, khuôn mặt yêu thương của Thiên Chúa thể
hiện qua cách Ngài chăm sóc và giữ gìn con cái Ítraen. Qua Tân Ước, chúng ta nhận
biết một Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu cách thật chân thực qua khuôn mặt cụ thể
là Chúa Giêsu Kitô. Chính Thiên Chúa trở thành người và đi xuống tận cùng kiếp
người để đồng cam cộng khổ với con người.
Kế đến, lịch sử Thánh Kinh ghi lại bao lần lập giao ước, cũng
bấy nhiêu lần con người đơn phương phá vỡ bằng sự bất trung. Nhưng dù cho con
người có ngàn lần phản bội, thì Thiên Chúa vẫn trung tín, vì “giao ước đã lập
ra, muôn đời Chúa nhớ mãi” (Tv 111,5). Sự trung tín của Thiên Chúa còn cho thấy
sự kiên trì chờ đợi và tha thứ cho con người. Ngài không mỏi mệt chờ đợi, không
mỏi mệt thứ tha, càng không mỏi mệt để chữa lành cho chúng ta. Ngài vẫn luôn
khao khát giữ mỗi người chúng ta ở lại bên Người và cố gắng gieo vào lòng chúng
ta niềm hy vọng một cuộc sống tốt hơn. Hơn nữa, khuôn mặt tha thứ của Thiên
Chúa đã được mặc khải trọn vẹn nơi Chúa Giêsu. Ngài đã sống trọn vẹn về lòng
thương xót của Thiên Chúa. Ngài trở nên biểu hiện của tình yêu tha thứ, mà đỉnh
cao trọn vẹn tình yêu được giãi bày trên cây Thập Giá, hình ảnh tuyệt vời của sự
tha thứ “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Tuy nhiên, khi nói đến tình yêu diệu kì và sự tha thứ không mỏi
mệt của Thiên Chúa, thì trái tim đau khổ của Thiên Chúa cũng cần được nói đến. Vì
Chúa đã yêu con người bằng trái tim của con người, chứ chẳng phải là trái tim của
một vị thượng đế xa xôi, mơ hồ. Thế nên, trái tim đó chắc chắc cũng bị xâu xé,
biết đau, biết nhói. Như Hôsê đã mô tả, trái tim Chúa thổn thức, ruột gan Ngài
rối bời (Hs 11,8), vì cứ mãi yêu, cứ mãi lao mình vào con người, cứ mãi chịu đựng
để rồi những gì Ngài nhận lại không ít là vết cắt, vết thương, là những nỗi
đau. Jean Pierre Prevost cũng nhận định: “Có một Thiên Chúa bị thương trầm trọng
khi thường xuyên bị đẩy đến cùng vì sự vô ơn bạc nghĩa của con người.”[45] Sao có thể diễn tả nỗi đau
đớn và tổn thương của Thiên Chúa khi chính những đứa con Chúa yêu thương hết mực,
dành tất cả tình yêu để chăm sóc và bảo vệ, giờ đây lại phản bội và vô tâm với
những gì Thiên Chúa dành cho họ. Như vậy, có một Thiên Chúa cũng rất cô đơn, rất
đau khổ và quá đỗi trầy trụa chỉ vì yêu con người. Tuy nhiên, tưởng như điều
này làm cho Thiên Chúa trở nên yếu nhược, bất lực trước sự vô ơn, bội tín và
hoang đàng của con người, thì chính những đau khổ, thổn thức này lại khắc họa nổi
bật sự kì diệu trong tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa rằng: dù có đau đớn thế
nào, Thiên Chúa vẫn chọn được yêu và tha thứ cho con người.
Cuối cùng, cá nhân người viết nhận thấy rằng những điều xấu
xa của Gôme hay Ítraen cũng là một phần trong con người mình. Chính mỗi ngày sống
với những chọn lựa, thái độ và hành động, người viết vô tình sống lại kinh nghiệm
bất trung và hoang đàng của Gôme và Ítraen xưa. Dẫu được giáo dục, được sống
trong môi trường Công giáo, dòng tu và đặc biệt với tất cả tự nguyện, tự do đã
kí kết “hôn ước” với Thiên Chúa với ba khuyên Phúc Âm, nhưng người viết vẫn để
con người mình cuốn theo những lời mời mọc ngọt ngào đầy hứa hẹn và thoải mái của
thế gian mà bao lần quên đi căn tính tu sĩ, căn tính Kitô giáo và hôn ước khấn
dòng của mình.
Nếu Ítraen cứ mãi chạy theo thần ngoại hay Gômê trở về với
nghề làm điếm thì chính những lúc đặt những giá trị vật chất tiền tại, dục vọng
lên trên Thiên Chúa, người viết đã bỏ rơi Thiên Chúa, trở về với những xấu xa, chạy
theo những thú vui vật chất ở đời. Hay khi gặp khó khăn, Ítraen cậy nhờ ngoại
bang mà chẳng màng nhớ tới Thiên Chúa thì người viết cũng lươn lẹo, cậy dựa sức
mình, sức người hơn khiêm tốn, phó thác vào sự quan phòng và soi sáng của Thiên
Chúa. Và nếu một Ítraen đi hoang, Thiên Chúa thống thiết gọi hoài chẳng nghe,
khuyên hoài chẳng về, thì cá nhân người viết cũng đã lúc u mê trong tội, khép
kín mình trong thế giới thoải mái, ích kỉ nhỏ bé của mình mà chẳng màng tới việc
chăm sóc, nuôi dưỡng tương quan với Thiên Chúa. Nhất là, những lần Ítraen phản
bội lại giao ước, cũng là những lần người viết phá vỡ lời khấn với Chúa, không
trung thành với đường lối của Chúa và làm mờ đi căn tính tu sĩ của mình. Sau
cùng, cũng như Ítraen, dù có sa ngã, tội lỗi, đi hoang thế nào đi chăng nữa,
thì cũng đến lúc cảm thấy trống vắng, lạc lối, ê chề, để rồi cần đến tình
thương và tha thứ của Thiên Chúa. Đó chính là lúc cần đến một sự khởi đầu lại,
một hành động dám đứng lên và trở về với Chúa như dụ ngôn người con hoang đàng
(Lc 15, 11-32) và bắt đầu xây dựng lại tương quan với Chúa.
Như vậy, câu chuyện của Ítraen không phải là quá khứ, nhưng chính là thực tại. Sứ điệp của ngôn sứ Hôsê loan báo cách đây hơn 2000 năm, đã không đi vào dĩ vãng, nhưng vẫn có giá trị cụ thể cho con cái của Thiên Chúa ở mỗi thời, mỗi nơi, cách riêng là cho cá nhân người viết. Dẫu con người có tội lỗi, sa đọa thế nào đi chăng nữa, Thiên Chúa vẫn không buông tay, không bỏ rơi con người. Ngài vẫn nhẫn nại chịu đựng, vẫn tha thiết chờ đời sự trở về, vẫn không mệt mỏi để tha thứ và vẫn dành một tình yêu vĩnh cửu muôn thuở với mỗi từng người.
Tài Liệu Tham Khảo
Andersen, Francis I. & David N. Freedman. Hosea: A
New Translation with Introduction and Commentary. New York: Doubleday &
Company, 1980.
Heschel,
Abraham J. The Prophets. New York: Harper Perennial Modern Classics,
2001.
Kelle, Brad E. Hosea 2. Metaphor and Rhetoric in
Historical Perspective. Atlanta: Society of Biblical Literature, 2005.
Mccomiskey, Thomas Edward (ed.). The Minor Prophets. An Exegetical and Expository Commentary. Vol
1: Hosea, Joel, and Amos. Grand Rapids: Baker Book House, 1992.
Nogalski, James D. The Book of the Twelve. Hosea-Jonah.
Georgia: Smyth & Helwys Publishing, 2011.
Patterson, Richard D. & Andrew E. Hill. Minor
Prophets. Hosea-Malachi. Illionis: Cornerstone Biblical Commentary, 2015.
Prevost, Jean Pierre. Để Đọc Các Ngôn Sứ. Nguyên bản:
Pour Lire les Prophtes, chuyển dịch Thiên Hựu và Xuân Hùng, Sài Gòn: NXB Đông
Phương, 2017.
[1]
Nhà Thơ Xuân Diệu (1916-1985). Bài thơ Yêu nằm trong tập thơ Thơ thơ
(1938).
[2]
Abraham J. Heschel, The Prophets, New York: Harper Perennial Modern
Classics, 2001, 47.
[3] Richard D.
Patterson & Andrew E. Hill, Minor Prophets. Hosea-Malachi, Illionis:
Cornerstone Biblical Commentary, 2015, 37.
[4]
Abraham J. Heschel, The Prophets, 47.
[5]
Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Lời Chúa Cho Mọi Người: Kinh Thánh Cựu
Ước và Tân Ước, Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2010, 1484. (Dẫn nhập của sách Hôsê)
Abraham J. Heschel, The
Prophets, 48.
[6]
Thomas Edward Mccomiskey (ed.), The Minor Prophets. An Exegetical and
Expository Commentary. Vol 1: Hosea, Joel, and Amos, Grand Rapids: Baker
Book House, 1992, 13.
[7]
James D. Nogalski, The Book of the Twelve.
Hosea-Jonah, Georgia: Smyth & Helwys Publishing, 2011, 25.
[8]
Brad E. Kelle, Hosea 2. Metaphor and Rhetoric in Historical Perspective,
Atlanta: Society of Biblical Literature, 2005, 48.
[9]
Abraham J. Heschel, The Prophets, 48-49.
Đế quốc Átsua lúc này dưới
sự nắm quyền của vua Tiglat-Pileser III
(745-727 TCN).
[10]
2V 15, 20.
[11] Sirô là dân Aram, sống ở Đamát, giáp ranh phía Bắc của Ítraen. Ephraim là một bộ tộc lớn của dân Do Thái, sống ở cực Bắc của
Ítraen .
[12] Trước sự đe dọa của liên minh Sirô-Ephraim, vua Akhát chạy sang Átsua để
dâng cống phẩm và cầu cứu vua Tiglat-Pileser III. Tiglat-Pileser III gởi quân sang giúp Giuđa và đánh chiếm vương quốc miền Bắc. Lãnh thổ Ítraen
chỉ còn sót lại một mảnh nhỏ chung quanh thủ đô Samari, bị cô lập và liên tục bị
đe doạ bởi Átsua.
[13]
Abraham J. Heschel, The Prophets, 49. (In the Northern Kingdom of
lsrael, Menahem (745-738 B.C.E.), who had usurped the throne, became a vassal
of Assyria)
[14]
2V14, 24; 15, 9.18.24.28; 17,2.
[15]
Jean Pierre Prevost, Để Đọc Các Ngôn Sứ, nguyên bản: Pour Lire les
Prophtes, chuyển dịch Thiên Hựu và Xuân Hùng, Sài Gòn: NXB Đông Phương, 2017,
97.
[16]
James D. Nogalski, The Book of the Twelve. Hosea-Jonah, 59.
[17]
William Rainey Harper, The Structure of Hosea 1:2 -3:5, The University
of Chicago Press, google,
https://www.jstor.org/stable/pdf/528089.pdf?refreqid=excelsior%3A35332cfb0b87b49edcfbe259661ace7d
[18] Người viết theo
cách chia bố cục phần thơ của chương II theo học giả Thomas Edward Mccomiskey
(ed.), The Minor Prophets. An
Exegetical and Expository Commentary. Vol 1: Hosea, Joel, and Amos, Grand
Rapids: Baker Book House, 1992.
[19]
Jean Pierre Prevost, Để Đọc Các Ngôn Sứ, 99.
[20]
James D. Nogalski, The Book of the Twelve. Hosea-Jonah, 38. (Trong
văn hóa Do Thái, con gái làm điếm, nếu phát hiện sẽ bị xử tử (thiêu sống) (St
38, 24)
Trong sách Đệ Nhị Luật, nếu
phát hiện một người nữ làm điếm thì người phụ nữ đó sẽ bị ném đá đến chết (22,
21), hay luật cấm con gái Ítraen không được làm điếm thần (23:17-18).
[21]
Jean Pierre Prevost, Để Đọc Các Ngôn Sứ, 99.
[22]
Jean Pierre Prevost (Để Đọc Các Ngôn Sứ), Thomas Edward Mccomiskey (The
Minor Prophets), James D. Nogalski (The Book of the Twelve.
Hosea-Jonah), Francis. I. Andersen, & David. N. Freedman (Hosea: A
New Translation with Introduction and Commentary).
[23]
Jean Pierre Prevost, Để Đọc Các Ngôn Sứ, 103.
[24]
Francis.
I. Andersen, & David. N. Freedman, Hosea: A New Translation with
Introduction and Commentary, New York: Doubleday & Company, 1980, 263.
[25]
Jean Pierre Prevost, Để Đọc Các Ngôn Sứ, 105.
[26]
Thomas Edward Mccomiskey (ed.), The Minor Prophets, 42.
[27]
Francis.
I. Andersen, & David. N. Freedman, Hosea, 263.
[28]
Hành vi “quyến rũ” không mang nghĩa tiêu cực ở đoạn văn này, nhưng hành động
quyến rũ của Thiên Chúa trong khung cảnh hòa giải, lôi kéo Ítraen ra khỏi tội lỗi
để hòa giải với Thiên Chúa (Brad E. Kelle, Hosea 2. Metaphor and Rhetoric in
Historical Perspective, 267).
[29]
Jean Pierre Prevost, Để Đọc Các Ngôn Sứ, 122.
[30]
Brad E. Kelle, Hosea 2. Metaphor and Rhetoric in Historical Perspective,
268.
[31]
Richard D. Patterson & Andrew E. Hill, Minor Prophets. Hosea-Malachi,
70.
[32]
“Người tình bất trung”- Ítraen không chỉ được xem như người tình bất trung,
nhưng còn được xem người người yêu mà Thiên Chúa không nỡ, không thể từ bỏ dù
“nàng” có lỗi phạm, sa đọa thế nào.
[33]
Francis.
I. Andersen, & David. N. Freedman, Hosea, 266.
Giao ước Sinai được xem như cuộc
đính hôn giữa Thiên Chúa với Ítraen và hôn ước lúc này như một cuộc hôn nhân
vĩnh cửu Thiên Chúa muốn kí kết với Ítraen.
[34]
Jean Pierre Prevost, Để Đọc Các Ngôn Sứ, 105.
[35]
Thomas Edward Mccomiskey (ed.), The Minor Prophets, 45.
[36]
Brad E. Kelle, Hosea 2. Metaphor and Rhetoric in Historical Perspective,
277.
[37]
Trong Kinh Thánh, động từ אָרַשׂ (to betroth, to wed – thành hôn, kết hôn) xuất
hiện mười một lần: Xh 22,16; Đnl 20,7; 22,23; 22,25; 22,27; 22,28; 28,30; 2Sam
3,14, Hs 2,20; 2,21.
[38]
James D. Nogalski, The Book of the Twelve. Hosea-Jonah, 58.
[39]
Đnl
1,16; 16,18, 20; 25,15; Lv 9,16; 18,4; 18,26; 19,15; 20,22; 25, 18-19.
[40]
Thomas Edward Mccomiskey (ed.), The Minor Prophets, 45.
[41]
Richard D. Patterson & Andrew E. Hill, Minor Prophets. Hosea-Malachi,
72.
[42]
Francis. I. Andersen, & David. N. Freedman, Hosea, 283. Năm đặc
tính: công minh, chính trực, ân tình, xót thương, và tín thành được xem như là
cái giá để cưới một trinh nữ làm vợ.
[43]
Jean Pierre Prevost, Để Đọc Các Ngôn Sứ, 112.
[44]
Jean Pierre Prevost, Để Đọc Các Ngôn Sứ, 119.
[45]
Jean Pierre Prevost, Để Đọc Các Ngôn Sứ, 119 -120.
giỏi ri bay. cả đời anh mày, chưa viết được một bài nên hồn. viết nhiều vô, viết cho phần choa với nhé
ReplyDelete