Chiều Kích Nhân Bản của Jean Paul Sartre qua tác phẩm Thuyết Hiện Sinh Là Một Thuyết Nhân Bản (Existentialism is a Humanism)



Chiều Kích Nhân Bản của Jean Paul Sartre qua tác phẩm
Thuyết Hiện Sinh Là Một Thuyết Nhân Bản (Existentialism is a Humanism)



Nếu ai đã từng đọc qua tác phẩm Buồn Nôn (La Nausée) của Jean Paul Sartre (1905 – 1980) - một triết gia hiện sinh Pháp, có lẽ ít nhất một lần người đọc tự tra vấn chính mình bởi những câu hỏi chẳng hạn như sao một tác phẩm được xem là bản tuyên ngôn của chủ nghĩa hiện sinh lại mang màu sắc bi thảm, buồn chán, nôn mửa, hay đại loại những suy tư mang chiều kích tiêu cực, hoang bóng người đến thế. Thậm chí, nhiều người phê phán chủ nghĩa hiện sinh của J.P. Sartre là thứ triết học mời gọi con người cứ ở lì trong lo âu, vô vọng, vì mọi lối thoát trên đời đều đã bế tắc hay triết học của ông chỉ nhấn mạnh đến tình trạng ô nhục của con người, đâu đâu cũng chỉ thấy sự ti tiện, ám muội và đê hèn.[1] Không chỉ riêng tác phẩm Buồn Nôn, khi J.P. Sartre cho ra đời tác phẩm Hữu Thể và Vô Thể (Being and Nothing), nhiều người còn chê trách triết học của ông thiếu tính liên đới với con người và xem con người trong trạng thái biệt lập.[2]
Thế nhưng, J.P. Sartre không nghĩ thế, ông cho rằng chủ nghĩa hiện sinh của ông là một chủ nghĩa nhân đạo, nhưng chủ nghĩa nhân đạo này không phải là lý thuyết đề cao “lòng thương người”, mà là một học thuyết về con người – một triết học về sự tồn tại của thực thể người trong thế giới. Để đáp lại những quan điểm chê trách triết học của ông và để mọi người thấy được ý nghĩa thực sự của chủ nghĩa hiện sinh ông đang hướng tới, J.P. Sartre đã cho ra đời tác phẩm Thuyết Hiện Sinh là một Thuyết Nhân Bản (Existentialism is a Humanism). Nếu nói đúng, đây chỉ là một văn bản tốc kí được ông thuyết trình trong một buổi họp ở Paris năm 1945,[3] thế nhưng khi văn bản này được công bố, dường như những vấn nạn đặt ra về triết học hiện sinh của ông đã phần nào được trả lời, nhất là chiều kích nhân bản mà ông đề cập đến trong văn bản này. Vì văn bản này đã được xuất bản thành sách, nên người viết xin phép được gọi là tác phẩm.
Vậy, chiều kích nhân bản trong tư tưởng của J.P. Sartre qua tác phẩm Thuyết Hiện Sinh là một Thuyết Nhân Bản đã được trình bày như thế nào? Để làm rõ vấn đề trên cũng như sự cố gắng trong khả năng của mình, người viết sẽ trình bày trong ba phần: 1 – Con người và lo âu; 2 – Con người và sự tự do; 3 - Con người và tha nhân.
Đầu tiên, người viết muốn khởi đi từ tác phẩm Buồn Nôn (La Nausée). Sở dĩ, người viết muốn trở về với tác phẩm này, vì Buồn Nôn ra đời khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đã kết thúc và đang bắt đầu cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, khi cả thế giới đang quằn mình trước những đau thương do chiến tranh gây nên. Khi con người đang đứng trước những đau khổ, trước thân phận mỏng manh của kiếp người, trước cái chết diễn ra khắp nơi, con người chỉ còn thấy bế tắc, lo âu, bị bỏ rơi giữa một cuộc sống quá tệ hại, quá tàn khốc. Lúc đó, những trăn trở về thân phận con người được khơi lên như tại sao con người lại tồn tại, sao con người đau khổ và đâu là mục đích sống của con người. Trước những thao thức, trăn trở đó, J.P. Sartre cho ra đời tác phẩm Buồn Nôn, một tác phẩm được đánh giá là bản tuyên ngôn của chủ nghĩa hiện sinh. Thật sự, khi đắm chìm vào tác phẩm của ông, đâu đâu cũng chỉ thấy sự buồn bã, hoang bóng người, cảm giác chàn chường, nôn mửa. Nếu buồn nôn trên khía cạnh y học thì đó là một trạng thái của dạ dày, thể hiện sự từ chối của cơ thể với những gì được đưa vào cơ quan tiêu hóa, nhưng với J.P. Sartre, sự buồn nôn đến từ chính mình hay khi cầm một viên đá nhỏ,[4] hay khi nhìn thấy một ánh sáng xanh,[5] hay ngay khi nằm trên chiếc ghế bang.[6] Nhất là khi tác giả nhận ra chính buồn nôn là cái tôi của ông.[7] Thứ đến, con người trong tác phẩm Buồn Nôn đã được J.P. Sartre đã phô bày một cách trần trụi đến mức có thể. Đó là con người cô đơn. Sống giữa một thành phố đông đúc người, nhưng luôn cảm thấy một mình, lạc lõng, trống vắng, hoang bóng người và đầy sợ hãi.[8] Vậy phải chăng J.P. Sartre đang khiến con người cảm thấy lo âu, vô vọng, bị bỏ rơi và bế tắc trước sự cô đơn, hay những đau khổ của cuộc đời?

1. Con người và lo âu
Nếu cáo buộc tư tưởng hiện sinh của J.P. Sartre đã đẩy con người vào lo âu, vô vọng, bị bỏ rơi và bế tắc, có lẽ hơi vội vàng và có chút hàm hồ. Có lẽ chính những gì đang diễn ra trong thực tại khi con người đang chao nghiêng, quằn mình trước thân phận mỏng manh của kiếp người đã khiến không ít người cảm thấy bi quan trước những tư tưởng của ông. Nhưng khi đến với tác phẩm Thuyết Hiện Sinh là một Thuyết Nhân Bản, J.P. Sartre đã trả lời một cách rốt ráo cho vấn nạn trên để cho thấy tư tưởng của ông không hề bi quan, nhưng rất lạc quan.
Trước hết, mọi người đều đồng ý với nhau triết học hiện sinh chủ yếu bàn về vấn đề “con người”, lấy “con người” làm đối tượng nghiên cứu và chỉ quan tâm tới “con người” tồn tại như một “nhân vị”. Nhân vị của con người với tư cách sự hiện sinh (existence) mang một bộ mặt riêng biệt, đặc thù, xa lạ với mọi tính cách phổ quát. Theo J.P. Sartre, “Hiện hữu có trước bản chất” (existence precedes essence)[9] có nghĩa là con người trước hết phải hiện hữu đã, phải gặp gỡ nhau và phải xuất hiện trong thế giới đã, sau đó mới định nghĩa mình được, tức là xác định được bản chất của mình. Như vậy hiện sinh chỉ tồn tại ở con người, chỉ có con người mới tìm được bản chất của mình thông qua sự hiện hữu. Chính vì vậy, ngay từ đầu, con người, theo quan niệm của ông, là “không thể định nghĩa được”, bởi “ngay từ lúc ban đầu con người không là gì cả, sau đó con người mới sẽ là thế nọ hay thế kia và sẽ là cái mình tự tạo nên”.[10]
Khi nhắc đến tư tưởng này, có lẽ J.P. Sartre đã và đang thừa hưởng tư tưởng của Martin Heidegger: “Hiện hữu bị ném ra đó”. Thế nhưng với J.P. Sartre, không dừng lại ở một con người bị ném ra đó, nhưng con người đó còn đi phải tới, dám sống, phải hành động, phải dấn thân, vì con người chẳng phải là một thứ rêu, nấm mốc, hay bông súp lơ, nhưng “con người là những gì mà nó dự định tồn tại” (man will attain existence when he is what he purposes to be).[11]
Như vậy, mục đích của J.P. Sartre cũng như một số triết gia hiện sinh vô thần là muốn chối bỏ mọi thứ ràng buộc con người như tôn giáo, cung mệnh, thượng đế…. Trong quan niệm của họ, con người chẳng lệ thuộc vào bất cứ cái gì, ngoài sự đối diện với chính bản thân mình và thông qua sự hiện hữu của mình, con người tự làm nên bản chất của mình với tư cách một cái rất cụ thể. Vậy nên, trong cuộc sống, con người luôn phải chịu trách nhiệm về cái mình “hiện là” và con người có quyền lựa chọn điều mình muốn. Tuy nhiên, sự lựa chọn của cá nhân không thể không liên quan đến mọi người và chính điều này đã tạo nên sự lo âu ở con người. Sự lo âu này ở mỗi con người đều xuất phát từ trách nhiệm của họ đối với chính bản thân họ và từ trách nhiệm của họ đối với toàn thể xã hội. Do vậy, theo ông, lo âu là bản chất của sự hiện sinh và “con người là sự lo âu” (man is in anguish).[12]
Sự lo âu mà J.P. Sartre đề cập ở đây chính là một tâm trạng cá nhân khi người đó phải đối mặt với các tình huống buộc phải lựa chọn. Bởi lẽ, khi con người bị ném vào thế giới, để tồn tại, con người phải chọn lựa, phải hành động, phải dấn thân, con người không có bất cứ một “điểm tựa” nào cả, vì luôn bị bỏ rơi, đơn độc để rồi phải tự đưa ra quyết định của chính mình. Nhưng trước hết, sự lo âu, sợ hãi trước những gì xung quanh mình khiến con người sợ hãi, ai cũng lo âu nhưng thứ lo âu này không dẫn con người ta đến chỗ bất động mà ngược lại, nó thúc đẩy con người phải có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm về những điều mình lựa chọn. Nếu một ai đó lẩn tránh sự lo âu, người ấy là kẻ “nguỵ tín” (Self – deception),[13] tự lừa dối bản thân mình.
Lo âu là có thật, lo âu đeo đẳng con người suốt cả cuộc đời. Để khắc phục sự lo âu ấy, theo J.P. Sartre, con người không có cách nào khác ngoài sự lựa chọn và bắt buộc phải lựa chọn, phải dấn thân vào hành động. Hơn nữa, lo âu này chồng chất lo âu khác, chẳng bao giờ con người hết lo âu, nên rốt cục, lo âu đã trở thành động lực thúc đẩy con người hành động. Lo âu không chỉ luôn đi liền với trách nhiệm, gắn với trách nhiệm, nhưng lo âu cũng không ngăn cản và không tách rời con người ra khỏi hành động.
Vậy, nếu ai đó đã từng kết án, triết lí hiện sinh của J.P. Sartre mang đầy tính bi quan, khiến con người ở lì trong vô vọng, lo âu, hay dẫn con người đến tuyệt vọng thì có lẽ họ đã quá vội vàng trong phán xét của mình. Vậy chiều kích nhân bản đầu tiên trong tư tưởng của J.P. Sartre mà người viết muốn nhấn mạnh chính là sự cô đơn, nỗi lo âu dưới con mặt của hiện sinh không phải mang chiều kích bi quan, nhưng vô cùng lạc quan. Từ những lo âu và sự cô đơn của mình, dẫn con người tới hành động và có ý thức trách nhiệm với bản thân mình như J.P. Sartre nói: “Con người làm ra chính mình” (man makes himself).[14]
Kế đến, phải chăng vì con người phải lựa chọn, phải hành động, phải dấn thân, nên con người có tự do để “làm bất cứ điều gì cũng được” (it does not matter what you do).[15] Dưới cái nhìn của J.P. Sartre, đây là một ý kiến không chính xác. Rõ ràng con người có sự tự do để lựa chọn và hành động nhưng thế nào là một con người tự do và thế nào là một hành động tự do?

2. Con người và sự tự do.
Con người, theo J.P. Sartre, có quyền lựa chọn bất cứ cái gì và hành động theo những gì mình đã chọn, nghĩa là được tự do, hay nói đúng hơn là “bị kết án” là tự do (condemmed to be free).[16] Thật vậy, con người phải tự do vì khi bị ném vào thế giới, con người phải tự chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình làm. Chẳng một ai có thể giúp mình, chẳng có thượng đế, cung mệnh hay tướng số để con người dựa dẫm, vì thế con người chẳng có một điểm tựa, nhưng luôn phải cô đơn, quằn mình, tự quyết với những gì là mình. Như vậy, hoàn cảnh con người như một sự lựa chọn tự do, không có sự bào chữa, cũng không có sự giúp đỡ.
Như vậy, tiền đề cho sự tự do chính là ở chỗ con người không chịu ràng buộc bởi bất cứ cái gì, kể cả Chúa. Con người chỉ đối diện với con người và được quyền tự lựa chọn theo cách riêng của mình. Tự do của con người là thứ tự do không theo bất cứ một khuôn mẫu sẵn có nào cả. Con người được sinh ra trên đời để tự do sáng tạo, tự tô vẽ cho bộ mặt độc đáo của mình và do vậy, tự mình phải chịu trách nhiệm về tương lai của mình. Theo J.P. Sartre, cái chỉ đạo, dẫn dắt sự lựa chọn của cá nhân chính là yếu tố bản năng (instincts)[17] trong con người. Bản năng ấy thúc đẩy và dẫn dắt con người hành động. Và, cũng chỉ có hành động dựa vào bản năng, không dựa vào bất cứ sự duy lý nào mới tạo nên sự tự do tuyệt đối cho con người.
Tự do mà J.P. Sartre đã trình bày là thứ tự do của cá nhân, mặc dù trong xã hội, con người không thể tồn tại một cách biệt lập, nhưng tồn tại trong một hoàn cảnh lịch sử - cụ thể, trong sự “liên hệ với”, “chung sống với” tha nhân và do vậy, tự do của cá nhân phải được đặt trong mối liên hệ với tự do của người khác (tự do của tha nhân); tự do của tôi gắn liền với tự do của tha nhân, tôi muốn mình tự do thì phải tôn trọng tự do của kẻ khác, tự do của tôi “chung sống” với tự do của tha nhân.
Như vậy chiều kích nhân bản thứ hai trong tư tưởng của J.P. Sartre chính là sự tự do. Nhưng đó không phải là một sự tự do trừu tượng, thích làm gì thì làm nhưng là sự tự do có trách nhiệm và có sự liên kết với con người sống trong xã hội. Vậy làm thế nào để có được sự tự do cá nhân nhưng vừa có thể liên kết được với tha nhân trong xã hội?

3. Con người và tha nhân.
Tới đây, người viết muốn trở lại với tác phẩm Buồn Nôn (La Nausée), khi nhân vật Người Tự Học thốt lên: “Phải yêu thương loài người, phải yêu thương loài người”,[18] J.P. Sartre đã mượn lời độc thoại của nhân vật Antone Roquentin để phát biểu rằng: “Những con người phải yêu thương những con người….Tôi muốn buồn nôn”.[19] Phải chăng con người hiện sinh quá vô tâm và ích kỉ với nhau trong thế giới này? Vì mình bị ném vào thế giới, cô đơn, lạc lõng, không điểm tựa, không người giúp đỡ, nên chẳng cần quan tâm hay yêu thương người khác? Hay chỉ cần sống cho mình? Không, nếu ai đó chỉ dùng lại ở đó và phán xét vội vàng tư tưởng của J.P. Sartre thì có lẽ đã nhầm.
Trong tác phẩm Hiện sinh một nhân bản thuyết, J.P. Sartre cho rằng, trong sự hiện hữu của mình, con người khám phá ra sự tồn tại của tha nhân và tha nhân là điều kiện cho sự hiện hữu của mình: “Chúng ta tự mình đạt được mình khi đối diện với tha nhân và đối với chúng ta thì tha nhân chắc chắn là có đó, cũng như chúng ta chắc chắn rằng chúng ta có vậy. Như thế con người trực tiếp đạt được mình bằng “cái tôi tư duy” và đồng thời khám phá ra hết mọi người khác, đàng khác, con người lại khám phá ra rằng tha nhân là điều kiện cho sự hiện hữu của mình”.[20] Như vậy con người nhận thấy mình không thể tồn tại, nếu không có người khác thừa nhận và để có một nhìn đúng đắn về mình như mình đẹp, xấu, cao thượng, anh hùng, độc ác, thì tôi cần thông qua người khác. Như vậy tha nhân trước hết cần thiết cho sự hiện hữu của tôi và giúp tôi đánh giá đúng về chính mình.
J.P. Sartre nói rằng: “Hoàn cảnh lịch sử luôn biến đổi, nhưng cái không bao giờ biến đổi chính là tính tất yếu của con người tồn tại trong thế giới, phải lao động, chung sống với người khác” (Historical situations are variable, but what never vary are the necessities of being in the world, of having to labor).[21] Vậy, giữa tôi và tha nhân có mối liên hệ mật thiết, gắn bó với nhau và tha nhân là có, nó cùng tồn tại song hành với sự tồn tại của tôi và tôi phải chấp nhận nó; sự tự do của tôi chỉ có thể đạt được nếu tôi cũng tôn trọng tự do của tha nhân.
Vậy J.P. Sartre không hẳn cho rằng tình yêu thương con người nhân loại là xa xỉ, xa xôi và quá trừu tượng với con người, nhưng khi con người cứ hò reo khẩu hiệu “yêu thương”, nhưng con người chẳng hiểu chính mình, chẳng hành động, chẳng dấn thân hay chẳng có một sự yêu thương tự do đích thực thì điều đó thật đáng “buồn nôn”.  Đúng vậy, khi J.P. Sartre đang khắc khoải suy tư về hiện hữu của con người, chẳng biết mình là ai, tại sao mình hiện hữu, thì những người xung quanh lại nhồi nhét tư tưởng yêu thương vào đầu ông, trong khi họ chẳng biết họ là ai và vì sao họ hiện hữu.
Với J.P. Sartre, ông khởi đi từ con người, từ một con người chịu trách nhiệm về hiện hữu của mình. Trách nhiệm này đồng nghĩa với việc đòi hỏi con người phải có trách nhiệm với người khác trong những chọn lựa, dự phóng (project) và phải gắn bó với người khác. Đến đây tôi nhớ đến tác phẩm Man’s search for meaning (Đi tìm lẽ sống) của Viktor Emil Frankal. Đây là một tác phẩm V.E. Frankal đã thuật lại những gì diễn ra với ông trong những ngày tháng sống trong trại tập trung của Đức Quốc Xã. Con người luôn phải đấu tranh, dành giật sự sống từng ngày sống. Nơi đó chẳng có tình người, vì ai cũng ham sống và để tồn tại trong một cuộc chiến sinh tồn khắc nghiệt đòi buộc họ chấp nhận vứt bỏ phẩm giá con người và đặt mình ngang hàng với loài cầm thú,[22] chẳng còn ai là anh chị em của tôi, là đồng loại của tôi. Với họ làm sao để sống là mục đích hàng đầu. Thế nhưng khi ý thức rõ ràng nhất về mình, về hoàn cảnh sống đau khổ của mình thì vô hình chính ý thức đó đã đẩy những con người đó lại với nhau. Họ biết rồi nhiều người trong số họ cũng sẽ chết, rồi họ cùng hi vọng, cùng sống, cùng giúp đỡ nhau trong khi làm việc, biết chăm sóc nhau khi ốm, cùng giúp nhau trốn trại. Cuối cùng chính khao khát sống trong chính mỗi người đã gắn bó lại với nhau mà chẳng cần ai bảo họ phải yêu thương nhau.
Như vậy tôi nghĩ tư tưởng của Frankal có lẽ khá giống với tư tưởng của J.P. Sartre ở chỗ, khi con người biết con người đủ thì tự khắc con người sẽ hành động, dấn thân một cách có trách nhiệm, có ý thức.
Như vậy chiều kích nhân bản thứ ba trong tư tưởng của J.P. Sartre người viết muốn đề cập tới chính là tính liên chủ thể (intersubjectivity). Khi con người bị ném vào thế giới, con người đòi buộc phải sống cùng và sống với người khác, vậy chỉ có tha nhân mới giúp tôi nhận biết rõ mình, biết rõ mình hiện hữu và hiện hữu như thế nào.

Vậy để kết thúc bài viết, người viết xin tóm lại ba chiều kích nhân bản mà người viết cho là nổi bật trong tác phẩm Thuyết Hiện Sinh là một Thuyết Nhân Bản của J.P. Sartre. Thứ nhất, thuyết sinh của J.P. Sartre không chỉ là một học thuyết lạc quan, mà còn là một thuyết nhân bản hiện sinh vì nó nhắc nhở con người phải tự quyết trong hoàn cảnh bị “bỏ rơi” này. Lo âu chẳng làm con người tuyệt vọng, nhưng giúp con người hành động, giúp chon người có những dự phóng, chọn lựa. Hơn nữa ngoài sự hiện hữu của mình thì con người chẳng có sự giúp đỡ, hay một điểm tựa để bám víu, vậy con người phải hành động, phải dấn thân, phải tự mình tìm cách để đi tới vì con người không ngoài gì khác ngoài đời sống của mình. Thứ hai, triết học hiện sinh của J.P. Sartre đã khai thác con người ở chiều sâu của ý thức đã xem xét con người với cuộc sống riêng biệt và độc đáo của nó và thừa nhận con người có thẩm quyền bất khả xâm phạm là “sự tự do”. Sự tự do mà con người bị “kết án” phải tự do này giúp con người chọn lựa, dấn thân và hành động, nhưng sự tự do đó gắn với trách nhiệm, nghĩa rằng con người phải tự chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình làm và sự tự do đó còn liên kết với tha nhân trong thế giới. Cuối cùng, con người chưa bao giờ và sẽ không bao giờ hiện hữu một mình, nhưng hiện hữu với, hiện hữu cùng người khác. Dẫu cho tha nhân là địa ngục của con người (hell is other people) như J.P. Sartre đã viết trong vở kịch No Exit, nhưng con người luôn phải gắn bó và tồn tại song hành cùng với nhau, vì ít nhất chỉ có tha nhân mới giúp con người nhận biết chính mình hiện hữu và đánh giá được con người của mình.

Tài liệu tham khảo
1.      FRANKL, Viktor Emil, Man’s Search for Meaning, NXB Tổng Hợp TP HCM, 2016.
2.      SARTRE, Jean Paul, Buồn Nôn, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008.
3.      SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956.
4.      SARTRE, Jean Paul, Thuyết Hiện Sinh Là Một Thuyết Nhân Bản, NXB Tri Thức, 2015.
5.      Trần Thái Đỉnh, Triết Học Hiện Sinh, NXB Văn Học, 2005.
6.      Trần Thiên Đạo, Từ Chủ Nghĩa Hiện Sinh tới Thuyết Cấu Trúc, NXB Tri Thức, 2008.





[1] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 2.
[2] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 2.
[3] SARTRE, Jean Paul, Thuyết Hiện Sinh Là Một Thuyết Nhân Bản, NXB Tri Thức, 2015, t.7.
[4] SARTRE, Jean Paul, Buồn Nôn, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008, t.14.
[5] SARTRE, Jean Paul, Buồn Nôn, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008, t.20.
[6] SARTRE, Jean Paul, Buồn Nôn, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008, t.23.
[7] SARTRE, Jean Paul, Buồn Nôn, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008, t.144.
[8] SARTRE, Jean Paul, Buồn Nôn, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008, t.12-13.
[9] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 6.
[10]SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 6.
[11] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 11.

[12] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 8.
[13] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 8.
[14] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 21.
[15] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 20.
[16] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 11.
[17] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 12.
[18] SARTRE, Jean Paul, Buồn Nôn, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008, t.135.
[19] SARTRE, Jean Paul, Buồn Nôn, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008, t.139.
[20] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 18.
[21] SARTRE, Jean Paul, Existentialism is a Humanism, World Publishing Company, 1956, p. 18.
[22] FRANKL, Viktor Emil, Man’s Search for Meaning, NXB Tổng Hợp TP HCM, 2016, p.7.

Comments

Popular Posts