Triết học Đạo đức của phái Khắc Kỷ


 Triết học Đạo đức của phái Khắc Kỷ

Điểm thiết yếu trong đạo đức học của phái Khắc Kỷ được tóm gọn trong câu: “Vivre conformément à la nature”[1] - Sống phù hợp với tự nhiên.
Ở đây sống phù hợp với tự nhiên hay sống theo quy luật tự nhiên được hiểu rằng: không chỉ sống phù hợp với những khát vọng tự nhiên nguyên thủy của mình, nhưng còn sống theo lý trí phổ phát, sống theo sự quan phòng của thượng đế đối với mình – sống theo định mệnh. Vì theo phái Khắc Kỷ, mọi loài mọi vật trong thế giới này đều có một phần của lý trí phổ quát. Con người là một vật có lý trí, bởi thế sống theo lý trí cũng tức là sống theo lý trí phổ quát vậy.[2]
Nhưng sống thế nào là sống “phù hợp”? Từ “phù hợp” ở đây phải hiểu như thế nào? Ngay chính những triết gia trong phái Khắc Kỷ cũng có những cách hiểu khác nhau về tính “phù hợp”. Đối với Zenon “phù hợp” trước hết ở lĩnh vực tư tưởng, rồi sau đó mới tới nhất trí tư tưởng và chí ý (ham muốn, tình cảm). Đối với Cleanthes và Chrysippos tự nhiên chính là biểu hiện của sự nhất trí cao nhất, nhưng tự nhiên lại bao hàm cả vũ trụ lẫn con người, trong con người có “tính tự nhiên” là cái dẫn dắt, định hướng làm cho con người sống phù hợp với lý trí thần linh. Vậy, sống phù hợp với tự nhiên còn có nghĩa theo lý trí và nhân tính.[3]
Phái Khắc Kỷ đưa ra quan điểm rằng nếu một người hoàn toàn khôn ngoan, nghĩa là sống hoàn toàn nhân đức, mà thấy con mình sắp chết đuối, hẳn người này sẽ cố cứu con mình. Nhưng lỡ nếu không cứu được con, ông vẫn sẵn sàng chấp nhận mà không cảm thấy đau khổ, hay tự giằn vặt mình và hạnh phúc của ông cũng không bị suy giảm. Vì mọi biến cố xẩy ra đều do sự an bài của Thượng Đế, đứa bé chết như một quy luật tự nhiên, như định mệnh của bé, người cha cũng đã làm hết sức mình vì thế ông không gì phải hối hận. Như vậy ta bắt gặp quan điểm của phái Khắc Kỷ khá giống với quan điểm của Trang Tử. Theo Trang Tử “sinh về đâu và chết sẽ về đâu? Người chết cứ chết, chẳng qua chỉ là từ trạng thái hữu hình trở về trạng thái vô hình, có gì phải đau đớn, có gì phải xót thương? Người ta đáng sống thì hãy sống, còn không muốn sống thì chết cho thanh thản. Sống mà ôm trong lòng sầu muôn sợ hãi thì chết còn hơn. Chết mà được giải thoát thì phải mình chứ sao lại buồn".
Tuy nhiên, ta tưởng ác triết gia phái Khắc Kỷ quá đề cao vai trò của thần linh trong cuốc sống của con người và con người chỉ biết sống nương theo sự quan phòng của thượng đế đối với mình – sống theo định mệnh. Như vậy phải chăng con người có một cuộc sống quá thụ động. Không phải thế, mặc dầu vẫn thừa nhận số mệnh nhưng vẫn dành chỗ cho tính tự chủ của con người. Con người phải sử dụng lý trí của mình để hành động và con người cũng phải cố gắng chứ không phải chỉ dựa vào mệnh trời, buông theo định mệnh.
Việc chúng ta sống theo lý trí thể hiện đời sống lý trí của chúng ta là biết chế ngự các đam mê của mình. Theo phái Khắc Kỷ, con người có 4 đam mê: Vui, Buồn, Sợ Hãi và Ước muốn.[4] Đam mê là một sự mê muội của trí khôn và nô lệ hóa của ý chí. Như vậy để sống hạnh phúc, bình an, thì ta phải tự do và thanh thản với những đam mê trong lòng cũng như những của cải và hoàn cảnh bên ngoài. Ngoài ra, theo Epictetus, tình dục là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất, khuấy động sự bình yên của tâm hồn. Tốt nhất chúng ta nên tránh mọi hình thức quan tâm đến tính dục. Xét cho cùng, không ai nằm trong vòng tay tình nhân lại có thể giữ được tâm hồn bình lặng và tỉnh táo.[5] Hay đối với Posidonius xem dục vọng xuất hiện không phải từ sự thiếu hiểu biết, hay “những phán đoán sai lầm”, nhưng từ chính phần phi lí tính của linh hồn.
Phái Khắc Kỷ cho rằng cái ác là cái cố hữu nơi con người, thuộc về bản chất con người, nhưng không phải là sức mạnh áp đảo trong đời sống nhân loại. Vậy chỉ khi nào con người tuân thủ “thần minh trong mình” chính là lý trí thì cái ác mới bị thủ tiêu, phần người chiến thắng phần thú vật. Ngoài ra, việc chế ngự những cảm xúc hợp lý, tuân theo lý trí phổ quát, chính là tự do. Các nhà Khắc Kỷ giải thích tự do theo khía cạnh ý thức về tự do, như đời sống nội tâm phóng khoáng đối lập với nô lệ của dục vọng, sợ hãi, lạc thú và những buồn vui bất chợt. Đối Epictetus, để trở nên tự do thực sự ta cần có thái độ sống dứt khoát, không vướng bận những lo toan đời thường và những tham vọng quyền lực cao xa.[6]
Vì chính hoàn cảnh xã hội Hi Lạp Cổ đại thời bấy giờ chỉ biết coi trọng những thành tựu vật chất và tập trung vào đời sống hưởng thụ nên các triết gia phái Khắc Kỷ phản đối quan điểm trên bằng cách nhấn mạnh đến điều duy nhất thực sự quan trọng nhất là các cố gắng của chúng ta để làm điều hợp đạo đức. Cũng giống như Socrates, phái Khắc Kỷ nhấn mạnh bốn đức hạnh của con người là khôn ngoan, tiết độ, can đảm và công bằng và cũng đồng thời nêu lên bốn thói xấu tương quan với bốn đức hạnh là ngu dốt, vô độ, hèn nhát và bất công.[7] Ngoài ra, phái Khắc Kỷ cũng công nhận như Socrate, Plato hay Aristotle rằng là con người tự nhiên hướng tới hạnh phúc – mục đích của đời sống. Nhưng hạnh phúc với phải Khắc kỷ không ở tại sự vui thú như một số người lầm tưởng bởi vì hạnh phúc là một trạng thái bền bỉ, vững vàng trong khi thú vui thì lại mau qua chóng hết, cho nên không thể đồng hóa hạnh phúc với thú vui được. Với phái Khắc Kỷ, hạnh phúc là “l’ataraxi”, nghĩa là không bị xáo trộn, sự bình an trong tâm hồn, sự hòa hợp giữa mình với mình, cũng giữa mình với vạn vật. Đây là trạng thái mà ta cần phải cố gắng để đạt tới và nắm giữ qua mọi biến cố và mọi đổi thay của cuộc đời.
Vậy tại sao tâm hồn ta lại thường bị xáo trộn? Phái Khắc Kỷ đưa hai nguyên nhân gây nên sự xáo trộn trong tâm hồn ta:[8]
1.     Ta thường bị xáo trộn bởi ta cảm thấy mình thiếu danh dự và phẩm giá
Cảm giác này làm ta đau khổ và phiền muộn. Vì vậy ta cần tránh cảm giác này bằng cách khi làm bất cứ việc gì ta phải xem xét việc ta làm có xứng đáng, có đáng trọng hay không. Không bao giờ làm việc gì mà khiến mình xấu hổ về mình, làm cho mình mất phẩm giá về mình, mình không tự trọng được mình nữa. Tuy nhiều lúc khó khăn nhưng ta phải chọn có một tâm hồn thanh bình thì mới có được hạnh phúc.
2.     Ta thường bị xáo trộn vì có những khát vọng đối nghịch nhau
Nghĩa là điều ta mong ước thì ta không thể đạt được, điều ta không muốn thì lại xảy đến. Vậy muốn tránh sự xáo trộn này ta phải làm hai điều:
a)     Ta phải biết cái gì tùy thuộc ở ta, cái gì không. Cái tùy thuộc của ta là phán đoàn, khát vọng, còn cái không tùy thuộc của ta là tiền tài, sự sống, danh vọng…
b)    Sau khi phân biệt rõ ràng hai loại như vậy, ta sẽ tuy theo đó mà dung hòa những khát vọng của ta. Nếu ta đem lòng khao khát những tùy thuộc không ở ta, thì gây ra chán ghét, thật vọng, buồn phiền nơi ta. Vậy tốt nhất nên dững dưng với những gì không tùy thuộc nơi ta.
Nói cho cùng sự thanh bình tùy thuộc ở sự nhận định của ta, ở óc phán đoán của ta. Biết phán đoán cho đúng, biết làm chủ chính mình, đó mới là bí quyết sống hạnh phúc.
Thế nhưng, đạo đức học của phái Khắc Kỷ còn nhiều bất cập quan trọng, nếu thế giới đã vận hành theo qui luật thì còn có ý nghĩa gì khi đề cao sự tối thượng của đạo đức. Kẻ đã tốt, tốt vì được định đoạt như thế, và những kẻ xấu, cũng vậy, là do tiền định. Vậy chúng ta là ai mà có thể thay Thượng Đế xác quyết cái xấu và tội lỗi? Điều này đã được đặt ra trong “Nền Cộng Hoà” của Plato và hay cả với Spinoza và Leibniz, và họ đều né tránh khó khăn bằng cách cho rằng não bộ con người không thể nắm bắt tính bức thiết của mọi sự vật ở toàn thể, và trong thực tế mọi sự vật này đã được sắp xếp một cách toàn hảo. Ngoài khó khăn về lôgíc như ta vừa bàn, học thuyết Khắc Kỷ còn nhiều sai phạm khác.[9] Thí dụ, nghèo khó hẳn không là con đường nâng cao phần hồn. Hay mặc dầu phái Khắc Kỷ bàn nhiều đến tự do, nhưng tự do do đâu mà có phải chăng do thượng đế ban tặng cho con người? Đây là một vấn đề còn bỏ ngỏ của phái Khắc Kỷ. Hay một nền luân lý khắc khổ, hay thậm chí có thể gọi là cố chấp và chi li nhất là khả năng chịu đựng những nỗi khổ đau dữ dội nhất mà không phàn nàn, than trách để đạt đến hạnh phúc hay tự do đích thực, nhưng lại quá xem sssthường thân xác. Như nhà Khắc Kỷ Seneca đã xem linh hồn là tự do, nhưng thân xác là nô lệ. Ông xem thân xác như một nơi cầm tù tự do. Hay Epictetus thì “Hãy nhẫn nại và khắc khổ” [10]– hãy có một sự cam chịu một sự cam chịu dũng cảm thì eypatheia (sự khoan khoái) của linh hồn mói vượt lên được những đau đớn của thân xác. Và cũng chính vì quá đề cao lý trí, nên tư tưởng của phái Khắc Kỷ có thể đưa tới chủ nghĩa cá nhân quá kích.

Tài liệu tham khảo
1.      FX. HOÀNG, Triết Học Nhập Môn, Lưu hành nội bộ.
2.      TĂNG, Nguyễn Mạnh, Lịch Sử Triết Học.
3.      TS. NGHĨA, Nguyễn Thế– TS. CHÍNH, Doãn, Lịch Sử Triết Học Cổ Đại, NXB Khoa hoc Xã hội, 2002.
4.      TED HONDERICH, Hành Trình Cùng Triết Học, NXB Văn hóa Thông tin, 2006.
5.      GIÁO, Nguyễn Hồng, OFM, Lịch Sử Triết Học Tây Phương Thời Cổ Đại, 1995.




[1] TS. Nguyễn Thế Nghĩa – TS. Doãn Chính, Lịch Sử Triết Học Cổ Đại, NXB Khoa hoc Xã hội, 2002, trang 921.
[2] Fx. Hoàng, Triết Học Nhập Môn, Lưu hành nội bộ.
[3] TS. Nguyễn Thế Nghĩa – TS. Doãn Chính, Lịch Sử Triết Học Cổ Đại, NXB Khoa hoc Xã hội, 2002, trang 922.
[4] Fx. Hoàng, Triết Học Nhập Môn, Lưu hành nội bộ.
[5] Nguyễn Mạnh Tăng, Lịch Sử Triết Học, trang 62.
[6] TS. Nguyễn Thế Nghĩa – TS. Doãn Chính, Lịch Sử Triết Học Cổ Đại, NXB Khoa hoc Xã hội, 2002, trang 931.
[7] TS. Nguyễn Thế Nghĩa – TS. Doãn Chính, Lịch Sử Triết Học Cổ Đại, NXB Khoa hoc Xã hội, 2002, trang 922.
[8] Fx. Hoàng, Triết Học Nhập Môn, Lưu hành nội bộ.
[9] http://vanviet.info/tu-lieu/minh-triet-phuong-ty-ky-8/
[10] TS. Nguyễn Thế Nghĩa – TS. Doãn Chính, Lịch Sử Triết Học Cổ Đại, NXB Khoa hoc Xã hội, 2002, trang 923.

Comments

Popular Posts