Quê Tôi

Viết cho mảnh đất tôi sinh ra
 (Lấy cảm hứng từ bài viết Còn Chốn Để Về, Về Đi của tác giả Vũ Thế Thành)

Một lần nọ, có người hỏi tôi: “Sao thấy người làng em ít cười quá vậy ?”

Có lẽ hơn ai hết, là một con được sinh ra, lớn lên và trải qua bao mưa nắng, nơi mảnh đất chua chát, chất đầy đắng cay, tôi phần nào hiểu vì sao người dân quê tôi ít cười.

Cười làm sao khi cái đói, cái nghèo, cái vất vả, cái chật vật bữa trưa, bữa tối cứ nhuốm thẫm, ăn sâu vào trong từng thớ thịt, từng suy nghĩ, từng nếp nhăm, từng ánh mắt. Sáng sáng gà chưa gáy đủ vang, bao người lao mình hì hục đội mưa, dầm sương kiếm ăn. Người đánh cá, người bắt ốc, người bắt dam, người bắt lươn, người đi buôn, người bắt tép, người làm đồng, người đi xây.

Cười làm sao khi đàn con thơ dại nheo nhúc, ngày hai buổi tới trường nhưng với cái bụng chỉ với nắm cơm, chén cháo, ăn chẳng đủ no, mặc chẳng đủ ấm. Ấy vậy, sáng cắp sách tới trường, học bao nhiều thứ. Chiều gắng nhồi thêm vài chữ cho bằng đời, bằng người, bằng thành tích chữ nghĩa mà chẳng biết mấy đứa trẻ đang quằn mình giữa một tuổi thơ đáng được bay bổng như những cách diều.

Cười làm sao khi cả nương rau bao con người hì hục thu hoạch từ trưa tới tối nhưng chỉ vỏn vẹn thu về vài trăm ngàn. Cả mấy tháng trời chăm bẳm, tưới nước, đội đèn bắt sâu, nhưng đến ngày thu hoạch chẳng ai mua. Cắt bỏ thì tiếc thôi đành cầm tiền xót xa, khóe mắt cay, đôi tay run, chân chẳng buồn bước, nước mắt ngủ quên trong nổi nghẹn ngào đắng chát.

Cười làm sao khi bao thanh niên, trai tráng, dẫu chưa 18 cũng theo dòng người đổ xô đi ngược đi xuôi: Sài Gòn, Trung Quốc, Nga, Nhật, Thái. Sự học dang dỡ nhưng vì gia đình, vì khao khát một cuộc sống bớt nghèo, vì một tương lai biết đâu xán lạn hơn, bao người rời làng tha hương kiếm sống. Cày như môt con trâu, làm chỉ biết làm sao có nhiều tiền gởi về cho gia đình, lo cho cha mẹ, vợ con, các em. Nhưng tiền gởi về cho cha mẹ cũng đâu dám ăn, vì muốn tích góm sau này xây nhà, dựng vợ, gả chồng. Nhưng để tiền không cũng tiếc, thôi hùn lại với nhau chơi hụi, chơi phường để rồi mất trắng. Bao nhiêu tiền, bao nhiêu công sức đổ sông đổ bể. Giờ có khóc cũng chỉ thêm đớn đau, xót xa, thắt ruột.

Thế đấy, có lẽ chẳng sai khi nói người dân quê tôi ít cười, nếu có cười, nụ cười cũng gượng gạo biết bao. Tuy nhiên, dẫu nơi đây còn lắm tiếng thở dài xót xa phận người, còn lắm chua cay, đắng chát, còn lắm bộn bề lo toan, nhưng tôi vẫn tin, vẫn nghĩ rằng chẳng nơi đâu bằng nhà, bằng quê hương mình và đã là người con của mảnh đất này, ai cũng sẽ yêu nó đến nhường nào. Có lẽ, tôi xin mượn bài thơ của nhân vật Vân trong bộ phim Xin Hãy Tin Em, để nói nỗi lòng mình:

Quê mẹ nghèo hun hút gió triền đê
Là cặm cụi dáng cha những luống cày khó nhọc
Là mùa đến khi sân vàng hạt thóc
Mắt mẹ cười không giấu nổi đắng cay
Ta cứ bình yên với tuổi thơ ngây
Sao biết đắng cay trong bát cơm thơm dẻo
Sao biết thương ngọn khói chiều tan vội
Bóng mẹ về chênh chao trên đường xa
Kí ức ngủ ngoan con đi học xa nhà
Con biết mình có tuổi thơ cổ tích
Hiểu mình có quê hương làm đích
Nên vững vàng đi vì quê mẹ ở tim mình.


Comments

Popular Posts