Bố
Bố
#Bố Hoàn Hảo
Theo Cách Của Bố Trong Kí Ức Vụn Vỡ Của Nó
Bố
mi về rồi tề!!! Ai? Bố? Nó ngơ ngác bỏ cuộc chơi, chạy theo đám bạn về nhà. Ôi,
sao đông thế? Nó thấy mọi người hướng mắt về một người đàn ông. Riêng Nó chẳng
biết ông là ai. Nó hóng xem chuyện gì, thì ra Bố của Nó từ Sài Gòn về. Thay vì
chạy ù tới Bố, Nó e dè núp sau cánh cửa, tay cầm mấy quả chôm chôm, miệng cười
tít mắt, mặc người xôn xao.
Lúc
đó, Nó 5 tuổi, cũng là kí ức đầu tiên của Nó về Bố.
Bố
sinh ra trong một gia đình khá giả, được ông bà cho ăn học tử tế. Nhiều lần, Nó
nghe Bố khoe thời nhỏ Bố mấy lần đi thi học sinh giỏi. Nó tin là Bố học giỏi vì
nhìn con chữ, tư duy và lối sống của Bố, Nó nghĩ tuổi học trò của Bố cũng dữ dội
lắm. Năm 20 tuổi, Bố cưới Mẹ và bắt đầu thời kì huy hoàng của Bố. Nó chẳng biết
chính xác năm bao nhiêu, nhưng Bố đã từng là giám đốc lò ngói trong làng. Có
thư kí, có nhân viên, có ô tô đưa đón. Nhà Nó có của ăn, của để. Nhưng Nó không
có số hưởng. Năm 1992, Nó ra đời, công việc kinh doanh của Bố đã phá sản. Tay
trắng cặm cụi làm việc, Bố làm mọi thứ để trả nợ, kiếm sống, nuôi vợ, nuôi con.
Cuối cùng, Bố rời làng vào Nam lập nghiệp. Bố làm đủ nghề, nhưng chắc lẽ Bố gắn
bó lâu nhất với nghề may. Sau bao năm bon chen nới đất khách, Bố trở về quê bắt
đầu lại sự nghiệp của mình bằng nghiệp may. Bố may có tiếng trong làng, nên nhiều
người tới may đồ và cũng có lắm người đem cơm, đem chiếu tới xin dạy nghề. Ngày
xưa, có tấm vải dư, Bố liền may cho Nó cái áo, cái quần. Nó xúng xính, tự hào
đi khoe khắp xóm. Nay dù lớn, Nó vẫn thích lâu lâu được Bố may cho cái quần
tây, dù chẳng thời trang, bóp chít, nhưng chẳng hiểu sao đi lễ vẫn thích mặc chiếc
quần Bố may.
Bố
có tài ăn nói, lại hiểu biết nên nhiều người mướn Bố làm MC đám cưới hay hội họp.
Nó vẫn nhớ, mỗi lần Bố đi làm MC đám cưới về, mấy anh em Nó xúm lại xem hôm đó
họ cho Bố thịt bò, thịt heo, hay cặp bánh. Bố không ăn thịt bò. Nó cũng chẳng
biết tại sao. Nó cũng chưa từng một lần hỏi Bố. Nó chỉ nghe mấy lần Bố than
“Tau làm chi ăn thịt bò mà hấn cứ đưa!!!” Bố nói vậy, chứ đâu biết mấy đứa con
mừng tít mắt. Rồi hôm nào Bố rảnh, Bố vui, mấy đứa con bảo Bố làm kiến bò lưng,
mát xa lưng, giết sảy, rồi đứa nào siêng nhổ tóc sâu, tóc bạc cho Bố, Bố cho 5
trăm đồng đi mua kẹo. Tính của Bố xởi lởi, một bát ăn hết. Hôm nào đi làm được
nhiều tiền, Bố ra chợ mua bao nhiều thứ. Bố không biết tiết kiệm, có bao nhiêu
xài bấy nhiêu. Nên Mẹ chẳng bao giờ mong làm giàu từ việc nghiệp may của Bố.
Sinh
ra trong gia đình nông dân, nhưng Bố chẳng giỏi cầm cày làm ruộng. Cứ mỗi vụ
mùa, Mẹ chạy vội ra ngoại, mướn ông, mướn cậu, mướn dì. Thật, Bố chẳng giỏi ra
đồng, chẳng biết chăm sóc cây lúa, cây khoai, nhưng Bố biết chuẩn bị mâm cơm thế
nào để mát lòng, mát dạ khi Mẹ đi làm về. Hay hôm nào có lễ trọng, Bố trổ tài nấu
xúp lòng heo, nấu chào gà. Rồi, Mẹ chạy ù ra chợ mua mấy cân bún về đãi cả nhà.
Đến từng này tuổi, ăn bao nhiêu thứ nhưng vẫn nhớ mãi xúp lòng heo Bố nấu và thịt
kho đậu phụ Mẹ nấu.
Hơn
ai hết, Bố là người quý con chữ, cái học. Chín đứa con, Bố cố gắng tạo điều kiện
để đứa nào cũng được tới trường, học hành tử tế. Trước đây, vào nhà, Nó luôn tự
hào vì đâu đâu cũng thấy bằng khen. Cứ đứa em, nhìn anh, nhìn chị đi trước mà
noi gương, mà phấn đấu. Nó nhớ, năm lớp 4, Nó nghịch phá, bị cô giáo đuổi học.
Bố biết chuyện, giận điên lên, đốt hết sách và cấm Nó đi học. Rồi sau, Bố lặng
lẽ bảo Mẹ đi mua sách mới cho Nó và dẫn Nó ra xin lỗi cô giáo chủ nhiệm. Hay lớp
9, Nó ham chơi với mấy đứa bạn, tới khuya chẳng chịu về. Bố đi tìm, bắt về quỳ
trước nhà cầu nguyện suốt cả tiếng. Nó mệt nhưng đâu dám bỏ đi ngủ, vì sợ Bố,
vì biết lỗi.
Bố
không đánh con như Mẹ. Bố chỉ bắt quỳ và cầu nguyện. Cả tuổi thơ, không biết đã
bao lần Nó phải quỳ. Đêm nằm ngủ, mấy anh em chọc nhau khóc, Bố bắt ra sân quỳ
cả đám. Trưa không chịu ngủ, trốn đi chơi, Bố phát hiện, lại ra sân quỳ. Khách
tới nhà, không để yên cho Bố Mẹ nói chuyện, cứ chạy nhảy, làm trò, chọc nhau. Bố
vào liếc mắt, gọi vào buồng, quỳ xuống, khách về tính tội. Mẹ đi chợ về, tranh
nhau miếng bánh, khóc. Bố đem cái bánh cho con bé hàng xóm, còn mấy đứa con vào
nhà quỳ. Nhà đông anh em, làm biếng, nạnh nhau rửa bát. Bố đem ra nương đổ hết.
Cuối cùng, mấy anh em, nhìn nhau hậm hực “Vì mi mà tau bị quỳ!!!” Ngồi nhớ lại
tự nhiên bật cười.
Nhưng
có lẽ, những lần Bố phạt, bắt quỳ, Nó có sợ, nhưng nỗi sợ lớn hơn cả Nó sợ Bố về
khuya, sợ nghe tiếng xe máy nữa đêm chạy vào nhà Nó. Nhiều đêm đang ngủ, có tiếng
xe tắt máy trước sân, có tiếng gọi ú ớ ngoài cửa, là Nó biết Bố say. Khi say,
ai biết mình nói gì, làm gì. Nó sợ nhìn nước mắt Mẹ rơi, sợ anh chị em Nó phải
tản mác, chạy trốn, sợ sáng mai thức dậy phải thấy những thứ không muốn thấy.
Nó sợ nhìn Bố nằm song soài trên giường. Thật sự Nó sợ Bố say, sợ nhìn khuôn mặt
khắc khổ của Mẹ, sợ anh chị em Nó có một tuổi thơ chẳng đẹp về Bố.
Xa
nhà, xa vòng tay của Bố, mỗi năm họa ra về gặp Bố hai lần. Mỗi lần về, Nó thấy
Bố càng già đi, tóc bạc phủ kín. Nó chỉ
muốn làm gì đó cho Bố vui. Sống cả đời, lặn lội, bon chen cũng chỉ vì gia đình.
Bao gian khổ, thăng trầm, Bố trải qua cũng chỉ muốn con cái nên người. Giờ đây
cuộc sống của Bố chỉ quẩn quanh với mấy gốc cây xanh, chậu hoa, hòn đá. Sáng mở
mắt bắt sâu, tưới nước cho hoa. Ngày rong ruổi tìm đá, mua chậu về trâng trí.
Có lẽ Bố đang vui, đang tận hưởng tuổi già. Nhìn Bố an nhiên, Nó mừng. Đói
nghèo cũng đã từng, cố gắng bon chen làm giàu đã có thời, thôi giờ cứ bình lặng,
khỏe thì may, mệt chơi cây, chơi hoa. Nó biết Bố chẳng phải hoàn hảo, nhưng Bố
xứng đáng được yêu thương và giữ một vị trí quan trọng trong lòng Nó.
cảm động quá. Anh cũng tính viết về bố, mà anh sợ viết thì buồn nhiều hơn vui, nên không dám. Any way, bài hay quá!
ReplyDelete