Ý Nghĩa Biểu Tượng Kỉ Niệm 300 Năm Thành Lập Dòng Thương Khó Chúa Giêsu


Ý Nghĩa Biểu Tượng Kỉ Niệm 300 Năm Thành Lập
Dòng Thương Khó Chúa Giêsu


I. Thương Khó
1. Sự Thương Khó của Con Thiên Chúa
Từ thẳm sâu trái tim của Ba Ngôi Thiên Chúa, Ngôi Hai được sinh ra và tỏ bày sự Thương Khó về tình yêu của Chúa Cha cho mọi loại thụ tạo, đồng thời hiệp thông Tình Yêu mà chính Thiên Chúa đã trao tặng chính mình trong Thần Khí. Chính vinh quang và ánh sáng của Thiên Chúa đã chiếu tỏa và thánh hóa vạn vật. Các thiên thần bao quanh và tán tụng vinh quang của Thiên Chúa. Vinh quang của Thiên Chúa đã trải rộng trên nhân loại và kép lại nơi chính Đức Ki-tô Đóng Đinh. Điều này cho thấy thần tính của Thiên Chúa nơi nhân tính chịu đóng đinh của Chúa Giê-su.
2. Đức Ki-tô Đóng Đinh
Đức Ki-tô Đóng Đinh đã ôm trọn thời gian và trút bỏ chính mình nơi cây thập giá, để Tình Yêu Chí Thánh của Thiên Chúa được tỏ lộ. Dẫu đầu Ngài ngục ngã, thân thể Ngài trở nên tàn tạ, đôi tay bị đóng đinh, nhưng Ngài vẫn giang rộng đôi tay như một sự chào đón, một sự trao tặng cuộc sống dồi dào của Ngài cho chính toàn thể nhân loại. Hình ảnh, cánh tay phải của Ngài như đón chào Mẹ Ma-ri-a, còn cánh tay trái như mở ra cho thánh Phao-lô Thánh Giá, cho những người đang bước theo chí hướng của cha thánh và đồng thời cho tất cả mọi người.
3. Thánh Giá mang lấy Ngôi Hai Thiên Chúa
Thánh Giá nơi Đức Ki-tô chịu đóng đính, được chôn chặt vào trong lòng đất, đâm sâu vào mầu nhiệm sự dữ, để chinh phục và hủy diệt sức mạnh quyến rũ bí ẩn của chính mầu nhiệm sự dữ này.
II. Mẹ Ma-ri-a và Thánh Phao-lô Thánh Giá
4. Đức Mẹ Ma-ri-a
Mẹ Ma-ri-a với đôi mắt sầu khổ và nghiêng đầu về phía Đức Ki-tô. Ngài là món quà của Thánh Linh dành cho Mẹ. Bàn tay phải, Mẹ thể hiện lòng trắc ẩn và muốn được an ủi Đức Ki-tô bằng chiếc khăn tay, như hình tượng bà Veronica mới, mau mắn giúp đỡ và nhẹ nhàng lau khuôn mặt đẫm máu của Người Con Yêu Dấu. Bàn tay trái, Mẹ chỉ vào Đức Ki-tô, như khao khát được ôm lấy Ngài - là nguồn gốc và khởi đầu của sự sống mới, khi Ngài trút hơi thở cuối cùng.
5. Thánh Phao-lô Thánh Giá
Thánh Phao-lô Thánh Giá như là một môn đệ yêu dấu mới của Đức Ki-tô. Với việc tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giê-su, Ngài mở lòng mình ra với món quà của Ngôi Hai Thiên Chúa với tất cả sự trìu mến và trân quý. Cha thánh khoác trên mình tu phục Thương Khó, với ý nghĩa tưởng niệm và sầu thương cuộc Thương Khó một cách động. Bàn tay phải, ngài chạm vào trái tim mình – nơi biểu tượng của sự ghi khắc Thiên Chúa Chịu Đóng Đinh. Cha thánh đã hằng nài xin Mẹ Ma-ri-a dịu hiền, khắc lên trái tim ngài những vết thương của Đức Ki-tô chịu đóng đinh vì tình yêu dành cho ngài. Bàn tay trái, cha thánh mở ra, hướng tới sự quy tụ những người cùng chí hướng, cùng khao khát khoác lên mình tu phục Thương Khó và được mời gọi tưởng nhớ cuộc Thương Khó của Đấng Tình Yêu Chịu Đóng Đinh. Cùng với cha thánh, các tu sĩ Thương Khó, những người đã được quy tụ, được biến đổi, được sai đi và tận hiến cho cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô.
Dưới chân của Mẹ Ma-ri-a và cha thánh Phao-lô Thánh Giá, một khu vườn mới xanh mát mọc lên trong trời mới, đất mới. Đó chính là hoa trái của sự triển nở, một thiên đường mới của tình huynh đệ, một khởi đầu mới trong Nước Thiên Chúa.
III. Công cụ của Sự Thương Khó
6. Những công cụ của sự Thương Khó (phía trên của hai cánh cửa)
Ngọn roi đánh tội, ngọn giáo đâm vào cạnh sườn, đinh, búa đóng vào tay và chân, thập giá treo Ngôi Hai Thiên Chúa, mão gai và cả mật giấm. Tất cả các công cụ của sự chết và hủy diệt, bây giờ là công cụ của sự sống mới. Các công cụ gây nên vết thương, giờ đây đã chữa lành chúng ta. Chúng ta đã được cứu rỗi và nuôi dưỡng qua chính bí tích của Máu và Thịt bị đánh đập hành hạ. Chính các thiên thần là những người đã loan báo về sự chiến thắng đã được hoàn tất nơi cuộc Thương Khó của Thiên Chúa, nơi vinh quang của sự thiện hảo và tình yêu, nơi sự Phục Sinh của Đức Ki-tô và trong lịch sử của toàn thể nhân loại.
IV. Những chứng nhân mới về tình yêu của Thiên Chúa Chịu Đóng Đinh
7. Những chứng nhân kiên vững về sự Thương Khó
Linh đạo của Dòng Thương Khó Chúa Giêsu được khởi đi từ chính sự Thương Khó của Chúa. Để rồi, các tu sĩ nam, nữ Thương Khó chiêm ngắm và đón nhận cùng với đấng sáng lập, cha thánh Phao-lô Thánh Giá, mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua sự Thương Khó của Đức Ki-tô.
7.1 Trước tiên, thánh Gab-ri-el Đức Mẹ Sầu Bi, ngài đã được nâng đỡ bởi Mẹ Ma-ri-a. Ngài để cả tuổi trẻ của mình được khuôn theo một dấu chỉ rạng rỡ ngang qua tình yêu của Thiên Chúa, như là chiếc cầu nối, một sự khơi dậy khát vọng mãnh liệt về sự toàn vẹn, nhân đức thánh thiện, niềm hạnh phúc và lòng biết ơn.
7.2 Tiếp đến, chân phước Đô-mi-nic Mẹ Thiên Chúa, ngài đã bị quyến rũ bởi tình mẫu tử của Đức Mẹ. Ngài mong muốn làm cho tất cả các Ki-tô hữu vượt quá giới hạn của tội lỗi và vươn đến ngôn ngữ phổ quát của tình yêu của Thiên Chúa. Đó như là nguồn hiệp nhất khởi đi từ Thánh Giá, để phá vỡ mọi bức tường ngăn cách và mời gọi tất cả mọi người hiệp nhất trong một đức tin vào Thiên Chúa được mặc khải nơi Chúa Giê-su Ki-tô. Từ đó, sự hiệp nhất này làm cho Giáo hội trở thành "một bí tích cứu độ phổ quát".
7.3 Tiếp nữa, thánh Gem-ma Gal-ga-ni, ngài là giáo dân Thương Khó. Ngài chính là hoa trái từ chính sự Thương Khó của Chúa Ki-tô. Đó là "hoa trái của những vết thương". Sự Thương Khó của Đức Ki-tô đã quyến rũ ngài, khiến ngài khao khát được cùng tham phần vào sự Thương Khó của tình yêu và cứu rỗi nhân loại. Cùng với Đức Ki-tô, ngài hiến dâng trọn vẹn thân mình cho Thiên Chúa Cha, một Thiên Chúa đầy lòng xót thương và lòng trắc ẩn.
7.4 Cuối cùng, chân phước I-si-do-re, một tu huynh Thương Khó. Ngài đã biến cuộc đời mình thành sự dâng hiến trong thầm lặng và yêu thương dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân, ngang qua những công việc hằng ngày trong cuộc sống của mình. Ngài là hương thơm của một tình yêu tôn kính được tìm thấy nơi chính niềm vui của một cuộc sống biết từ bỏ, mặc lấy hình ảnh của Thiên Chúa.
Bài viết: cha José Luis Quintero C.P
Nguồn: http://www.passiochristi.org/wp-content/uploads/2019/08/CATEQUESIS-ICON.pdf

Comments

Popular Posts