Hôn Nhân Kitô Giáo và Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi



Hôn Nhân Kitô Giáo và Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi


Tình yêu Chúa Ba Ngôi được thể hiện như thế nào và có liên quan gì tới đời sống hôn nhân Kitô giáo? Hãy cùng với tôi tìm hiểu và chiêm ngắm tình yêu nơi mầu nhiệm này ở hai chiều kích:

Thứ nhất, tình yêu Chúa Ba Ngôi là một tình yêu kì diệu trong chính đời sống của Chúa Cha-Chúa Con- Chúa Thánh Thần. Nhiều người trong chúng ta luôn tự hỏi tại sao Chúa Cha-Chúa Con- Chúa Thánh Thần vừa là một Thiên Chúa duy nhất, vừa là ba Ngôi Vị riêng biệt? Điều gì tạo nên sự kì diệu và huyền nhiệm này? Vâng, có nhiều đặc tính tạo nên huyền nhiệm này, nhưng điều tôi muốn nhấn mạnh chính là tình yêu hiệp thông, tình yêu sung mãn, tình yêu chia sẻ như nhà thần bí Richard và thánh Bônaventura đã mô tả về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.[1] Chính tình yêu trào tràn này đã làm cho Chúa Cha-Chúa Con-Chúa Thánh Thần tự do chia sẻ cả thần tính của mình. Nói cách khác, mỗi Ngôi Vị đã đi ra khỏi con người để đến với Ngôi Vị khác và hòa nên một. Việc hòa nên một này, cho thấy cả Ba luôn ở trong nhau, hiệp thông với nhau và cùng chia sẻ một tình yêu vừa tròn đầy, vừa sung mãn, vừa đầy đức ái. Nhưng, tình yêu chia sẻ trọn vẹn này không hề làm giảm đi sự sống nơi mỗi ngôi vị, mà còn làm viên mãn sự sống nơi các Ngôi Vị.

Thứ hai, chúng ta cùng nhìn ngắm tình yêu của Ba Ngôi dành cho con người. Không chỉ dừng lại trong tình yêu giữa Ba Ngôi với nhau, Chúa Cha-Chúa Con- Chúa Thánh Thần, còn chia sẻ tình yêu trào tràn đó cho con người qua hai hành động cụ thể: thứ nhất là tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi.[2] Thứ hai, Ba Ngôi đã đi vào trong lịch sử cứu độ, ở trong thế giới với con người.[3] Như vậy, Thiên Chúa Ba Ngôi không trừu tượng, mơ hồ, nhưng đã hiện diện trong chính mỗi người chúng ta và yêu chúng ta bằng một tình yêu cụ thể. Đó là, vì yêu Chúa Cha đã ban Con Một của Ngài để cứu độ thế gian (Ga 3,16). Vì yêu, Chúa Giêsu Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa đã vâng phục Thánh ý Chúa Cha để đi vào biến cố Tử Nạn. Và vì yêu, Chúa Thánh Thần vẫn đang tiếp tục công trình yêu thương của Thiên Chúa một cách tích cực trong thế giới.

Vậy, chúng ta học được gì qua tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, cách riêng là áp dụng trong đời sống hôn nhân Kitô giáo? Chúng ta cũng nhau suy gẫm ở ba điều sau:

Thứ nhất, vì tình yêu hai con người – một nam một nữ đã đến với nhau, muốn sống gắn bó với nhau, muốn chăm sóc nhau, muốn chia sẻ cùng với nhau cuộc sống sau này. Vì yêu, hai con người này chấp nhận ra khỏi mình để hướng tới người khác như cách Ba Ngôi đã ra khỏi mình để hòa vào nhau. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa người nam không còn là người nam, người nữ không còn là người nữ. Không, họ vẫn là hai cá thể và có vai trò riêng biệt trong đời sống gia đình, nhưng đã hòa nên một gia đình duy nhất. Chính tình yêu đã kết nối họ nên một. Rồi sau này, những biến cố vui buồn, sướng khổ, thành công, thất bại đến với gia đình mình là đến với cả hai người chứ không phải đó là trách nhiệm của riêng vợ hay chồng. Hai con người đã trở nên một xương một thịt, cùng chia sẻ một tình yêu, một tương lai, một đích đến và cũng một trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, êm ấm.

Thứ hai, tuy là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng là ba Ngôi Vị có ba vai trò riêng việt, nên dù các bạn đã nên một gia đình, nhưng các bạn vẫn phải có trách nhiệm và đóng những vai trò riêng biệt trong gia đình của mình để xây dựng tổ ấm. Đã là chồng hãy sống cho xứng là một người chồng, là chỗ dựa cho vợ cho con, là cột trụ trong gia đình. Đừng chỉ biết mãi mê công việc, là cà bạn bè mà bỏ bê gia đình, vợ con. Đã là vợ hãy sống với cách sống của một người vợ, là người giữ lửa cho gia đình. Đừng vì chưng diện, mua sắm mà quên mình còn một gia đình cần phải chăm sóc. Tuy nhiên, vai trò là chồng, không có nghĩa người nam không phải làm việc nhà, chăm con. Vai trò là vợ, không có nghĩa người nữ không được chia sẻ những công việc làm ăn cùng với chồng. Do vậy, các bạn hãy sống tình yêu của mình bằng cách chia sẻ với nhau bất cứ điều gì có thể để hướng tới xây dựng một gia đình hạnh phúc và lâu dài.

Thứ ba, Ba Ngôi đã không ngừng lan tỏa tình yêu cho con người và cũng khao khát con người tiếp tục lan tỏa, chia sẻ tình yêu đó, đặc biệt là tiếp tục vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói rõ hơn, các bạn được mời gọi sẵn sàng đón nhận những món quà của Thiên Chúa là những đứa con được sinh ra từ tình yêu và sự hiệp nhất nên một của hai bạn. Những đứa con của hai bạn là kết quả của một tình yêu sung mãn, trào tràn, đầy đức ái và hiệp nhất, thế nên các bạn hãy trân trọng và yêu thương con cái của mình với tất cả khả năng của mình. Thật sự, để trở thành một người cha, người mẹ đúng nghĩa, chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt trong cuộc sống hôm nay, nhưng các bạn sẽ làm được, chỉ cần các bạn luôn yêu thương nhau, luôn ở trong nhau, luôn bên nhau, luôn chia sẻ với nhau, luôn tôn trọng nhau và luôn can đảm bước đi trong sự mời gọi của Thiên Chúa như ĐTC Phanxicô đã nhấn mạnh: ‘Ý muốn xây dựng gia đình là can đảm tham gia vào giấc mơ của Thiên Chúa, dám ước mơ với Ngài, dám xây dựng với Ngài, dám nhập cuộc chơi với Ngài trong lịch sử này, để xây dựng một thế giới một thế giới tốt đẹp hơn.’[4] 

Vậy, với những ý tưởng về tình yêu trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi liên hệ tới đời sống hôn nhân Kitô giáo, hi vọng những ai đang chuẩn bị hay đã bước vào đời sống hôn nhân gia đình luôn hướng về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi để chiêm ngắm, tìm kiếm những nguồn cảm hứng và rút ra những kinh nghiệm cá nhân cho đời sống đức tin và thực hành của mình. Hi vọng rằng đời sống hôn nhân của các bạn luôn đầy huyền nhiệm, đầy những biến cố ý nghĩa từ cuộc kết hợp nên một của hai bạn. Hai bạn hãy luôn nắm tay nhau và bước đi cùng nhau qua những chuỗi ngày sắp tới với một tình yêu thật mãnh mẽ. Cuối vùng, xin tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi luôn ở trong gia đình và trong mỗi người trong cộng đoàn chúng ta.

* Nguồn hình: https://binhtrung.org/a24468/lich-su-hon-nhan-cong-giao


[1].  Anne Hunt, Trinity: Nexus of the Mysteries of Christian Faith (Orbis, 2005), 25.

[2]. Gerald O’ Collins, The Tripersonal God: Understanding and Interpreting the Trinity (Paulist, 1999), 99.

[3]. Veli-Matti Karkkainen, The Trinity: Global Perspectives (Westminster John Knox, 2007), 77.

[4]. Tông huấn “Amoris Laetitia” của Đức Thánh Cha Phanxicô, số 321.

Comments

Popular Posts