Mầu Nhiệm Tự Làm Trống Chính Mình Của Đức Giêsu Kitô



Bài Học Kiêm Nhường

Qua Mầu Nhiệm Tự Làm Trống Chính Mình Của Đức Giêsu Kitô

(Pl 2, 6-7)

Mục Lục

Dẫn Nhập. 2

I.     Bối Cảnh Bản Văn. 3

II.   Phê Bình Bản Văn. 4

III.      Phân Tích Bản Văn. 8

1.    Thân Phận Thiên Chúa Của Đức Giêsu Kitô. 9

2.    Mầu Nhiệm Đức Giêsu Kitô Tự Làm Trống Rỗng Chính Mình. 10

IV.      Tóm Kết 13

Tài Liệu Tham Khảo 

Dẫn Nhập

Thực sự, bất cứ một tôn giáo, tín ngưỡng, hay văn hóa nào, mọi người đều được mời gọi nhau hãy sống khiêm nhường. Ấy thế, càng sống chung với nhau, con người càng thể hiện sự cạnh tranh nhau về bằng cấp, về doanh thu, về hiệu quả công việc, vị trí của mình trong mắt người khác, nhất là trong thế giới hiện đại ngày nay. Dường như con người tự nhiên muốn vượt lên khỏi những cái tầm thường hiện tại. Nhiều người đua nhau đi tìm cho mình một địa vị nào đó để đảm bảo cho cuộc sống, đảm bảo cho sự thừa nhận từ người khác về sự “hiện hữu được việc” của mình.

Rõ ràng, ước mơ thăng tiến và làm giàu đời sống của mình là một điều hoàn toàn đúng đắn và đáng được khích lệ. Nhưng khi ước mơ thăng tiến và làm giàu trở nên ích kỉ, ganh ghét, hơn thua và chẳng màng đến lợi ích của tha nhân, của cộng đoàn, xã hội thì hậu quả của nó không hề đơn giản, thậm chí dẫn đến sự phá hủy.

Trong đức tin Kitô giáo, mỗi Kitô hữu luôn được mời gọi học nơi chính con người Đức Kitô về gương mẫu của sự khiêm nhường, vì Ngài đã từng nói: “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Đây cũng là lời thúc dục của Phaolô: “Anh em hãy có những tâm tình (khiêm nhường) như chính Ðức Kitô Giêsu (Pl 2,5). Vậy tâm tình khiêm nhường của Đức Giêsu Kitô được thể hiện như thế nào để trở thành mẫu gương cho đời sống đức tin, cũng như thực hành luân lí trong cộng đoàn của mỗi Kitô hữu?

Trong bài viết ngắn này, người viết tập trung vào chính bối cảnh lá thư Phaolô gởi cho các tín hữu của cộng đoàn Philípphê, cụ thể là đoạn văn Kinh Thánh Pl 2,6-7 để làm rõ một số ý tưởng: (1) Tại sao Phaolô lại tha thiết thúc dục cộng đoàn Philípphê hãy có tâm tình khiêm nhường như Đức Giêsu Kitô? (2) Mầu nhiệm “tự làm trống chính mình” (ἑαυτὸν ἐκένωσεν) của Đức Giêsu Kitô được Phaolô trình bày như thế nào trong Pl 2,6-7? (3) Đâu là lời mời gọi không chỉ cho cộng đoàn Philípphê, nhưng còn cho mọi Kitô hữu trong việc thực hành đời sống luân lí Kitô giáo từ mẫu gương khiêm hạ của Đức Kitô?

Để trả lời cho những suy tư trên, bài viết này sẽ trình bày theo bố cục: trước tiên là tìm hiểu bối cảnh và cấu trúc chung của thư gởi cộng đoàn Philípphê. Sau đó, người viết tập trung vào việc đào sâu đoạn văn Pl 2,6-7 với một số cụm từ khóa nhằm giúp người đọc dễ dàng theo dõi và hiểu thêm bản văn. Tiếp đến, người viết đi vào phần phân tích bản văn dựa trên những cụm từ khóa vừa tìm hiểu. Cuối cùng là phần đúc kết với những suy tư phản tỉnh và kinh nghiệm cá nhân từ việc phân tích bản văn này.

I.                   Bối Cảnh Bản Văn

Mở đầu thư gởi các tín hữu của cộng đoàn Philípphê là lời chào thăm của Phaolô (1,1-2). Tiếp đến, ngài dâng lời tạ ơn và cầu nguyện với Thiên Chúa cho các tín hữu ở cộng đoàn này (1,3-11). Sau đó ngài trình bày hoàn cảnh hiện tại phải ngồi tù, bị xiềng xích của mình (1,12-26). Nhưng hoàn cảnh tù tội đó không giết chết tinh thần, cũng như lòng nhiệt huyết dấn thân phục vụ Tin Mừng Đức Kitô của ngài. Vì thế, Phaolô mời gọi, thúc dục các tín hữu ở Philípphê can đảm chiến đấu vì đức tin trước những khó khăn thử thách (1,27-30) và quyết tâm duy trì sự hiệp nhất trong cộng đoàn qua mẫu gương khiêm nhường là Đức Kitô (2,1-11). Cho nên, dù không hiện diện trực tiếp với các tín hữu ở Philípphê, Phaolô mời gọi các tín hữu phải lo sao cho mình được ơn cứu độ (2,12-18). Phần tiếp theo của lá thư, Phalô nói về việc gởi ông Timôthê và ông Êpáprôđitô tới cộng đoàn Philípphê để nâng đỡ tinh thần các tín hữu nơi đây (2,19-30). Tiếp đến, ngài dành cả chương ba để nói về con đường cứu độ (3,1-21). Gần cuối thư, ngài không quên khuyên răn, khích lệ (4,2-9) cũng như cám ơn cộng đoàn Philípphê vì đã giúp đỡ, đóng góp, chia sẻ với Phaolô trong những khó khăn (4,10-20). Cuối cùng, ngài dành những lời thăm hỏi và cầu chúc cuối cùng cho các tín hữu cộng đoàn Philípphê (4,21-23).[1]

Như vậy, đoạn Kinh Thánh Pl 2, 6-7 nằm trong phần nội dung (body) của thư Philípphê, nói về những lời chỉ dẫn của Phaolô đối với các tín hữu ở cộng đoàn Philípphê về đời sống luân lí khi ngài không hiện diện thể lí ở đó (1,27). Cụ thể, trước những thách đố, khó khăn trong đời sống đức tin (1,28-29), cũng như đời sống cộng đoàn (2,3-4), Phaolô đã mời gọi các tín hữu ở Philípphê quyết tâm duy trì sự hiệp nhất, cùng một lòng một trí, một ý hướng đừng ganh tị vì hư danh, đừng sa vào sự ích kỉ của bản thân. Thay vào đó, Ngài thúc dục mọi người biết sống thân tình, biết cảm thương, biết kích lệ nhau, biết quan tâm đến lợi ích cho người khác, và đặc biệt hãy có lòng khiêm nhường dựa vào mẫu gương là Đức Kitô (2,1-5). Tất cả những điều ngài khao khát, thúc dục, động viên cũng chỉ hướng tới một điều như cách ngài tha thiết: “Anh em hãy biết run sợ mà gắng sức lo sao cho mình được cứu độ” (2,12).

Bài viết này sẽ đào sâu Pl 2,6-7 là hai câu đầu trong bài thánh thi (Pl 2, 6-11) của các Kitô hữu thời kì đầu nhằm mục đích tôn vinh Đức Kitô[2] và cũng được xem là bài thánh thi tồn tại sớm nhất về việc tôn vinh, ca tụng Đức Kitô.[3] Cụ thể, thánh thi này trình bày sự tiền hữu của Đức Kitô (Pl 2,6), nhưng tự làm trống rỗng chính mình qua mầu nhiệm nhập thể (2,7) và cái chết của Ngài (2,8), cùng với việc Ngài được Thiên Chúa tôn vinh lên vị trí trổi vượt trên tất cả mọi loài (2,9). Chính vì thế, mỗi khi nhắc tới danh thánh Giêsu, thì mọi loài phải xưng tụng Ngài là Thiên Chúa (2,11).

Vậy, lời mời gọi mặc lấy sự khiêm nhường như Đức Giêsu Kitô của Phaolô dành cho các tín hữu ở Philípphê được diễn tả như thế nào? Tại sao nó lại quan trọng để người tín hữu nhận được ơn cứu độ? Để làm rõ điều này, bài viết sẽ trình bày cụ thể trong các phần dưới đây.

II.                Phê Bình Bản Văn

Trước tiên, người viết so sánh bản văn Pl 2,6-7 với bốn bản dịch từ bản văn Hi Lạp:

 

Bản văn Hi Lạp[4]

Bản dịch TJB[5]

Bản dịch NAB[6]

Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn[7]

Bản dịch NCGKPV (KPA: Ấn bản KT 2011)[8]

Câu 6

ὃς ἐν μορφῇ θεοῦ ὑπάρχων οὐχ ἁρπαγμὸν ἡγήσατο τὸ εἶναι ἴσα θεῷ.

His state was divine, yet he did not cling to his equality with God.

Who (Jesus), though he was in the form of God, did not regard equality with God something to be grasped.

Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã không nghĩ phải giằng cho được chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.

Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúakhông nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.

Câu 7

ἀλλὰ ἑαυτὸν ἐκένωσεν μορφὴν δούλου λαβών, ἐν ὁμοιώματι ἀνθρώπων γενόμενος. καὶ σχήματι εὑρεθεὶς ὡς ἄνθρωπος.

but emptied himself to assume the condition of a slave, and became as men are; and being as all men are.

Rather, he emptied himself, taking the form of a slave, coming in human likeness; and found human in appearance.

Song Ngài đã hủy mình ra không, là lĩnh lấy thân phận tôi đòi, trở thành giống hẳn người ta; đem thân đội lốt người phàm

nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế

Dựa vào những liệt kê trên, chúng ta có thể thấy một số điểm khác nhau giữa các bản dịch tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Tuy nhiên, để tập trung vào đề tài của mình và giúp người đọc dễ dàng theo dõi, người viết sẽ tập trung vào bốn cụm từ: (1) ἐν μορφῇ θεοῦ “in the form of God”; (2) οὐχ ἁρπαγμὸν “not something to be grasped”; (3) ἑαυτὸν ἐκένωσεν “he emptied himself”; (4) σχήματι εὑρεθεὶς ὡς ἄνθρωπος “found human in appearance”.

Đầu tiên, mở đầu câu 6, trong bản văn Hi Lạp, “ὃς” là đại từ quan hệ “who” chỉ về Đức Giêsu Kitô như đã được đề cập ở câu 5. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa (KPA) (ἐν μορφῇ θεοῦ - in the form of God (NAB) (Pl 2,6). Từ “μορφῇ”[9] (form), trước hết, trong ngôn ngữ triết học được sử dụng bởi Aristotle để diễn tả một Hữu Thể đích thật, một thực tại không bao giờ thay đổi.[10] Trong bối cảnh bản văn, học giả Kenneth Grayston xem từ “μορφῇ” diễn đạt ý tưởng về mối quan hệ mật thiết, duy nhất giữa Đức Giêsu Kitô và Thiên Chúa. Ngài đã là/vốn dĩ /trong thân phận/địa vị là Thiên Chúa (His state was divine).[11] Không những thế, Gordon D. Fee còn cho rằng một mặt Phaolô cho thấy sự tiền hữu của Đức Giêsu Kitô, mặt khác khi nói Đức Kitô “in the form of God” có nghĩa là Ngài “ngang hàng với Thiên Chúa” (εἶναι ἴσα θεῷ - to be equal with God), nhưng không phải theo nghĩa cả hai giống hệt nhau, nhưng cả hai đều chỉ về cùng một thực tại – Thiên Chúa (Divine).[12]

Thứ hai, cụm từ “οὐχ ἁρπαγμὸν” (not something to be grasped) (NAB) (Pl 2,6). Động từ “ἁρπαγμὸν” chuyển tải ý nghĩa của một hành động chiếm giữ khư khư, cướp lấy, ăn cướp một cách hung hãn, bạo lực.[13] G. Walter Hansen cho rằng, theo mạch văn, điều này diễn tả rằng Đức Kitô đã không “οὐχ” coi sự bình đẳng của Ngài với Thiên Chúa là một hành động ăn cướp, một hành động chiếm giữ một cách thô thiển, nhưng sự bình đẳng đó là quyền vốn có của Ngài.[14] Nói cách khác, việc Đức Giêsu Kitô không cần phải giữ khư khư vị thế ngang hàng với Thiên Chúa. Vì từ thuở đời đời, Ngài đã hiện hữu trong địa vị là Thiên Chúa “μορφῇ θεοῦ”, cho nên Ngài không màng đến việc chiếm giữ bất cứ thứ gì/ bất cứ giá nào cho lợi ích riêng để nhắm đến việc duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa.

Thứ ba, cụm từ ἑαυτὸν ἐκένωσεν” (he emptied himself) (NAB) (Pl 2,7). Trong tiếng Hy Lạp, từ “κενόω” là trống không, chẳng còn gì như “đất còn trống rỗng – St 1,2”, “bình không vò rỗng - Gr 14,3”, “ra đi tay không - Xh 3,21”, “về tay không - Đnl 15,13”. Khi “κενόω” sử dụng như một động từ[15] nghĩa là: làm trống rỗng, đổ ra, trút hết cho đến khi không còn gì nữa, đến “sức tàn lực kiệt”.[16]

Vậy, Đức Kitô tự làm trống rỗng chính mình là thế nào? G. Walter Hansen đã đưa ra ba quan điểm khi giải thích cho diễn tả: “Đức Kitô tự làm trống rỗng chính mình”. Thứ nhất, học thuyết “kenotic”: Đức Giêsu Kitô tự trút bỏ chính mình bằng cách loại bỏ thần tính: thuộc tính thần linh, vinh quang thần linh và sức mạnh thần linh. Thứ hai, quan điểm nhập thể: Đức Giêsu Kitô đã trút bỏ chính mình bằng cách trở thành một con người trong địa vị của nô lệ (in the form of a slave). Thứ ba, chân dung Người Tôi Tớ của Đức Chúa: hình ảnh Đức Kitô tự làm trống rỗng chính mình là một tiếng vọng của hình ảnh Thánh Kinh về Người Tôi Tớ của Đức Chúa, là Đấng “đã hiến thân chịu chết” (Is 53:12).[17] Theo Hansen, ba lối giải thích này không loại trừ nhau nhưng bổ sung cho nhau để làm sáng tỏ diễn tả “Đức Kitô tự làm trống rỗng chính mình”.

Bên cạnh đó, Albrecht Oepke – một thần học gia người Đức xem việc Đức Kitô tự làm trống chính mình với ý nghĩa rằng Ngài tự do trao đổi dạng thức hiện hữu thần linh, tiền hiện hữu của mình (câu 6) bằng một dạng thức hiện hữu thông thường, con người trần thế. Ông nhấn mạnh rằng Đức Giêsu Kitô đã không ích kỷ, khư khư, bám chặt vào dạng thức hiện hữu thần linh của Ngài (divine form and mode of being), nhưng Ngài quyết định làm trống rỗng chính mình, trở thành dạng thức hiện hữu một người tôi tớ, một người nô lệ (taking the form of a slave) bằng cách trở thành một con người trần thế, như Phaolô đã nhấn mạnh: “Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có” (2 Cor 8,9).[18]

Tuy nhiên, dù động từ “ἐκένωσεν” (làm trống rỗng) được sử dụng ở đây (câu 7), nhưng ý nghĩa của từ này dường như chưa đủ cơ sở để cho phép người ta khẳng định Đức Kitô đã tự trút bỏ một số thuộc tính thần linh nhất định của Ngài. Trên thực tế, bản văn Philípphê không nói Đức Kitô đã từ bỏ bất cứ điều gì. Thay vào đó, nói rằng Ngài đã thêm vào chính mình điều mà Ngài không có trước đây— “form of a slave - dạng thức hiện hữu của một nô lệ” và “the likeness of human beings - giống con người”.[19]

Nên với lối dịch “hủy mình ra không” như cha Nguyễn Thế Thuấn hay “trút bỏ vinh quảng” của nhóm CGKPG chưa thực sự làm rõ ý bản văn gốc. Cho nên, người viết muốn đề xuất một cách dịch khác cho từ “ἑαυτὸν ἐκένωσεν” rằng: “Ngài tự làm trống rỗng chính mình”.

Cuối cùng, cụm từ “σχήματι εὑρεθεὶς ὡς ἄνθρωπος” (found human in appearance) (NAB). Với cụm từ này, cha Nguyễn Thế Thuấn dịch “đem thân đội lốt người phàm”, bản KAP dịch “sống như người trần thế”. Trước tiên, ở câu 6, Phaolô diễn tả Đức Giêsu Kitô từ căn tính “form/nature -μορφῇ” (2,6) là Thiên Chúa trở nên “likeness of men - ὁμοιώματι ἀνθρώπων” (giống người phàm) (2,7). Chúng ta bắt gặp lối diễn giải tương tự trong Roma 8,3: “Thiên Chúa đã sai chính Con mình Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta”. Tiếp đến, từ “σχήματι - appearance – bề ngoài/hình dáng/thể hiện bên ngoài”. Nếu trước đó, Phaolô nói Đức Kitô trở nên giống như người phàm “ὁμοιώματι ἀνθρώπων”, thì Phaolô lại chuyển cách diễn tả sang lối nói Đức Kitô “in appearance as a man” (σχήματι ὡς ἄνθρωπος). Gordon D. Fee nhận định rằng[20] ý nghĩa của từ “σχήματι – appearance” không nhằm diễn tả bản chất, cái bên trong (the essential quality of something), nhưng nó muốn nói lên hình thức bên ngoài để cái gì đó được nhận biết. Do đó, khi nói Đức Kitô “in appearance as a man” là muốn nhấn mạnh đến cách có thể nhận biết rõ ràng Ngài là con người theo vẻ bề ngoài như con người trần thế. Điều này càng được rõ ràng hơn khi có động từ “εὑρεθεὶς – having been found - được nhận thấy”. Như vậy, Đức Kitô đã tự làm trống rỗng mình để nhận lấy dạng thức hiện hữu của một con người thực sự, được nhận biết một cách rõ ràng như người trần mắt thịt, chứ không chỉ là “đem thân đội lốt người phàm” như cha Nguyễn Thế Thuấn dịch.[21]

Như vậy, qua những cụm từ người viết quan tâm và phân tích ở trên, người viết đề xuất một bản dịch mới cho đoạn văn Pl 2,6-7 rằng:

Đức Giêsu Kitô vốn trong thân phận là Thiên Chúa, nhưng Ngài không nhất quyết khư khư giữ lấy thân phận này để ngang hàng với Thiên Chúa. Tuy nhiên, Ngài đã tự làm trống rỗng chính mình, để nhận lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, được nhìn nhận như một con người trần thế.

III.             Phân Tích Bản Văn

Trước tiên, đoạn văn Pl 2,6-7 được phân chia thành các phần theo cấu trúc đồng tâm đối xứng:[22] a, b, c, b’, c’:

a - Đức Giêsu Kitô vốn trong thân phận là Thiên Chúa (6a)

b - nhưng Ngài không nhất quyết khư khư giữ lấy thân phận này để ngang hàng với Thiên Chúa. (6b)

c - Tuy nhiên, Ngài đã tự làm trống rỗng chính mình (7a)

b’ - để nhận lấy thân nô lệ, (7b)

a’- trở nên giống phàm nhân, được nhìn nhận như một con người trần thế. (7c)

Như vậy, c – Ngài (Đức Kitô) đã tự làm trống rỗng chính mình (7a) được xem là trọng tâm, là chủ đề chính yếu của đoạn văn Pl 2,6-7. Vậy, ý tưởng này liên kết như thế nào với địa vị Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô? Đặc biệt, tại sao mầu nhiệm Đức Kitô tự làm trống rỗng chính mình lại được Phaolô trình bày để diễn tả về nhân đức khiêm nhường?

1.      Thân Phận Thiên Chúa Của Đức Giêsu Kitô

Trước tiên, như được đề cập trong phần bối cảnh bản văn, Pl 2,6-7 là hai câu đầu trong bài thánh thi (Pl 2,6-11) của Giáo hội sơ khai nhằm tôn vinh Đức Kitô. Mở đầu thánh thi, Phaolô nhấn mạnh tới sự tiền hữu và thuộc tính thần linh của Đức Kitô (Đức Giêsu Kitô vốn trong thân phận là Thiên Chúa”, cùng được chia sẻ vinh quang với Thiên Chúa. Ở đây, Phaolô không nói rằng Đức Giêsu Kitô là “địa vị của Thiên Chúa” (μορφῇ θεοῦ), nhưng Ngài ở “trong địa vị của Thiên Chúa” (ἐν μορφῇ θεοῦ). Cách diễn tả này chúng ta bắt gặp nơi Tin Mừng Luca: “Một người sỡ hữu áo quần lộng lẫy, đời sống xa hoa thì ở trong (ἐν) cung trong điện” (Lc 7,25).[23]

Tiếp đến, J. B. Lightfoot – Giám mục và nhà thần học người Anh cho rằng Phaolô đã bị ảnh hưởng triết học Hi Lạp khi sử dụng thuật ngữ “μορφῇ” đặc biệt là Aristotle. Lightfoot nhấn mạnh mặc dù μορφῇ không giống với φύσς hay oὐσία (substance), nhưng việc dùng μορφῇ cũng liên quan đến việc tham gia vào oὐσία, vì μορφῇ không ngụ ý diễn tả chiều kích bên ngoài nhưng là các thuộc tính thiết yếu, nền tảng, là bản chất, không bao giờ thay đổi.[24] Theo quan điểm này, dường như dạng thức “μορφῇ” tồn tại trước đó của Đức Giêsu Kitô được đánh đồng với tình trạng siêu hình, vinh quang của Ngài bên trong Thiên Chúa (Godhead).

Hơn nữa, cũng theo quan điểm trên của Lightfoot: μορφῇ không đề cập đến hình dáng/ chiều kích bên ngoài, nhưng ngụ ý tham gia vào bản chất, vào thuộc tính. Trong khi Johannes Weiss –thần học gia Đức cho rằng “dạng thức thần linh” mà Đức Kitô sở hữu trước khi trở thành con người giống như δόξα – vinh quang của chính Thiên Chúa. Ngài hiện hữu như được khoác trên mình bộ áo uy nghiêm và lộng lẫy của thần linh (Lc 7,25), được sinh ra trước mọi loài thọ tạo (Cl 1,15), vinh quang của Ngài đã có trước khi có thế gian (Ga 17,5) và Ngài là phản ánh vẻ huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa (Dt 1,3).[25]

Như vậy, khi nói Đức Kitô vốn trong thân phận là Thiên Chúa (ἐν μορφῇ θεοῦ) thì tác giả thư Philípphê không chỉ diễn tả dạng thức hiện hữu thần linh của Ngài (tiền hữu), nhưng còn cho thấy Ngài có tất cả mọi đặc trưng và phẩm tính thuộc về Thiên Chúa để Ngài có thể “ngang hàng với Thiên Chúa” (εἶναι ἴσα θεῷ) trong chính thân phận vốn dĩ của Ngài (Pl 2,6b).

2.      Mầu Nhiệm Đức Giêsu Kitô Tự Làm Trống Rỗng Chính Mình

Trước khi bàn về mầu nhiệm “tự làm trống rỗng chính mình” của Đức Kitô, ta hãy trở lại bối cảnh của bản văn để thấy tại sao Phaolô nhấn mạnh, muốn khuyên răn đến cộng đoàn Philípphê hãy có những tâm tình như Đức Giêsu Kitô (Pl 2,5) mà cụ thể là tâm tình khiêm nhường.

Trước tiên, Phaolô trình bày cho chúng ta thấy khắc khoải của ngài: “Ðừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác” (Pl 2,3-4). Ở đây, chúng ta có thể suy luận rằng có lẽ trong cộng đoàn Philípphê đang có sự chia rẽ, ganh tị, cạnh tranh nhau, mất đoàn kết (Pl 1,15.17; 2,14; 4,2).

Vì tình trạng không mấy tốt đẹp đang diễn ra trong cộng đoàn Philípphê, trong khi Phaolô lại không thể hiện diện thể lí với cộng đoàn, nên Phaolô một mặt động viên, khích lệ, dạy dỗ các tín hữu. Mặt khác, ngài đặt họ trước sự hiện diện và mẫu gương của Đức Kitô trong mầu nhiệm “tự làm trống rỗng chính mình” của Ngài. Cụ thể hơn, Phaolô thúc dục các tín hữu ở Philípphê nhìn thấy nơi Đức Kitô một khuôn mẫu đạo đức về sự khiêm nhường để định hình, thay đổi thái độ của họ trong đời sống cộng đoàn.[26]

Vậy bài học về sự khiêm nhường nơi mầu nhiệm “tự làm trống rỗng chính mình” của Đức Kitô được Phaolô trình bày thế nào?

Đầu tiên, Đức Giêsu Kitô chính là Thiên Chúa không khư khư giữ mọi thứ cho riêng mình như đã được đề cập trong phần phê bình bản văn. Chúng ta ngạc nhiên trước cách diễn tả của Phaolô: Đức Giêsu Kitô vốn trong thân phận là Thiên Chúa nhưng Ngài không nhất quyết phải giữ lấy thân phận này để ngang hàng với Thiên Chúa. Nếu liên hệ câu này với Pl 2,4: “Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác”, chúng ta thấy Đức Giêsu Kitô vốn trong thân phận là Thiên Chúa nên Người tính đến việc ngang hàng với Thiên Chúa không phải bằng cách chiếm giữ cho riêng mình những thuộc tính, quyền năng, vinh quang Thiên Chúa, nhưng với một cách thế hoàn toàn ngược lại là rộng mở và cho đi tất cả. Quả thế, sự cho đi của Đức Giêsu Kitô được thể hiện cụ thể nơi hành động “ἑαυτὸν ἐκένωσεν” (he emptied himself - Ngài đã tự làm trống rỗng chính mình).

Có thể thấy rằng, trước khi nhập thể, Đức Kitô sở hữu bản chất Thần Linh và cùng địa vị với Thiên Chúa. Nhưng trái với những gì người ta thường mong đợi, bản chất thực sự của Thiên Chúa không phải là chiếm hữu hoặc chỉ muốn nắm giữ mọi thứ vì lợi ích cá nhân mà là từ bỏ chúng để làm giàu cho tất cả mọi người. Ngài thực sự chia sẻ bản tính Thiên Chúa, nhưng Ngài không bám víu vào quyền năng, bản tính Thần Linh. Ngài đã tự khoét rỗng chính mình, tự làm trống chính mình để mang lợi ích cho người khác.[27] Có nghĩa là, Ngài đã cố tình tự đặt mình vào vị trí khiêm tốn nhất, khiêm nhường nhất. Từ một người ở trong thân phận là Thiên Chúa (ἐν μορφῇ θεοῦ) và ngang hàng với Thiên Chúa, Ngài đã quyết định tự làm trống rỗng chính mình, để nhận lấy thân nô lệ (μορφὴν δούλου λαβών), trở nên giống phàm nhân, được nhìn nhận như một con người trần thế để có thể phục vụ người khác. Có thể nói rằng, ý định của Đức Kitô không nhắm đến danh dự, quyền lợi, để mình được tôn vinh, được tín nhiệm, nhưng Ngài hướng tới vì danh dự, quyền lợi và sự tín nhiệm của người khác. Hành động của Ngài vì lợi ích của người khác và “trở nên nghèo để làm cho nhiều kẻ được giàu có” (2Cr 8, 9).[28]

Hơn thế, một Thiên Chúa khoét rỗng chính mình để có không gian nhận lấy thân phận con người. Đức Kitô tự làm trống chính mình “ἑαυτὸν ἐκένωσεν”, tuy nhiên hành động này không biến ngài thành hư vô, chẳng còn gì, nhưng đúng hơn là để Ngài nhận lấy (λαβών), trở nên (γενόμενος), được nhìn nhận (εὑρεθεὶς). Quả thế, sự cho đi nơi Đức Kitô lại được thể hiện qua sự nhận vào, sự làm trống rỗng nơi mình được đạt tới qua việc trở nên điều mà Người chưa từng là bao giờ, “ἐκένωσεν” nơi Người không phải là “trừ đi” nhưng là “thêm vào”. Người đã đón nhận vào chính mình địa vị “μορφῇ” mà Người chưa từng là vậy bao giờ. Đó là “μορφὴν δούλου” – địa vị của một người nô lệ. Đặc biệt, Đức Kitô đã không nhận thêm vào mình dáng vẻ bên ngoài hay cải trang thành người nô lệ, nhưng đúng hơn Ngài nhận lấy chính bản tính “μορφῇ” của một kẻ nô lệ vào trong bản tính vốn có của mình và tự giới hạn bản thân mình bằng cách trở thành con người.[29]

Cuối cùng, hành động “tự làm trống rỗng chính mình” của Đức Kitô cho chúng ta cơ hội chiêm ngưỡng một Thiên Chúa đi vào lịch sử nhân loại, ôm lấy thân phận con người và là người phục vụ. Vì hai cụm từ “mặc lấy thân nô lệ” và “trở nên giống phàm nhân” về cơ bản mô tả sự nhập thể - Đức Kitô đã trở thành một con người dưới hình thức một nô lệ. Như vậy, nơi Đức Kitô có một sự nghịch lí giữa Đức Kitô trong thân phận là Thiên Chúa (câu 6) và Đức Kitô trong thân phận nô lệ (câu 7). Nếu trong thân phận là Thiên Chúa, nơi đó Ngài có sự huy hoàng rực rỡ của địa vị cao nhất, quyền năng hiển hiện trong việc tạo dựng vũ trụ, và quyền tể trị được thể hiện trong quyền cai trị phổ quát của Ngài trên tất cả các tạo vật của Ngài. Trong khi, hình thức nô lệ hoàn toàn trái ngược với vinh quang: nô lệ không có địa vị cao, không có quyền lực vô hạn, không có chủ quyền vô song. Một nô lệ có vị trí thấp nhất, hoàn toàn không có bất cứ quyền gì. Anh ấy không có vinh quang: không có danh dự; chỉ có sự xấu hổ.[30] Điều này không chỉ cho thấy Đức Kitô hoàn toàn bước vào kinh nghiệm làm người của con người, ở một vị thế thấp nhất trong xã hội thời bấy giờ là một kẻ nô lệ, nhưng hành động của Ngài còn cho thấy đây không phải là một trò hề hay vở kịch của một kẻ đang giả mạo nhận dạng với loài người như trường phái Ảo Thân Thuyết quan niệm.

Như vậy, hành động “tự làm trống rỗng chính mình” của Đức Kitô vừa diễn tả Ngài là một Thiên Chúa tự bản chất là trao ban, là luôn mở rộng cho đi, nhưng đồng thời cũng diễn tả một Thiên Chúa sẵn sàng hiện diện, cùng sống và cùng kinh nghiệm với con người trong một thân phận cùng khốn nhất, khiêm hạ nhất. Tất cả những gì Ngài làm là hướng đến con người, là trao ban tất cả những gì Ngài có thể để con người được giàu có (2Cr 8, 9) và sống dồi dào (Ga 10,10).

Chính vì thế, khuôn mẫu đạo đức về đức khiêm nhường mà Phaolô muốn các tín hữu của cộng đoàn Philipphê học nơi Đức Kitô chính là một tinh thần dám sống, dám nghĩ cho người khác: Ðừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác (Pl 2, 6-7). Không những thế, Phaolô còn mời gọi họ, trong tinh thần hiệp nhất với Ðức Kitô hãy lấy niềm an ủi, tình bác ái mà khích lệ nhau, cùng sống thân tình và biết cảm thương nhau và nhất là cùng có một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng để làm cho đời sống cộng đoàn được hiệp nhất và hài hòa (Pl 2,1-2).

 

IV.             Tóm Kết

Sau khi tìm hiểu bản văn Pl 2,6-7, có lẽ trong suy tư nhiều người hiện lên hình ảnh về một vị Thiên Chúa quyền năng, vinh quang, siêu việt nhưng cũng rất gần gũi với con người. Điều này thể hiện rõ nét nơi bài học khiêm nhường mà Đức Giêsu Kitô đã để lại qua mầu nhiệm “tự làm trống rỗng chính mình” – một bài học có giá trị thực tế không chỉ cho cộng đoàn các tín hữu Philípphê thời bấy giờ, nhưng còn là bài học khiêm nhường cho mọi thời, mọi người và mọi nơi.

Trước hết, chúng ta thấy một vị Thiên Chúa hành động hoàn toàn khác lối suy nghĩ của con người. Như hình ảnh anh thanh niên trong Mc 10,21-22: Khi được Chúa Giêsu mời gọi đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó, thì anh ấy sẽ có một kho báu trên trời. Nhưng khi nghe những lời đó, thì anh sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh có nhiều của cải. Trong khi đó, Thiên Chúa thật lạ lùng. Ngài vốn mang thân phận/bản chất là Thiên Chúa, uy phong trên tất cả mọi loài nhưng Ngài lại chẳng thu vén, chẳng khư khư ôm giữ. Ngài chẳng làm mọi thứ, mọi giá để phải được ngang bằng với Thiên Chúa. Nhưng thay vì ôm vào người cho đủ thứ vinh quang, Ngài lại tự làm cho chính mình trở nên trống rỗng để nhận lấy thân phận của một kẻ nô lệ, một người tôi tớ phục vụ, một con người bình dị với tất cả những giới hạn của phận người. Thiên Chúa đã chọn đi con đường của sự khiêm hạ, con đường “đi xuống” đến tận cùng của kiếp nghèo, tận đáy của xã hội “làm thân nô lệ”. Một Đấng là Chúa của mọi loài, siêu vượt trên không gian và thời gian, giờ đây lại chấp nhận làm một kẻ nô lệ, một con người chịu sự chi phối của thụ tạo, của không gian và thời gian.

Đồng thời, hành động khiêm nhường được Ngài cụ thể hóa bằng việc Ngài không ngừng “đi xuống”, không ngừng “làm trống rỗng chính mình”, không ngừng hạ mình, hạ mình đến tận cùng của một kẻ nhỏ bé nhất. Từ trên cao Người hạ mình xuống thế, trong lịch sử loài người. Từ thân phận là Thiên Chúa, Người đã hạ mình xuống trong thân phận là một kẻ nô lệ. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một con người phầm trần nghèo hèn, đảm nhận lấy thân phận con người đích thực, cụ thể và bước vào lịch sử nhân loại với tất cả phận người. Có thể nói, Người đã hạ mình xuống tận cùng, nơi không còn có thể xuống hơn nữa và đã làm rỗng chính mình để Ngài có thể mang lấy hết kinh nghiệm và sống trọn vẹn phận người nơi bản tính Thiên Chúa của mình.

Như vậy, Đức Giêsu Kitô là hình ảnh cụ thể, là mẫu gương chân thực để thực hành nhân đức khiêm nhường trong đời sống đức tin và luân lí của mỗi người chúng ta. Có thể, trong hành trình này, chúng ta sẽ rất khó khăn để đi con đường giống như Chúa đã đi là khiêm hạ đến tận cùng, là trao ban tất cả, sống vì người khác. Nhưng Chúa Giêsu đã dạy: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29) và thánh Phêrô đã khuyên răn: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1Pr 5,5). Như vậy, chúng ta không chỉ luôn luôn được mời gọi, kích lệ, động viên để sống khiêm nhường, nhưng chúng ta luôn có một mẫu gương, một hình mẫu và cả một sự đồng hành, ban ơn và thêm sức từ Thiên Chúa để can đảm bước đi trên con đường này để đạt được ơn cứu độ.

Hơn nữa, không phải ngẫu nhiên trong kinh Cải Tội Bảy Mối, Giáo hội đặt nhân đức khiêm nhường được đặt lên hàng đầu: “Khiêm nhường, chớ kiêu ngạo”. Hay trong Hai Mươi Mầu Nhiệm Kinh Mân Côi, nhân đức khiêm nhường được nhắc đến ngay trong Mầu Nhiệm Thứ Nhất của Mùa Vui: “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhường”. Hơn nữa, thánh Augustinô nêu rõ: “khiêm nhường là nền tảng của tất cả các nhân đức khác”.[31]  Hay năm ngoái, trong Thánh Lễ Giáng Sinh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh sự khiêm nhường là con đường dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa. Nếu không có sự khiêm nhường, chúng ta sẽ bị cắt lìa khỏi sự hiểu biết về Thiên Chúa và chính bản thân mình.[32] Như vậy, Giáo hội luôn ý thức rõ sự cần thiết và quan trọng của đức khiêm nhường trong đời sống của Giáo hội cũng như của mỗi người Kitô hữu trong hành trình theo Đức Kitô. Để sống trong sự hiệp nhất và đi vào tương quan mật thiết với Ngài, chúng ta không thể không sống khiêm nhường, sống vì người khác.

Tóm lại, như lời mời gọi tha thiết của Phaolô, cùng chính là ước mơ của Chúa rằng chúng ta hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô Giêsu (Pl 2,5). Chúng ta hãy sống vì người khác với một thái độ khiêm hạ. Đừng chỉ biết quy về mình, chỉ biết mưu tìm lợi ích cho mình, đừng ganh tị hay vì hư danh, để phá vỡ sự hiệp thông, sự hài hòa, tình yêu thương trong đời sống, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình (Pl 2,3-4).

Tài Liệu Tham Khảo

·                Kinh Thánh

  The Jerusalem Bible. Editor by Alexander Jones. London: Darton, Longman & Todd, 1966.

  The New American Bible. Revised edition. New York: HarperCollins Publishers, 2012.

  Kinh Thánh Trọn Bộ. Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2007.

  Kinh Thánh Trọn Bộ. Bản dịch Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2011.

·                Sách

Dunn, James D.G. The Theology of Paul The Apostle. Grand Rapids, Michigan/ Cambridge, U.K: William B. Eerdmans Publishing Company, 1998.

Fee, Gordon D. Philippians. Grand Rapids, Michigan: William B. Eerdmans Publishing Company, 1995.

Grayston, Kenneth. The Letter of Paul to The Philippians and to The Thessalonians. Cambridge University Press, 1967.

Hansen, G. Walter, The Letter to the Philippians. Grand Rapids, Michigan/ Cambridge, U.K: William B. Eerdmans Publishing Company, 2009.

Hawthorne, Gerald W. Ralph P. Martin. Word Biblical Commentary 43: Philippians. Nashville: Thomas Nelson, 2004.

O’Brien, Peter T. The Epistle to the Philippians. Grand Rapids, Michigan/ Cambridge, U.K: William B. Eerdmans Publishing Company, 1991.

The New International Dictionary of New Testament Theology. Editor Colin Brown. Grand Rapids, Michigan, U.S.A.: The Zondervan Corporation, 1975.

Thurston, Bonnie B. & Judith Ryan. Philippians and Philemon. Editor by Daniel J. Harrington, Sacra Pagina Series, Vol.10. Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 2005.

Võ Đức Minh. Nguyện Gẫm Với Thánh Vịnh. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2012.

White, Thomas Joseph. The Incarnate Lord: A Thomistic Study in Christology. Washington, D.C.: The Catholic University of America Press, 2015.

 



[1] Bố cục này được Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ trình bày và sắp xếp. Ngoài ra, nó cũng được tìm thấy cách phân chia tương đồng nơi những chú giải của các học giả khác. Cụ thể:  Gordon D. Fee, Philippians (Grand Rapids, Michigan: William B. Eerdmans Publishing Company, 1995); Gerald W. Hawthorne, Ralph P. Martin, Philippians (Nashville: Thomas Nelson, 2004); G. Walter Hansen, The Letter to the Philippians (Grand Rapids, Michigan/ Cambridge, U.K: William B. Eerdmans Publishing Company, 2009); Kenneth Grayston, The Letter of Paul to The Philippians and to The Thessalonians (Cambridge University Press, 1967); Peter T. O’Brien, The Epistle to the Philippians (Grand Rapids, Michigan/ Cambridge, U.K: William B. Eerdmans Publishing Company, 1991).

[2] Peter T. O’Brien, The Epistle to the Philippians (Grand Rapids, Michigan/ Cambridge, U.K: William B. Eerdmans Publishing Company,1991), 225. G. Walter Hansen, The Letter to the Philippians (Grand Rapids, Michigan/ Cambridge, U.K: William B. Eerdmans Publishing Company, 2009), 174.

[3] Gerald W. Hawthorne, Ralph P. Martin, Word Biblical Commentary 43: Philippians (Nashville: Thomas Nelson, 2004), 457.

[4] Philippians 2, https://www.greekbible.com/

[5] The Jerusalem Bible, editor by Alexander Jones (London: Darton, Longman & Todd, 1966), 339-340.

[6] The New American Bible, revised edition (New York: HarperCollins Publishers, 2012). 1467.

[7] Kinh Thánh Trọn Bộ, bản dịch Nguyễn Thế Thuấn (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2007), 448.

[8] Kinh Thánh Trọn Bộ, bản dịch Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2011), 2612.

[9] Từ “μορφῇ” được sử dụng ba lần trong Tân Ước: hai lần trong thánh thi Philípphê (2,6-7) và một lần trong Tin Mừng Máccô (16,12). Mặc dù “μορφῇ” chỉ xuất hiện trong đoạn thư này, nhưng dạng ghép của từ gốc “μορφ” ở nơi khác cũng được Phaolô sử dụng: μόρφωσιν (Rm 2,20; 2 Tm 3,5); μορφωθῇ (Gal 4,19), μεταμορφοῦσθε (Rom 12,2; 2Cor 3,18), συμμορφιζόμενος (Pl 3,10), và σύμμορφον (Pl 3,21). (Peter T. O’Brien, The Epistle to the Philippians, 246)

[10] Bonnie B. Thurston, Judith Ryan, Philippians and Philemon, editor by Daniel J. Harrington, Sacra Pagina Series, Vol.10 (Collegeville, Minnesota: Liturgical Press, 2005), 81. Kenneth Grayston, The Letter of Paul to The Philippians and to The Thessalonians (Cambridge University Press, 1967), 27.

[11] Kenneth Grayston, The Letter of Paul to The Philippians and to The Thessalonians, 27.

[12] Gordon D. Fee, Philippians (Grand Rapids, Michigan: William B. Eerdmans Publishing Company, 1995), 148.

[13] G. Walter Hansen, The Letter to the Philippians, 199.

[14] Ibid., 199-200.

[15] Trong Tân Ước, động từ “κενόω” chỉ được nhắc tới trong các thư của Phaolô.

[16] The New International Dictionary of New Testament Theology, editor Colin Brown (Grand Rapids, Michigan, U.S.A.: The Zondervan Corporation, 1975), 546 -547.

[17] G. Walter Hansen, The Letter to the Philippians, 203.

[18] The New International Dictionary of New Testament Theology, 547.

[19] Gerald W. Hawthorne, Ralph P. Martin, Word Biblical Commentary 43: Philippians, 435. G. Walter Hansen, The Letter to the Philippians, 204.

[20] Gordon D. Fee, Philippians, 366.

[21] Cách dịch: “đem thân đội lốt người phàm” của cha Nguyễn Thế Thuấn dễ dẫn đến cách hiểu của lạc giáo Ảo Thân Thuyết. Phái “Ảo thân thuyết” (Docétisme - do động từ dokein, tiếng Hy Lạp, nghĩa là “ra vẻ, hiện ra"). (Đức Giê-Su Ki-Tô - Đường Nhập Thể, hdgmvietnam.com, xuất bản ngày 01/12/2021, https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-gie-su-ki-to-duong-nhap-the-44151)

Phái này cho rằng nhân tính của Đức Kitô chỉ là vẻ bề ngoài, nên họ không chấp nhận nhân tính đích thực của Chúa Giêsu. Họ cho rằng thân xác của Ngài không là thân xác đích thực, mà là một loại thân xác thiêng liêng, có vẻ bên ngoài là thân xác, giống như thiên thần. Họ chối bỏ những hành vi nhân sinh được coi là bất xứng với thần tính, ví dụ: sự đau khổ. Cho nên, trên Thập giá, Người được một ai đó khác thay thế chứ không phải là con người đích thực của Chúa Giêsu.

[22] Cấu trúc đồng tâm đối xứng thường có một tư tưởng là trọng tâm, là chủ đề của cả đoạn. Trọng tâm được phong phú hoá bởi các tư tưởng, hình ảnh khác nhau, thậm chí có khi mâu thuẫn nhau. Mục đích là tô điểm thêm cho chủ đề, làm cho trọng tâm được thêm phong phú. Khi gặp lối cấu trúc này, điều quan trọng là ta cố tìm ra trọng tâm, đừng để mình bị các hình ảnh khác đánh lạc hướng. Cấu trúc đồng tâm đối xứng sẽ có hình thức như sau: a, b, c, b’, a’, trong đó yếu tố trọng tâm là c. (Võ Đức Minh, Nguyện Gẫm Với Thánh Vịnh (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2012), 59.

[23] Peter T. O’Brien, The Epistle to the Philippians, 245.

[24] Ibid., 246.

[25] Peter T. O’Brien, The Epistle to the Philippians, 247.

[26] G. Walter Hansen, The Letter to the Philippians, 174.

[27] Gerald W. Hawthorne, Ralph P. Martin, Word Biblical Commentary 43: Philippians, 460.

[28] Ibid., 460-461.

[29] Peter T. O’Brien, The Epistle to the Philippians, 256.

[30] G. Walter Hansen, The Letter to the Philippians, 205. Chế độ nô lệ trong thế giới của Phaolô là "cực hình về việc bị tước đoạt các quyền."

[31] “Saint Augustine Quotes,” BrainyQuote.com, accessed September 7, 2020, https://www.brainyquote.com/quotes/saint_augustine_124552.

[32] Nhân Đức Khiêm Nhường, Tonggiaophanhanoi.org, accessed May 30th 2022, https://www.tonggiaophanhanoi.org/duc-thanh-cha-phanxico-le-giang-sinh-nhac-chung-ra-rang-su-khiem-nhuong-dan-den-voi-thien-chua/

Comments

Popular Posts