Phim The Human Experience
The Human Experience
Cuộc sống là một hành trình ta đi tìm ta,
ta trở nên tốt hơn hay là cơ hội ta khám phá những vẻ đẹp mà thượng đế ban tặng
cho cuộc đời ta. Ấy thế, ta sợ hãi. Ta sợ rằng khi bước ra khỏi vùng an toàn
ta không còn là ta, ta mất những thứ đáng thuộc về ta. Ta sợ thử thách, sợ
khó khăn, sợ khổ, sợ thay đổi, sợ bắt đầu lại và hàng trăm thứ sợ khác. Thế
nên, ta cố gắng ôm khư khư, loay hoay trong vùng an toàn của chính mình
như “chú ếch ngồi đáy giếng”. Thế giới như vậy là đủ, bình yên như vậy là đủ,
ta chẳng cần đi đâu, chẳng cần trải nghiệm thêm, tại sao ta phải “gánh” thêm
thử thách, khó khăn, khi ta đang có một vương quốc?
Thế nhưng, có bốn chàng trai trong cuốn
phim tài liệu The
Human Experience lại muốn bước ra khỏi vùng an toàn của chính họ để
đến những vùng đất mới trải nghiệm những tình người xung quanh họ. Lớn lên
trong mái ấm, tuổi thơ của họ phải chịu bao đau khổ, mất mát về tinh thần, lẫn
vật chất. Có lẽ vậy mà tâm hồn họ đồng cảm
sâu sắc hơn với người nghèo, những người kém may mắn và bất hạnh trong cuộc sống
này. Họ đã dám trải nghiệm một hành trình từ New York - sống như những người vô
gia cư, tới Peru - chia sẻ với các em khuyết tật và điểm đến cuối cùng là Ghana
- hòa mình với những người nghèo địa phương và nhất là cùng trò chuyện với những
người phong cùi. Trải nghiệm của họ đã thổn thức nhiều cung bậc cảm xúc trong
lòng tôi. Một câu nói trong phim đã để lại trong tôi bao cảm xúc: “Khi bạn bước
ra khỏi vùng an toàn của chính mình, ra khỏi vương quốc của cuộc
đời bạn để đến với người khác, đó chính là học hỏi”
Đâu phải xa xội tận New York, Peru hay
Ghana, tôi mới có thể trải nghiệm những kỉ niệm đẹp như vậy, hay thấu hiểu những
đau khổ mà bao con người đang phải gồng mình chiến đấu mỗi ngày. Ngay tại Việt
Nam, nơi tôi sinh ra, một quê hương nhỏ bé ấy thế vô cùng xinh đẹp. Phải thừa
nhận rằng, Việt Nam ngày càng phát triển, mặt bằng dân trí và đời sống sinh hoạt
đã được cải thiện rất nhiều, nhưng người nghèo thì chúng ta có thể thấy bất cứ
nơi đâu. Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo ở Nghệ An và những gì trải qua, một
tuổi thơ vất vả nhưng tràn ngập tiếng cười, những kỉ niệm đẹp sẽ không bao giờ
quên trong cuộc đời tôi. Ấy thế, cái nghèo của tôi có là gì với anh chị em dân
tộc ở làng Kon Scoi, tỉnh Kon Tum. Hè vừa rồi, tôi có cơ hội trải nghiệm mục vụ
ở Kon Tum với anh chị em dân tộc Xơ Tiềng. Cuộc sống gắn liền với núi rừng,
nương rẫy đã hun đúc nên những con người vô cùng đơn sơ và chất phác. Thế nhưng
những năm gần đây, rừng làm gì còn cây, còn thú rừng; sông làm gì còn cá, còn
tép, còn tôm; đất đai làm gì còn màu mỡ; con người làm gì còn suy nghĩ hồn
nhiên nữa; tiếng cười cũng đâu còn giòn giã trên môi. Cái nghèo đã đeo bám họ.
Ngày ngày họ phải dậy thật sớm, lên rẫy trồng mì với nắm cơm trắng trong tay đi
bộ hàng chục cây số. Các em nhỏ làm gì có một tuổi thơ ngập tràn hạnh phúc, khi
ngày hai buổi lên nương với cha mẹ. Gánh nặng cơm áo, gạo tiền đã khiến họ quên
đi giáo dục. Đến trường còn quan trọng khi ngày hai bữa cơm trắng với lá khoai
mì. Học hành có còn là mối quan tâm hàng đầu khi tới trường thầy cô chẳng quan
tâm, khi kiểm tra thì cho mở sách chép để được điểm cao, khỏi thầy cô bị đánh
giá. Hay đạo nghĩa còn quan trọng khi một ngày làm việc vất vả, họ quây quần
bên gè rượu cần, uống thật say và ngủ li bì tới tận sáng. Đủ thứ khó khăn họ phải
đối mặt hằng ngày.
Cuộc sống là thế, người giàu cứ giàu, người nghèo cứ
nghèo và tình người cũng ngày càng vơi đi. Ai cũng muốn trải nghiệm những điều
thú vị trong cuộc sống này, muốn biết nhiều hơn, muốn đổ đầy kho lẫm tri thức của
mình, nhưng ít ai muốn bước ra khỏi vương quốc của mình để đến với người khác,
cùng chia sẻ, cùng đồng cảm, cùng đồng bàn với họ. Vậy ta sống, ta trải nghiệm,
ta học hỏi, ta tích trữ kho lẫm trí thức để làm gì? Để ta giàu có hơn, để hạnh
phúc hơn hay để ta nhận ra một điều rằng sao ta có thể hạnh phúc và bình an khi
anh chị em ta đang đau khổ, đang vùng vẫy trong những bế tắc, đang ngụp lặn giữa
những lo âu?
Khi ta sinh ra, cha mẹ là vòng tay ấm áp, là chốn yên
bình, an toàn nhất; khi ta lớn lên, gia đình là tất cả, là nơi nượng tựa, vỗ về
và ủi an; khi ta bước vào đời, bắt đầu cuộc sống mưu sinh, cuộc sống là cha là
mẹ, bao đau khổ, khó khăn là những bài học giúp ta mạnh mẽ hơn và khám phá ra
những giá trị tình người xung quanh ta. Thế nên, ta hãy mở lòng ra để đến với
tha nhân, đến với những người nghèo khổ, đau ốm, bệnh tật, những người bị xã hội
ruồng bỏ, để chia sẻ một chút hơi ấm tình người, giúp họ tìm lại những nụ cười
rạng rỡ trên môi, một khoảnh khắc bình yên trong tận đáy lòng họ. Vậy nên, tôi
thiết nghĩ hãy làm giàu tình người chứ xin đừng làm giàu vật chất, hãy đổ đầy
tri thức của mình bằng những cảm xúc yêu thương, chứ đừng những kiến thức trống
rỗng từ sách vở, vì đời người ngắn lắm, ta chỉ được sống một lần, sao không yêu
thương khi còn có thể.
Comments
Post a Comment