Departure
Departure
Cha
Thành[1]
vừa đặt chân về tới Việt Nam, lòng đầy niềm vui và hạnh phúc sau hai tuần ở bên
Úc lãnh chức linh mục thì nhận được tin báo từ gia đình, mẹ cha vừa mất. Cha
sững sờ, đứng lặng trong nổi đau mà không một từ nào có thể diễn tả. Lúc đó, cái
chết - nỗi buồn, sự xót thương như nhuốm đẫm cả thế giới. Niềm vui, tiếng cười,
lòng háo hức khẽ lui vào trong nhường chỗ cho những tiếng nấc và sự tang
thương. Tại sao cái chết lại đến lúc đó ? Sao cứ phải là mẹ cha mà không phải
ai khác trong số hơn bảy tỉ người đang sống trên hành tinh này?
Ấy thế, tôi đã có cơ hội được thổn thức, được đánh
động bởi triết lí về sự sống và cái chết qua bộ phim “Departure”[2] -
một bộ phim diễn tả văn hóa Nhật và triết lý Đông Phương một cách vô cùng sâu
sắc và tinh tế. Thật sự câu nói của cụ già làm
việc ở nhà xác: “Chết không có nghĩa là chấm hết, nhưng là rời bỏ hiện tại để
hướng tới bước tiếp theo”, đã để lại trong tôi bao suy tư về sự sống và cái
chết ở đời. Mặc dù nói về cái chết, nhưng
bộ phim không hoàn toàn mang
màu tối tăm, u ám, đau thương. Ngược lại, ta được mê đắm và hòa mình trong
những hình ảnh tràn ngập ánh sáng và sự sống thiên nhiên ở xứ sở hoa anh đào.
Đó là những cánh đồng tít tắp chim sải cánh bay, những khu vườn xanh mướt, rộn
ràng sắc hoa, những đỉnh núi im lìm nằm quanh năm tuyết phủ, hay những căn nhà
nhỏ nhắn nằm thu mình trong sự bình yên của nhịp sống chậm rãi, chẳng chút vồn
vã, gấp gáp. Từ đó cho ta thấy được sự tự tại và an nhiên người Nhật khi phải
đối mặt với cuộc đời vô thường luôn đổi thay, khó đoán định này.
Trở lại đề tài cái chết, cha ông ta có câu: “Sống gửi, thác về”. “Sống gửi” thì nhiều người
biết, bởi mỗi người đều có một mệnh sống nhất định, dài ngắn khác nhau, đến lúc
mệnh hết thì phải chết. Vì thế, mỗi người chỉ “sống gửi” được một thời gian
trên cõi đời này rồi thôi. Thế nhưng vấn đề ở đây là “thác về”, sau khi chết chúng ta về đâu? Có
phải là về với lòng đất? Có phải về với tổ tiên? Hay về một chốn hư vô? Hay một
chốn bồng lai tiên cảnh, chốn thiên đàng? Hay như nhiều người ngày nay quan
niệm: Chết là hết?[3]
Hơn thế nữa cuộc sống sau cái chết sẽ như thế nào?
Về phương diện niềm tin, mỗi đạo,
mỗi tôn giáo có một ý niệm về sự chết và sự sống sau cái chết khác nhau . Đạo
thờ cúng ông bà tổ tiên thì tin vào hồn vào vía, vì thế khi chết đi, hồn, vía
không tiêu tan, mà lang thang đó đây. Vì thế người sống và người chết luôn có
một sự gắn kết về tâm linh, bởi thế nên mới sinh ra việc thờ cúng tổ tiên và
nghi lễ cúng giổ để tưởng nhớ và giúp đỡ người đã khuất. Hay đạo Phật, chết
cũng chẳng phải là hết mà chỉ là một sự chuyển tiếp, một hiện tượng hay biến cố
trên dòng tiếp nối liên tục của sự sống[4], một
sự sống mới theo thuyết luân hồi. Như vậy cuộc sống hiện tại là do kết quả của
kiếp trước ta sống. Nếu sống tốt thì kiếp sau sẽ là quả phúc, còn sống xấu thì
ắt sẽ gặp quả báo. Hay Đạo Công Giáo, chết là không phải là hết mà là bước vào một cuộc
sống vĩnh cửu, như câu hát “sự sống không mất nhưng chỉ đổi thay”. Vì thế mọi
người tin vào đời sống đời sau như Chúa Giê-su từng nói: “Ai tin vào Ta sẽ
không chết bao giờ”.[5]
Chính vì thế sự sống vĩnh cửu đó phụ thuộc vào cách sống hiện tại của ta. Có
thể ta sẽ được về Nước Chúa và hưởng hạnh phúc với Ngài, những cũng có thể vào
chốn luyện hình, chịu phạt bởi những tội lỗi ta gây nên khi còn sống, hoặc cũng
có thể bị ném vào hoảng ngục, lửa thiêu đời đời.[6]
Thế nhưng,
dẫu biết chết không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời ta, ấy thế thử hỏi ai
trong chúng ta ai không sợ chết. Có người sinh ra dành cả đời để làm giàu, có
thật nhiều của cải, có một chỗ đứng trong xã hội. Hay cũng có người, cảm thấy
cuộc sống này có quá nhiều thứ muốn biết, muốn trải nghiệm, muốn hưởng thụ, vì
thế khao khát có thể kéo dài thêm thời gian để được sống với những đam mê,
hưởng thụ của cải vật chất. Ấy thế, khi chết đi, thử hỏi ta mang được gì đi
theo, liệu rằng một xu nhỏ, một chút vinh quang có theo ta xuống nấm mổ nhỏ?
Thưa, không. Tất cả những gì thuộc về trần gian, ta trả lại cho trần gian, may
ra được nấm mồ nhỏ, một chiếc qua tài, bộ quần áo đẹp và vài bông hoa. Hơn nữa,
ai biết sự chết đến lúc nào. Có thể khi ta vui, đang say đắm trên đỉnh của vinh
quang, của sự nghiệp, nhưng cũng có thể khi ta đang tuyệt vọng, cô đơn. Ai có
thể xin sống thêm một giây, trì hoãn nó được một phút, khi cái chết gõ cữa cuộc
đời mình. Chính vì thế, ta sợ chết, thậm chí sợ nhắc tới chết. Ta không muốn
cái chết cướp đi những gì ta có, biến những cố gắng nổ lực của ta thành công
cốc, hay cướp đi cuộc sống đáng để hưởng thụ này.
Rồi cuộc
sống ngày nay, nhiều người quan niệm chết là hết. Họ nghi ngờ cuộc sống đời
sau. Liệu thực sự có một cuộc sống sau cái chết không? Liệu có một thiên đàng
hạnh phúc hay hỏa ngục đau khổ? Hay tất cả chỉ là trí tưởng tượng của con
người? Vì thế cũng có người chọn sống hết mình, sống để yêu thương, để có ích
cho ngời khác, vì họ tin mình chỉ có một cuộc đời, sống phải cho ra sống. Sống
với những ước mơ và đam mê của mình, để khi chết họ cảm thấy hạnh phúc và hài
lòng về cuộc sống họ đã trải qua. Nhưng cũng không ít người chạy theo lối hưởng
thụ, thỏa mãn đam mê thể xác. Vì chỉ có một cuộc đời, nên phải hưởng thụ hết
những gì có thể. Họ sa vào những cuộc ăn chơi trác táng, thâu đêm suốt sáng. Họ
làm tất cả mọi thứ để thỏa mãn những nhu cầu thể xác. Họ biến đời mình thành
một chuỗi ngày chỉ biết làm sao để hưởng thụ được nhiều, làm sao thể xác được
thõa mãn tối đa.
Ngày
nay, người dân Việt Nam đang sống trong một chế độ vô thần, một xã hội đề cao
sự hưởng thụ vật chất, với một nền giáo dục quan niệm chết là hết. Vì thế, hơn
90 triệu người dân đang ngày ngày lầm lũi, ngụp lặn giữa dòng đời kiếm cái ăn,
cái mặc, sao cho đời mình thật ấm khá. Mọi người chỉ còn quan tâm hến hiện tại,
đến vật chất, cứ bon chen với dòng đời mà đôi lúc quên đi mình đang sống với
một cuộc sống vô cùng tươi đẹp, sao không an nhiên, tự tại sống yêu thương
nhau, quan tâm nhau nhiều hơn thay vì cứ đau khổ làm sao để giàu, để sống lâu.
Vâng, dẫu biết đời mình rồi cũng chết, sao ta cứ phải làm việc vất vả, cứ tranh
giành, cứ tham, cứ sân si? Phải chăng đây là bản năng sinh tồn tự nhiên của con
người, cái mà vẫn chưa thoát khỏi con vật?
Khổng Tử
từng nói: “ Sự sống tôi còn không biết, sao tôi dám bàn đến sự chết”[7].
Thực vậy, sự chết luôn là một cánh cửa bí mật của cuộc đời ta, khi ta mở được
bức màn bí mật đó, thì cũng đồng nghĩa ta đã bước qua một cuộc sống mới. Nơi đó
như một giấc ngủ yên, ta được nghỉ ngơi sau một chặng đường dài vất vả, cực
nhọc. Nơi đó ta được quẳng đi ngánh nặng của những phiền muộn, khổ đau nơi trần
thế. Nơi đó ta được buông tay khỏi những bụi trần, tim ta không còn lo âu phiền
muộn. Nơi đó ta được hưởng hạnh phúc Nước Trời với Đấng ta tôn thờ. Hay nơi đó
ta được sống là một kiếp sống mới tốt đẹp hơn, hay ở một chốn niết bàn. Vâng,
chết không phải là dấu chấm hết cho cuộc đời ta, nhưng với niềm tin của sự sống
đời sau, ta đón nhận nó như là một quy luật tất định của tự nhiên. Tuy nhiên,
sự chết cũng nhắc nhớ rằng ta những gì thuộc về thế giới vật chất thì chẳng bao
giờ đi với ta xuống phần mồ nhỏ bé, hay chẳng bao giờ cùng ta bước qua cánh cửa
của thế giới bên kia. Vì thế, điều quan trọng không phải là mình sống được bao
lâu, mà quan trọng mình đã có một cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc thế nào, để
rồi khi đối mặt với sự chết, ta có an nhiên và tự tại không.
[1] Cha
Thành là một trong hai linh mục đầu tiên của Dòng Thương Khó Chúa Giê-su vừa
mới chịu chức linh mục vào ngày 10/6/2016.
[2] Departure là bộ phim của đạo diễn Yorijo Takita, sản
xuất năm 2008. Phim đoạt giải Oscar về hạng mục
“Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” năm 2008.
[3] http://www.simonhoadalat.com/giaoducgd/tuduc/84SuyGamVeSuChet.htm
[4] http://thuvienhoasen.org/a17146/y-nghia-cai-chet-theo-quan-niem-phat-giao
[5] Ga 11,
26.
[6] Mt, 13,
42 -50.
[7] MORGAN, Diane, Triết Học và Tôn Giáo Phương Đông,
NXB Tôn Giáo, 2006.
Comments
Post a Comment