Có Chăng Nhân Quả Trong Kiếp Nhân Sinh?



Khi nhắc đến những vấn đề siêu hình, ai được học hay biết về nó cũng ít nhất một lần chìm đắm trong những vấn đề “trời ơi đất hởi”, trăn trở trước những thứ chẳng bao giờ có lời giải đáp thỏa đáng và có được một sự hiểu biết tận căn. Ấy thế, như một “người tình” của triết học, những vấn đề siêu hình luôn khiến bao người khắc khoải, ưu tư, có lúc giận hờn, có lúc nhớ nhung da diết. Vậy nên, có triết gia thẳng tay “đào mồ chôn siêu hình” như Immanuel Kant, nhưng cũng không ít triết gia “ăn dầm nằm dề” với nó.
Tôi cũng đã và đang ưu tư như thế. Nhiều vấn đề chẳng biết đi về đâu, nhưng chúng lại khơi lên trong tôi bao tò mò, bao khắc khoải. Trong đó, có một vấn đề rất siêu hình nhưng đầy tính hiện sinh, khá gần gũi với con đời sống con người. Đó cũng là điều tôi muốn “ngụp lặn” và dành nhiều thời gian suy tư: Nhân Quả.
Biết rằng, nhân quả là một vấn đề siêu hình không chỉ có nhiều triết gia quan tâm nhưng đó còn là một mối bận tâm lớn của bất cứ ai, dù họ có tôn giáo hay chăng. Hơn nữa, có người cho rằng chẳng có gì là nhân quả, nhưng cũng không ít người xem nhân quả luôn hiện hữu xung quanh đời sống con người. Với bài viết này, trong giới hạn bốn ngàn từ, tôi sẽ dành mối quan tâm và suy tư chủ yếu vào vấn đề thật sự có luật nhân quả trong cuộc sống của con người trên việc xem xét quan điểm về nhân quả của hai triết gia nổi tiếng: David Hume và Immanuel Kant.
I.            Tư tưởng về nhân quả của triết gia David Hume
Trước hết, David Hume (1711-1776) một triết gia trung thành với học thuyết duy nghiệm, đã gạt bỏ ý tưởng về luật nhân quả. Nếu nói, khi một sự kiện gây ra một sự kiện khác, thường con người nghĩ đến sự liên kết giữa hai sự kiện, nó khiến cho sự kiện thứ hai theo sau sự kiện thứ nhất. Khi thấy hai sự kiện luôn xảy ra lần lượt, con người có khuynh hướng chờ đợi rằng, cái thứ nhất xảy ra, cái thứ hai cũng sớm xảy ra. Sự liên kết thường xuyên và sự chờ đời đó là tất cả những gì con người biết được về luật nhân quả và là tất cả những gì về ý tưởng luật nhân quả con người có được. Hume lại không nghĩ thế, ông cho rằng mặc dù chứng kiến một sự kiện xảy ra tiếp sau sự kiện kia, nhưng con người không chứng kiến bất cứ một quan hệ cần nào giữa hai sự kiện. Con người có một niềm tin gần như bản năng vào luật nhân quả dựa trên sự phát triển của tập quán trong hệ thần kinh, một niềm tin con người không thể xóa bỏ, cũng không thể chứng thực bằng bất cứ luận cứ nào giống như con người tin vào các thực tại của thế giới bên ngoài vậy. Ông lấy ví dụ về hai quả bi-a: quả bóng đen lăn tới đập vào quả bóng trắng, và quả bóng trắng bắt đầu lăn. Ông nói rằng, thực chất, con người chỉ chứng kiến các sự kiện bóng lăn chứ không chứng kiến rằng quả bóng trắng lăn là vì bị quả bóng đen đập phải, (tuy nhiên, con người lại có kỳ vọng rằng quả bóng trắng sẽ lăn sau khi bị quả bóng đen đập phải). Và theo nhận thức luận hoài nghi của ông, con người chỉ có thể tin vào các tri thức thu được từ các nhận thức của mình. Do đó, quan hệ nhân quả kia không nằm trong bản chất của sự vật mà chỉ nằm trong tâm thức của chính mình. Ông cho rằng ý niệm của con người về nhân quả chẳng qua chỉ là sự trông đợi rằng một số sự kiện nhất định nào đó sẽ xảy ra sau các sự kiện khác đã đến trước.
Hơn nữa, Hume nêu lên câu hỏi: “Đâu là nguyên nhân của ý niệm về nhân quả?”[1] Vì ý niệm là bản sao của các ấn tượng, trong khi ý niệm nhân quả không phải là bản sao của ấn tượng nào, nhưng ý niệm này là kết quả của việc kinh nghiệm các mối tương quan giữa các sự vật. Kinh nghiệm về tương quan có đặc tính: tương quan kế cận về không gian và ưu tiên về thời gian, tương quan nối kết thường xuyên; nhưng điều này không bao hàm “nối kết tất yếu” của nguyên lý nhân quả. Như vậy, nhân quả chỉ là “thói quen liên tưởng” của trí khôn.
Như vậy, David Hume, một triết gia đặt hoàn toàn niềm tin vào lý trí và trung thành với học thuyết duy nghiệm, đã đưa ra những lập luận cho thấy chẳng có luật nhân quả nào cả. Ý niệm về luật nhân quả chỉ là niềm tin, sự trông đợi một sự kiện nhất định nào đó sẽ xảy ra sau sự kiện khác đã đến trước hay nhân quả chỉ là thói quen liên tưởng của trí khôn. Tuy nhiên trước một David Hume với những lập luận mang tính phủ nhận luật nhân quả, triết gia Immanuel Kant (1724 -1804) lại cho rằng: “Mọi sự biến đổi xảy ra theo quy luật nối kết giữa nguyên nhân và kết quả”.[2] Vậy, ông đã lập luận như thế nào để bảo vệ quan điểm này?
II.            Tư tưởng về nhân quả của triết gia Immanuel Kant
Với David Hume, mọi nhận thức của con người đến từ kinh nghiệm. Con người không có nhận thức nào về nhân quả hay các quan hệ tất yếu vì con người không kinh nghiệm tính nhân quả, vì vậy con người không thể suy ra hay dự đoán bất cứ sự kiện nào trong tương lai từ kinh nghiệm hiện tại. Hume có lí khi nói rằng con người không kinh nghiệm hay cảm giác được tính nhân quả, nhưng Kant đã bác bỏ giải thích của Hume rằng nhân quả chỉ là một tập quán tâm lí nối kết hai sự kiện và con người gọi đó là nguyên nhân và kết quả. Kant tin rằng con người có nhận thức về nhân quả và có thể đạt được nhận thức này không phải từ kinh nghiệm, nhưng trực tiếp từ khả năng phán đoán của lí trí, từ tiên nghiệm hay tiên thiên.[3] Ngoài ra, đối với Kant, nhân quả không là tương quan tự thân các đối tượng nhưng là nguyên lí về trật tự do tâm trí đặt ra; nếu không có nguyên lí ấy, không thể có kinh nghiệm như con người đang biết. Nó là một nguyên lí mang tính chủ quan giống như thời gian và không gian.[4]
Kế đến, Kant xem tất cả những hiện tượng trong thiên nhiên đều nằm trong liên hệ nhân quả và cùng nằm trong qui luật định mệnh. Định mệnh trước hết có nghĩa rằng mọi “quả” đều có “nhân”, và nguyên nhân ấy nằm ngoài “quả”, định đoạt cho quả phát sinh, như củi là nguyên nhân của lửa, cơm là quả của gạo, nước và hơi nóng. Kant gọi qui luật này là qui luật nhân quả thiên nhiên và xếp nó vào lãnh vực lý thuyết tri thức. Khác với Hume, Kant cho rằng nhân quả có tính phổ quát tiên thiên chứ không phải là kết quả của sự quan sát những kinh nghiệm lặp lại thường ngày. Tính tiên thiên phổ quát này có từ giác tính linh hoạt của con người.[5] Tuy nhiên nhân quả tự nhiên chỉ áp dụng cho thế giới sự vật và con người như là những hiện tượng. Trên bình diện tri thức luận, con người cũng như tất cả mọi sự vật hay sinh vật trong thiên nhiên đều được đặt định, được chỉ định, tự nó không thể tự đặt định, tự thoát ra khỏi tương quan nhân quả tự nhiên. Tất cả mọi sinh và sự vật đều chỉ là hiện tượng, chứ không phải là vật tự thân. Trước hết, con người không định đoạt được sự xuất hiện của mình trên thế gian. Sự ra đời, hiện hữu của con người là do cha mẹ tác thành, quả ấy trở thành nhân và quả tiếp theo. Như thế sự sinh thành của con người cũng như của mọi sinh vật trên thế gian đều do những yếu tố khác quyết định chứ chính con người không thể can thiệp được. Do đó, theo Kant, trên bình diện lý thuyết con người bị trói buộc trong nhân quả, chịu nhận qui luật tự nhiên, con người bị động trong tương quan nhân quả.
Nhưng con người, theo Kant, khác với những sinh vật trong thiên nhiên, lại có thể tự mình sáng tạo, thay vì trong thế thụ động làm “quả” và “nhân” hiện tượng, con người có thể trở nên là một nguyên nhân độc lâp, vượt khỏi qui luật đặt định tự nhiên. Vậy, con người có thể thiết lập cho mình một tương quan nhân quả đặc thù: chính con người làm ra qui luật hành động cho chính mình. Qui luật này có nền tảng trong ý niệm tự do. Qua khái niệm tự chủ và tự do trên bình diện đạo đức, con người thoát khỏi qui luật tương quan nhân quả đang chế ngự thế giới tự nhiên.[6]
Bên cạnh đó, Kant cho rằng thế giới nơi con người đang sống là một thế giới có trật tự, và một dạng thức của trật tự đó chính là quan hệ nhân quả. Thiên nhiên và kinh nghiệm của con người được tổ chức tới độ mỗi biến cố phải được sản sinh từ một biến cố tự nhiên đi trước nó theo một cung cách thiết yếu. Ðiều ấy không do bởi sự tương hợp tự nhiên nào trong tự thân các đối tượng, nhưng do bởi nguyên lý quan hệ nhân quả có tính tiên nghiệm qua đó chúng được sắp xếp thành trật tự trong kinh nghiệm của mỗi người.[7] Do đó, đối với Kant, quan hệ nhân quả không thuộc về bản thân các đối tượng; nó là một nguyên lý chủ quan, một điều kiện thiết yếu và tuyệt đối để có kinh nghiệm. 
Như vậy, Kant đã phần nào phủ nhận những lập luận của Hume về nhân quả. Rõ ràng, Kant đồng ý với ý tưởng về sự tồn tại của nhân quả trong đời sống con người và con người có thể ý thức về nó. Nhân quả không phải là một thói quen tâm lí hay là một sự kiện này nối tiếp sự kiện kia như Hume tuyên bố, nhưng mỗi sự kiện đều có nguyên nhân và kết quả vì nó có một trật tự trong thế thế giới tự nhiên. Tuy nhiên, con người không bị trói buộc trong nhân quả, chịu nhận qui luật tự nhiên, hay con người bị động trong tương quan nhân quả vì trên nền tảng tự do con người có thể độc lập và vượt trên quy luật tự nhiên đó.
Đến đây, tôi không bàn tới lập luận về nhân quả của Kant hay Hume đúng, sở dĩ tôi đưa ra quan điểm và cách lập luận của hai triết gia để cho thấy rằng vấn đề nhân quả đã trở thành một đề tài không nhỏ trong những vấn đề siêu hình của triết học trong lịch sử. Có người đồng ý về nhân quả, nhưng cũng có người chối phăng nó. Thế nhưng, việc phủ nhận hay chấp nhận luật nhân quả đó có ý nghĩa gì trong đời sống con người? Có thực hay không về sự tồn tại của nhân quả trong vũ trụ bao la này? Nếu nó tồn tại, vậy nó là gì? Rõ ràng, đó vẫn là một vấn đề bỏ ngõ và con người không thể nào hiểu thấu tận căn vấn đề siêu hình này. Có thể đằng sau những tranh cãi về sự tồn tại của nhân quả là những vấn đề liên quan đến đạo đức, khoa học mà các triết gia đang suy tư, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy nhân quả không chỉ là một đề tài mang tính siêu hình, nó còn khá gần gũi trong đời sống con người. Có người có thể phủ nhận nhân quả trong kiếp sống nhân sinh như Hume, nhưng cũng có rất nhiều, rất nhiều người mang trong mình ý tưởng về nhân quả. Đó không chỉ vì con người tự bản chất có tính tôn giáo, nhưng những gì xảy ra trong đời sống xung quanh khiến con người tin vào nhân quả.
III.                                 Nhân quả trong đời sống con người
Giờ đây, tôi sẽ xem xét dưới góc nhìn về có sự tồn tại của nhân quả và sự ảnh hưởng của nó đến đời sống con người, còn nhân quả là gì tôi xin phép không bàn tới. Trong cuộc sống, có lẽ ai cũng biết đến câu tục ngữ: “Gieo gió, gặp bão”. Quan điểm này của quy luật nhân quả được gọi là quy luật của sự gieo và gặt. Ai gieo cái gì, ắt gặt được cái đó. Tất cả những gì con người thu được ngày hôm nay đều là kết quả của những gì họ đã gieo trong quá khứ. Nếu ai hi vọng thu được một mùa vụ khác ở bất cứ lĩnh vực nào trong tương lai, họ phải gieo loạt hạt khác ngay hôm nay.
Nhân quả dù tốt hay xấu đều tùy thuộc vào mỗi người. Mỗi người tự gây tạo nghiệp nhân cho mình. Trong mỗi thời khắc đã qua, hiện tại đến tương lai là một chuỗi tương tác liên tục có quan hệ với nhau như Kant nói: “Mọi sự việc diễn ra đều phải có một nguyên nhân”.[8] Những việc làm của con người hôm nay có thể cho biết câu trả lời của ngày mai cho dù không chắc chắn như con người nghĩ. Nếu con người muốn tận hưởng chuỗi nhân quả cuộc đời theo hướng tốt, tích cực, không còn gì ngoài việc tạo ra một lối sống tốt.
Tôi muốn trở về với kho tàng truyện cổ tích của người dân Việt để thấy từ xa xưa, người dân đã ý thức về nhân quả qua việc xây dựng các hình tượng nhân vật trong các câu truyện cổ tích.
   Theo quan niệm dân gian, triết lý nhân quả chính là triết lý "Ở hiền gặp lành", "Ở ác gặp dữ", đây là niềm tin và mơ ước của nhân dân về lẽ công bình. Đối với các nhân vật chính diện như Sọ Dừa, Thạch Sanh, người em trong truyện "Cây khế" tác giả dân gian không chỉ dừng lại ở sự phản ánh và cảm thông với với nỗi đau khổ, đắng cay, oan ức của họ, nhưng còn đặc biệt quan tâm, tìm cách để tìm đường giải thoát cho họ, để họ được đền bù xứng đáng. Nhờ vậy, nhân vật chính diện trong truyện cổ tích được đổi đời, làm cho người kể lẫn người nghe đều hả hê, sung sướng (Sọ Dừa thi đỗ trạng nguyên và lấy được con gái phú ông, Thạch Sanh lấy công chúa và lên làm vua...).
Đối với các nhân vật phản diện (Lý Thông, người anh tham lam trong truyện Cây khế ...), tác giả dân gian không chỉ phản ánh, tố cáo, lên án sự tham lam, ích kỷ, độc ác, dã man của chúng nhưng còn tìm cách loại trừ, tiêu diệt chúng để cho người lương thiện được sống yên vui. Vì thế hầu hết các nhân vật phản diện trong truyện cổ tích đều dẫn đến kết cục bi thảm và bị trừng phạt đích đáng.
Ngày nay, xét ra con người đang sống trong một xã hội khá văn minh, hiện đại. Đời sống con người được quan tâm nhiều không chỉ vật chất mà cả tinh thần. Ấy thế hằng ngày trên các trang mạng cũng như báo giấy, tin tức xã hội đều phản ảnh quá nhiều tệ nạn: giết người, trộm cướp, tham ô, bạo hành gia đình, bạc đãi trẻ em, thực phẩm độc hại, con người vô cảm trước mọi tai nạn đau thương....Một xã hội đầy biến động với những Quả xấu. Phải chăng con người hôm nay gieo quá nhiều sự ác hay vì đó là kết quả tất yếu của sự phát triển xã hội chỉ chú trọng vào kinh tế?
Rõ ràng, nếu một người chọn lối sống ngông cuồng, phóng túng sẽ không mang lại một tương lai xán lạn. Một lối sống vô cảm, bất cần đối với những người xung quanh sẽ chỉ nhận cái kết không hay ho gì, thậm chí khi họ cần sự giúp đỡ nào đó, họ cũng sẽ khó nhận được sự trợ giúp nào một cách vui vẻ. Một lối sống dựa dẫm, xu nịnh sẽ nhận lại cái kết bị nhàm chán và bỏ rơi. Một con đường tù tội luôn dành cho những người chỉ thích cách kiếm nhiều tiền thật nhanh bất chấp mọi thủ đoạn và tàn ác, họ sẽ nhận hình phạt thích đáng và nặng nề hơn nữa là bản án lương tâm cắn rứt.
Thế nhưng, câu hỏi hóc búa đặt ra rằng: “Tại sao ngày nay bao kẻ làm tội ác tày trời nhưng vẫn sống khơi khơi, chẳng chịu quả báo gì cả?” Thật sự phải công nhận rằng có những tổ chức, những cá nhân gây tội ác kinh thiên động địa với nhân loại nhưng vẫn chưa bị trừng phạt, chưa bị “trả quả”. Tại sao vậy? Thật sự có nhiều cách để lí giải, nhìn vào thực tiễn, điều dễ nhận ra rằng những tổ chức, những cá nhân tạo ra tội ác như vậy thế lực của họ rất lớn. Họ có khả năng mua chuộc công an, luật sư, báo chí và thậm chí liên kết với các thế lực tàn bạo để khỏa lấp tội lỗi. Họ có khả năng trả thù tất cả những ai dám nói lên sự thực về hành động sai trái của họ. Thế nhưng ai chắc rằng họ sẽ không bị “trả quả”, sẽ không bị trừng phạt? Có thể họ chưa bị “trả quả” nhưng Nhân tội lỗi đã nằm sẵn ở đó, nằm trong trí nhớ, nằm trong lương tâm của nhân loại vì chẳng ai gieo sự ác lại gặp được quả lành. Rất tiếc đời sống của mỗi người quá ngắn ngủi, không đủ dài để chứng kiến “ngày tàn” của những con người và tổ chức gian ác này. Nếu đời sống của mỗi người “đủ dài”, ắt sẽ có dịp chứng kiến ngày “trả quả” của họ.
Tôi nhớ câu chuyện về ông Chủ tịch Xã ở quê. Trong khoảng thời gian nắm giữ chức vụ Chủ tịch Xã, tôi không biết ông có tham nhũng hay làm việc gì xấu xa trong thời gian tại vị hay không. Điều này tôi không phán xét, tôi chỉ biết đất đai ông có rất nhiều, nhà cửa ông xây trang hoàng nhất nhì trong xã, anh em họ hàng ông đem vào cơ quan, đời sống nhân dân chẳng được ông quan tâm. Ấy thế đời luôn công bằng, luật nhân quả không bao giờ thiên vị cho ai. Đến thời gian hết nhiệm kì, mẹ của ông bỗng dưng phát điên. Con trai đầu bị công an bắt vì dùng ma túy, con trai út chết do tai nạn xe máy, nhà chỉ có một đứa con gái thì bỏ nhà đi tu dòng kín. Anh em họ hàng của ông phá sản do chơi hụi,[9] phải bỏ làng vì sợ mọi người đòi nợ. Vì trước khi làm Chủ tịch Xã ông đã bỏ đạo, nên chẳng mấy người qua lại với gia đình ông. Như vậy, những gì ông đang trải qua cũng phần nào hiểu ông đã làm gì khi còn là Chủ tịch Xã. Như Kant nói: “Mọi sự việc xảy ra đều phải có một nguyên nhân”.
Câu chuyện trên cũng phần nào cho thấy cuộc đời con người hiện tại là sự biểu lộ ra thành quả của những nhân tốt xấu trong quá khứ. Con người không thể đổ lỗi, đổ thừa cho hoàn cảnh, cho thần thánh, cho người khác. Mình đã gieo ắt phải gặt cái đó. Tương lai không phải là mơ ước viển vông, tương lai nằm trong những việc làm (hành động tốt xấu, nghĩa là nghiệp tốt xấu) ngay trong giây phút này của chính mình. Như vậy, dẫu con người chẳng thể định nghĩa nhân quả một cách cụ thể, rõ ràng như 2 + 2 = 4, nhưng trong tâm thức ai cũng biết các sự kiện luôn có sự liên kết. Có thể nói như Hume, sự kiện này xảy ra, rồi sự kiện khác theo đó xảy ra, nhưng Hume có lẽ đã nhầm khi nói về nhân quả chỉ đơn giản như vậy. Nếu nhân quả chỉ là sự kiện này nối tiếp sự kiện kia, có lẽ con người chẳng phải thao thức, trăn trở khi làm bất cứ chuyện gì, nhất khi làm chuyện sai trá. Vì họ sợ mối quan hệ nguyên nhân – kết quả, sợ nghiệp, sợ gieo- gặt bởi vì như Kant nói: “Mọi sự biến đổi xảy ra theo quy luật nối kết giữa nguyên nhân và kết quả”. Như vậy, nhân quả không còn là một thói quen tâm lí, nhưng nó mang tính ý thức, lí tri và tiên nghiệm.
Vậy vấn đề ở đây không còn là tin hay là không có nhân quả. Đây là một quan hệ thông thường trong đời sống hàng ngày, tuy không cần phải đề xướng lên một cách trịnh trọng, nhưng nhiều người mặc nhiên chấp nhận trong khi hành động. Dù có người chối phăng quy luật nhân trong đời sống con người, nhưng tôi tin ở đâu đó trong con người họ ý tưởng nhân quả vẫn hiện hữu và ảnh hưởng không nhỏ đến những gì họ gieo. Hơn nữa dù là ai đi chăng nữa, có tôn giáo hay không, đã là người đều có một cuộc sống như nhau, có quá khứ, hiện tại và tương lai. Chẳng ai gieo điều xấu ở quá khứ hay hiện tại lại muốn gặt hạnh phúc, trái gọt ở tương lai bởi “ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ”. Vậy để kết thúc bài viết, tôi xin mượn một bài thơ của Tiến sĩ Tâm lí Huỳnh Văn Sơn để gởi gắm thông điệp về nhân quả trong kiếp người:[10]
Cuộc sống là tiếng vọng. 
Điều bạn gửi đi quay trở về. 
Điều bạn gieo trồng bạn sẽ gặt hái. 
Điều bạn cho bạn sẽ nhận lại. 
Điều bạn thấy ở người khác tồn tại trong chính bạn.
Tài Liệu Tham Khảo
1.      HONDERICH, Ted, Hành Trình Cùng Triết Học, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2009.
2.      KANT, Immanuel, Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, NXB Văn Học, 2004.
3.      KANT, Immanuel, Phê Phán Lý Tính Thực Hành, NXB Tri Thức, 2012.
4.      STUMPF, Samuel Enoch, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, NXB Lao Động Hà Nôi, 2004.
5.      ƯỚC, Nguyễn, Các Chủ Đề Triết Học, NXB Tri Thức, 2009.



[1] STUMPF, Samuel Enoch, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, NXB Lao Động, Hà Nôi, 2004, trang 229.
[2] KANT, Immanuel, Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, NXB Văn Học, 2004, trang 458.
[3] STUMPF, Samuel Enoch, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, NXB Lao Động, Hà Nôi, 2004, trang 245.
[4] ƯỚC, Nguyễn, Các Chủ Đề Triết Học, NXB Tri Thức, 2009, trang 229.
[5] KANT, Immanuel, Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, NXB Văn Học, 2004, trang 468.
[7] Ước, Nguyễn, Các Chủ Đề Triết Học, NXB Tri Thức, 2009, trang 232.
[8] KANT, Immanuel, Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, NXB Văn Học, 2004, trang 465.
[9] Chơi hụi là một hình thức huy động vốn trong dân gian Việt Nam. Khi chơi hụi cần có một người đứng ra làm chủ ("chủ hụi") và mời các thành viên khác cùng chơi ("con hụi"). Chủ hụi có trách nhiệm đi thu tiền (tài sản) của con hụi. Một "dây hụi" có thể không giới hạn người chơi. Các thành viên của dây hụi thống nhất góp một loại tài sản có giá trị giao dịch như: tiền, vàng… Hụi cũng thỏa thuận số lượng tài sản góp, số kỳ góp, thời gian góp, kỳ mở hụi.
[10]https://www.facebook.com/TSTLHuynhVanSon/photos/a.376418159077915.92453.375852169134514/753346948051699/?type=3

Comments

Popular Posts