HẠNH PHÚC- NỖI KHẮC KHOẢI KHÔNG CỦA RIÊNG AI
HẠNH PHÚC-
NỖI KHẮC KHOẢI KHÔNG CỦA RIÊNG AI
Con người ngày nay đang sống
trong một thế giới đầy âu lo. Người mang nỗi lo về cuộc sống, gia đình, tiền bạc,
người ưu tư về tình yêu, học hành, sự nghiệp, tương lai. Từng ngày sống, bao nỗi
âu lo đè nặng lên đôi vai của mỗi người, khiến bao người mỏi mệt và tự hỏi phải
chăng đời người là những tháng ngày âu lo. Tuy nhiên, có lẽ nỗi âu lo nổi bật
hơn cả chính là niềm khao khát hạnh phúc. Con người luôn ấp ủ niềm khao khát hạnh
phúc từ khi có mặt trên cõi đời và hằng ngày cố gắng tìm mọi cách để thõa mãn
khát vọng đó. Vậy hạnh phúc thực chất là gì sao con người luôn phải khắc khoải
kiếm tìm? Liệu rằng hạnh phúc có phải cùng đích của đời người không?
Biết rằng, hạnh phúc luôn là
đề tài rộng lớn được con người thuộc mọi thời quan tâm một cách đặc biệt. Trong
đó, mỗi người có một cách nhìn, một lối khai thác về chủ đề hạnh phúc khác
nhau. Do vậy, với bài viết này, trong giới hạn trên dưới bốn ngàn từ, tôi tập
trung chủ yếu vào quan điểm bàn về hạnh phúc của một vài triết gia, trường phái
thời cổ đại phương Tây là Aristotle, phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ. Từ đó, tôi
muốn mở rộng vấn đề tới cách nhìn của con người ngày nay về hạnh phúc.
Rõ ràng, dẫu đời người đầy
biến chuyển, nhiều khát vọng chưa được thỏa mãn, nhiều bí ẩn vẫn chưa được giải
đáp, nhưng con người ở bất kỳ thời đại nào cũng luôn ấp ủ một khát vọng giống
nhau là theo đuổi cuộc sống hạnh phúc. Trong Tổng Luận Thần Học về Hạnh Phúc Con Người, Thánh Tôma Aquinô đã viết
rằng: “Mục đích tối hậu của con người được coi là hạnh phúc”.[1] Thực vậy, suy
cho cùng tất cả ý nghĩa, giá trị, niềm vui của cuộc sống dường như đều được gói
gém trong khái niệm hạnh phúc. Nhưng trong những bước tìm kiếm hạnh phúc của đời
mình, con người thường giới hạn hạnh phúc thành những mục tiêu rất hạn hẹp và cụ
thể, ví dụ quy hạnh phúc thành khoái lạc, giàu sang, sự thỏa mãn, danh dự, hay
quyền lực. Rõ ràng, ai cũng có thể cảm nhận rằng, người sống nghèo khổ, túng
thiếu mong có cái ăn, cái mặc hằng ngày làm hạnh phúc; người giàu có mong yên ổn,
mong sống lâu để hưởng thụ làm hạnh phúc; người đau yếu mong sức khỏe làm hạnh
phúc; người bị cầm tù mong tự do làm hạnh phúc. Thật sự chuyện
ai cũng muốn hạnh phúc là một điều hiển nhiên, dù mỗi người hiểu hạnh phúc theo
mỗi cách khác nhau và dùng phương thế khác nhau để đạt đến hạnh phúc. Thế nhưng
làm thế nào để hiểu hạnh phúc một cách tốt nhất? Hay làm sao để đạt tới hạnh
phúc? Như trình bày ở trên, hạnh phúc là một đề tài rộng lớn và được hiểu nhiều
cách khác nhau. Cho nên tôi không dám trình bày khái niệm này theo cái nhìn chủ
quan của mình nhưng tôi sẽ trình bày dưới góc nhìn triết học đạo đức của
Aristotle, phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ.
I.
Hạnh phúc dưới góc nhìn của
Aristotle
Trước tiên, trong Nicomachean Ethics của Aristotle, ông khẳng
định chỉ có một cứu cánh tột cùng của con người. “Eudaimonia là điều thiện tột
cùng đáp ứng cho sự thuần nhất của những cứu cánh nơi con người và nó chính là
nguyên nhân cứu cánh của con người”.[2] Vậy,
Eudaimonia nghĩa là gì? Có nhiều văn bản dịch là “hạnh phúc”, tuy nhiên theo
Aristotle, Eudaimonia – hạnh phúc ở đây phải được hiểu là “một loại hoạt động,
không phải một loại khoái lạc, mặc dầu hiển nhiên có khoái lạc đi kèm. Nó là một
hoạt động đặc sắc nơi con người, hàm ngụ một quan năng tối cao mà động vật và
thực vật không có”.[3]
Như vậy, hạnh phúc theo Aristotle là một hoạt động, chứ không phải là một tình
cảm. Nghĩa rằng, hạnh phúc không hệ tại cảm thấy tốt, nhưng hệ tại hành động tốt.
Vậy làm sao để đạt đến Eudaimonia? Aristotle cho rằng con người phải xác định
được chức năng riêng của mình và chức năng đó là sinh hoạt phù hợp với lí trí của
con người. Điều này đem lại luật phổ quát về đức hạnh luân lí; chúng là những
thiên hướng trong đó các tình cảm và các cảm xúc được lí trí hướng dẫn để việc
hành xử phù hợp với hoàn cảnh.[4] Như vậy thật
sai lầm khi định nghĩa hạnh phúc là lạc thú, vì con người cũng có thể đạt được
lạc thú từ những hoạt động nghịch với lí trí, và hành động nghịch với lí trí
không phải là hành động tốt, vì hành động tốt là thể hiện chức năng phù hợp với
lí trí. Vậy, có thể nói rằng theo Aristotle, mục đích cuối cùng của con người
là sống hạnh phúc và sống hạnh phúc là hoạt động tốt.
Bên cạnh đó, để đạt đến hạnh
phúc, hành động của con người phải nhắm tới mục đích riêng của nó. Rõ ràng,
ngày nay đâu đâu ai cũng tìm kiếm lạc thú, của cải và danh vọng, hay quyền lực.
Mặc dù chúng có giá trị, nhưng không một mục đích nào trong số này có thể thay
thế cho điều tốt lành chính yếu mà con người phải nhắm tới. Aristotle chắc rằng
mọi người đều nhất trí hạnh phúc là cuối cùng của hành vi con người. Quan điểm
này cũng đã được Thánh Tôma Aquinô nhấn mạnh trong Tổng Luận Thần Học. Ngài khẳng định mục đích tối hậu của con người
được coi là hạnh phúc. Thực vậy, con người chọn lạc thú, của cải và danh vọng
vì nghĩ rằng nhờ những thứ đó làm công cụ sẽ giúp đạt được hạnh phúc. Nhưng suy
cho cùng, đó cũng chỉ là hạnh phúc nay còn mai mất, vì ai chắc chắn được mình sẽ
sở đắc chúng cả đời, hay dù có sở đắc được, liệu rằng đó có phải là hạnh phúc
đích thực hay chỉ là một sự thỏa mãn bề ngoài, tạm thời. Rõ ràng, đó là một sự
lầm tưởng khi xem những biểu tượng đó là hạnh phúc đích thực, là hạnh phúc vĩnh
cửu, là cùng đích của đời người.
Tiếp đến, theo Aristotle dường
như mọi người đều đồng ý rằng cái Thiện tối cao là hạnh phúc tuyệt đối của con
người và đời sống thực tiễn hoạt động của con người là hướng về cái đích thiện
hảo là hạnh phúc, để đạt được cái đích của sự thiện hảo là hạnh phúc con người
phải hoàn thành chức năng hoạt động của mình như một con người.[5]
Vậy chức năng của con người
là gì? Phải chăng chức năng của con người giống như chức năng của một người thợ
mộc hay một người đóng giày? Có phải chức năng của con người là những hoạt động
thể lý hay đời sống cảm giác? Con người chẳc hẳn phải có một chức năng hoạt động
đặc trưng, nhưng đó là gì? Ở đây Aristotle phân tích bản chất con người để khám
phá ra hoạt động độc đáo của con người. Trước hết, mục đích của con người không
chỉ là sự sống đơn thuần, vì cây cỏ cũng có sự sống này. Kế đến, con người cũng
có đời sống cảm giác, nhưng sự sống này trâu bò và mọi loài động vật đều có. Vậy
điều cần thiết phải biết điều gì là riêng cho con người. Nếu chức năng của con
người là một hoạt động của linh hồn tuân theo hay bao gồm một nguyên lý lý
tính vậy cái tốt của con người chính là hoạt động của linh hồn phù hợp với đức
hạnh. Phần nguyên lý lý tính có chức năng hoạt động là kiểm soát và hướng dẫn
các phần phi lý tính. Người tốt không phải là người làm một hành động tốt lúc
này hày lúc khác, chỗ này hay chỗ kia, mà là người có toàn thể đời sống tốt.
Cho nên, không phải một ngày hay một thời gian ngắn làm cho một người được hạnh
phúc mãn nguyện.[6]
Như vậy, Aristotle coi đạo đức
học là cuộc tìm kiếm hạnh phúc và hạnh phúc liên hệ mật thiết với cái đích hay
mục đích của một người. Để đạt được hạnh phúc, con người phải hoàn thành mục
đích của mình bằng cách hoàn thành các chức năng hoạt động của mình như một con
người (hành động theo lý trí). Các chức năng hoạt động của mình như một con người là
luôn nhắm tới một sự thiện nào đó. Aristole lý luận rằng sự Thiện cao nhất của
con người là mục đích cuối cùng của mọi hoạt động của mỗi người, chính là hạnh
phúc. Có thể con người không ý thức rằng mình đang tìm kiếm hạnh phúc, nhưng
trong thực tế mọi người đều cố gắng theo đuổi mục đích này, vì nó được xây dựng
trong chính cấu trúc bản tính của mỗi con người. Vì hạnh phúc là mục đích cuối
cùng của mỗi người, và vì đạo đức học quan tâm tới việc đạt mục đích cuối cùng
của con người.
Kế đến, tôi tiếp tục xét hạnh
phúc dưới góc nhìn của một trường phái sau Aristotle và có cùng quan điểm với
Aristotle về khát vọng con người theo đuổi -hạnh phúc- đó chính là phái Khoái Lạc.
II.
Hạnh phúc dưới góc nhìn của
phái Khoái Lạc
Phái Khoái Lạc chủ trương
cái Thiện tối cao con người theo đuổi là hạnh phúc.[7] Hạnh phúc dưới
góc nhìn của phái Khoái Lạc được cho là sự sở hữu những thú vui và xa lánh đau
khổ. Thú vui ở đây có hai loại: Thú vui động là các hoạt động như đói được ăn,
khát được uống. Thú vui tĩnh là trạng thái trong đó không còn cảm thấy đau khổ.
Tuy nhiên, thú vui động luôn có một giới hạn, nếu vượt qua giới hạn đó rất dễ
dàng dẫn đến đau khổ. Ví dụ như đói được ăn, nhưng nếu cứ ăn cho thỏa thích,
không có điểm dừng, chắc chắn việc dẫn đến những hậu quả đáng tiếc là điều
đương nhiên. Vì thế phái Khoái Lạc cho rằng thú vui tĩnh đáng quí hơn thú vui động.
Hay nói cách khác, đạt đến hạnh phúc là lúc không còn cảm giác đau khổ trong
thân xác hay xáo trộn trong tâm hồn.
Nhưng làm sao để đạt đến hạnh
phúc? Phái Khoái Lạc phân biệt ba khát vọng: khát vọng vừa tự nhiên, vừa cần
thiết; khát vọng tự nhiên mà không cần thiết và cuối cùng là khát vọng vừa
không tự nhiên, vừa không cần thiết.[8]
Đầu tiên, khát vọng vừa tự
nhiên vừa cần thiết là những nhu cầu cần được thỏa mãn của con người như ăn khi
đói, uống khi khát. Nếu những nhu cầu đó không được thỏa mãn con người sẽ đau
khổ. Nhưng những nhu cầu này khá tầm thường và đơn giản nên rất dễ thỏa mãn. Chỉ
cần một chén cơm khi đói, một ly nước khi khát, một tấm chiếu để nghỉ ngơi khi
mệt, những thứ đó chẳng phải đủ để hài lòng rồi hay sao? Tiếp đến, khát vọng tự
nhiên không cần thiết phức tạp hơn vì nó đòi thay đổi những thú vui. Thay vì một
chén cơm khi đói, đủ để ấm dạ, lại muốn một tô bún bò hai chả, một giò heo.
Thay vì một ly nước lã khi khát, đủ làm dịu cơn khát, lại muốn một li sinh tố
ít đá, nhiều sữa. Cuối cùng loại khát vọng thứ ba vừa không tự nhiên, vừa không
cần thiết được cho là những nhu cầu hoàn toàn giả tạo, xuất phát từ sự cạnh
tranh xã hội, sự tham lam hay khoe khoang. Ví dụ, hành động tắm bằng bia, bằng
tiền. Những nhu cầu này thường không chừng mực, không có giới hạn. Dưới sự chi
phối của khát vọng này làm cho con người đi từ đam mê này qua đam mê khác, từ
xáo động này qua xáo động khác.
Như vậy đứng trước ba loại
nhu cầu vừa kể, điều hiển nhiên con người phải được thỏa mãn những nhu cầu vừa
tự nhiên vừa cần thiết vì đó là điều kiện cần để tồn tại và có một đời sống
quân bình. Với những nhu cầu tự nhiên, không cần thiết, nếu trong điều kiện thuận
lợi và có những phương tiện, đôi khi con người cũng được cho phép thỏa mãn nó,
miễn đừng tạo ra cho bản thân những thói quen, để rồi những thói quen đó trói
buộc chính mình trong những đam mê, nhu cầu không cần thiết. Còn với những nhu
cầu vừa không tự nhiên, vừa không cần thiết cần phái có một thái độ duy nhất cần
phải có là nhất quyết từ chối và quyết tâm dập tắt chúng. Ai biết xử trí đúng
như thế sẽ đạt tới sự khôn ngoan và hạnh phúc.
Tuy nhiên phái Khoái Lạc
cũng gặp không ít sự chỉ trích và phê bình khi quá đề cao thú vui, khoái lạc.
Các nhà phê bình cho rằng học thuyết của phái Khoái Lạc nhằm biến con người
thành một con vật. Nhưng liệu lời chỉ trích này có thật sự xác đáng? Chính vì
thế phái Khoái Lạc đã chống lại mạnh mẽ sự hiểu nhầm này, Epicure đã viết:
“Khi chúng tôi nói thú vui là cứu cánh, chúng tôi không muốn
nói tới thú vui của những kẻ sa đọa và hưởng thụ. Rượu chè, đàn điếm, tiệc tùng
không làm cho đời sống thú vị, chính cái tư tưởng thanh đạm biết khám phá những
nguyên nhân của mọi khát vọng và biết xua đuổi những ý tưởng làm xáo động tâm hồn”.[9]
Như vậy, phái Khoái Lạc đã
cho thấy hạnh phúc không đòi hỏi nhiều điều kiện bên ngoài. Hạnh phúc độc lập với
địa vị con người có được trong xã hội, với khối tài sản con người tích trữ hay
với dư luận mà người khác vẽ về mình. Hạnh phúc phần lớn tùy thuộc ở việc biết
giới hạn những khát vọng của mình, biết giảm bớt những nhu cầu của mình và biết
loại bỏ những nhu cầu không cần thiết. Hay cũng có thể hiểu hạnh phúc là biết
hưởng thụ thú vui cuộc sống sao cho tốt nhất, chứ không phải buông thả theo dục
vọng thấp hèn như nhiều nghĩ.
Như vậy, giống như
Aristotle, phái Khoái Lạc cũng cho rằng con người luôn khao khát hạnh phúc,
nhưng hạnh phúc của phái Khoái Lạc là sự sở hữu những thú vui và xa lánh đau khổ.
Tuy nhiên, phái Khoái Lạc cũng nhấn mạnh, để đạt đến hạnh phúc những thú vui phải
có sự quân bình, không được trói buộc mình trong những đam mê, hay những nhu cầu
không cần thiết. Đồng thời phải có một thái độ nhất quyết từ chối với những thú
vui không tự nhiên và không cần thiết. Cuối cùng, tôi bàn tới hạnh phúc qua góc
nhìn của phái Khắc Kỷ để xem hạnh phúc có đơn giản là sở đắc lạc thú như phái
Khoái Lạc.
III.
Hạnh phúc dưới góc nhìn phái
Khắc Kỷ
Cũng giống như Aristotle và
phái Khoái Lạc, rằng con người tự nhiên hướng tới hạnh phúc – mục đích của đời
sống. Nhưng hạnh phúc với phải Khắc Kỷ không ở tại sự vui thú như một số người
lầm tưởng bởi hạnh phúc là một trạng thái bền bỉ, vững vàng trong khi thú vui lại
mau qua chóng hết, cho nên không thể đồng hóa hạnh phúc với thú vui được. Nếu
phái Khoái Lạc, xem hạnh phúc ở lạc thú, phái Khắc Kỷ tìm kiếm hạnh phúc qua
minh triết, tức là sự khôn ngoan để kiểm soát những gì nằm trong khả năng của
con người và để chấp nhận những gì tất yếu xẩy đến với con người như một sự chịu
đựng. Với phái Khắc Kỷ, hạnh phúc là “l’ataraxi”, nghĩa là không bị xáo trộn, sự
bình an trong tâm hồn, sự hòa hợp giữa mình với mình, cũng giữa mình với vạn vật.
Đây là trạng thái cần phải cố gắng để đạt tới và nắm giữ qua mọi biến cố và mọi
đổi thay của cuộc đời.
Vậy tại sao tâm hồn lại thường
bị xáo trộn? Phái Khắc Kỷ đưa hai nguyên nhân gây nên sự xáo trộn trong tâm hồn:[10]
Thứ nhất, tâm hồn thường bị
xáo trộn bởi con người cảm thấy mình thiếu danh dự và phẩm giá. Cảm giác này
làm con người đau khổ và phiền muộn. Vì vậy cần phải tránh cảm giác này bằng
cách khi làm bất cứ việc gì cũng phải xem xét việc làm đó có xứng đáng, có đáng
trọng hay không. Không bao giờ làm việc gì khiến mình xấu hổ về mình, làm cho
mình mất phẩm giá về mình, mình không tự trọng được mình nữa. Tuy nhiều lúc khó
khăn nhưng điều luôn phải chọn là một tâm hồn thanh bình thì mới có được hạnh
phúc. Phái Khắc Kỷ chủ trương rằng:
“Tất cả những vấn đề
khó khăn trong cuộc sống, ta nên chấp nhận, không trốn tránh, vì chúng có ích
cho việc tôi luyện tinh thần, cứ coi như chúng là những phương tiện Thượng Đế
dùng để tôi luyện ta, để sau khi trải qua thử thách, ta thấy mình trưởng thành
và hoàn thiện hơn.”[11]
Thứ hai, tâm hồn con người thường
bị xáo trộn vì có những khát vọng đối nghịch nhau. Nghĩa là điều con người mong
ước thì không thể đạt được, điều không muốn lại xảy đến. Vậy muốn tránh sự xáo
trộn này phái Khắc Kỷ đưa ra hai điều phải làm: Trước hêt, con người phải biết
cái gì tùy thuộc ở mình, cái gì không. Cái tùy thuộc của mình là phán đoán,
khát vọng, còn cái không tùy thuộc của mình là tiền tài, sự sống, danh vọng…
Như vậy, sau khi phân biệt rõ ràng hai loại như vậy, con người sẽ tuy theo đó
mà dung hòa những khát vọng của chính bản thân mình. Nếu đem lòng khao khát những
tùy thuộc không ở mình sẽ dẫn đến chán ghét, thật vọng, buồn phiền nơi tâm tâm
hồn mình. Vậy tốt nhất nên dững dưng với những gì không tùy thuộc nơi mình.
Nói cho cùng sự thanh bình
tùy thuộc ở sự nhận định của chính mình, ở óc phán đoán của mỗi người. Biết
phán đoán cho đúng, biết làm chủ chính mình, đó mới là bí quyết sống hạnh phúc
mà phái Khắc Kỷ muốn hướng tới.
Như vậy, tôi vừa trình bày
những góc nhìn về hạnh phúc và làm sao để đạt đến hạnh phúc theo quan điểm của Aristotle,
phái Khoái Lạc và phái Khắc Kỷ. Mỗi trường phái có một góc nhìn, một cách tiếp
cận về hạnh phúc khác nhau. Nhưng chung quy lại, với họ hạnh phúc là mục đích
cuối cùng con người hướng tới, là nỗi khắc khoải, khao khát tìm kiếm trên hành
trình sống của con người. Vậy cách nhau hơn hai ngàn năm, con người ngày nay có
khắc khoải, da diết tìm kiếm hạnh phúc như các triết gia cổ đại phương Tây đã bàn
không? Và hạnh phúc có còn là cùng đích cuối cùng của đời người như Aristotole
đã từng nói?
IV.
Hạnh phúc là gì trong cuộc sống
vội vã ngày nay?
Trong cuộc sống ngày nay, dường như
ai cũng mơ ước có cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần. Do
đó, trên bước đường đi tìm giá trị của hạnh phúc, có người đã tìm được câu trả
lời và nhưng cũng không ít người tìm mãi mà chẳng thấy, dần đi vào bế tắc,
tuyệt vọng như đi vào con đường không tìm thấy lối ra. Rồi cũng không ít người dám đánh đổi, hy sinh nhiều thứ để hi
vọng sở đắc hạnh phúc; hay bao người lầm than, mò mẫm để mong được chạm nhẹ đến
hạnh phúc. Tuy nhiên, rất nhiều người ngày nay cho rằng chỉ có tiền bạc,
danh vọng, quyền lực, thú vui xác thịt mới đem lại hạnh phúc đích thực. Vì thế,
với những người cho hưởng thụ là hạnh phúc lại lao vào ăn chơi thâu đêm suốt
sáng, cố gắng thử hết những thú vui mới lạ, nhất là thú vui thể xác, tình dục.
Hay những người xem tiền bạc, danh vọng, quyền lực là hạnh phúc, họ chỉ biết
chăm chăm để kiếm thật nhiều tiền, có một chức vụ thật oai mà bất chấp mọi thủ
đoạn để có được nó. Nhưng dừng lại một chút để tự hỏi nếu hạnh phúc đơn giản
chỉ là hưởng thụ thật nhiều, kiếm thật nhiều tiền, sống thật giàu có, chức
quyền thật cao, ăn thật ngon, mặc thật đẹp vậy những khắc khoải, bàn luận của
bao triết gia vĩ đại về hạnh phúc qua nhiều thời kì trở nên công cốc sao?
Không, có thể đó là hạnh phúc nhưng chắc chắn nó không phải là cùng đích của
đời người, là hạnh phúc đích thực để con người hướng tới.
Ấy thế, tôi hỏi mẹ tôi, với mẹ hạnh
phúc là gì? Mẹ trả lời: “Hạnh phúc của mẹ là thấy các con khôn lớn, ngoan
ngoan, mạnh khỏe, công việc ổn định và tết nào cũng về với mẹ. Đó là hạnh phúc
lớn nhất và điều mà mẹ khắc khoải nhất”. Hạnh phúc thật giản dị. Mẹ chẳng học
triết, chẳng biết gì là triết học đạo đức, ấy vậy quan điểm của mẹ về “hạnh
phúc” khiến tôi suy tư ngày đêm. Tôi thiết nghĩ hạnh phúc thật gần gũi với mỗi
người, nó chỉ tùy thuộc vào cảm nhận của mỗi người mà thôi. Như vậy, hạnh phúc
là điều con người luôn khao khát vươn tới để có cuộc sống tốt đẹp nhưng cũng
đừng nên mơ mộng hay ảo tưởng về một hạnh phúc toàn mỹ hay xa xôi nào đó mà hãy
sống thật với con người mình, biết nâng niu trân trọng những gì mình có, biết
mình là ai và cần gì, cứ sống tốt, hành động tốt để có một tâm hồn bình an thư
thái, không xáo động. Rõ ràng, nói thật dễ, nhưng khi bị ném ra ngoài xã hội –
một xã hội phức tạp, bao cám dỗ, hay chính guồng quay hối hả của cuộc sống,
nhiều lúc mình không còn là mình, bình an trong tâm hồn chẳng thấy đâu, cứ mải
mê chạy theo dòng đời, rốt cuộc hạnh phúc vô hình lại trở nên xa vời và thành
từ khóa được nhiều người tìm kiếm nhất trên google hằng năm.
V.
Kết luận
Như vậy, hạnh phúc thật sự
là một nỗi khoắc khoải không của riêng ai. Cho dù là một triết gia vĩ đại cách
đây hơn 2000 năm hay một người mẹ già sống ở thế kỉ XXI chẳng biết gì về triết
học, tất cả đều nhận thấy rằng hạnh phúc chính là cùng đích của đời người. Dẫu
rằng mỗi người có một cách hiểu, một góc nhìn khác nhau về hạnh phúc, và có những
con đường, phương thế khác nhau để đạt đến hạnh phúc, ấy vậy mục đích cuối cùng
của đời người vẫn là hạnh phúc, làm sao có một cuộc sống tốt đẹp, bình an. Nói
tóm lại, quan điểm của Aristotle coi đạo đức học là cuộc tìm kiếm hạnh phúc và
hạnh phúc là cùng đích hay mục đích của một người và để đạt được hạnh phúc, con
người phải hoàn thành mục đích của mình bằng cách hoàn thành các chức năng hoạt
động của mình như một con người (hành động đúng theo lý trí). Phái Khoái Lạc cho
rằng con người luôn khao khát hạnh phúc và họ cho rằng hạnh phúc là sự sở hữu
những thú vui và xa lánh đau khổ. Nhưng những thú vui phải có sự quân bình,
không được trói buộc mình trong những đam mê, hay những nhu cầu không cần thiết.
Đồng thời phải có một thái độ nhất quyết từ chối với những thú vui không tự
nhiên và không cần thiết. Cuối cùng phái Khắc Kỷ cũng cho rằng hạnh phúc là mục
đích của đời người và để đạt đến hạnh phúc, cần phải biết phán đoán cho đúng,
biết làm chủ chính mình, không để tâm hồn bị xáo trộn và biết dững dưng với những
gì không tùy thuộc nơi mình.
Tài liệu tham khảo
- AQUINAS, Thomas, Tổng Luận Thần Học về Hạnh Phúc Con Người, Phần I-II, Vấn đề
1-5, NXB TP. HCM, 2003.
- FX. HOÀNG, Triết
Học Nhập Môn, Lưu hành nội bộ.
- GIÁO, Nguyễn Hồng, OFM, Lịch Sử Triết Học Tây Phương Thời Cổ Đại, Lưu hành nội bộ,
1995.
- QUÂN, Đặng Phùng, Triết Học Aristotle, NXB Đêm Trắng, 1927.
- STUMPF, Samuel Enoch & ABEL, Donald C., Nhập Môn Triết Học Phương Tây, NXB Tổng Hợp TP HCM, 2004.
- STUMPF, Samuel Enoch, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, NXB Lao Động Hà Nội, 2004.
7.
TĂNG, Nguyễn Mạnh,
Lịch Sử Triết Học, 2007.
8.
TED HONDERICH, Hành Trình Cùng Triết Học, NXB Văn hóa
Thông tin, 2006.
[1] AQUINAS, Thomas, Tổng
Luận Thần Học về Hạnh Phúc Con Người, Phần I-II, Vấn đề 1-5, TP. HCM, 2003,
trang 63.
[2] QUÂN, Đặng Phùng, Triết
Học Aristotle, NXB Đêm Trắng, trang 112.
[3] QUÂN, Đặng Phùng, Triết
Học Aristotle, NXB Đêm Trắng, trang 113.
[4] STUMPF, Samuel Enoch & ABEL, Donald C., Nhập Môn Triết Học Phương Tây, NXB Lao Động Hà Nội, 2004, trang 286
[5] STUMPF, Samuel Enoch, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, NXB Lao Động Hà Nội, 2004, trang
68.
[6] STUMPF, Samuel Enoch, Lịch Sử Triết Học Và Các Luận Đề, NXB Lao Động Hà Nội, 2004, trang
68.
[7] TED HONDERICH, Hành
Trình Cùng Triết Học, NXB Lao Động Hà Nội, 2004, NXB Văn hóa Thông tin,
2006, trang 329.
[8] GIÁO, Nguyễn Hồng, OFM, Lịch Sử Triết Học Tây Phương Thời Cổ Đại, Lưu hành nội bộ, 1995, trang 63.
[9] FX. HOÀNG, Triết
Học Nhập Môn, Lưu hành nội bộ, trang 89.
[10] Fx. HOÀNG, Triết
Học Nhập Môn, Lưu hành nội bộ, trang 94.
[11] TĂNG, Nguyễn Mạnh, Lịch
Sử Triết Học, 2007, trang 63.
Comments
Post a Comment