Khái niệm chữ “Học” trong Luận Ngữ


Khái niệm chữ “Học” trong Luận Ngữ
Các tiên nho đã từng nói: “Nhân linh ư vạn vật”,[1] con người linh thiêng hơn hết mọi loài, mọi sự trong vũ trụ. Con người là một tặng phẩm tuyệt vời trong vũ trụ bao la, ấy thế con người không chỉ dừng lại là một “tặng phẩm cao đẹp”, trái lại con người không ngừng tu luyện, mài dũa, học hỏi để làm cho giá trị huyền nhiệm, giá trị cao đẹp nơi chính con người được tỏ hiện, được tỏa sáng. Với Đức Khổng, học là cách để giáo dục con người, rèn luyện cái tính thiện có sẵn nơi mỗi người được phát triển và tỏa rạng. Vì thế, trong bài viết này, người viết muốn bàn khái niệm chữ học của Khổng Tử để thấy những tư tưởng quý giá và thiết thực giúp con người thành nhân, thành bậc quân tử mà Khổng Tử gởi gắm trong sách Luận Ngữ.
Trong suốt cuộc đời của mình, Khổng Tử đã đặc biệt chú trọng vào giáo dục, ông đã dành hết thời gian của mình để cống hiến hoạt động giáo dục vì theo ông đạo đức là phải nhờ vào giáo dục để phổ cập và nâng cao.Trong Luận Ngữ, chữ học được lặp đi lặp lại tổng cộng sáu mươi sáu lần. Đặc biệt, chương đầu tiên của Luận Ngữ có tiêu đề là “Học Nhi”, đây như một sự ưu tiên cho việc học, cho việc đề cao sự giáo dục.Vậy chữ học đã được bàn trong Luận Ngữ như thế nào? Trong khả năng về sự hiểu biết và tìm tòi của mình, người viết xin mạn phép bàn về chữ học trong hai phần: Thứ nhất, chiết tự chữ học và thứ hai học như thế nào? Trong phần thứ hai, người viết tiếp tục tìm hiểu về thái độ của việc học, mối quan hệ giữa học, suy tư và hành động và cuối cùng học để thành nhân. Để bắt đầu bài viết của mình, người viết đến với việc chiết tự chữ Học để hiểu rõ hơn về Chữ Học.
1. Chiết tự chữ Học ()
Theo tác phẩm Chiết tự chữ Hán, chữ Học (): phần trên là hình ảnh người thầy hai tay cầm roi đứng dưới mái nhà đang dạy trẻ, phía dưới là chữ tử ().[2] Như vậy, qua chữ học, phần nào đã gợi mở lên hình ảnh một mái nhà (lớp học), hình ảnh người thầy và học trò. Hình ảnh người thầy cầm roi, đứng trên chữ tử (học trò), cho thấy vai trò, chỗ đứng, sự phẩm trật giữa thầy và trò, thầy luôn luôn đứng trên trò. Như vậy chữ Học cho thấy vai trò và vị trí của người thầy luôn phải được đề cao và tôn trọng. Bên cạnh đó, người viết cũng nghĩ rằng, chữ học còn đồng thời thể hiện thuyết chính danh của Khổng Tử - thầy phải ra thầy, trò phải ra trò, phải có thứ bậc rõ ràng. Đã là thầy phải nghiêm khắc, đàng hoàng, đã là trò phải biết lễ phép, kính trọng thầy. Với Nho giáo ngày xưa, môn sinh quý trọng thầy giáo như theo thứ bậc: “Quân, Sư, Phụ”, nghĩa là học sinh phải kính trọng thầy giáo hơn cả cha mẹ, chỉ sau vua là người thay trời trị vì thiên hạ. Cho nên nền giáo dục, dạy người thời Khổng Tử rất nghiêm túc, và cũng rất nghiêm khắc để truyền đạt đạo lý cho học trò, nên mới có câu là: “Thầy có nghiêm, trò mới giỏi”. Như vậy, ẩn sau những nét chữ, chữ học đã chứa đựng không chỉ tư tưởng về giáo dục, mối tương quan giữa thầy-trò, nhưng còn thể hiện thuyết chính danh, thể hiện đúng vai trò của người thầy-học trò trong xã hội. Tiếp theo, người viết tiếp tục bàn luận về việc học, nội dung của việc học trong tư tưởng của Khổng Tử.
2. Học như thế nào?
2.a. Thái độ của việc học
Trước tiên, Khổng Tử nói: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ? Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ?”[3] Theo Khổng Tử, sự học phải khởi đi từ niềm vui, một sự yêu thích, đam mê như niềm vui, lòng hoan hỉ chào đón một người bạn nơi phương xa tới thăm. Rõ ràng, để bắt đầu bất cứ việc gì, nếu ta không gieo đam mê, đặt sự yêu thích, niềm hứng khởi, chắc chắn ta sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Việc học cũng vậy, nếu khởi nguồn của việc học là sự gò ép, không có một niềm khao khát tìm tòi, học hỏi, dám dấn thân, ngụp mình vào những điều chưa biết thì sao có thể gọi là học, có thể thăng hoa trong sự học. Thật sự ta chỉ có thể bay bổng, thăng hoa cùng việc học khi tâm hồn ta hòa quyện vào việc học như những làn gió thổi qua sa mạc khô hanh, như cơn mưa rào trút xuống cánh đồng khô. Có lẽ Khổng Tử thấy và hiểu rõ sự cần thiết của thái độ học nên ông đã dành ưu tiên cho tư tưởng này ở ngay câu đầu tiên của chương đâu tiên trong Luận Ngữ.
Ngoài ra, Khổng Tử còn nói: “Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện.”[4] Nghĩa rằng: nếu học trò kiên trì học tập không biết chán, thì người dạy sẽ không biết mệt mỏi. Thật vậy, người học và người dạy là một sợi dây khăng khít với nhau. Nếu trò ham học, kiên trì học, hết mình tìm tòi, đam mê với tri thức thì dẫu người dạy có vất vả đến nhường nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Dẫu biết nhân linh ư vạn vật, nhưng chúng ta mang trong mình thân phận con người bất toàn, mỗi ngày sống là một cơ hội để chúng ta trải nghiệm bản thân mình, để con người phiêu cùng dòng đời, đắm chìm vào thực tại để sống, để trải nghiệm và để biết. Thế nên, chúng ta hiểu rõ sự cần thiết của nổ lực trong sự học, trong sự học hỏi, kiên trì tìm tòi.
Hơn thế nữa, Khổng Tử còn nói: “Học như bất cập, do khủng thất chi.”[5] Nghĩa rằng: học tập phải như đuổi không kịp, dù có đuổi kịp còn sợ mất mát điều đã học. Khi ta giữ cho mình niềm vui trong việc học, chắc chắn những gì ta học được, hay biết được thì không bao giờ là đủ, là thỏa mãn. Thiết nghĩ ở đây Khổng Tử không có ý nói ta phải học lấy học để, lúc nào cũng lo sợ thiếu, nhưng người viết nghĩ rằng Khổng Tử muốn nhắn nhủ rằng việc học cũng giống như ta đang tiến gần đến kho báu, nếu như không cố gắng, nổ lực, không dấn thân một cách triệt để thì ta dễ dàng đánh mất kho báu đó. Thật vậy, ta luôn phải nổ lực hết mình trong việc học, luôn phải mang trong mình tư thế tiến lên, vì dòng chảy cuộc đời luôn thay đổi, nên ta cũng phải không ngừng phấn đấu để có thể thích ứng với sự thay đổi của giòng đời. Ngoài ra, ngay chính sự học của mình, Khổng Tử đã thốt lên: “Ngã phi sinh nhi tri chi giả, hiếu cổ, mẫn dĩ cầu chi giả dã.”[6] Nghĩa rằng: Khổng Tử chẳng phải sinh ra đã biết tất cả, nhưng là do ưa thích đạo cổ xưa, vì thế ông đã cần mẫn tìm học hỏi mà nên. Khổng Tử đã khiêm nhường xem mình không phải là bậc thánh nhân, vì thánh nhân sinh ra đã biết không cần phải học (Sinh nhi tri chi giả, thượng dã)[7]và với ông những giá trị văn hóa cổ xưa được tích lũy là những giá trị tốt đẹp, cao quý vì thế ông ra sức tìm tòi, học hỏi. Ông đã có một tinh thần tự giác học tập cao độ, một sự cần mẫn tìm trong sự học và đó là biểu hiện của một chí hướng sâu rộng, là sự ý thức về sứ mệnh của bản thân mình.
Như vậy, dẫu biết tri thức là vô hạn, việc học của con người là hữu hạn, thế nhưng với một thái độ học dấn thân hết mình, chọn việc học là niềm vui, có một ý thức tự giác trong việc học chính là những yếu tố cần thiết để giáo dục chính mình, gọt dũa đời mình, để viên ngọc “Nhân” trong chính mỗi người được vén mở, được tỏ rạng. Thế nhưng, học là phải suy tư, phải vận dụng vào hạnh động thì những tri thức, cái ta biết mới có hiệu quả, vậy theo Khổng Tử, sự học có mối tương quan như thế nào với suy tư và hành động?
2.b. Học – Suy Tư – Hành Động
Sự học là một công việc đòi hỏi tư duy, suy gẫm kết hợp với hành động vào thực tiễn. Học mà không tư duy, ngẫm nghĩ hay không hành xem như lãng phí. Vì thế Khổng Tử nói: “Học nhi bất tư tắc võng, tư nhi bất học tắc đãi.”[8] Nghĩa rằng, học mà không suy nghĩ sẽ trở nên rối rắm, chỉ suy nghĩ mà không học sẽ rất mỏi mệt. Học là một hành trình đi tìm sự khôn ngoan, thu gom tri thức, chắt chiu kinh nghiệm. Ta học từ rất nhiều nguồn: thầy cô, bạn bè, sách vở, cuộc sống. Tất cả những kiến thức đến với ta như một mớ hỗn độn, nếu không biết sắp xếp, không biết suy tư, không biết rút tỉa, chắt lọc, chắc chắn tâm trí ta sẽ rối rắm và tri thức có được mãi là một đống hỗn độn, không có giá trị. Chính vì thế, việc học luôn đòi hỏi phải suy nghĩ. Thế nhưng, nếu ta chỉ có suy nghĩ mà không học thì cũng rất nguy hại. Tri thức thì vô hạn, sao con người có thể đạt thấu. Qua việc học, trước tiên con người biết thêm về chính sự hiểu biết giới hạn của mình, biết mình có gì và thiếu gì. Nếu ta cứ nghĩ một vấn đề không có nền tảng, cứ suy nghĩ viễn vông thì càng dẫn ta đến dốt nát. Như vậy, sự học cũng đòi hỏi phải có phương pháp, phải biết tư duy, suy nghĩ. Chính hành động tư duy, suy nghĩ giúp con người trổi vượt trên vạn vật, thăng hoa trong chính thực tại.
Như vậy học là phải suy và suy phải trên nền tảng việc học, từ những gì mình biết, những gì mình có khả năng suy tư, chứ chẳng phải cứ quên ăn, quên ngủ để suy tư như: “Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm, dĩ tư, vô ích, bất như học dã.”[9] Nghĩa rằng: suốt ngày không ăn cơm, thức trắng cả đêm để suy tư. Nhưng vô ích, không bằng đi học. Bên cạnh đó, việc học cũng phải được vận dụng vào hành động thiết thực trong thực tiễn vì chỉ khi hành động, ta mới biết tri thức, những cái ta biết hữu ích thế nào, chỉ có hành động mới làm thăng hoa những tri thức ta có được. Thế nên, Khổng Tử nói: “Đức chi bất tu, học chi bất giảng, văn nghĩa bất năng tỉ, bất thiện bất năng cải, thị ngô ưu dã.”[10] Nghĩa rằng, đức hạnh mà không tu dưỡng, học không giảng giải, thấy việc nghĩa không làm, mắc điều sai không chịu sửa chữa, đó là những nỗi lo. Rõ ràng, khi ta đã hiểu rõ những nghĩa lý sâu xa từ những điều đã được học thì ắt hẳn phải vận dụng những điều đã học, đã biết vào hành động, vào thực tiễn. Nếu học mà không biết vận dụng vào hành động là cái học của các nho gia hương huyện[11], nghĩa là những người học để làm quan, để luồn cúi, lẻo mép để lấy lòng vua, lấy lòng người trên, chứ chẳng phải vì mình, học để thành nhân, thành người quân tử.
Cùng với sự học với làm quan, Khổng Tử nói: “Sĩ nhi ưu tắc học, học nhi ưu tắc sĩ.”[12] Nghĩa rằng: làm quan dư thì giờ thì nên học thêm. Người có học thì đi làm quan. Ở đây, học không phải là phải chỉ để biết kiến thức suông, nhưng học là để hoàn thiện chính bản thân mình, học để thành nhân. Thế nên, một người nào đó có cơ hội làm quan, hay một người giữ chức vị lớn trong xã hội thì phải biết ham học hỏi để mở mang kiến thức, thấu tỏ đạo lí, biết những điều cần thiết để xử lí việc đời, để dân yên vui làm việc. Dẫu biết với Khổng Tử học trước tiên là để minh minh đức, là để tỏa rạng cái đức nhân nơi chính mỗi người, nhưng học còn là cơ hội để ta giúp đời, giúp người. Đó thể hiện được tình yêu thương, lòng trắc ẩn nơi đức nhân.
Như vậy, với Khổng Tử, học là phải suy tư và đem cái biết của mình ra thực hành để giúp ích cho mình và cho đời. Biết mà để đó cũng giống như không biết và cái biết đó là một điều vô ích. Khi ta học được điều hay mà không đem ra phổ biến và thực hành thì cái học của ta cũng mai một đi. Hơn thế nữa, sự học ở đây không chỉ còn là để ta tu luyện để an nhiên với đời, nhưng còn để “minh minh đức”- tỏa sáng đức nhân nơi chính mỗi người.

2.c. Học để thành nhân.
Có lẽ trong suốt sự nghiệp giáo dục của mình, Khổng Tử luôn cố gắng nỗ lực để truyền đạt lý tưởng giáo dục con người thành nhân, thành một bậc quân tử, một bậc thánh hiền. Đó được xem như một sứ mạng của ông giữa trần thế, vì thế ông luôn ý thức trách nhiệm của mình để học hỏi, tìm tòi, truyền dạy. Cũng vì lẽ đó, trong suốt cuộc đời làm thầy của mình, bên cạnh dạy chữ, Khổng Tử luôn luôn chú trọng vào dạy người.
Người viết thiết nghĩ, học để thành nhân là một lý tưởng vô cùng cao đẹp trong tư tưởng của Khổng Tử. Vậy học thành nhân là học thế nào? Trong Tam Tự Kinh  nhấn mạnh: “Nhân chi sơ tính bản thiện” (人之初,性本善). Rõ ràng, khi sinh ra, con người đã mang trong mình mầm thiện, ai cũng tốt, nhưng làm sao để cái đức tính thiện (đức nhân) đó được khuếch sung, được triển nở, được tỏa rạng, được minh minh đức thì cần đến tu luyện, học hỏi và giáo dục. Thế nên, Khổng Tử đề cao việc học cho mình, hơn là cho người. Học chẳng phải để mưu cầu danh lợi, nhưng học là vì chính bản thân mình. Có lẽ thế mà ông đã viết: “Cổ chi học giả vi kỷ, kim chi học giả vi nhân.”[13] Nghĩa rằng người xưa học cho mình, người đời nay học cho người khác. Người xưa đi học là tu thân rồi ra giúp nước để thực hành tri thức. Nay thiên hạ đi học để lấy bằng cấp cho người ta biết mình, học vì danh lợi. Người xưa học để hoàn thiện bản thân, giúp mình thành những con người tốt đẹp hơn; còn ngày nay, nay thiên hạ học để chứng tỏ mình, và để lấy lòng người khác. Ở đây, người viết cho rằng, Khổng Tử muốn nói học cho mình, chính là học để mình tiến lên bậc quân tử, bậc thánh hiền. Học để hiểu chính con người của mình, để tu luyện nhân đức ngày càng sáng tỏ. Học để biết đối nhân xử thế, để biết ứng biến phù hợp giữa biển đời thay đổi, chứ chẳng phải học để được người đời khen ngợi, để nổi danh, tìm bổng lộc.
Tuy nhiên, đã mang trong mình phận người với thất tình: tham, sân, si, hỉ, nộ, ái ố, mấy ai có thể vượt qua được những cung bậc cảm xúc ngay chính con người mình. Ở đời, chẳng nhiều người có thể sống an nhiên tự tại, không bon chen đến thế sự phù vân, có một thái độ bình lặng trước những nhu cầu vật chất của con người. Có lẽ thế, Khổng Tử đã viết: “Tam niên học, bất chí ư lộc, bất dị đắc dã.”[14] Nghĩa rằng: người đi học ba năm chẳng chú ý cầu bổng lộc, ít thấy người được như vậy. Thật sự, học để thành nhân, để trở nên bậc quân tử, thánh hiền là một lý tưởng vô cùng cao quý. Đây không chỉ là lý tưởng của Nho giáo, nhưng còn là lý tưởng của mọi thời đại trong sự nghiệp tu luyện, giáo dục con người. Đi học là một quá trình “Minh Minh đức” (làm sáng cái Minh đức nơi mình)[15]. Xét trong khía cạnh lý tưởng của việc học đó chính là học là để ta suy xét lại chính mình và làm cho đức tính của mình được sáng tỏ ra (minh minh đức), bởi vì đức tính ấy mỗi người có sẵn, tiềm ẩn nơi mỗi người, đó chính là đức Nhân. Hơn nữa, học để làm người quân tử, mà ắt hẳn người quan tử thì không mưu cần đến danh vọng, bổng lộc, chức quyền, nhưng an vui trong phận mình.
Chính vì sự học thành nhân, học để thành bậc quân tử vì thế ta có cơ hội nhìn nhận đúng vị trí và khả năng của mình để khiêm nhường hơn với đời, với sự hiểu biết của chính mình mà cố gắng rèn luyện mỗi ngày và cũng vì lẽ đó mà Khổng Tử nói: “Tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã.”[16] Nghĩa rằng: biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết. Đó là biết vậy. Dẫu biết nhân linh ư vạn vật, ấy thế con người vẫn là một thụ tạo nhỏ bé trong vũ trụ này, vì thế hơn bao giờ hết ta phải khiêm nhường, phải biết và hiểu rõ chính mình – là con người bất toàn, mưu cầu hiểu biết, là hữu hạn trong vũ trụ bao la, rộng lớn này. Ta phải luôn xem mình như bình nước vơi, chứ chẳng phải bình nước đầy vì đầy rồi sao có thể đổ thêm, biết thêm, học thêm, nhận thêm. Chỉ khi là một bình nước vơi, ta mới có cơ hội học hỏi, nhận biết thêm nhiều điều mới mẻ từ cuộc sống, từ thế giới ta đang đắm chìm.
Như vậy để kết thúc, người viết cũng tự nhận mình là một tạo vật nhỏ bé đi tìm lẽ khôn ngoan trong tư tưởng của một bậc vĩ nhân của Trung Hoa. Với khả năng và giới hạn của mình, chắc lẽ người viết không thể thấu triệt hết những tư tưởng của Khổng Tử khi bàn về chữ học trong Luận Ngữ. Thế nhưng, qua sự trình bày trên, cùng với việc tìm hiểu từ các nguồn, chữ học trong tinh thần của Khổng Tử mang tinh thần đạo lý để trở thành nhân, thành một bậc quân tử, thánh hiền. Học là một quá trình đòi hỏi sự nổ lực không ngừng của chính bản thân mỗi người. Chẳng ai muốn biết, muốn giỏi, muốn thấu suốt đạo lý mà không học như nhân bất học, bất tri nghĩa.[17] Học ở đây là học cho chính bản thân mình trở nên có nhân đức hơn, là để rèn luyện, gọt đẽo, phát triển cái tính thiện có sẵn, tiềm ẩn nơi chính mình chứ chẳng phải học để mưu cầu danh vọng. Cuối cùng, học là để tu luyện đức nhân để dù đứng trước sóng gió, cám dỗ, thách đố của cuộc đời vẫn giữ vững đạo lý làm người, làm một người quân tử hiên ngang sống giữa đời.

Tài Liệu Tham Khảo
1.      Công Sĩ, Trí Tuệ của Luận Ngữ, NXB Phương Đông, 2006
2.      Lý Minh Tuấn, Luận Ngữ Thuyết Minh, 2006
3.      Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, NXB Tôn Giáo, 2010
4.      Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử, NXB TP HCM, 2012
5.      Nguyên Thủy, Chiết Tự Chữ Hán, Tòa Thánh Tây Ninh
6.      Tạ Ngọc Ái, Trí Tuệ Khổng Tử, NXB Văn hóa – Thông tin, 2011




[1] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, NXB Tôn Giáo, 2010, t. 1334.
[2] Nguyên Thủy, Chiết Tự Chữ Hán, Tòa Thánh Tây Ninh, 2014, t.74.
[3] Luận Ngữ 1.1 学而时习之, 不亦悅乎?有朋自远方来, 不亦乐乎?
[4] Luận Ngữ 7.2 默而识之,学而不厌,诲人不倦,何有於我哉? 
[5] Luận Ngữ 8.17 学如不及, 犹恐失之。
[6] Luận Ngữ 7.20 我非生而知之者,好古,敏以求之者也。 
[7] Luận Ngữ 16.9 生而知之者,上也
[8] Luận Ngữ 2.15子曰:学而不思则罔,思而不学则殆 
[9] Luận Ngữ 15·31尝终日不食,终夜不寝,以思,无益,不如学也。
[10] Luận Ngữ 7.3 德之不修, 学之不, 闻义不能徙, 不善不能改, 是吾忧也
[11] Lý Minh Tuấn, Luận Ngữ Thuyết Minh, 2006, t. 256.
*Nho gia Hương Huyện hay còn gọi là Hủ Nho. Những người tìm đến việc học để tiến thân vì bổng lộc, quan chức.
[12] Luận Ngữ 19.13 子夏曰:仕而优则学,学而优则仕 
[13] Luận Ngữ 14.24 古之学者为己,今之学者为人
[14] Luận Ngữ 8.12 子曰:三年学,不至於谷,不易得也。
[15] Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, NXB Tôn Giáo, 2010, t. 195.
[16] Luận Ngữ 2.17 知之为知之,不知为不知,是知也  
[17] Tam Tự Kinh: 人不學,不知義

Comments

Popular Posts