Mẹ Tôi Không Biết
Mẹ
Tôi Không Biết
#Nơi
xa, con gởi tặng sinh nhật lần thứ 53 của mẹ
Mùa Thu năm 1965, Mẹ ra
đời trong một gia đình nông dân nghèo, ngoạn đạo xứ Nghệ. Từ nhỏ Mẹ đã quen với
cuộc sống chật vật, đói khổ; ngày hai bữa bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.
Tuổi thơ của Mẹ chỉ khao khát nắm cơm, manh áo và được tới trường. Những giấc
mơ giản dị, đời thường đó tưởng chừng ai cũng dễ dàng có được, nhưng với Mẹ những
thứ đó thật quá xa vời. Có lẽ, cái nghèo đã ăn sâu, bám chặt vào trong từng thớ
thịt, dòng máu, nếp sống, nên cuộc đời Mẹ có quá nhiều thứ không biết.
Mẹ không biết cãi lời
ông bà. Lên lớp 3, ông ngoại bắt Mẹ bỏ học, ở nhà gánh gạo, đi làm kiếm cơm. Mẹ
vâng lời, nên con chữ của Mẹ không bao giờ tròn trịa. Mẹ ngại phát biểu trước
đám đông, nếu buộc phải nói Mẹ ầm ừ vài câu rồi tiu nghỉu, thẹn thùng. Chắc lẽ
Mẹ cũng muốn như ai, rành rọt con chữ, nhưng chẳng sao, vì chẳng cần lắm lời, Mẹ
vẫn là người Thầy tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Lên 17 tuổi, Mẹ chẳng biết
chuyện trai gái, cưa cẩm. Bố tới nhà, Mẹ núp sau hiên, mặc ông ngoại tiếp nước hàng
giờ. Rồi duyên cũng tới, Mẹ cưới Bố. Mẹ theo Bố về nội và bắt đầu sứ mệnh người
vợ, người mẹ và giờ là bà ngoại của hai thằng nhóc.
Mẹ chẳng biết nấu ăn
ngon. Mẹ chẳng cần cầu kì, hoa lá, chỉ chặt to kho mặn, thêm chút mắm, chút muối
là xong. Cũng đúng thôi, Mẹ sinh ra đã nghèo, có cái ăn, cái bỏ bụng là sung sướng
lắm rồi, chứ biết gì kiểu này, kiểu kia. Nhưng tôi chẳng bao giờ quên “thịt kho
đậu phụ” – món ăn thôn quên, dân giã Mẹ nấu, nhưng gói ghém cả tuổi thơ hạnh
phúc của tôi. Rồi, chín đứa con khôn lớn, cũng từ những món ăn của Mẹ. Có lẽ, Mẹ
nấu không ngon, nhưng bữa cơm có Mẹ luôn rộn tiếng cười.
Mẹ không biết chưng diện.
Bố là thợ may chuyên nghiệp, nhưng Mẹ trung thành với áo cũ, quần bạc màu. Con
cái mua cho Mẹ cái áo mới mặc Tết, đi đây đi đó, xúng xính với người, nhưng Mẹ
cất, Mẹ để dành. Hỏi sao Mẹ không mặc, Mẹ bảo: “Mặc chi lắm!” Thương Mẹ, sáng mở
mắt lo bữa sáng cho chồng, cho con, lụi hụi chăm bẵm đàn lợn, đàn gà, rồi cặm cụi
giặt đống quần áo tới khuya mới nghỉ. Cứ loay hoay, quay cuồng với nhịp sống
ngày nào cũng vậy: gia đình, ruộng nương, lợn gà, Mẹ chẳng còn thời gian cho
mình, để ngắm, để yêu thương chính mình.
Mẹ chẳng biết giận. Cả
cuộc đời bao phiền muộn, tủi hờn, đắng cay, Mẹ nuốt vào trong. Có chăng, Mẹ tới
nhà thờ mách Chúa. Những lúc chồng con làm Mẹ phiền lòng, Mẹ la vài câu, đánh
vài roi, rồi thôi. Mẹ lặng lẽ cam chịu, dịu dàng đón nhận và bao dung tha thứ.
Có lẽ, đó là món quà mà Thiên Chúa đã tặng riêng cho Mẹ, để cuộc đời Mẹ chỉ có
tình yêu và tình yêu.
Mẹ không biết thổ lộ
tình cảm. Mẹ quê cái gì cũng cất, cũng giấu. Mấy đứa con rời quê đi học, đi
làm, Mẹ chẳng nói, chẳng ôm, chẳng tiễn, chỉ lo chai nước, cái bánh cho chúng
đi đường, rồi cặm cụi lo cho mấy con lợn sau nhà. Chắc Mẹ biết, chúng đi chúng
lại về, nhìn chúng rằng sợ nước mắt lại rơi. Ngày tôi rời quê tới một vùng đất
xa hơn, biết một năm chẳng dài, nhưng nghĩ lại nhìn ánh mắt Mẹ tôi lại nhớ, lại
thương. Một lời yêu thương, Mẹ chưa bao giờ nói, nhưng cử chỉ yêu thương Mẹ sống
mỗi ngày. Chín đứa con, Mẹ chẳng một lần khen, nhưng cái ăn, cái mặc, con chữ,
bằng bạn, bằng người, Mẹ gánh mỗi ngày.
Có lẽ Mẹ còn nhiều điều
không biết, nhưng tôi tin chắc có một điều Mẹ chẳng bao giờ biết, Mẹ đã quá hi
sinh, quá vất vả vì chúng tôi. 53 cái xuân xanh đi qua, khuôn mặt Mẹ đã in hằn bao
huân chương của cuộc đời. Mỗi huân chương là mỗi hi sinh, mỗi vất vả Mẹ đã gánh
cho chồng, cho con. Chúng là những tình cảm thầm kín Mẹ chưa bao giờ thổ lộ,
hay cũng là nơi Mẹ cất giữ những điều đẹp nhất Mẹ dám làm vì gia đình, vì chín
đứa con.
Cuối cùng, tôi muốn Mẹ
biết rằng: Có thể Mẹ không biết nhiều thứ, nhưng những cái không biết của Mẹ
đáng giá gấp ngàn lần cái biết của con và con luôn tự hào về Mẹ. Mẹ - người phụ
nữ tuyệt vời nhất, là món quà vô giá trong cuộc đời con.
Comments
Post a Comment