Huy Hiệu Dòng Thương Khó Chúa Giêsu


Huy Hiệu Dòng Thương Khó Chúa Giêsu


Có bao giờ bạn thắc mặc tại sao tu phục của các tu sĩ dòng Thương Khó Chúa Giêsu luôn có một hình trái tim được gắn bên ngực trái và bên trong trái tim đó có Thánh Giá màu trắng, cùng với dòng chữ “JESU XPI PASSIO” và bên dưới có ba dấu đinh?

Đó chính là huy hiệu (sign) của dòng Thương Khó Chúa Giêsu mà các tu sĩ Thương Khó sẽ được nhận vào ngày khấn đầu (the first profession) của mình.

Giờ đây, với những hiểu biết ít ỏi của mình qua những tài liệu của dòng, người viết muốn chia sẻ đôi điều về ý nghĩa của huy hiệu dòng Thương Khó Chúa Giêsu.

Trước tiên, người viết muốn trở lại lịch sử của huy hiệu của dòng Thương Khó Chúa Giêsu. Huy hiệu này khởi đi từ thị kiến của cha thánh Phaolô Thánh Giá vào năm 1720.

Một buổi sáng mùa hè năm 1720, cha thánh Phaolô Thánh Giá đang trên đường về nhà sau khi tham dự Thánh lễ tại một nhà thờ ở Castellazzo, ngài đã được Thiên Chúa cho thấy một thị kiến. Ngài được nhấc bổng và thấy mình mặc một tu phục màu đen với một Thánh Giá trên ngực màu trắng, bên dưới Thánh Giá có tên Cực Thánh của Chúa Giêsu.[1]

Sau đó, ngài còn nhận được những thị kiến khác, tuy nhiên trong mỗi lần “tâm hồn ngài được nhấc bổng” thì hình ảnh tu phục màu đen với Thánh Giá trên ngực màu trắng, bên dưới Thánh Giá có tên Cực Thánh của Chúa Giêsu luôn hiện diện như một sự nhắc nhở ngài về việc “phải làm gì đó” về những gì ngài đã được mặc khải.

Với những gì được mặc khải, sau khi cầu nguyện, cha thánh Phaolô đã trình bày với cha đồng hành thiêng liêng của mình là cha Colomban da Genoa – một linh mục dòng Capuchin. Sau đó, với sự giới thiệu của cha Colomban, cha thánh Phaolô đã gặp Đức Giám mục Giovan Mercurino Arborio di Gattinara – Giám mục Địa phận Castellazzo để xin Giám mục chấp thuận cho việc ngài thiết lập một dòng tu như những gì cha thánh đã thấy trong thị kiến.

Sau nhiều lần suy xét, cầu nguyện và đồng hành với cha thánh Phaolô, Giám mục Gattinara đã đồng ý cho phép cha thánh bước vào đời tu và được mặc tu phục như ngài đã thấy trong thị kiến. Tuy nhiên, lúc này Giám mục Gattinara chỉ cho phép ngài sống đời tu như một vị ẩn tu (hermit), không được đeo huy hiệu mà chỉ được đeo một cây thánh giá gỗ trên ngực và nhất là không được thu nhận thành viên.[2]

Cho tới năm 1741, sau khi Tòa Thánh phê chuẩn luật dòng thì cha thánh Phaolô Thánh Giá cùng những anh em khác[3] đã chính thức tuyên khấn và mang huy hiệu của dòng. Huy hiệu có hình trái tim được gắn bên ngực trái của tu phục và bên trong trái tim đó có Thánh Giá màu trắng, cùng với dòng chữ “JESU XPI PASSIO” và bên dưới có ba dấu đinh như một sự nhắc nhớ các tu sĩ Thương Khó về việc tưởng niệm cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu Kitô luôn ghi khắc trong tâm hồn mình.[4]

Vậy những biểu tượng trên huy hiệu của dòng có ý nghĩa cụ thể như thế nào?

Huy hiệu của dòng Thương Khó Chúa Giêsu có hình trái tim để diễn tả Mầu Nhiệm Tình Yêu của Đức Giêsu Kitô. Phía trên trái tim có một Thánh Giá nhằm biểu đạt cho dấu chỉ tình yêu tuyệt vời nhất của Thiên Chúa.  Xung quanh Thánh Giá có ba vòng cung nói lên Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi. Bên trong trái tim có ghi các chữ JESU (phiên âm tên Do Thái của Chúa Giêsu), XPI (viết tắt chữ Kitô bằng ký tự Hi Lạp “ba kí tự đầu của từ Χριστος (Christos) và PASSIO theo tiếng La Tinh là Cuộc Thương Khó. Như vậy dòng chữ này có ý nghĩa: Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu Kitô và nó cũng thể hiện ba ngôn ngữ chính được dùng ở thời Chúa Giêsu và được Tổng trấn Phongxiô Philatô viết lên tấm bảng treo trên thập giá của Chúa Giêsu. Dưới những từ đó, có hình ba cái đinh biểu trưng cho các mũi đinh đã đóng đinh Chúa Giêsu vào Thánh Giá.[5]

Ngoài ra, cha Francisco J. Murray C.P – một trong ba nhà truyền giáo đầu tiên của dòng Thương Khó Chúa Giêsu tới Việt Nam, ở lời tựa trong cuốn tài liệu về ý nghĩa những biểu tượng của huy hiệu dòng Thương Khó Chúa Giêsu (lưu hành nội bộ), ngài đã viết như sau:

“Thực ra, có rất nhiều khả năng để có thể khám phá ra những ý nghĩa từ chiếc huy hiệu này. Trải qua dòng thời gian lịch sử, huy hiệu của dòng đã mang nhiều ý nghĩa mới bởi vì nó không chỉ khép kín ở một điều gì đó nhưng luôn mở ra cho những tư tưởng và cảm hứng mới. Hơn nữa chiếc huy hiệu này giúp mỗi tu sĩ Thương Khó có thể đào sâu đặc sủng và linh đạo của dòng và nhắc nhở mỗi người về việc tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.”

Như vậy, với những điều chia sẻ trên, người viết hi vọng mang đến một sự hiểu biết ít ỏi về huy hiệu của dòng Thương Khó Chúa Giêsu. Đồng thời, cũng không quên nguyện mong rằng là những người mang “Thánh Giá màu trắng trên ngực”, các tu sĩ Thương Khó sẽ luôn ghi khắc và nhiệt tâm rao truyền cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu bằng chính đời sống và những hành động cụ thể của mình.



[1] Fabiano Giorgini, History of the Passionists, 64.
[2] Brian Traynor, Saint Paul of the Cross, 32.
[3] Ngày 21 tháng 05 năm 1725, tại nhà thờ Santa Maria Navicella (The Minor Basilica of St. Mary in Domnica alla Navicella) nhân dịp Đức Thánh Cha Bênêđictô XIII viếng thăm nhà thờ, cha thánh Phaolô đã trình bày ước mong thành lập một dòng tu để tưởng nhớ và loan truyền sự Thương Khó của Chúa Giêsu và cho phép ngài được thu nhận thành viên. Ngay tại đó, Đức Thánh Cha Bênêđictô XIII đã đồng ý và chúc lành cho cha thánh Phaolô nhưng không có văn bản hay sắc chỉ đi kèm mà chỉ là một sự phê chuẩn bằng miệng (Paul Francis Spencer, As a seal upon your heart, 76). Đây là lí do tại sao cha Thánh Phaolô được phép thu nhận thành viên.
[4] Rule and Constitution of Congregation of the Passion of Jesus Christ, chapter V: On the dress of the Brethren.

Comments

Popular Posts