Đức Trinh Nữ Maria và Dòng Thương Khó Chúa Giêsu
Đức Trinh Nữ Maria và Dòng
Thương Khó Chúa Giêsu
(Chuyển ý từ bài viết: “The
Blessed Virgin Mary and the Congregation of the Passion” của cha Eugênio
Mezzomo, C.P)
Thánh Luca đã viết: "Bấy giờ
bà Maria nói: "Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Ðấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới,
từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc (Lc1: 46-48).
Được “đoái thương nhìn tới” là một
cảm giác được yêu thương, được tôn vinh. Hay có thể nói, đây là một trải nghiệm
tình yêu thật tuyệt vời. Ngắm nhìn và được ngắm nhìn cũng là trải nghiệm của những
người đang yêu. Các tu sĩ Thương Khó được mời gọi rao giảng rằng Thiên Chúa hằng
yêu thương con người, đặc biệt ngang qua cái chết của Chúa Giêsu là minh chứng
hùng hồn cho tình yêu vĩ đại đó. Thật sự, để bản thân được Chúa đoài nhìn và được
yêu thương là một trong những cuộc phiêu lưu thú vị nhất đối với con người.
Đối với Dòng Thương Khó Chúa
Giêsu, hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria đã gắn chặt trong đời sống của Hội Dòng từ
những ngày đầu tiên thành lập. Trong lá thư của Cha Thánh Phaolô Thánh Giá gửi
cho Giám mục Francesco Arborio di Gattinara (1721), ngài viết rằng ngài đã có một
sự thôi thúc để tới ẩn viện Đức Mẹ Gazzo trên Núi Sestri, gần Genoa. Sau đó
trong chiêm ngắm Đức Mẹ Gazzo, ngài đã có được một kinh nghiệm thiêng liêng về
việc mặc một tu phục khó nghèo, đi chân đất, sống trong cô tịch và thực hành đời
sống nhiệm nhặt. Vì vậy, nguồn cảm hứng đầu tiên để thành lập Hội Dòng Thương
Khó Chúa Giêsu đã đến từ Đức Mẹ. Ngài cũng viết cho giám mục Gattinara về mong
muốn tập hợp những người cùng chí hướng để rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa
qua cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
Một ngày nọ khi Thánh Phaolô Thánh
Giá rời nhà thờ Capuchins (theo những gì ngài nói với Rosa Calabresi), ngài đã
có một thị kiến (vision) về Đức Mẹ khoác trên mình tu phục như những tu sĩ
Thương Khó ngày nay đang mặc. Tuy nhiên, những gì Cha Thánh đã viết cho Giám mục
Gattinara thì có chút khác biệt rằng ngài thấy mình được khoác một tu phục màu
đen, có Tên Cực Thánh của Chúa Giêsu trên ngực, chứ không phải là Đức Mẹ đang
khoác tu phục. Năm 1721, Cha Thánh tới Rôma và dưới linh ảnh Đức Mẹ, “Salus
Populi Romani” (Đức Mẹ Bảo Vệ Dân Rôma) tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả,
ngài đã thực hiện một lời khấn với Đức Mẹ. Đó là quy tụ những người cùng chí hướng
để rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa qua cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu.
Sau đó, Cha Thánh đã có một thời
gian sống trong hai nhà nguyện dành riêng cho Đức Mẹ: đền thờ Madonna della
Catena và đền thờ La Civita. Từ năm 1722 đến năm 1723, ngài sống trong ẩn viện
Truyền Tin tại núi Argentario. Tại đây, ngài đã dành nhiều thời gian cầu nguyện
và tìm kiếm ý Chúa qua những gì ngài có được từ thị kiến và các kinh nghiệm
thiêng liêng.
Bảy Nỗi Sầu Khổ (Seven Sorrows) của
Mẹ Maria có một vị trí đặc biệt trong đời sống thiêng liêng của Cha Thánh. Đồng
thời, Cha Thánh cũng dành tâm tình đặc biệt vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời
(15/08). Vì theo ngài, đây chính là hoa trái quan trọng nhất của cuộc Thương
Khó, Cái Chết và Phục Sinh của Chúa Giêsu. Cha Thánh Phaolô đã chuẩn bị cho
ngày lễ này trong 40 ngày, không ăn trái và một số đồ ăn khác mà hằng ngài thường
hay ăn. Trong khi cầu nguyện 15 Mầu Nhiệm của Kinh Mân Côi. Trong tuần Cửu Nhật,
ngài bắt đầu ăn chay một cách khắc khổ. Ngài nói rằng trong khoảng thời gian 40
ngày này, các tu sĩ Thương Khó nên triển nở trong sự thánh thiện bằng cách tuân
theo luật dòng và noi gương các nhân đức của Mẹ Maria. Mọi người đều khao khát
được lên thiên đàng với Đức Mẹ. Tuy nhiên, những gì Cha Thánh làm xưa kia, nay
không còn được xem như một truyền thống của Hội Dòng nữa.
Đức Trinh Nữ Maria được xem như “Bề
Trên” của mỗi nhà tĩnh tâm. Các tu sĩ Thương Khó được hướng dẫn rằng khi rời khỏi
phòng, họ nên xin phép (asking permission) Đức Mẹ, xem xét liệu rằng việc rời
khỏi phòng có thật sự cần thiết để rời bỏ sự cô tịch. Vì có thể, khi rời khỏi
ròng, họ sẽ phải bị xao xuyến bởi những thứ xung quanh và lấy đi sự cô tịch
trong nội tâm của họ. Mỗi ngày, các tu sĩ Thương Khó phải thực hành một số nhân
đức để sùng kính Mẹ Maria như một cách xin Mẹ soi sáng và ban ân sủng để hoàn tất
công việc mục vụ của mình.
Năm trong số mười hai nhà tĩnh tâm
mà Cha Thánh Phaolô thành lập đã nhận Đức Mẹ làm Thánh Bảo Trợ cộng đoàn. Trong
những lá thư hay bài viết của Cha Thánh, ngài luôn bày tỏ một lòng sùng kính đặc
biệt đối với Đức Mẹ liên quan đến Chúa Giêsu và Ba Ngôi. Ngài luôn chiêm ngắm
khoảnh khắc Đức Mẹ đứng dưới chân thập giá (Ga 19, 25-27). Ngài đã xem Đức
Maria là con gái của Chúa Cha, Mẹ của Ngôi Lời và là Hiền Thê của Chúa Thánh Thần.
Cha Thánh luôn dành thời gian cầu nguyện với chuỗi tràng hạt treo trên thắt
lưng của mình. Ngài cũng mời gọi các tập sinh phải lần chuỗi Mân Côi, mang ảnh tượng
của Đức Mẹ Maria và dâng nhiều lời cầu nguyện ngắn với Đức Mẹ, đặc biệt là vào
các ngày thứ Bảy. Đây được xem như là “những bông hoa dành cho Đức Maria”.
Các ngày lễ dành Đức Maria cũng rất
quan trọng trong suốt năm phụng vụ, bởi vì Mẹ là mẫu gương cho những ai muốn trở
thành những tu sĩ Thương Khó. Vào dịp lễ Giáng sinh, Cha Thánh đặc biệt sùng
kính Đức Mẹ Maria vì Mẹ đã được chọn để cưu mang Chúa Giêsu, để mang Chúa đến
thế gian. Tu sĩ Thương Khó cũng phải làm như vậy: tiếp nhận Chúa Giêsu trong
trái tim, trong tâm hồn của mỗi người, để Chúa Giêsu lớn lên, hiện diện, và hãy
“sinh ra” Ngài qua lời rao giảng và trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, các ngày
lễ kính Đức Mẹ cũng nhằm hướng đến việc đưa Chúa Giêsu đến trong thế giới.
Giám mục Thomas Struzzieri C.P đã quảng
bá lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Hy vọng. Hình ảnh Đức Mẹ một tay bế Chúa Giêsu
Hài Đồng, một tay cầm cây thánh giá nhỏ trên tay. Bức tranh được treo trong
phòng của mọi tu sĩ Thương Khó thời Cha Thánh. Ngày nay, tước hiệu này càng trở
nên quan trọng với Hội Dòng vì chúng ta có thể thấy sự suy giảm của Hội Dòng và
những “đen tối” đang bủa vây Hội Dòng và thế giới. Thực sự, lúc này, chúng ta cần
hy vọng hơn bao giờ hết. Trong thông điệp “Được Cứu Rỗi Trong Niềm Hy Vọng”
(Spe Salvi), Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói lên tầm quan trọng của nhân đức
này trong hành trình đức tin của Giáo hội và mỗi tín hữu.
Cuối cùng, một bức ảnh về Đức Mẹ mang
tu phục của những tu sĩ Thương Khó (bức ảnh này, Đức Mẹ không có huy hiệu của Hội
Dòng trên ngực) đã được vẽ. Cha Generoso Privitera - người sáng lập nhóm “Thương
Khó Truyền Giáo” đã cố gắng để quảng bá bức ảnh này. Tuy nhiên mãi tới khi Cha
Generoso Privitera thêm huy hiệu của Hội Dòng trên ngực áo của Mẹ, thì bức ảnh
này mới được chính thức chấp nhận và trở thành một trong những bức ảnh được các
tu sĩ Thương Khó yêu mến và sùng kính.
Comments
Post a Comment