Đức Tin Trong Cơn Đại Dịch Covid 19
Đức Tin Trong Cơn Đại Dịch
Ngày nay, con người dường như phải đối
diện với bao khó khăn, cụ thể dịch bệnh, chiến tranh, nghèo đói và chết chóc. Đâu
đâu con người cũng thấy đau khổ và mất bình an. Không đâu xa, với những gì đại
dịch Covid-19 đã gây nên, nhiều người dường như mất niềm tin vào Thiên Chúa. Họ
lung lay ngay chính căn tính của một người Kitô hữu là cậy dựa và tín thác vào Thiên
Chúa, vào Đấng mà họ tôn thờ. Họ kêu trách than van tại sao Ngài không sử dụng
quyền năng để tiêu diệt con vi rút, sao cứ mãi để mọi người trên thế giới phải
đau khổ? Lẽ nào Ngài chẳng nghe tiếng khóc than mỗi ngày trên thế giới? Lẽ nào
Ngài chẳng hay đại dịch đã cướp đi bao con người và sự bình yên của thế giới?
Hay lẽ nào Ngài vô tâm trước những gì nhân loại đang đối mặt? Là những người
Kitô hữu, chúng ta phải đối diện với cơn đại dịch này như thế nào?
Trước tiên, chúng ta cùng nhau thừa
nhận một điều: Chúng ta đang rất sợ hãi. Chúng ta sợ chết, sợ đói, sợ nhìn người
thân yêu phải vật lộn với những đau đớn do Covid gây nên. Chúng ta hoang mang vì
niềm hi vọng càng ngày càng lụi tàn như những ngọn nến đã leo lét giờ còn phải
chống chọi với bao đợt gió mạnh. Đức tin là vũ khí cuối cùng chúng ta đặt hết niềm
hi vọng vào Thiên Chúa để Ngài hành động. Vì chúng ta đã bất lực. Rõ ràng, chúng
ta ý thức sự bất lực, ý thức về những giới hạn và yếu kém nơi bản thân mình. Giờ
đây, chúng ta kiêm nhường nhìn nhận: Giàu cũng như nghèo, khỏe cũng như yếu, nông
thôn hay thành thị, Covid không phân biệt. Nó tấn công và lấy đi mạng sống của
bất kì ai nó chạm đến. Chính vì thế, tâm lí lo sợ, tâm lí bất an là hoàn toàn tự
nhiên của mỗi người chúng ta. Đó là một cơ chết phòng vệ trước những khó khăn,
thách đố mà chúng ta đang đối mặt. Đó là một phản ứng hoàn toàn tự nhiên.
Tuy nhiên, là những người có đức
tin, cụ thể là đức tin Kitô giáo, chúng ta khác với những người ngoài kia. Chúng
ta tin vào quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong những lúc khó khăn
thử thách này, chúng ta cần phải cho thấy đức tin của chúng ta mạnh mẽ và bám
chặt vào Thiên Chúa như thế nào. Chúng ta cũng tin chắc một điều rằng: Thiên Chúa
cũng đang khóc với từng người chúng ta. Người cũng đang ở tuyến đầu trong hình ảnh
của bác sĩ, ý tá, nhân viên y tế, các tình nguyện viên và những mạnh thường quân.
Đồng thời, ngài cũng ở trong từng người đau khổ, đang thiếu cái ăn, cái mặc,
thiếu một nơi để dung thân. Ngài cũng đang chạy vạy hết nơi này đến nơi khác để
tìm thức ăn, nước uống, bình oxy cho những con cái của Ngài. Ngài cũng đang cố
hết sức để ôm lấy những ai đang tuyệt vọng, đang canh giữ cẩn thận những ngọn nến
đang leo lắt. Nước mắt Ngài cũng đã rơi, chân tay cũng rã rời, thân xác Ngài cũng
đẫm mồ hôi. Lẽ nào, những đứa con mà Ngài đã phải đánh đổi cả mạng sống, phải
chết treo trên Thập giá đầy đớn đau để cứu, Ngài lại chẳng thương, chẳng tìm cách
cứu sống chúng.
Như vậy, chúng ta lo sợ, chúng ta kêu
trách Chúa, nhưng chúng ta đừng quên cầu nguyện với Chúa. Gần đây trên mạng xã
hội, người Công Giáo nhắc nhở nhau, ngoài việc tuân thủ 5K của bộ y tế:
khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế còn cần chú
trọng đến 1K thứ sáu. Đó là kiên nhẫn cầu nguyện. Thật vậy, giờ đây cầu
nguyện là niềm hi vọng để đức tin của người Kitô hữu chúng ta được tăng thêm sức
mạnh. Chính Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Thương Khó đầy đau đớn và tủi hổ,
Ngài đã cầu nguyện và Ngài chấp nhận những gì đến với Ngài. Ngài chấp nhận đòn
roi, chấp nhận sỉ nhục, và chấp nhận cả cái chết tủi hổ trên Thập giá. Ngài có
sợ. Ngài có lo lắng đến nỗi đổ mồ hôi máu, nhưng Ngài không than van, không kêu
xin Chúa Cha cất chén đắng mà Ngài sắp uống. Ngài chỉ cầu nguyện và cầu nguyện.
Vì chỉ trong cầu nguyện, Ngài mới thấy mình được nâng đỡ, được ủi an và được gia
tăng sức mạnh để đối mặt với những gì Ngài sẽ phải trải qua.
Cũng vậy, chúng ta đang sống trong
thời gian giãn cách xã hội, giãn cách con người với con người, nhưng đừng giãn
cách lòng mình với Chúa, đừng giãn cách việc cầu nguyện với Ngài. Hãy để đời sống
cầu nguyện hằng ngày, nuôi dưỡng đức tin của mỗi chúng ta. Đây là lúc chúng ta
cần sự tín thác vào Chúa hơn bao giờ hết. Thế nên, chúng ta được mời gọi gia
tăng cầu nguyện nhiều hơn nữa. Ngoài ra, chúng ta cũng được mời gọi hi sinh, hãm
mình. Hãy làm một việc gì đó để hi sinh bản thân mình. Như bớt mua đồ online trên
mạng nếu thực sự không cần thiết, hay nhắn tin hỏi thăm những người chúng ta không
thích mà trước đây không muốn nói chuyện vì biết đâu chúng ta sẽ không còn cơ hội
gặp nhau nữa. Hay nếu được, chúng ta đăng kí làm tình nguyện viên giúp đỡ ở những
khu cách li. Thật sự, có rất nhiều cách để chúng ta làm một việc hi sinh cụ thể
trong khả năng của mình thay vì ngồi than trách Chúa và cơn đại dịch. Hãy biến
những đau khổ thành niềm hi vọng và niềm vui cho những ai chúng ta gặp gỡ. Hãy làm
cho đức tin của mình và tha nhân cùng lớn mạnh.
Những ngày qua, chúng ta thấy nhiều
tu sĩ, linh mục đã lên đường, dấn thân chăm sóc những bệnh nhân nhiễm Covid. Cụ
thể là quý thầy Dòng Tá Viên Phục Vụ Bệnh Nhân. Quý thầy đã gác lại năm học
2021 để dấn thân phục vụ anh chị em đang đau khổ. Họ cũng là những tu sĩ rất trẻ.
Họ cũng sợ chết. Nhưng hơn bao giờ hết, họ chọn sống trọn vẹn đặc sủng của mình
là dấn thân phục vụ bệnh nhân. Còn chúng ta là những kitô hữu nhiệt huyết, chúng
ta cũng muốn được cống hiến, muốn làm gì đó cho những người đang đau khổ, làm gì
đó để xoa dịu những cơn đói, những sợ hãi về cái chết. Đó là một sự thúc đẩy của
Đức Tin. Chắc chắn Chúa đang thôi thúc mỗi chúng ta hãy lên đường, hãy làm gì đó,
hãy sống đức tin Kitô hữu của mình trong cơn đại dịch một cách mạnh mẽ và can
trường như cách Chúa Giêsu – một chàng trai 33 tuổi trước đây đã làm.
Chúng ta cũng hãy nhớ rằng, đại dịch
Covid không chỉ ảnh hưởng tới chúng ta, tới những người Kitô hữu, nhưng ảnh hưởng
tới tất cả mọi người, ở những tôn giáo khác nhau, thậm chí là không tôn giáo.
Thế nên, cách mà chúng ta đối xử với nhau, yêu thương nhau, chia sẻ cho nhau đối
với những người không cùng tôn giáo là một cách thể để sống đức tin, làm chứng
về đức tin và giới thiệu đức tin của mình cho anh chị em xung quanh. Chúng ta hãy
biến sự xa lạ và khoản cách của tôn giáo và tình người gắn kết với nhau hơn. Hãy
làm cho khuôn mặt yêu thương và nhận hậu của Thiên Chúa được nhận ra nơi những
người không cùng niềm tin.
Như vậy, mỗi người sẽ có một cách
nhìn nhận về cơn đại dịch và một thái độ sống khác nhau. Người thì ủ rủ, buồn
chán, tuyệt vọng, than trách Chúa. Người thì lên đường để làm điều gì đó cho
tha nhân và sống căn tính đức tin Kitô hữu của mình. Người thì hi sinh và dâng
lời cầu nguyện mỗi ngày với Thiên Chúa và hiệp thông với Giáo hội. Mỗi người chúng
ta hãy chọn lựa cách sống đức tin cho riêng mình, hãy làm triển nở hoa trái của
đời sống đức tin bằng những việc làm cụ thể trong khả năng của mình. Hãy là khí
cụ bình an của Chúa, hãy đem hi vọng vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi
thất vọng. Hãy dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu (Kinh
Hòa Bình của thánh Phanxicô Assisi).
Comments
Post a Comment