Hội Đồng Tinh Thần Tôn Giáo Baha’i

 Đau Khổ Của Con Người Theo Baha’i Giáo



Dẫn Nhập

“Đau khổ”- một thực tại không mấy ai cảm thấy thoải mái khi nhắc tới. Nhưng dù muốn hay không, đau khổ cũng gắn liền với kiếp nhân sinh ngay từ giây phút đầu đời và theo suốt cuộc sống con người cho tới khi nhắm mắt lìa đời. Nó được xem như một thực tại huyền nhiệm và cứ thách thức nhân loại không ngừng suy tư và tìm lời giải cho vấn nạn đau khổ nhưng có lẽ cũng chỉ là những cuộc phiêu lưu không hồi kết.

Thật sự, chúng ta khó để đưa ra một định nghĩa rạch ròi cụ thể về đau khổ bởi các hình thức đau khổ thật đa dạng và len lỏi vào trong mọi khía cạnh của cuộc sống con người. Nhưng có thể chúng ta cũng chẳng cần một định nghĩa lí thuyết để nói về khái niệm này, mà chỉ cần nhìn vào những đau khổ thực tế trong cuộc sống mà con người phải gánh chịu trong những năm qua thì chúng ta cũng có thể hiểu đau khổ là gì. Cụ thể, đại dịch Covid 19 dẫn đến đói kém, thất nghiệp, khủng hoảng, chết chóc; chiến tranh ở Afghanistan, cuộc đảo chính quân sự Myanmar và mới đây nhất là chiến tranh Ukraine và Nga khiến con người sống luôn ở trong tình trạng mất bình an; hay những đau khổ đến từ thiên nhiên như lũ lụt bất thường ở Việt Nam và Trung Quốc hay động đất ở Nhật. Có thể nói rằng, bóng dáng đau khổ hiện diện trong mọi nơi, mọi lúc của đời sống con người trên bình diện cá nhân cũng như tập thể và con người không ai là miễn nhiễm với đau khổ.

Vậy, đứng trước những đau khổ dày xéo phận người, tôn giáo Baha’i[1] đã nhìn nhận về thực tại này như thế nào? Với đề tài “Đau khổ của con người theo Baha’i giáo”, người viết muốn được đi sâu, thấm nhập vào tư tưởng của tôn giáo Baha’i để suy tư và tìm hiểu quan niệm của họ về đau khổ ở ba khía cạnh: thứ nhất nguồn gốc của đau khổ; thứ hai, ý nghĩa của đau khổ trong đời sống con người; thứ ba, đâu là thái độ cần có của con người khi đứng trước đau khổ.

Hơn nữa, việc tìm hiểu này người viết không chỉ muốn đào sâu và tìm kiếm tri thức về thực tại đau khổ trong tư tưởng và thực hành của người Baha’i. Nhưng hơn hết thiện ý của người viết mong muốn được đối thoại, trò chuyện và sống kinh nghiệm đức tin của họ với một thái độ mau mắn lắng nghe và cùng xây dựng môi trường sống hài hòa, học hỏi lẫn nhau và cùng giúp nhau sống tốt hơn không chỉ trong đời sống đức tin nhưng ngay cả đời sống hiện sinh này.

1.      Nguồn Gốc Đau Khổ Của Con Người

Rõ ràng, đau khổ là một thực tại ai cũng có thể cảm nghiệm được trong cuộc sống hiện sinh, nhưng đau khổ đến từ đâu thì lại là một vấn đề chẳng phải ai cũng mạnh dạn phát biểu. Thật sự, khi bàn về nguồn gốc của đau khổ, có nhiều câu hỏi sẽ được gợi lên như: ai đã gây nên đau khổ cho con người? Phải chăng đau khổ đến từ con người hay chính Thượng Đế[2] là tác giả? Có phải đây là sự trừng phạt công bình của Thượng Đế vì những việc làm xấu của con người đã làm?

Trong đức tin của người Baha’i, cụ thể theo Thánh Kinh,[3] Đức Baha’u’llah[4] - Đấng sáng lập tôn giáo Baha’i quan niệm nguồn gốc đau khổ:

Trước tiên, do chính những hành động, sự mê mờ bởi dục vọng và lầm lạc trong những chọn lựa của con người.[5] Ví dụ, nếu một người ăn quá độ, y sẽ làm hại bộ máy tiêu hóa; nếu y uống thuốc độc y sẽ bệnh và có khi chết. Nếu một người say mê cờ bạc y sẽ thua hết tiền; nếu y say sưa y sẽ mất thăng bằng. Tất cả những đau khổ ấy là do loài người tự tạo lấy. Như vậy rõ ràng một trong những nguồn gốc của đau khổ là do hậu quả hành động của con người.

Tuy nhiên, cũng có những đau khổ do chính Thượng Đế dành gởi đến, vì chỉ có sự hi sinh cao cả, lòng trung thành tuyệt đối, sự nhẫn nại chịu đựng mọi thử thách, đau khổ mới giúp con người đạt tới sự hoàn hảo cao quý nhất.[6] Đức Baha’u’llah đã nói rằng:

Đau khổ không đến với ta một cách tình cờ, nhưng nó được Thượng Đế ban xuống cho chúng ta để chúng ta hoàn thiện. Những người không đau khổ thì không đạt được sự hoàn hảo. Cây được người làm vườn tỉa xén nhiều nhất là cây, khi mùa hè đến, sẽ cho những bông hoa đẹp nhất và cho quả dồi dào nhất.[7]

Như vậy, trong đức tin Baha’i, nguồn gốc của thực tại đau khổ vừa mang chiều kích trần thế (con người là tác giả của đau khổ như một hình phạt): là hệ lụy, hình phạt của những việc sai trái và tội lỗi do chính con người tạo ra, nhưng đồng thời cũng mang chiều kích thiêng liêng (Thượng Đế là tác giả của đau khổ như một ân sủng) bởi đau khổ cũng được khởi đi từ “ơn phước ngụy trang” của Thượng Đế nhằm thanh luyện đời sống vật chất và tâm linh của con người để nâng họ tới sự hoàn hảo đích thực.

Tuy nhiên, có lẽ chúng ta dễ dàng chấp nhận quan điểm đau khổ là như một hình phạt bởi tội lỗi, nhưng để chân nhận đau khổ như một “ơn phước” của Thượng Đế thì không phải ai cũng có thể hiểu. Vậy, ý nghĩa thực sự của đau khổ trong đời sống hiện sinh này là gì?

2.      Ý Nghĩa Của Đau Khổ

a)                       Sự Sống Đời Này

Trong quan điểm nhân sinh của Baha’i, họ xem bao lâu còn có sự sống trên trái đất, bấy lâu còn có sự đau khổ. Hơn nữa để có thể lớn lên về khía cạnh hiện sinh, phát triển ở chiều kích tâm linh và đạo đức, con người không nên phớt lờ đặc tính chính của thế giới này là gian khổ và tai ương.[8] Vì thế, trước tiên trong cái nhìn đức tin của Baha’i, đau khổ như một phương tiện đạt tới hạnh phúc, đồng thời thực tại này được xem như là người nhắc nhở vừa là người dẫn đường giúp con người đạt tới sự hoàn thiện, hoàn mỹ. Đức Baha’u’llah dạy rằng:

Trí tuệ được khai mở dần khi con người được thử thách trong đau khổ. Đất càng cày xới nhiều bao nhiêu thì hạt giống mọc càng tốt bấy nhiêu, mùa gặt càng tốt hơn. Giống như đất càng cày sâu, lọc tách nó khỏi cỏ gai, sự đau khổ và tai ương giải phóng con người khỏi những vấn đề nhỏ mọn của cuộc đời trần tục này cho tới khi con người đạt đến sự dứt bỏ hoàn toàn.[9]

Tiếp đến, người Baha’i xem mục đích sự sống trong thế giới vật chất là để chuẩn bị linh hồn cho sự tồn tại ở thế giới bên kia, vì thế giới này không phải nhà thực sự của linh hồn con người. Đức Abdul-Baha[10] dạy rằng:

Đời sống này chỉ là lớp học đầu tiên của con người, nghĩa là nơi giáo dục rèn luyện và chuẩn bị cho một cuộc sống tiến bộ hơn trong cuộc sống viễn du của linh hồn. Bởi vậy, khi đi ngang qua thế giới này, linh hồn phải trải qua một số gian lao và thử thách như những nấc thang cho sự chín chắn và tăng trưởng tâm linh.[11]

Như vậy, việc trải qua những đau khổ này trong thế giới này nhằm hoàn thiện những đặc tính tâm linh và chuẩn bị cho đời sống sau khi chết của linh hồn. Theo một cách diễn tả khác, khởi đi từ tình yêu hoàn hảo và sâu sắc đối với con người, Thượng Đế đã ban xuống cho mỗi người những khó khăn và thử thách, qua nhiều đợt để giúp linh hồn khi còn sống được phát triển và trưởng thành, để trở thành tinh khiết và kiên định.[12] Cuối cùng tất cả những đau khổ mà con người trải qua ở đời sống này có ý nghĩa không chỉ vì sự lợi ích của đời sống trần thế, nhưng còn là vì linh hồn, vì hạnh phúc thật sự của linh hồn ở đời sau.

b)                      Sự Sống Đời Sau

Theo Baha’i, mọi người đều là sinh vật thuộc linh, có nhà thực sự trong thế giới tâm linh, chứ không phải trong thế giới phù du, giả tạm này. Cuộc sống trên trái đất chỉ là vấn đề ít năm, còn sự tồn tại của linh hồn là vĩnh cửu. Đồng thời, khi bước vào sự sống sau cái chết, linh hồn sẽ nhận được nhiều phần thưởng do những công trạng của họ nhưng cũng sẽ chịu sự trừng phạt do việc sai trái của họ khi còn sống.[13]

Vì thế, những đau khổ, những cuộc đấu tranh để vượt qua những gian khổ trong thế giới vật chất có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với linh hồn ở sự sống đời sau. Khi chết, những đau khổ, phiền muộn của thế giới này sẽ trôi qua và điều còn lại cho mỗi người là những gì họ đã làm cho linh hồn. Do đó, linh hồn có trở nên “thuộc linh” hơn, hay được tiến đến gần Thượng Đế hơn hay không, đau khổ đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Đức Abdul-Baha tuyên bố: “Nếu linh hồn muốn đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu, thì ở đời sống trần thế, con người phải chịu đau khổ và chỉ có qua đau khổ con người đạt tới hạnh phúc vĩnh cửu mà không có gì có thể tước đoạt.”[14]

Như vậy, đứng trước quan niệm đau khổ cần thiết để đạt tới sự sống vĩnh cửu ở đời sau, con người ở đời này, cách riêng là các tín đồ Baha’i phải có một thái độ sống như thế nào trước đau khổ hiện diện trong thế giới này?

3.      Thái Độ Của Con Người Trước Đau Khổ

Trước tiên, Đức Abdul-Baha mời gọi con người có một thái độ tạ ơn và xem đau khổ là ân huệ mà Thượng Đế gởi xuống cho mỗi người để họ hoàn thiện chính mình và chuẩn bị cho đời sau.[15] Những đau khổ không đến với con người một cách tình ngờ, ngẫu nhiên, nhưng nó có ý nghĩa thực sự cho đời sống của con người.

Nếu không được thử lửa, thì sao vàng ròng phân biệt được với vàng thô. Nếu không có đau khổ, thì làm sao phân biệt được người dũng cảm với kẻ hèn nhát. Nếu không có gian truân, thì làm sao thấy rõ ai trung tín và ai phản bội… Nếu không có thử lửa thì làm sao thấy được đâu là ngọc quý và đâu là sỏi đá vô giá trị.[16]

Tiếp đến, người Baha’i được mời gọi đón nhận các đau khổ với một niềm tin tưởng hướng về Thượng Đế và hạnh phúc Thiên Thượng như nguồn an ủi để vượt qua những đau khổ hiện tại. Trong bài phát biểu của Hội đồng Tinh thần Baha’i Việt Nam trong ngày Hội ngộ Liên tôn 2012 với chủ đề: “Cùng nhau vượt qua khổ đau”, vị đại diện đã nói:

Khi tư tưởng chúng ta trĩu nặng với sự đắng cay của thế giới này, chúng ta hãy hướng mắt về tình thương ngọt ngào của Thượng Đế và Ngài sẽ ban cho chúng ta sự an tịnh thiên thượng! Nếu chúng ta bị giam cầm trong thế giới vật chất với những đau khổ đầy ứ, tinh thần chúng ta có thể bay lên Thiên đàng và chúng ta sẽ thật sự có tự do.[17]

Ngoài ra, thái độ hi vọng cũng cần thiết cho mỗi người để giúp họ không chỉ can đảm vượt qua những đau khổ hiện sinh, nhưng còn giúp họ hi vọng vào sự sống vĩnh cửu, một tình trạng hạnh phúc viên mãn của linh hồn ở đời sau. Nói cách khác, ý thức được rằng, con người không thể tránh khỏi đau khổ thì không gì bằng một thái độ hi sinh dấn thân và đặt một niềm hi vọng vào đời sau, vào một sự sống tốt đẹp dành cho linh hồn mình ngang qua đau khổ. 

4.      Phản Tỉnh

Khi bàn về thực tại đau khổ, niềm tin Baha’i, cũng giống như niềm tin của bất cứ tôn giáo nào cũng chỉ có thể nói được một vài khía cạnh nào đó về huyền nhiệm này. Thực vậy, giáo lí Baha’i cũng đã cố gắng cung cấp cho tín đồ của họ một cái nhìn cụ thể về đau khổ hiện diện trong thế giới.

Thứ nhất, để giúp cho tín đồ ý thức hơn về ý nghĩa của đau khổ trong hiện tại sẽ ảnh hưởng tới sự sống mai hậu, giáo lí về đau khổ của Baha’i vừa nhấn mạnh tới tình yêu thương của Thượng Đế luôn chăm sóc, quan phòng và muốn những điều tốt đẹp cho con cái, nhưng cũng cho thấy sự công bình, chính trực của Ngài trước những tội lỗi những hành vi xấu của con người. Điều này thể hiện qua sự phán xét linh hồn sau khi chết: liệu khi còn sống người này này có hi sinh chịu đựng, có dấn thân chấp nhận đau khổ, có nỗ lực để thanh luyện linh hồn hay sống bê tha, lãng quên linh hồn không chăm lo sự sống đời sau. Ngoài ra, đau khổ không chỉ là “ý muốn” của Thượng Đế để thanh luyện con người, nhưng đó cũng chính là hậu quả của hành vi xấu do chính con người gây nên. Vì thế, tín đồ Baha’i được mời gọi đón nhận đau khổ đến với mình một cách can đảm, hi sinh và nhẫn nại. Đồng thời, để bớt đau khổ (đau khổ do con người gây ra), họ được mời gọi gắn kết với Thượng Đế, với lề luật (tôn giáo cũng như dân sự) và cùng giúp đỡ nhau xây dựng một môi trường sống hài hòa và lành mạnh.

Thứ hai, giáo lí này giúp tín đồ Baha’i quy hướng đời mình vào Thượng Đế, vào thế giới Thiên Thượng chứ không phải thế giới vật chất. Đức Baha’u’lah dạy rằng: “Thiên thượng là phương thuốc cho thế giới bệnh hoạn và đau khổ, và là dầu xoa chữa lành những vết thương đau trên thân thể nhân loại.”[18]

Hơn nữa, với quan niệm, thế giới này chỉ là kí tạm của đời sống vĩnh cửu sau này của con người phần nào giúp các tín đồ nhẹ nhàng đón nhận đau khổ và buông bỏ những gì thuộc về thế giới vật chất để hướng tới những gì siêu vượt hơn. Đồng thời, việc quy hướng đời mình vào Thượng Đế cũng giúp cho họ tìm thấy nguồn an ủi cho những hi sinh, chịu đựng của con người ở đời này. Những đau khổ họ trải qua không phải là vô ích. Những gì họ làm là vì cuộc sống viên mãn vĩnh cửu nơi Thiên Thượng, nơi linh hồn con người được sống gần kề Thượng Đế.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực để giải thích và hướng dẫn đời sống đức tin của người Baha’i trước thực tại đau khổ, dường như giáo lí của họ vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngõ về vấn nạn này mà người viết mạnh dạn trích dẫn ít nhất hai vấn đề:

Thứ nhất, giáo lí Baha’i về nguồn gốc của đau khổ vẫn chưa thực sự rõ ràng và đầy đủ. Nếu nói đau khổ là “ơn phước ngụy trang” của Thượng Đế, hay đau khổ là do hậu quả của hành vi xấu, vậy những đau khổ xẩy đến cho những đứa trẻ bị khuyết tật khi mới sinh ra, hay những thai nhi chưa kịp chào đời đã bị phá phải nên hiểu như thế nào? Tại sao chúng phải chịu đau khổ quá sớm, thậm chí những đau khổ đó chưa kịp giúp gì cho sự thanh luyện của chúng ở sự sống đời này? Ngoài ra, những đau khổ của những nạn nhân vô tội trong chiến tranh phi nghĩa hay của thiên tai, dịch bệnh, phải chăng cũng được xét là “ơn phước ngụy trang” của Thượng Đế? Thật vậy, khó có thể khẳng khái để đưa ra một câu trả lời dứt khoát. Cho nên, nếu chỉ dừng lại nguyên nhân của đau khổ là “ơn phước ngụy trang” hay là hậu quả của tội lỗi con người thì chúng ta khó có thể đi sâu và hiểu thực tại huyền nhiệm này.

Thứ hai, giáo lí Baha’i đề cao sự sống linh hồn nơi Thiên Thượng, nhưng lại xem nhẹ cuộc sống trần thế nơi linh hồn được thanh luyện. Với quan niệm trần thế chỉ là cõi tạm, là một nơi dừng lại trong “chuyến du hành” linh hồn tiến về với Thượng Đế, chứ đây không phải là nhà thực sự của con người, dường như quan niệm này dễ dàng dẫn tới một thái độ thờ ơ, vô cảm với cuộc sống này mà chỉ tập trung, vọng ngóng vào Thiên Thượng. Nếu chỉ là cõi tạm, con người có nhất thiết phải vật lộn, phải hi sinh, phải nhẫn nại, phải chịu đựng hết đau khổ này tới đau khổ khác trong mỗi ngày sống? Do đó, quan niệm trên không chỉ dẫn tới tư tưởng bi quan vào thế giới vật chất, nhưng còn cho thấy việc chấp nhận nhẫn nại, chịu đựng đau khổ không phải là một sự chọn lựa phù hợp nơi cuộc sống trần thế này.

Tóm lại, thực tại đau khổ vẫn mãi thách thức sự hiểu biết của con người và việc tìm hiểu thực tại này cũng sẽ là một cuộc phiêu lưu không hồi kết. Giáo lí tôn giáo Baha’i cũng vậy, dù cố gắng đến mấy, chúng ta cũng phải thừa nhận những giới hạn trong khả năng để trình bày và giải thích nguồn gốc và ý nghĩa của đau khổ trong cuộc sống của con người. Tuy nhiên, trong những giới hạn của mình, Baha’i cũng đã nỗ lực trình bày giáo lí về đau khổ nhằm giúp đỡ các tín đồ cách riêng và mọi người nói chung ý thức về những giá trị của đau khổ nơi sự sống đời này và cả đời sau.

Tài liệu Tham khảo

Baha’u’llah. Ẩn Ngôn. Hà Nội: NXB Hà Nội. 2019.

Hội Đồng Tinh Thần Tôn Giáo Baha’i Việt Nam. Tôn Giáo Bahai’i: Giới Thiệu Tổng Quát. Hà Nội: NXB Hà Nội. 2012.

                                                 . Những Bài Giảng Của Đức Abdul-Baha Tại Paris. http://bahai.org.vn/wp177/wp-content/uploads/2021/01/Nhu%CC%9B%CC%83ng-ba%CC%80i-gia%CC%89ng-cu%CC%89a-Du%CC%9B%CC%81c-Abdul-Baha-o%CC%9B%CC%89-Paris.pdf

                                                  . Châu Ngọc Của Sự Khôn Ngoan. http://bahai.org.vn/wp177/wp-content/uploads/2021/01/Cha%CC%82u-ngo%CC%A3c-cu%CC%89a-su%CC%9B%CC%A3-kho%CC%82n-ngoan-Pearls-of-Wisdom.pdf

                                                    . Cuộc Viễn Du Của Linh Hồn. http://bahai.org.vn/wp177/wp-content/uploads/2021/01/Cuo%CC%A3%CC%82c-vie%CC%82%CC%83n-du-cu%CC%89a-linh-ho%CC%82%CC%80n.pdf

                                                   . Giáo Lý Của Đức Baha’u’llah Về Thực Thể Tâm Linh. http://bahai.org.vn/wp177/wp-content/uploads/2021/01/GIA%CC%81O-LY%CC%81-CU%CC%89A-DU%CC%9B%CC%81C-BAHAULLAH-VE%CC%82%CC%80-THU%CC%9B%CC%A3C-THE%CC%82%CC%89-TA%CC%82M-LINH.pdf

                                                       .Thánh Kinh Thiêng Liêng Nhất: Kitab-I-Aqdas. http://bahai.org.vn/wp177/wp-content/uploads/2021/01/Tha%CC%81nh-Kinh-Thie%CC%82ng-Lie%CC%82ng-Nha%CC%82%CC%81t-Kitab-i-Aqdas.pdf



[1] Tôn giáo Baha’i tên đầy đủ là Hội Đồng Tinh Thần Tôn Giáo Baha’i.

[2] Tín đồ Baha’i gọi Đấng Siêu Việt là Thượng Đế.

[3] Kinh Thánh của tôn giáo Baha’i được Đức Baha’u’llah viết lại trong thời gian hứng chịu 40 năm tù giam, tra tấn và lưu đày (1852-1892). Kinh Thánh Baha’i được biên soạn thành 150 bộ và dịch ra 800 ngôn ngữ khác nhau. Nội dung kinh sách, toàn bộ giáo lý và giáo luật của Baha’i là sự tổng hợp nhiều giáo lý của nhiều tôn giáo: Phật giáo, Kitô giáo, Ấn Độ giáo, Bái Hoả giáo, ... và nhất là Islam. Trong quá trình tiếp thu, pha trộn nội dung triết thuyết của những tôn giáo này, Baha’i có sự chọn lọc, sửa đổi theo hướng đơn giản hơn nhằm phù hợp với nhu cầu tâm linh thời đại mới.

[4] Đức Baha’u’lah tên thật là Mira Husayn Ali sinh ngày 12 tháng 11 năm 1817 trong một gia đình quyền quý ở Ba Tư. Vào năm 1863, Ali đã tuyên bố chính ông là người dẫn dắt thế giới, xưng mình là Đức Baha'u'llah – nghĩa là Vinh Quang của Thượng Đế và thành lập tôn giáo Baha’i– nghĩa là “Người noi theo Ánh Sáng của Thượng Đế”. Sau khi tuyên bố thành lập, tôn giáo Baha’i bị đàn áp, Đức Baha'u'llah bị bắt và lưu đầy nhiều nơi. Năm 1892, Đức Baha'u'llah qua đời và được an táng tại Haifa (Israel).

[5] Hội Đồng Tinh Thần Tôn Giáo Baha’i, Những Bài Giảng Của Đức Abdul-Baha Tại Paris, tr. 37. http://bahai.org.vn/wp177/wp-content/uploads/2021/01/Nhu%CC%9B%CC%83ng-ba%CC%80i-gia%CC%89ng-cu%CC%89a-Du%CC%9B%CC%81c-Abdul-Baha-o%CC%9B%CC%89-Paris.pdf

[6] Những Bài Giảng Của Đức Abdul-Baha Tại Paris, tr. 37.

[7] Cuộc Viễn Du Của Linh Hồn, tr. 23.

http://bahai.org.vn/wp177/wp-content/uploads/2021/01/Cuo%CC%A3%CC%82c-vie%CC%82%CC%83n-du-cu%CC%89a-linh-ho%CC%82%CC%80n.pdf

[8] Cuộc Viễn Du Của Linh Hồn, tr. 22.

[9] Giáo Lý Của Đức Baha’u’llah Về Thực Thể Tâm Linh, tr. 93.

http://bahai.org.vn/wp177/wp-content/uploads/2021/01/GIA%CC%81O-LY%CC%81-CU%CC%89A-DU%CC%9B%CC%81C-BAHAULLAH-VE%CC%82%CC%80-THU%CC%9B%CC%A3C-THE%CC%82%CC%89-TA%CC%82M-LINH.pdf

[10] Đức Abdul-Baha là con trai trưởng của Đức Baha’u’llah. Sau khi Đức Baha’u’llah qua đời, ngài đã giao quyền lãnh đạo tôn giáo Baha’i cho Đức Abdul-Baha.

[11] Cuộc Viễn Du Của Linh Hồn, tr. 22.

[12] Ibid., tr. 24.

[13] Ibid., tr. 65.

[14] Ibid., tr. 23.

[15] Ibid., tr. 23.

[16] Ibid., tr. 25.

[17] https://tgpsaigon.net/bai-viet/hoi-ngo-lien-ton-phat-bieu-cua-dai-dien-hoi-dong-tinh-than-bahai-viet-nam-niem-vuinoi-kho-35671

[18] Hội Đồng Tinh Thần Tôn Giáo Baha’i, Châu Ngọc Của Sự Khôn Ngoan, tr. 11.

http://bahai.org.vn/wp177/wp-content/uploads/2021/01/Cha%CC%82u-ngo%CC%A3c-cu%CC%89a-su%CC%9B%CC%A3-kho%CC%82n-ngoan-Pearls-of-Wisdom.pdf

Comments

Popular Posts