Sự Hoán Cải Trong Dụ Ngôn Người Con Hoang Đang Của Tin Mừng Luca
Nguồn ảnh:
https://vi.wikipedia.org/wiki/D%E1%BB%A5_ng%C3%B4n_%C4%90%E1%BB%A9a_con_hoang_%C4%91%C3%A0ng
Sự
Hoán Cải Trong Dụ Ngôn Người Con Hoang Đang Của Tin Mừng Luca
(Lc 15,11-32)
I. Tìm Hiểu Đoạn Văn Lc 15,11-32
II. Ý Hướng Thần Học Của Sự Hoán Cải
1. Sự Hoán Cải Trong Tin Mừng Luca
2. Hoán Cải Trong Dụ Ngôn Người Con Hoang Đàng
2.1. Hoán Cải Là Chấp Nhận Con Người Tội Lỗi Và Quyết Định
Trở Về
Dẫn Nhập
Tin Mừng Luca trình bày hành trình khởi
đầu rao giảng của Chúa Giêsu với hình ảnh Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người chịu
phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội (Lc 3,3) và kết thúc cuộc đời lữ
hành trần thế của Chúa Giêsu bằng việc Chúa trực tiếp mời gọi các tông đồ phải
nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội
(Lc 24,47). Có thể thấy, hoán cải (sám hối) là một từ khóa quan trọng và xuất
hiện nhiều lần trong hành trình rao giảng về Nước Thiên Chúa của Chúa Giêsu. Đi
tới đâu, Ngài cũng mời gọi mọi người hãy hoán cải đời sống của mình để được ơn
tha tội.
Như vậy, để được tha tội, mỗi người cần
phải hoán cải chứ không chỉ là tin và lãnh nhận phép rửa. Đây được xem là điều
kiện tiên quyết và bắt buộc để mọi người để được ơn tha tội, để được cứu độ và
để được phần thưởng Nước Trời như lời Chúa Giêsu đã loan báo. Vậy, để có một
cái nhìn cụ thể và sâu hơn về sứ điệp hoán cải của Chúa Giêsu, người viết tìm
hiểu sự hoán cải trong Tin Mừng Luca, đặc biệt tập trung sự hoán cải trong dụ
ngôn người con hoang đàng (Lc 15, 11- 32). Với hi vọng rằng, người viết có thể
làm rõ thông điệp hoán cải được Chúa Giêsu gài gắm trong dụ ngôn này.
I. Tìm Hiểu Đoạn Văn Lc 15,11-32
1. Bối Cảnh Đoạn Văn
1.1. Bối Cảnh Xa
Khi đặt dụ ngôn người con hoang đàng
vào trong bối cảnh chung của Tin Mừng Luca, có thể thấy, dụ ngôn này là một phần
trong hành trình lên Giêrusalem của Chúa Giêsu. Một nơi mà Chúa Giêsu luôn nhất
quyết đi lên (Lc 9,51)[1] vì với Luca,
Giêrusalem chính là trung tâm, nơi diễn ra các biến cố quan trọng của ơn cứu độ.
Tại Giêrusalem, Chúa Giêsu Kitô đã chết, đã sống lại, đã siêu thăng; cũng tại
Giêrusalem mà Chúa Thánh Thần đã hiện xuống khai sinh Hội Thánh, xuất phát những
chứng nhân của Tin Mừng cứu độ đến tận cùng trái đất.
Trong hành trình Chúa Giêsu khi lên
Giêrusalem, Người đã rao giảng, giảng dạy các môn đệ và dân chúng rất nhiều chủ
đề nổi bật.[2] Một trong những chủ đề
xuyên suốt hành trình đó chính là mời gọi mọi người hoán cải. Từ chương 9 cho tới
chương 19, có tới chín lần, Luca đề cập tới từ “hoán cải”.[3] Chúa Giêsu luôn nhắc
đi nhắc lại, vì triều đại Nước Thiên Chúa đã đến gần, nên Ngài luôn tha thiết mời
gọi mọi người, những người đi theo Chúa không chỉ tin, không chỉ sống giới răn
của Chúa, không chỉ làm việc bác ái, nhưng phải luôn ăn năn, sám hối, phải biết
hoán cải hành vi cũng như thái độ sống của mình để trở về với Chúa.
Đặc biệt, Chúa Giêsu luôn kêu gọi những
người tội lỗi hoán cải, tránh xa đường tội lỗi, hoán cải đời sống của mình với
những hình ảnh cụ thể. Như hình ảnh của dân thành Ninivê tội lỗi, đàn điếm đã
sám hối khi nghe những lời rao giảng của ông Giôna (Lc 11,32). Nếu người tội lỗi
không biết sám hối, thì họ phải chết như mười tám người bị tháp Silôác đè chết
(13, 3-5). Còn một người tội lỗi hoán cải thì giữa triều trần Thiên Chúa, ai nấy
vui mừng hơn chín mươi chín người công chính không cần hoán cải (15,7.10).
Như vậy, “hoán cải” là một đề quan trọng
trong hành trình rao giảng của Chúa Giêsu khi hướng về Giêrusalem với mục đích loan
báo về Nước Thiên Chúa gần đến. Đối tượng Chúa Giêsu hướng tới để giảng dạy,
không chỉ là dân chúng đi theo Chúa Giêsu, không chỉ là các tông đồ - những người
Chúa huấn luyện để sai đi rao giảng, nhưng Ngài còn đặc biệt quan tâm tới những
người tội lỗi. Cụ thể trong chương 15, ngang qua ba dụ ngôn con chiên bị lạc, đồng
tiền bị đánh mất và người con hoang đàng, Chúa Giêsu không chỉ mời gọi những
người tội lỗi, người thu thuế hãy hoán cải đời sống, nhưng Chúa còn hướng tới
những người Pharisêu, các kinh sư - những người luôn cho mình là công chính để
phán xét người khác.
1.2. Bối Cảnh Gần
Dưới ngòi bút của thánh sử Luca, dụ
ngôn người con hoang đàng được Chúa Giêsu giảng dạy sau khi Ngài đã nói rõ và rất
cẩn thận cho những người đi theo mình về điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa
là hãy vác thập giá, hãy dứt bỏ những gì là thân thuộc và từ bỏ những gì mình
có (Lc 14,25-33). Đặc biệt, việc Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người con hoang đàng cũng
như hai dụ ngôn khác trong chương 15 là con chiên bị mất (15,4-7) và đồng bạc bị
đánh mất (15,8-10), không chỉ muốn giảng dạy cho đám đông dân chúng, nhưng Ngài
còn muốn “ngỏ lời” tới những người Pharisêu, các kinh sư.[4] Trước tiên, khi trình
bày ba dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn đối đáp lại với những người Pharisêu và các
kinh sư khi họ xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với
chúng” (15,2) khi thấy những người thu thuế và các người tội lỗi lui tới với
Chúa Giêsu để nghe Người giảng dạy (15,1). Thật sự, trong con mắt của người
Pharisêu và các kinh sư, Chúa Giêsu đã quá dễ dãi trong việc giao lưu với những
người thu thuế và người tội lỗi.[5]
Chính vì thế qua hai dụ ngôn: con chiên
bị mất và đồng bạc bị đánh mất, Chúa Giêsu đã đúc kết với những câu nói khá giống
nhau rằng “giữa triều trần Thiên Chúa, ai nấy vui mừng vì một người tội lỗi ăn
năn sám hối (hoán cải)” (15, 7.10) như một sự giải thích cho việc tại sao Người
lại đón tiếp và ăn uống với người tội lỗi.[6]
Tiếp đến, Chúa Giêsu đã không dừng lại ở
hai dụ ngôn trên, nhưng Ngài tiếp tục kể dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15,
11-32) – một dụ ngôn mang nhiều tầng ý nghĩa hơn: vừa không chỉ nói tới những
người tội lỗi đang đi lạc nhưng cũng muốn nhấn mạnh tới những người luôn cho
mình là công chính cũng đang đi lạc.[7]
Có thể thấy cả ba dụ ngôn vừa nhắm tới
sự hoán cải của con người, nhưng bên cạnh đó cũng trình bày một khuôn mặt yêu
thương vô bờ bến và lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những người lạc lối,
qua ba hình ảnh cụ thể:[8] thứ nhất, hình ảnh
người chăn chiên để chín mươi chín con chiên ngoài đồng hoang để đi tìm cho bằng
được một con chiên lạc. Thứ hai, hình ảnh một người phụ nữ thắp đèn, quét nhà,
moi móc, tìm cho kỳ được đồng tiền bị mất. Ở hình ảnh thứ ba, Thiên Chúa được khắc
họa như người cha thể hiện tình thương đặc biệt, lạ lùng với cả người con cả và
con thứ khi cả hai đều đi lạc. Nếu người con thứ đi lạc ở một phương xa thì người
con cả đi lạc ngay chính căn nhà của mình.[9]
Đặc biệt hơn, ba dụ ngôn này có một nối
kết vô cùng chặt chẽ và bổ túc cho nhau trong cùng một bối cảnh. Thứ nhất, nếu
dụ ngôn con chiên bị lạc diễn ra ngoài đồng hoang và dụ ngôn đồng bạc bị đánh mất
diễn ra trong chính căn nhà của mình thì dụ ngôn người con hoang đàng vừa diễn
ra ở ngoài “đồng hoang” với hình ảnh người con thứ bỏ đi và vừa diễn ra trong
chính căn nhà của mình với hình ảnh người con cả.[10] Tiếp đến, dù cả ba dụ
ngôn không dùng từ hoàn toàn giống nhau nhưng cách diễn và nội dung của cả ba đều
có nhiều điểm chung: nói về sự lạc mất (một con chiên, một đồng bạc, những người
con), đã tìm thấy, và cuối cùng mời bạn bè hành xóm đến chung vui với mình.[11]
Như vậy, qua việc tìm hiểu bối cảnh xa
cũng như gần của đoạn văn, hi vọng người viết đã phần nào cho thấy được sự liên
kết của đoạn văn dụ ngôn người con hoang trong toàn bối cảnh Chúa Giêsu đang
lên Giêsuralem để thực hiện kế hoạch của Chúa Cha. Hơn cả, chủ đề “hoán cải”
cũng được Chúa Giêsu nhiều lần nhấn mạnh trong hành trình rao giảng của mình. Vậy,
dụ ngôn người con hoang đàng được trình bày ra sao và chủ đề “hoán cải” được
gài gắm như thế nào, người viết đến với phần tìm hiểu cụ thể nội dung đoạn văn
Lc 15, 11-32.
2. Nội Dung Dụ Ngôn
Dụ ngôn người con hoang đàng được thánh
sử Luca chia làm ba tuyến nhân vật và mỗi nhân vật diễn tả một câu chuyện, một
diễn biến tâm lí, một thái độ sống và một cách hành xử hoàn toàn khác nhau. Dựa
vào dụ ngôn người con hoang đàng (Lc 15, 11-32), người viết chia làm ba giai đoạn
tương ứng với ba thời khắc trong hành trình đi hoang của người con thứ.
Giai đoạn thứ nhất người con thứ xin
người cha chia gia tài. Lúc này hai nhân vật xuất hiện là người con thứ và người
cha. Người con thứ xuất hiện với một thái độ hết sức ngỗ ngược và bất hiếu khi
anh đòi cha chia phần gia sản cho anh trong khi cha anh còn sống (Lc 15,12).[12] Rõ ràng, việc đòi
chia tài sản khi cha còn sống và muốn rời gia đình, cho thấy người con muốn cắt
đứt tương quan với người cha. Anh muốn đi đến một nơi xa, nơi anh có thể có cuộc
sống tự do, được hưởng thụ và làm điều mình thích. Lúc này, người cha xuất hiện
một cách âm thầm với phẩm chất cao thượng khi đồng ý chia gia tài cho người con
(15,12) mà chẳng gặn hỏi lí do hay có một hành động gay gắt nào trước thái độ bất
hiếu của người con. Cuối cùng người cha lùi về phía sau để người con được tự
do.[13]
Giai đoạn thứ hai, hành trình người con
thứ trẩy đi vùng xa và tiêu xài tài sản. Sau khi được cha chia gia tài, người
con liền trẩy đi phương xa và sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình
(15,13). Nhưng không ngờ, sau khi anh tiêu hết tài sản thì trong vùng lại diễn
ra nạn đói khủng khiếp (15,14), nên anh đành phải làm một nghề vô cùng chua
chát là chăn heo (15,15). Vùng đất anh đánh đuổi mọi thứ để tới, tưởng sẽ kéo
dài được một cuộc sống sung sướng. Đâu ngờ, vùng đất sung sướng mà anh đến, lại
chẳng mấy chốc biến thành vùng đất của đói kém. Lúc này anh đối diện với cái
đói và cái chết đe dọa mỗi ngày sống đến nỗi anh ước lấy cám heo mà nhét cho đầy
bụng (Lc 15,16).[14] Lúc này, người cha
không xuất hiện một cách trực tiếp nhưng qua những suy nghĩ, những tự vấn của
người con thứ, người cha vẫn xuất hiện với những phẩm chất tốt đẹp khi luôn
chăm lo cho những người làm công được “cơm dư gạo thừa” (15, 17).
Giai đoạn thứ ba, hành trình trở về của
người con thứ. Sau khi hồi tâm và tự vấn về những gì đang diễn ra, đặc biệt khi
cái chết đang trực tiếp đe dọa đến anh, người con thứ đã dứt khoát đứng lên đi
về cùng cha (Lc 15,20). Anh con thứ đã can đảm trở về, về không chỉ vì đói,
nhưng về vì sự hoán cải. Anh đã cất sĩ diện, liêm sĩ để trở về, để bắt đầu lại,
chấp nhận con người tội lỗi, xấu xa của mình và xin được tha thứ. Thật sự, quyết
định trở về của anh con thứ là quyết định vô cùng khó khăn vì không ai dễ dàng
gì khi đã quyết định ra đi một cách mạnh mẽ và đầy kiêu ngạo trong tư thế của một
người chủ, nhưng lại trở về với tâm thế của một kẻ thất bại, một tên nô lệ. Ngay
chỗ này, “hoán cải” đã xảy ra.[15] Người con thứ nhận ra
anh ta đã lạc đường, ở nhà anh luôn có “cơm dư gạo thừa”, anh không phải sợ chết
đói, không phải ước lấy cám heo mà nhét cho đầy bụng và nhất là anh không mất tự
do như lúc này. Chính thái độ hoán cải này đã làm cho hành trình trở về của anh
cũng rất đỗi ngạc nhiên trước những gì người cha dành cho anh.[16] Khi thấy người con thứ
ở đàng xa, người cha đã chạy vội ôm và “hôn lấy hôn để” (Lc 15,20). Người cha
dường như chẳng quan tâm đến những gì xung quanh mình, ngay cả những lời thú tội
của người con (15,21), trong tâm trí ông chỉ nghĩ đến hạnh phúc của con mình
thôi. Tiếp đến, người cha đeo nhẫn, mang giầy, mặc quần áo đẹp nhất cho anh.[17] Nhưng chưa dừng lại ở
đó, người cha mở tiệc ăn mừng với con bê béo – một bữa tiệc của sự hòa giải, của
sự đón nhận,[18] cùng với chứng kiến của
dân làng như cách mà người chăn chiên tìm được con chiên lạc và người phụ nữ
tìm được đồng xu bị đánh mất.
Lúc này nhân vật thứ ba xuất hiện, đó
chính là người con cả. Trái với tâm trạng hân hoan, mừng vui của người con thứ
và người cha vì người con thứ “đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15,24), thì người
con cả xuất hiện với một thái độ hằn học, nỗi giận và nhất quyết không chịu vào
nhà để cùng chia vui với mọi người (15, 28). Có thể nói, người anh cả ở trong
tình trạng không sẵn sàng đón nhận người em trở về và cũng chẳng muốn ôm người
em như cha đã ôm em. Biết được chuyện đã xẩy ra, người cha tiếp tục xuất hiện với
một thái độ nhân hiền, nhẫn nhịn ra năn nỉ anh con thứ (15,28). Bấy giờ, anh
không chỉ giận dỗi mà còn lên giọng trách cha và lên án em của mình một cách
ích kỉ, ghen tị và đầy căm giận:[19] “Cha coi, đã bao
nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ
cho lấy được một con dê con để ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó,
sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết
con bê béo để ăn mừng” (15,29-30). Qua những từ ngữ anh con cả dùng cho chúng
ta thấy anh cũng giống người con thứ đã đi lạc. Anh đã đánh mất tương quan với
chính người cha thân yêu của mình ngay cả khi ở trong nhà cha.[20] Nếu người con thứ trở
về với thân phận của một người nô lệ thì qua những gì người con cả bộc lộ, cho
thấy anh cũng chẳng có sự tự do thật sự trong nhà cha mà cũng là một kẻ nô lệ.[21] Thế mà anh cứ nghĩ
mình là người công chính nên có quyền miệt thị những người tội lỗi như cách mà
người Pharisêu và các kinh sư vẫn hay làm.[22]
Chúa Giêsu đóng lại dụ ngôn với hình ảnh
người cha tiếp tục nài nỉ: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì
của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây
đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (15,31-32). Những gì người
cha bộc bạch vừa cho thấy một trái tim cũng đầy tổn thương và đau khổ khi cả
hai đứa con đều đi lạc, đều ở ngoài tương quan gắn bó với cha, nhưng đồng thời
cũng cho thấy nỗ lực để đưa hai người con trở lại tương quan với mình. Tuy
nhiên, dụ ngôn vẫn là một câu chuyện còn bỏ ngỏ. Người con trai cả có dự tiệc
không? Hay anh sẽ tiếp tục sống với cha mình như một nô lệ? Liệu rằng người con
cả có hoán cải, có thay đổi cách suy nghĩ, thái độ sống hay luôn cho mình là mẫu
mực để rồi lên án và khó chịu với những sai lầm của người khác?[23]
Như vậy, qua diễn tiến dụ ngôn người viết
vừa tìm hiểu, có thể thấy hình ảnh người cha nhân hậu luôn xuất hiện với một
tình yêu thương bao dung rộng lượng. Hình ảnh người con thứ với bao ngỗ nghịch,
trác táng tội lỗi, nhưng đã biết hoán cải, sửa đổi trở về với cha, hàn gắn
tương quan với cha. Cuối cùng, hình ảnh người con thứ, tưởng rằng anh là hình mẫu
của một người có đời sống tốt đẹp, luôn trung thành giữ luật, phục tùng và sống
một cách nghiêm chỉnh. Nhưng tận sâu trong lòng, anh lại ẩn dấu một thái độ quá
đỗi ích kỉ, khô cứng, thiếu tình thương và đầy thù hận. Như vậy, trong dụ ngôn
người con hoang đàng, hóa ra cả hai người con đều cần phải sự hoán cải chứ chẳng
riêng gì người con thứ. Phần tiếp theo, người viết tìm hiểu sâu hơn ý nghĩa về sự
hoán cải trong Tin Mừng Luca và khía cạnh thần học của hoán cải trong dụ ngôn
người con hoang đàng.
II. Ý Hướng Thần Học Của Sự Hoán Cải
1. Sự Hoán Cải Trong Tin Mừng Luca
Trước tiên, xét về mặt ngữ nghĩa, ở dạng
danh từ, sự hoán cải trong tiếng Hi Lạp là μετάνοια (metanoia) hay tiếng Anh là
repentance. Ở thể động từ, hoán cải là μετανοέω (metanoeō) trong Hi Lạp và to
repent trong tiếng Anh. Theo nghĩa đen của tiếng Hi Lạp, μετάνοια (metanoia) là
“to change one’s mind” - thay đổi tâm trí, hay một nghĩa khác nhiều người thường
đề cập là “to turn, turn around” – trở về, quay đầu lại.[24] Hơn nữa, nếu phân
tách từ hoán cải ở dạng động từ, chúng ta sẽ thấy ý nghĩa rõ ràng hơn. Μετανοέω
có hai phần là: “Meta” nghĩa là thay đổi (change) và “noeo” nghĩa là tâm trí
(mind).[25] Về mặt Kinh Thánh,
μετάνοια (metanoia) là một sự thay đổi đời sống một cách cụ thể để quy hướng, để
trở về với Thiên Chúa.[26] Như vậy, qua cách tìm
hiểu về từ ngữ, có thể tóm lại “hoán cải” không chỉ là một sự thay đổi về thể
lí: một sự thay đổi hướng đi, thay đổi con đường, quay đầu trở lại, nghĩ khác
trước, đổi ý, đổi tâm tính, đổi não trạng, nhưng còn là một sự thay đổi trong
tâm hồn, từ bỏ tội lỗi, hoán cải trở về với Thiên Chúa.
Trong Tin Mừng Luca, thánh sử đã mười bốn
lần sử dụng từ “hoán cải” trong đó năm lần Luca dụng từ hoán cải dưới dạng danh
từ (μετάνοια) và chín lần dưới dạng động từ (μετανοέω).[27] Trong đó từ hoán cải
đầu tiên xuất hiện trong Tin Mừng Luca là lời của Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người
chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội (Lc 3,3). Cụ thể, việc tỏ lòng
hoán cải, ăn năn sám hối phải được diễn ra bằng việc sinh những hoa trái, nghĩa
là bằng những việc làm thiết thực, cụ thể như cách Gioan Tẩy Giả nói: “hãy sinh
những hoa trái xứng với lòng sám hối” (3,8). Để cho thấy mối liên hệ giữa sự
hoán cải và kết quả (hoa trái), Gioan Tẩy Giả đã tiếp tục kêu gọi mọi người thể
hiện sự hoán cải qua việc sống nhân hậu và xót thương với tha nhân như: hãy
chia sẻ cơm áo cho nhau, ngay cả khi mình không có nhiều (3,11), đừng để đồng
tiền làm chủ mình (3,12), không dùng quyền lực để xách nhiễu dân chúng (3,14). Như
thế Gioan Tẩy Giả không coi việc chịu phép rửa của ông ở sông Giođan là đủ để
bày tỏ sự hoán cải, nhưng sự hoán cải còn cần những thay đổi trong cách sống với
tha nhân nữa.
Tiếp đến, một phân đoạn trung tâm mô tả
sự hoán cải trong Tin Mừng Luca là 5, 30-32. Ở đây, Luca trình bày sứ vụ của Chúa
Giêsu một cách rõ ràng là kêu gọi những người tội lỗi hoán cải (5,32). Mặc dù
phân đoạn này được tìm thấy trong cả Mátthêu 9,13 và Máccô 2,17,[28] tuy nhiên chỉ có Luca
đề cập đến sự hoán cải. Như vậy hoán cải không chỉ thay đổi về khía cạnh thể lí
trong cách sống với tha nhân, nhưng giờ đây hoán cải còn bao gồm cả việc ý thức
và chấp nhận mình là một người tội lỗi, một người đã bị tội lỗi làm tổn thương
trong tương quan giữa mình với Thiên Chúa và cần được chữa lành. Có thể nói, tội
lỗi đã làm đỗ vỡ tình trạng nguyên tuyền của con người trước mặt Thiên Chúa,
nhưng con người được mời gọi hoán cải để được Ngài hàn gắn vết thương do tội lỗi
gây ra.[29]
Hoán cải cũng không chỉ dừng lại ở ý thức
và nhìn nhận tội lỗi nơi con người mình, nhưng Chúa Giêsu tiếp tục việc sử dụng
hình ảnh dân thành Ninivê trong Cựu Ước[30] đã hoán cải nghe theo
lời rao giảng của ngôn sứ Giona để rồi không bị luận phạt (Lc 11,32). Sự hoán cải
đó chính là phải từ bỏ đường gian ác, những hành vi xấu xa, bạo lực của mình mà
trở lại với Thiên Chúa. Như vậy, không chỉ là hoán cải trong tâm hồn, trong ý
thức của chính mình nhưng hoán cải phải thực sự diễn ra bằng hành động từ bỏ một
cách dứt khoát với tội lỗi để trở về với Thiên Chúa.
Vậy, nếu một người không hoán cải thì hậu
quả sẽ thế nào? Trong Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu đã trình bày rất rõ rằng: “Nếu
các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết” (Lc 13,3.5) ngang qua hai
câu chuyện: thứ nhất, những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết (13,1), thứ
hai, tai nạn đã xảy ra cho mười tám người, khi tháp ở Silôác gần Giêrusalem bất
ngờ đổ xuống, đè chết họ (13,4). Chúa Giêsu coi hai biến cố đau thương này như
một lời cảnh báo mạnh mẽ gửi đến mọi người, để kêu gọi họ mau hối cải để khỏi
chịu chung số phận (Lc 13,3). Qua đó, Chúa Giêsu cũng muốn nhắc nhở những người
đang nghe Ngài giảng dạy: đừng tự mãn, đừng cho mình thánh thiện nên không bị
Chúa phạt, nhưng hãy luôn nhớ rằng tất cả mọi người đều là tội nhân. Tất cả đều
cần hoán cải.[31]
Còn nếu người đó hoán cải thì điều gì sẽ
xẩy ra? Chúa Giêsu đã đưa ra câu trả lời trong hai dụ ngôn: con chiên bị mất
(15,4-7) và đồng bạc bị đánh mất (15, 8-10). Đó chính là: “ai nấy sẽ vui mừng
vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính
không cần phải sám hối ăn năn” (15,7) hay “giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ
vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (15,10). Như vậy, có thể hiểu rằng,
sự hoán cải rất cần thiết cho ơn cứu độ và Nước Trời chính là phần thưởng cho
những ai thật lòng hoán cải, thay đổi đời sống của mình để trở về cùng Chúa.[32]
Cuối cùng, trước khi Chúa Giêsu về trời,
một lần nữa Chúa Giêsu kêu gọi mọi người hoán cải qua “lệnh truyền” của Ngài
dành cho các tông đồ: “phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu
từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội” (Lc 24,47). Nếu như ở hai
dụ ngôn con chiên bị mất và đồng bạc bị đánh mất sự hoán cải cần thiết để con
người được ơn cứu độ, được dự phần vào phần thưởng Nước Trời, thì đoạn này,
Chúa Giêsu trình bày một cách cụ thể: hoán cải là để được ơn tha tội. Như vậy,
hoán cải không chỉ dừng lại ở chấp nhận con người tội lỗi của mình, nhưng còn
là để được ơn tha tội, ơn trở lại với Thiên Chúa, mà không bị tội lỗi cản trở.[33] Nói cách khác, nhờ ơn
tha tội, con người có khả năng trở về tương quan mật thiết với Thiên Chúa, rời
bỏ bóng tối của tội lỗi để đến với ánh sáng của Thiên Chúa.
Như vậy, hoán cải trong Tin Mừng Luca
là một từ khóa quan trọng trong những lời rao giảng của Chúa Giêsu, xuyên suốt
hành trình rao giảng của Ngài từ khi bắt đầu sứ vụ cho tới khi về trời. Thứ nhất,
hoán cải là điều kiện cần thiết để được ơn cứu độ và dự phần vào phần thưởng Nước
Trời. Nó như là cánh cửa mở ra để chúng ta được ơn tha thứ, để bước vào cuộc sống
mới với tương quan mật thiết với Chúa. Thứ hai, hoán cải đòi buộc mỗi người phải
thay đổi tận căn đời sống bằng những hành động cụ thể, thực tế đối với Thiên
Chúa, với tha nhân và với chính bản thân mình. Cách khác, hoán cải là xa rời sự
dữ, bỏ đi cung cách sống tội lỗi mà trở về với Thiên Chúa; là khiêm tốn chấp nhận
sự yếu đối, tội lỗi của mình để xin Thiên Chúa tha thứ và chữa lành; và biết hướng
tới tha nhân qua tình yêu thương và lòng bác ái.
Tiếp theo, để hi vọng có thể hiểu về
thông điệp hoán cải của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Luca một cách sâu hơn, cụ thể
hơn, người viết đi vào phân tích, tìm hiểu ý nghĩa thần học của sự hoán cải trong
dụ ngôn: Người con hoang đàng.[34]
2. Ý Nghĩa Hoán Cải Trong Dụ Ngôn Người Con Hoang Đàng
2.1. Hoán Cải Là Chấp Nhận Con Người Tội Lỗi Và Quyết Định Trở
Về
Theo trình thuật của dụ ngôn người con
hoang đàng, sau khi đã được người cha phải chia tài sản, người con thứ đã ra đi
đến một vùng xa[35] và bắt đầu cuộc sống
phóng đãng[36] tiêu xài hết tài của
mình (15, 13). Sau khi hết tài sản, anh gặp phải nạn đói khủng khiếp và lâm vào
cảnh túng thiếu (15,14). Để sống, để có cái ăn, để có nơi ở, anh xin đi làm
thuê cho một nghề hèn hạ trong xã hội: chăn heo[37] và trong lúc cùng đường,
thời khắc thất bại ê chê, anh mới nhận ra sự ngu ngốc của mình. Anh trộm nghĩ,
nếu cứ kéo dài tình trạng này anh sẽ chết. Chính vì thế, anh “hồi tâm và tự nhủ”
(15,17) “biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi,
tôi ở đây phải chết đói”.[38]
Có thể nói khoảnh khắc: “Hồi tâm và tự
nhủ” của người con thứ là một khoảnh khắc kỳ diệu. Khoảnh khắc của sự hoán cải.[39] Trong phút chốc, người
con trai ngông nghênh, buông tuông nhận ra mình là kẻ tội đồ. Anh biết những gì
anh đã làm là tội lỗi. Trong đó có cả tội bất kính với cha, tội tham lam, ích kỉ,
tội lãng phí tiền bạc của cha. Anh cứ nghĩ rằng: anh biết điều phải làm gì để
có cuộc sống hạnh phúc nhất, tự do nhất, sung sướng nhất, nhưng cái biết của
anh đã dẫn anh tới đau khổ, tới hoàn cảnh bi đát như lúc này. Đó chính là tội sự
kiêu ngạo, tội không biết mình là ai. Thật sự, việc nhận ra mình là một người tội
lỗi là bước ngoặt trong cuộc đời anh. Trong Kinh Thánh, thánh Phêrô cũng nhận
ra con người tội lỗi nơi mình sau khi bội phản Thầy mình, nên Phêrô đã “ra
ngoài và khóc lóc thảm thiết” (Mt 26, 75). Ngài đã ăn năn sám hối, trở về với
Chúa để xin Chúa tha thứ và biến đổi ông. Hay Phaolô cũng đã nhận ra điều tương
tự trên đường đi Đamát (Cv 9,1-18). Thiên Chúa đã biến đổi Phaolô từ một kẻ sát
nhân các Kitô hữu thành một trong những người rao giảng Lời Chúa nỗi bật. Một
nhân chứng nữa là thánh Augustinô đã được Chúa biến đổi hoàn toàn. Từ một chàng
thanh niên hư hỏng, trụy lạc, coi như là đã bị loại ra khỏi xã hội. Thánh nhân
đã mặc lất tâm tình của Đức Kitô. Thánh nhân đã làm một cuộc trở lại tận căn,
sám hối, ăn năn, đã thay đổi nếp sống của mình, đã lột bỏ con người cũ.
Tiếp đến, việc người con thứ hoán cải
không chỉ còn trong tư tưởng như anh đã hoán cải thực sự. Ngang qua cách anh
trình bày: “Thôi, ta đừng lên, đi về cùng cha và thưa với người: ‘Thưa cha, con
thật đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi
con như một người làm công của cha vậy’” (15, 18-19). Người con thứ đã không cố
gắng che dấu, phủ nhận những gì anh đã làm. Anh đã không cần tìm cách để trở
nên tốt đẹp có thể trong mắt cha mình. Anh đã sẵn sàng thừa nhận những gì mình
đã làm, thừa nhận con người tội lỗi của mình thật đáng xấu hổ. Nói cách khác,
bây giờ người con tội lỗi đã bắt đầu ý thức sâu sắc về thân phận không xứng
đáng của mình trước mặt cha.[40] Đồng thời anh cũng
không cầu xin sự tha thứ của cha cũng như tìm kiếm sự phục hồi địa vị một người
con cưng như trước kia mà chỉ xin được làm một người làm công cho nhà cha.[41] Như vậy, anh ý thức
rõ thân phận của mình. Anh không còn là trung tâm của mọi thứ, nhưng là một con
người đầy tội lỗi và bất toàn trước mặt cha.
Chấp nhận con người tội lỗi đã khó và
quyết trịnh trở lại càng khó khăn hơn, nhưng anh đã can đảm và đừng lên đi về
cùng cha (15,20). Một cuộc hoán cải không phải ai cũng có thể làm được. Có thể
thấy, anh đã cam đảm cất sĩ diện, liêm sĩ để trở về, để bắt đầu lại. Bởi lẽ, khi
quyết định ra đi, anh đã ra đi một cách mạnh mẽ và đầy kiêu ngạo; trong tư thế
của một người chủ, đầy tự mãn, kiêu hãnh nhưng lúc trở về, anh lại về với tâm
thế của một kẻ thất bại, một kẻ vô ơn, một tên nô lệ, một kẻ không còn bản chất
người, bị xuống cấp tụt xuống hạng thú.[42]
Như vậy người con thứ đã can đảm đứng
lên, can đảm trở về, can đảm chấp nhận con người tội lỗi của mình, can đảm
thành thật thú tội của mình không phải cầu xin sự tha thứ, giờ đây cũng không
phải vì quá đói, cũng như không phải để tìm sự mủi lòng của cha, nhưng trên tất
cả người con thứ đã hoán cải. Trong anh, một khát vọng hướng về Chúa, hướng về
sự thiện đã thôi thúc anh muốn được trở về và chấp nhận những gì sẽ đến với
mình dù không mấy dễ dàng. Ngang qua hình ảnh người con thứ[43] trong dụ ngôn đã dứt
khoát từ bỏ tội lỗi, dứt khoát với con đường cũ để trở về là hình ảnh Chúa
Giêsu mời gọi tất cả mọi người – những con người tội lỗi hãy trở về với Chúa một
cách can đảm, triệt để như cách người con thứ trở về với cha của anh.[44] Hãy dám thay đổi, dám
từ bỏ con đường tội lỗi, dám gạt đi những tự tôn, sĩ diện, lòng kiêu hãnh để bắt
đầu lại và trở về với Chúa bằng một thái độ hoán cải và một quyết tâm thay đổi
mạnh mẽ. Vì đâu biết rằng, lúc hoán cải trở về, Thiên Chúa cũng như người cha[45] đã đứng trông ngóng
chờ từ rất lâu để hân hoan chào đón và chữa lành những vết thương do tội lỗi
gây nên.
2.2. Hoán Cải Để
Được Thiên Chúa Chữa Lành
Trong dụ ngôn, thánh sử Luca không nói
rõ người cha đã chờ đợi người con thứ trở về bao lâu và chờ đợi như thế nào,
tuy nhiên Luca đã mô tả rất chi tiết từng hành động của người cha. Trước tiên,
khi thấy người con từ đằng xa, người cha đã vội vã chạy ra ôm chồm lấy anh và
hôn lấy hôn để[46] mà chẳng màng tới việc
người con giãi bày lời thú tội. Vì giờ đây, không có gì quan trọng và sánh với
niềm vui trở về của người con. Tiếp đến, người cha bảo đầy tớ mang áo đẹp nhất,[47] nhẫn và dép cho người
con mang vào và cuối cùng là mở tiệc, mời mọi người tới ăn mừng.
Trở lại với câu đầu tiên của chương 15 trong
Tin Mừng Luca, Chúa Giêsu đã bị người Pharisêu và các kinh sư chỉ trích vì Ngài
chào đón và ăn uống với người tội lỗi (Lc 15, 1). Giờ đây, việc chào đón người
tội lỗi lại được lặp lại qua hình ảnh người cha chào đón người con thứ ngỗ ngược,
hoán cải trở về.[48] Đồng thời, trong dụ
ngôn của Chúa, Luca chẳng nói trực tiếp việc người cha tha thứ cho người con,
nhưng qua nụ hôn mà người cha trao cho người con vừa nói lên tình yêu trào tràn
nơi người cha dành cho anh, vừa biểu lộ sự tha thứ vô điều kiện của cha (vì nụ
hôn là dấu hiệu của sự tha thứ 2Sm 14,33). Không dừng lại ở đó, những gì người
con được khoác trên mình lúc này: áo, nhẫn, dẹp - nói lên tư cách của một người
con chính thức trong gia đình và ba món quà của người cha được xem như là dấu
hiệu của sự tha thứ hoàn toàn và sự phục hồi tương quan đã bị đỗ vỡ trước đó.[49]
Tiếp tục, người cha mở tiệc ăn mừng với
con bê béo cùng với dân làng để công khai với cả cộng đồng cho thấy người cha
hoàn toàn chấp nhận con trai trở về. Bất chấp sự không xứng đáng, giờ đây người
con trai ngỗ ngược đã được phục hồi phẩm giá xứng đáng trong tương quan với cha
mình.[50] Đứa con hoang đàng từng
"chết" nay đã "sống lại" (15,24). Hơn nữa, câu nói: "Con
ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy" (15,24.32), cho
thấy sự giống nhau của dụ ngôn này với hai dụ ngôn trước: con chiên bị lạc và đồng
bạc bị đánh mất (15, 6.9). Đặc biệt, sự vui mừng tột độ về người con biết ăn
năn này cũng song song với sự vui mừng trong các hai dụ ngôn trước: “ai nấy sẽ
vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (15,7), “giữa triều thần Thiên
Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối" (15,10).
Đó là phản ứng của người cha, tuy nhiên
trở lại với người con thứ, khi gặp cha anh chỉ lẩm bẩm được vài điều: “Thưa
cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa..."
(15,21). Nhưng những điều ngắn ngủi và đơn sơ này cũng ẩn chứa được nhiều thông
điệp. Đầu tiên, anh ta ý thức sâu sắc về tình trạng tội lỗi của mình. Anh không
còn xứng đáng gọi là con của cha. R. B. Thieme cho rằng, càng đến gần cha – một
người cha bao dung, đầy lòng thương xót, anh nhận thấy rõ ràng sự thấp hèn, tội
lỗi và quá đỗi kiêu ngạo của mình.[51] Thứ hai, Nouwen cho rằng,
một cách nào đó, anh nhận ra mình đã mất phẩm giá người con, nhưng cùng một
lúc, ý nghĩa phẩm giá đã mất làm cho anh ta ý thức anh ta thực sự là con mà trước
đó anh đã có. Như vậy, sự hoán cải trở về đã cho anh nhận ra thân phận của anh
không phải là một con heo, nhưng là một con người.[52] Đồng thời, qua những
cử chỉ yêu thương tuyệt vời của người cha và cũng giúp anh nhận thức sâu sắc
hơn về thân phận con người thực sự của mình – người con yêu quý của cha.
Như vậy, hình ảnh người con hoán cải trở
về và được người cha hân hoan đón chào, đó là hình ảnh khi người tội lỗi thực sự
hoán cải để trở về với Thiên Chúa. Ngài chẳng còn quan tâm đến con người tội lỗi
như thế nào. Ngài chỉ quan tâm làm sao chữa lành những vết thương trong tâm hồn
của con cái Ngài và phục hồi cuộc sống trọn hảo, cuộc sống tốt đẹp nhất cho họ.
Giống như cách mà người cha lấy chiếc áo đẹp nhất cho người con thay thế chiếc
áo rách rưới bẩn thỉu; xỏ nhẫn như một dấu ấn của tình yêu, của uy quyền và danh
dự vì từ nay anh không còn là nô lệ, nhưng là một người con thuộc về cha, một
người con yêu dấu của cha mãi mãi; đeo giày để phục hồi nhân phẩm của người con
không còn là một nô lệ; và mở tiệc ăn mừng như một phần thưởng công khai.
Hơn nữa, hình ảnh người cha “chạy” đến
ôm người con thứ, cũng là cách mà Thiên Chúa đang rất vội vàng chạy tới con người,
nhất là những con người tội lỗi hoán cải trở về. Ngài háo hức chạy tới chúng ta
để ôm chúng ta vào lòng, để băng bó, để chữa lành những vết thương do tội lỗi
gây ra và để khôi phục lại tương quan đã bị hủy hoại. Thực sự, Ngài đã không kiềm
chế được sự phấn khích cũng như cảm xúc thiêng liêng mạnh mẽ mà Ngài đã dành và
đã trót yêu con người.[53]
Cuối cùng, xem xét chuỗi hành động liên
tiếp của người cha: trông ngóng từng ngày, chạy vội vã khi thấy người con từ
xa, ôm con vào lòng, hôn lấy hôn để, bảo đầy tớ lấy áo, nhẫn, dép và cuối cùng
là mở tiệc ăn mừng, cho thấy Thiên Chúa luôn dẫn đầu trong mọi khoảnh khắc.[54] Đó là một Thiên Chúa
yêu thương và đầy lòng trắc ẩn luôn đi bước trước để thể hiện tình yêu với con
người. Ngài đem lòng yêu thương dạt dào với người tội lỗi đã hối cải. Ngài sẵn
sàng quên đi quá khứ, xem người hoán cải chưa bao giờ phạm tội như cách mà
Thiên Chúa đã làm với dân Ítraen khi xưa.[55] Đồng thời, Ngài còn ban
cho họ được những đặc ân không ngờ. Trong đó, Nouwen đã mô tả hình ảnh đi bước
trước của Thiên Chúa rằng:[56]
“Thiên
Chúa không phải là một người gia trưởng, ngồi ở nhà, bất động, chờ con về nhà
xin lỗi, xin tha thứ và hứa sẽ thay đổi. Ngược lại, người rời nhà, quên địa vị
của Người. Người vội vã đi ra hân hoán chào đón các con, đem các con của mình
vào bàn tiệc đã dọn sẵn mà không chú ý đến lời xin lỗi, lời hứa thay đổi của
các con.”
Như
vậy, sự hoán cải của người con hoang đàng không chỉ dừng lại ở việc ý thức con
người tội lỗi của mình. Khiêm nhường nhìn nhận sự bất toàn, yếu đuối và khao
khát bắt đầu lại. Nhưng trên tất cả, sự hoán cải vừa phải là một sự trở về triệt
để với Chúa, phải thay dổi hoàn toàn con người, lối sống cũ bằng những hành động
cụ thể như thánh Gioan Tẩy Giả đã từng rao giảng: “Hãy sinh những hoa trái xứng
với lòng sám hối” (3,8), và cũng đồng thời là ơn Chúa chứ không phải tự sức
mình con người có thể làm được. Đặc biệt, sự hoán cải của tội nhân chưa bao giờ
là lẽ bóng, vì song song với việc hoán cải của con người thì luôn có một Thiên
Chúa vẫn luôn kiên nhẫn chờ đợi, vẫn luôn khao khát đứa con ngỗ nghịch trở về vì
Chúa Giêsu đã từng nhấn mạnh tới sứ sụ của Ngài: “Tôi không đến để kêu gọi người
công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (5,32). Khi đã trở về,
Ngài sẵn sàng làm mọi thứ để tha thứ, để chữa lành và làm tiệc lớn để ăn mừng
như cách ăn mừng đầy hân hoan và se chia của người chăn chiên tìm được con
chiên lạc và người phụ nữ tìm được đồng bạc bị đánh mất.[57]
Tài Liệu Tham Khảo
Ambrose. Commentary
of Saint Ambrose on the Gospel According to Saint Luke. Translated by Íde
M. Ní Riain, Halcyon Press, 2001.
Bock, Darrell
L. A Theology of Luke’s Gospel and Acts: Biblical Theology of the New
Testament. Michigan: Grand Rapids, 2012.
Bovon,
Francois. Luke the Theologian. Texas: Baylor University Press, 2005.
Casey, Patrick
J. The Parable of God's Love for Sinner. Lansdale: Calvary Baptist
Theological Seminary, 1994.
Fitzmyer, A. Luke
the Theologian: Aspects of His Teaching. New York: Paulist Press, 1989.
Forbes, Greg W.
The God of Old: The Role of the Lukan Parables in the Purpose of Luke's
Gospel. Sheffield: Academic Press, 2000.
Gooding, David.
According to Luke: The Third Gospel’s Ordered Historical Narrative.
Inter-Varsity Press, 1987.
Green, Joel B. The Gospel of Luke.
Michigan: Grand Rapids, 1997.
Hardon, John A.
Từ Điển Công Giáo Phổ Thông. Chuyển dịch Đặng Xuân Thành, TP. HCM: NXB:
Phương Đông, 2008.
Harrington,
Daniel J. The Gospel of Luke. Minnesota: The Liturgical Press, 1991.
Lightfoot,
Neil R. The Parables of Jesus. Vol. II. Texas: A.C.U Press, 1986.
Long,
Vũ Phan. Các Bài Tin Mừng Luca Dùng Trong Phụng Vụ. Hà Nội: NXB Tôn
Giáo, 2012.
Louw, Johannes
P. and Eugene Albert Nida. Greek-English Lexicon of the New Testament: Based
on Semantic Domains. Electronic ed. of the 2nd edition. New York: United
Bible Societies, 1996.
Nouwen, Henri
J. M. The Return of the Prodigal Son: A Story of Homecoming. New York:
Doubleday, 1992.
Pink,
Arthur W. The Prodigal Son. Kindle Edition, Prisbrary Publishing, 2012.
Powell, Mark
Allan. Introducing the New Testament: A Historical, Literary, and
Theological Survey. MI: Grand Rapids, 2009.
Thieme,
R. B. The Prodigal Son. Houston, Texas, 2001.
[1]. Giêrusalem là một nơi để lại
nhiều dấn ấn và biến cố quan trọng trong Tin Mừng Luca, cũng như trong cuộc đời
của Chúa Giêsu: Tin Mừng Luca bắt đầu và kết thúc ở đó (1:5–8; 24: 52–53);
Thánh sử Luca ghi lại những chuyến đi thời thơ ấu của Chúa Giêsu lên Giêrusalem
(2:22–52). Luca dành mười chương kể về cuộc hành trình của Chúa Giêsu lên
Giêrusalem (9: 51–19: 40). Luca kể lại việc Chúa Giêsu khóc trên thành
Giêrusalem (19: 41–44). Tiếp đến, những câu chuyện về những lần Chúa Giêsu phục
sinh xuất hiện trong và xung quanh Giêrusalem (24: 1–43). Cuối cùng, cũng tại
Giêrusalem, Chúa Giêsu đưa ra lệnh truyền cho các tông đồ rao giảng cho muôn
dân về Đức Kitô (24: 44–49).
(Mark Allan Powell, Introducing
the New Testament: A Historical, Literary, and Theological Survey (MI: Grand
Rapids, 2009), 165).
[2]. Hành trình lên Giêrusalem,
Chúa Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa (Lc 9,59-62), sai các môn đệ ra đi rao
giảng về triều đại Nước Thiên Chúa gần đến, chữa lành những người đau yếu
(10,9), lòng xót thương (10, 29-37; 11,5-13; 15), trừ quỷ (12,11-22), sẵn sàng
tỉnh thức (12,35-47), làm việc bác ái (12, 33-34), hoán cải (13,3-5; 15)….
[3]. Từ “hoán cải” được xuất hiện
trong Tin Mừng Luca từ chương 9 tới chương 19, bao gồm: 10,13; 11,32; 13,3;
13,5; 15,7; 15,10; 16,30.
[4]. Darrell L. Bock, A Theology
of Luke’s Gospel and Acts: Biblical Theology of the New Testament (Michigan:
Grand Rapids, 2012), 74.
[5]. David Gooding, According to
Luke: The Third Gospel’s Ordered Historical Narrative (Inter-Varsity Press,
1987), 283.
[6]. Joel B. Green, The Gospel
of Luke (Michigan: Grand Rapids, 1997), 572-753.
[7]. Patrick J. Casey, The
Parable of God's Love for Sinner (Lansdale: Calvary Baptist Theological
Seminary, 1994), 43.
[8]. Daniel J. Harrington, The
Gospel of Luke (Minnesota: The Liturgical Press, 1991), 239.
[9]. Joel B. Green, The Gospel
of Luke, 578.
[10]. Người anh cả ở nhà của người
cha mà sống như người làm công trong gia đình của mình. Anh bị lạc ngay trong
chính những gì thuộc về mình.
[11]. Joel B. Green, The Gospel
of Luke, 578.
[12]. Trong văn hóa truyền thống của
người Do Thái, việc đòi chia gia tài cho thấy người con thứ là đứa con bất hiếu,
vì theo luật Do Thái, người cha có thể định đoạt về của cải của ông hoặc bằng một
di chúc được thi hành sau khi ông qua đời (Ds 36,7-9; 27,8-11). Như vậy, việc
chia gia tài chỉ có hiệu lực khi người cha đã mất, và luật pháp sẽ dựa vào di
chúc này để phân chia, không có chuyện chia gia tài khi người cha còn sống.
Chính vì thế, khi người cha chưa chết mà con cái đòi chia gia tài đó là điều
không thể chấp nhận. Đây là một việc làm hoàn toàn khác thường và đi ngược lại
truyền thống. Việc xin chia gia tài khi người cha còn sống, chẳng khác gì người
con đã coi cha mình như đã chết.
[13]. Greg W. Forbes, The God of
Old, The Role of the Lukan Parables in the Purpose of Luke's Gospel (Sheffield:
Academic Press, 2000), 133.
[14]. Cũng trong văn hóa Do Thái,
heo là con vật ô uế, không ai ăn thịt heo. Vậy mà giờ đây anh con thứ không chỉ
xin làm công chăn heo, mà còn ao ước ăn đồ ăn của heo để bớt đói vậy mà chẳng
ai cho. Có thể nói, lúc này, nhân phẩm, giá trị con người của anh con thứ đã
không còn bằng một con heo.
(Patrick J. Casey, The
Parable of God's Love for Sinner, 48; Greg W. Forbes, The God of Old, 135).
[15]. Greg W. Forbes, The God of
Old, 136.
[16]. Darrell L. Bock, A Theology
of Luke’s Gospel and Acts, 264.
[17]. Trong văn hóa của người Do
Thái, "chiếc áo choàng đẹp nhất" một dấu hiệu của sự khác biệt cao
quý. Chiếc nhẫn biểu thị sự tin tưởng và uy quyền (St 41,42; Et 3,10; 8,2). Đôi
dép vô cùng quan trọng vì một nô lệ sẽ đi chân trần, nhưng một người đàn ông tự
do sẽ đi dép.
(Patrick J. Casey, The
Parable of God's Love for Sinner, 50).
(Ambrose, Commentary of Saint
Ambrose on the Gospel According to Saint Luke (translated by Íde M. Ní
Riain, Halcyon Press, 2001, 264-265).
[18]. Greg W. Forbes, The God of
Old, 140.
[19]. Ibid., 142.
[20]. Patrick J. Casey, The
Parable of God's Love for Sinner, 54.
[21]. Ibid., 53.
[22]. Ibid., 52.
[23]. Greg W. Forbes, The God of
Old, 144.
[24]. Ibid.
[25]. John A. Hardon, Từ Điển
Công Giáo Phổ Thông (chuyển dịch Đặng Xuân Thành, TP. HCM: NXB: Phương
Đông, 2008), 258.
[26]. Johannes P. Louw and Eugene
Albert Nida, Greek-English Lexicon of the New Testament: Based on
Semantic Domains (Electronic ed. of the 2nd edition, New York: United Bible
Societies, 1996), 193.
[27]. Darrell L. Bock, A Theology
of Luke’s Gospel and Acts, 262.
Từ “Sự hoán cải” (metanoia) được
dùng dưới dạng danh từ trong Tin Mừng Luca xuất hiện ở: Lc 3,3; 3,8; 5,32;
15,7; 24,47. Và từ “hoán cải” (metanoeō) được dùng dưới dạng động từ trong Tin
Mừng Luca xuất hiện ở: Lc 10,13; 11,32; 13,3; 13,5; 15,7; 15,10; 16,30, 17,3;
17,4.
[28]. Mt 9,13 “vì tôi không đến để
kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi" và Mc 2,17: “Người
khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi
người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi".
[29]. Darrell L. Bock, A Theology
of Luke’s Gospel and Acts, 263.
[30].
Dân thành Ninivê đã sống gian ác và bạo lực khiến Đức Chúa nổi giận (Gn 1,2),
muốn đánh phạt muốn phá đổ thành Ninivê (Gn 3,4). Nhưng họ đã tin vào lời rao
giảng của ngôn sứ Giôna từ vua cho tới dân chúng: “ăn chay và mặc áo vải thô. Vua
rời khỏi ngai, cởi áo choàng, khoác áo vải thô, ngồi trên tro, hết sức kêu cầu
Thiên Chúa. Mỗi người phải trở lại, bỏ đường gian ác và những hành vi bạo lực của
mình” (Gn 3,5-8). Đức Chúa thầy lòng thành của họ qua sự hoán cải nên: “Người hối
tiếc về tai hoạ Người đã tuyên bố sẽ giáng trên họ, Người đã không giáng xuống
nữa.” (Gn 3,10)
[31]. Nguyễn Cao Siêu, Học Hỏi Phúc
Âm Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm C (Lc 13,1-9), google,
http://www.cgvdt.vn/loi-chua-va-cuoc-song/hoc-hoi-phuc-am-chua-nhat-iii-mua-chay-nam-c_a8864
[32]. Daniel J. Harrington, The
Gospel of Luke, 240.
[33]. Darrell L. Bock, A Theology
of Luke’s Gospel, 133.
[34].
Vì giới hạn đề tài và khả năng hiểu biết của người viết, bài viết ngắn này người
viết hoàn toàn tập trung vào sự hoán cải của người con thứ, tìm hiểu hành trình
trở về với cha của người con, cũng như phản ứng cua người cha khi người con thứ
trở về. Chính vì thế, người viết không đề cập tới câu chuyện của người con trai
cả trong bài viết ngắn và có giới hạn này.
[35]. Vùng xa - (χώραν μακράν): Từ
“vùng” (χώραν) trong dụ ngôn này xuất hiện ba lần: (1) vùng xa (15,13 - Vùng
người con thứ nghĩ là sẽ sung sướng), (2) vùng đói khủng khiếp (15,14 - Vùng
người con thứ nhận ra sau khi tiêu hết tài sản); (3) vùng nô lệ (15,15 – Vùng
người con thứ đi làm thuê cho một người dân ngoại. Anh ta tự bán mình làm nô lệ
cho một người dân ngoại). Từ một người có tất cả: tự do, nhân phẩm, tài sản,
tình yêu, ấy thế đến vùng xa anh mất tất cả và tự khoác lên mình hình ảnh của một
người nô lệ.
Arthur W. Pink cho rằng vùng xa
mà người con thứ muốn tới là vùng không muốn sự hiện diện của người cha, cũng
giống như vùng đất của người tội lỗi sống mà không muốn có sự hiện diện của
Thiên Chúa. Nơi đó, người con thứ sống hoang đàng, sa đọa, cũng giống như người
tội lỗi sống cằn cỗi về mặt thiêng liêng. Một cuộc sống phớt lờ những lời giảng
dạy, những giới răn của Chúa. Một cuộc sống không có tương quan, không có tình
yêu với Thiên Chúa.
(Arthur W. Pink, The Prodigal
Son (Kindle Edition, Prisbrary Publishing, 2012), 19)
[36]. Từ “sống phóng đãng” (ζῶν ἀσώτως
– a life debauchery) có nghĩa là một cuộc sống sa đọa, buông thả, đàn điếm, tội
lỗi, nghiêng theo xác thịt, thú vui tính dục.
Đồng thời, qua câu nói đầy mỉa mai của người con cả về lối sống tội lỗi
của người con thứ: “Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của
cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!” (15,30).
Từ ἀσώτως (asṓtōs)
(extravagantly wasteful because of "loose living") – Một lối sống cực
kì buông thả và sa đọa. Từ này chỉ xuất hiện trong Luca 15:13. “A life debauchery”
– bản dich của Jerusalem Bible – một cuộc sống đàn điếm như trong sách châm
ngôn 29,3 mô tả hay cuộc sống đĩ điếm được mô tả trong sách Huấn Ca (9,6)
[37]. Trong truyền thống Do Thái,
heo là động vật ô uế và việc cho chúng ăn là điều gần như không tưởng. Đây là một
điều xấu hổ, mất phẩm giá (Đnl 14,8; Lv 11,7).
[38]. Greg W. Forbes, The God of
Old, 135.
[39]. Joel B. Green, The Gospel
of Luke, 581.
[40]. Arthur W. Pink, The
Prodigal Son, 19.
[41]. Greg W. Forbes, The God of
Old, 137.
Neil R. Lightfoot, The Parables of
Jesus, Vol. II (Texas: A.C.U Press, 1986), 27.
[42]. Vì anh muốn ăn thức ăn của heo
nhưng không ai cho. Như vậy, chính cái tự do mà anh mong muốn, đã biến anh từ một
ông chủ con xuống dưới cả con heo nữa.
[43]. Người con thứ, rõ ràng có sự
ám chỉ đến những người tội lỗi và người thu thế bị người Pharisêu và các kinh
sư coi thường trong Lc 15,1-2. Theo suy nghĩ của người Do Thái, khi người con
thứ ra đi đến một vùng xa, sống sa đọa, lúc này cậu không chỉ được xem là người
tội lỗi nhưng cậu cũng giống như những người thu thuế, những người đã từ bỏ luật
lệ của tôn giáo và đi phục vụ dân ngoại (người con thứ đi làm thuê do một gia
đình dân ngoại).
(Patrick J. Casey, The
Parable of God's Love for Sinner, 46)
[44]. Darrell L. Bock, A Theology
of Luke’s Gospel and Acts, 74.
[45]. Hầu hết các nhà bình luận đều
đồng ý người cha (ít nhất ở một mức độ nào đó) là hình ảnh mô tả người Cha trên
trời. (Kenneth E. Bailey, Poet and Peasant (Grand Rapids: Eerdmans,
1976), 190; Patrick J. Casey, The Parable of God's Love for Sinner (Lansdale:
Calvary Baptist Theological Seminary, 1994), 65). Tuy nhiên, dụ ngôn này cũng
có sự phân biệt giữa người cha và Thiên Chúa (Lc 15,18 - Thôi, ta đứng lên, đi
về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với
cha”), vậy nên tốt nhất nên xem người cha trong dụ ngôn chỉ là miêu tả những đặc
điểm và thái độ của Thiên Chúa.
[46]. Hôn không phải chỉ là để chào
đón, nhưng là bày tỏ sự tha thứ (x. 2 Sm 14,33).
[47]. Áo đẹp nhất: dịch sát là “chiếc
áo thứ nhất”, tức là áo hạng nhất. Như thế, người cha không xử với người con
như anh ta yêu cầu (“như người làm công”), nhưng như một người khách được tôn
kính.
(Vũ Phan Long, Các Bài Tin Mừng
Luca Dùng Trong Phụng Vụ (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2012), 310-311).
[48]. Patrick J. Casey, The
Parable of God's Love for Sinner, 50.
[49]. Patrick J. Casey, The
Parable of God's Love for Sinner, 51.
[50]. Henri J. M. Nouwen, The
Return of the Prodigal Son: A Story of Homecoming, (New York: Doubleday,
1992), 157.
[51]. R. B. Thieme, The Prodigal
Son, 21.
[52].
Henri J. M. Nouwen, The
Return of the Prodigal Son, 70.
[53]. R. B. Thieme, The Prodigal
Son, 21.
[54]. Ibid., 22.
[55].
Dân Ítraen càng đàn điếm, tội lỗi, chẳng còn tín thành, chẳng có ân nghĩa (Hs
11,8), thì tình yêu Thiên Chúa lại càng mãnh liệt, càng chẳng nỡ bỏ rơi và càng
yêu thương họ hết tình (Hs 14,5). Đặc biệt, Thiên Chúa chẳng còn màng tới sự bất
trung của Ítraen, dường như quá khứ tội lỗi của Ítraen đã được xoá sạch, để rồi
hiện tại cũng như tương lai của Ítraen được bắt đầu một khởi điểm hoàn toàn mới
như ngôn sứ Isaia đã viết: “Tội các ngươi, dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như
tuyết; có thẫm tựa vải điều, cũng hoá trắng như bông” (Is1,18) hay trong ngôn sứ
Giêrêmia “Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng và không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng
nữa” (Gr 31,13).
[56].
Henri J. M. Nouwen, The Return of the Prodigal Son, 150.
[57].
Ibid., 154.
Comments
Post a Comment