Tính thuyết phục các lý luận bảo vệ Thiên Chúa trước sự dữ của thánh Âutinh

Những ngày hè năm 2016, tôi có cơ hội trải nghiệm công việc mục vụ tại một làng dân tộc nghèo ở Kon Tum. Trước khi lên, tôi hình dung bao thứ đẹp đẽ về vùng đất này: núi non trùng điệp, không khí trong lành, thiên nhiên hài hòa, con người chân phương. Ấy thế, khi đã lên rồi, tôi vỡ òa trước những suy nghĩ ngây thơ của mình: Kon Rẫy - một ngôi làng nhỏ nằm ven sông Đắk Bla[1], nơi chất chứa bao khốn khổ của kiếp người.
Tôi chẳng rõ nạn đói năm 1945, đói như thế nào, chẳng hay chị Dậu trong tác phẩm Tắt Đèn, cùng cực ra sao, thế nhưng những gì tôi chứng kiến nơi Kon Rẫy là một kinh nghiệm thực sự của đói nghèo, của bế tắc, của cùng cực, của khổ đau. Nhà mười người ấy thế chỉ có hai cái thìa ăn cơm, chẳng có bát, chẳng có đũa. Một nồi cơm trắng, một đĩa lá khoai mì luộc, vài con tép câu được dưới suối là một bữa ăn thịnh soạn của họ. Sáng sáng cả gia đình dẫn nhau lên rẫy mang theo nắm cơm, chai nước, hì hục đi bộ hơn chục cây số, rồi chiều chiều hái nắm lá khoai mì, đào vài rễ cây kéo nhau về. Ba tháng liền chăm bẵm rẫy khoai mì, đến ngày thu hoạch người kinh[2] mang bao, mang xe vào chở đi hết, vì họ nợ tiền người kinh để mua phân bón, thuê máy bơm nước cho khoai mì, tiền vay trong những ngày sinh sống. Buồn hơn, khi cả ngày làm việc vất vả, tối đến các ông, các anh tụ tập uống rượu để hàn huyên, để quên đi những vất vả của kiếp người, nhưng rồi lại say. Người phá làng, phá xóm, người đánh vợ, đánh con. Người dân nghèo cứ nghèo, đau khổ chồng chất đau khổ, dường như chẳng một lối thoát nào tươi đẹp dành cho họ.
Một tháng rưỡi sống và làm việc với người dân Kon Rẫy tôi đã bao lần thao thức, tự hỏi Thiên Chúa, Ngài ở đâu trước những đau khổ, những sự dữ đang hoành hành giữa con người nơi đây? Ngài có thực sự hiện hữu hay không? Nếu có, sao Ngài để mặc con cái Ngài vùng vẫy, mặc họ khổ cực, mặc họ khóc than? Sao Ngài để sự dữ tồn tại trong khi Ngài là Đấng toàn năng, toàn tri và yêu thương? Nếu Ngài là Đấng yêu thương trọn vẹn, Ngài phải muốn hủy diệt sự dữ chứ? Nếu Ngài là Đấng toàn năng, Ngài cũng phải có khả năng để loại trừ sự dữ chứ?[3] Trong khi sự dữ vẫn hiện hữu, hóa ra ngoài Ngài không thể toàn năng lẫn yêu thương trọn vẹn?[4]
Để giải đáp thao thức đó, với bài viết này, tôi sẽ bàn về tính thuyết phục các lý luận bảo vệ Thiên Chúa trước sự dữ của thánh Âutinh. Sỡ dĩ tôi chọn thánh Âutinh để bàn trong bài viết này vì ngài là một trong những người đầu tiên bàn về sự dữ dưới góc nhìn triết học, nhưng vẫn đậm nét tôn giáo. Hơn nữa, những lý chứng ngài đưa ra để bảo vệ Thiên Chúa khá mạnh mẽ và để lại một tiếng vang lớn trong giáo hội cũng như trước những tranh cãi về Thiên Chúa đối với những bè phái dựa vào sự dữ để chống lại Thiên Chúa, tuy nhiên những lý luận của người không phải đã hoàn toàn giải quyết vấn nạn sự dữ một cách triệt để, vẫn còn nhiều bỏ ngõ. Thế nên, đó là cơ hội để những người nối tiếp ngài, có một nền tảng để tiếp tục suy tư. Sau này thánh Tôma Aquinô cũng dựa trên những gì thánh Âutinh đã bàn để nghiên cứu và lập luận sâu hơn để bảo vệ Thiên Chúa trước sự dữ như những gì ngài viết trong cuốn Tổng Luận Thần Học phần Thiên Chúa tạo thành và các Thiên Thần. Thế nhưng, trước khi đi vào bàn về tính thuyết phục các lý luận của thánh Âutinh, tôi muốn trình bày đôi nét suy tư về vấn nạn sự dữ.
1. Suy tư về sự dữ
Rõ ràng, cuộc sống con người luôn phải đối diện trước những vấn nạn về sự dữ, những đau khổ do bệnh tật, những thảm hại do thiên tai gây ra, những cuộc chiến tranh khốc liệt giữa con người với con người và cuối cùng là cái chết. Không ai không là nạn nhân của sự dữ.[5] Mỗi người bị sự dữ bao vây một cách khác nhau: chiến tranh, động đất, lũ lụt, bệnh tật, đói khát đã và đang xảy ra nhan nhản trên khắp thế giới, và vì nạn nhân của sự dữ, nên con người không dễ dàng chấp nhận nó. Sự dữ đã gây ra cho con người bao nỗi khổ đau, đau về thể xác đã đành, đau về tinh thần là điều khốn khổ biết bao. Chính vì thế, thái độ của con người luôn luôn chống lại sự dữ, chối bỏ không chấp nhận sự hiện hữu của nó.
Đứng trước “huyền nhiệm sự dữ”[6] (như cách gọi của Gariel Marcel) vừa phi lý vừa gây khó chịu này, con người thường có một phản ứng chính đáng là cự tuyệt và bất mãn. Ai cũng muốn làm mọi cách để thoát khỏi nó nhưng vô hiệu. Huyền nhiệm ấy “bao vây” bất kì ai dù muốn dù không vì “sự dữ không phải là một trục trặc xảy ra ở đâu đó trên thế giới, nhưng nó xuất phát từ con người, từ một nhân loại luôn có “bệnh”, do đó khi đối diện với sự dữ, ta phải nhìn thấy nó có dính dáng đến bản thân ta”.[7]
Nếu đối với người vô thần, sự dữ và đau khổ là một vấn nạn, thì đối với người Ki-tô hữu nó cũng là cớ vấp phạm không kém. Đức tin nói với người Kitô hữu rằng Thiên Chúa chẳng những là Đấng Tạo Hoá, mà còn là Người Cha yêu thương. Nếu nói, Thiên Chúa là tình yêu,[8] sao Ngài lại để cho con cái Ngài phải đau khổ, phải chật vật giữa sự dữ? Chính vì sự hoài nghi đó, niềm tin của nhiều Ki-tô hữu không ít lần bị lung lay và ngờ vựng vào niềm tin về vị Thiên Chúa được xem là ngoài Ngài thì chẳng có gì vượt vĩ đại hơn (a being than which nothing greater can be conceived – Anselm).[9]
Tác phẩm Bước qua ngưỡng cửa hi vọng, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đặt câu hỏi: “Nếu Thiên Chúa là tình yêu, tại sao có quá nhiều điều ác đến trong thế giới?”[10] Ngài cũng trăn trở xâu xé lòng mình “…làm thế nào tiếp tục tin vào Thiên Chúa là Cha đầy lòng khoan dung và là tình yêu như Tân Ước mặc khải, khi con người phải chạm trán với bao đau khổ, bất công, bệnh tật và chết chóc là những cái có vẻ như thống trị lịch sử lớn lao của thế giới cũng như cuộc sống thường nhật nhỏ mọn của chúng ta?”[11] Phải chăng đó là “một sự bất lực của Thiên Chúa”[12] hay “một thất bại của Ngài”.[13]
Với những câu hỏi đó, nhiều người đã dựa vào sự dữ để phủ nhận Thiên Chúa, từ một thiểu số ban đầu đến chỗ ngày càng đông, nhất là trong thời hiện đại. Từ đó dẫn đến một làn sóng phản kháng ngày càng mạnh chống lại Thiên Chúa. Vậy thánh Âutinh đã bàn luận và đưa ra những lý chứng như thế nào đề bảo vệ Ngài trước vấn đề sự dữ?
2. Lý luận bảo vệ Thiên Chúa trước sự dữ của thánh Âutinh.
Trong tác phẩm Tự Thuật của thánh Âutinh, ngài nói: “Tôi biết và luôn tin là Thiên Chúa không bị thay đổi hay hư nát và Thiên Chúa không thể và không tạo nên bất cứ cái gì xấu xa.”[14] Thế nhưng, dẫu tin rằng Thiên Chúa không tạo nên sự dữ, nhưng ngài vẫn không thể phủ nhận sự dữ trong vũ trụ, chính vì thế ngài đã đã thốt lên rằng: “Con không thể gỡ rối và tìm ra nguyên nhân của ác xấu.”[15] Ấy thế, trong khoảng thời gian dài suy tư, cầu nguyện, ngài đã viết trong tác phẩm Enchiridion Cẩm nang giáo thuyết Kitô giáo” viết năm 423, ngài khẳng định: Sự dữ không phải là một sự thể hay hữu thể hay một phẩm chất hiện hữu độc lập mà chỉ là sự khiếm khuyết cái tốt (absence of goodness) nơi hữu thể. Sự ác xuất hiện khi sự thiện nơi một thụ tạo bị hao hụt đi. Như vậy sự ác không phát sinh nơi Thiên Chúa mà xuất hiện nơi tạo vật. Thiên Chúa là sự thiện hảo tuyệt đối, còn sự thiện hảo nơi thụ tạo là tương đối do đó là kẽ hở cho sự ác xuất hiện. Như vậy sự dữ chỉ là sự khiếm khuyết sự thiện do tính hữu hạn của hữu thể thụ tạo. Tự thân, sự dữ không là gì cả. Có thể nói sự dữ là phi hữu thể.[16] Tuy nhiên, sự dữ cũng thực sự hiện hữu, bởi vì một hữu thể chỉ có thể bị thiếu một điều gì đó mà lẽ ra nó phải có xét theo bản tính của nó khi có một nguyên nhân tác động làm cho nó bị khiếm khuyết. Chẳng hạn, để di chuyển một tảng đá nặng mười tấn, phải cần đến một phương thế nào đó để nâng nó lên, như cần cẩu chẳng hạn.
Vậy vấn đề đặt ra: Có phải sự thiện là căn nguyên của sự dữ? Trong Contra Iulian, thánh Âutinh cũng đặt vấn đề: “Người ta không thể thấy sự dữ từ đâu đến, nếu không phải là từ một sự thiện nào đó”.[17] Tuy nhiên quan điểm này của ngài dường như đã bị thánh Tôma bác bỏ trong cuốn Tổng Luận Thần Học, ngài nói: “Hình như điều thiện không thể nào là căn nguyên của điều ác”.[18] Tiếp đó, ngài lập luận rằng:[19]
1.      Trong Tin Mừng thánh Mát-thêu (7,18): Cây tốt không thể sinh ra quả xấu.
2.      Điều ác tương phản điều thiện, mà hai điều tương phản thì điều này không thể là căn nguyên của điều kia.
3.      Điều ác là công hiệu thiếu sót, là căn nguyên của khiếm khuyết, mà mọi điều thiếu sót là điều ác, vậy căn nguyên của điều ác chỉ có thể là điều ác.
4.      Trong De Div. Nom. 4 cap, Dionysius nói: Điều ác không có căn nguyên.

Như vậy việc đưa ra bốn lập luận trên thánh Tôma xem rằng điều thiện không phải là căn nguyên của điều ác và đã bác bỏ lập luận của thánh Âutinh. Có lẽ lập luận của thánh Tôma có phần thuyết phục hơn vì rõ ràng, ruồi không thể là nguyên nhân gây bệnh cho ruồi, nhưng chỉ có thể cho súc vật, hay con người. Hay bản tính con người tốt lành không thể trực tiếp sản sinh sự xấu trong bản tính đó. Vậy, một sự thiện không thể là nguyên nhân của một sự xấu vốn đối nghịch với sự thiện đó, nhưng phải là một sự xấu khác. Vậy sự xấu khác là sự xấu nào? Điều này thánh Tôma đã bàn rõ trong mục 3 của chương 9 phần Thiên Chúa tạo thành và các Thiên Thần trong cuốn Tổng Luận Thần Học – “Có chăng một sự xấu tối cao là nguyên nhân đệ nhất của sự xấu không?” Vì sự giới hạn bài viết, nên tôi không bàn quan điểm này của thánh Tôma.
Tiếp đến, thánh Âutinh cho rằng vũ trụ này là tốt lành và mọi thứ đều thiện hảo theo cách thức và mức độ riêng của mình. Sự dữ không phải là do Thiên Chúa tạo ra, nhưng là tình trạng sai lạc của cái gì đó tự nó là tốt lành.[20] Đến đây, có thể thấy tư tưởng của thánh Âutinh có nét khá giống với thuyết Tân Plato về Nhất Thể. Theo Tân Plato, vạn vật phát sinh từ Nhất Thể[21]. Nhất Thể là Đấng Tuyệt Đối, là Hữu Thể đơn nhất và là Thiện Thể[22], nơi đó không có sự ác, sự xấu. Thế nhưng do sự phát tỏa của Nhất Thể, nghĩa rằng mọi vật từ Nhất Thể mà ra. Nhất Thể là Thiện Thể, thế nên Nhất thể không phát sinh sự xấu, cái ác, nhưng sự vật càng ở xa Nhất Thể, sự vật đó càng kém thiện, càng bất toàn, hay có thể nói là sự thiện giảm dần nơi sự vật xa Nhất Thể. Thế nhưng, quan điểm này chỉ có thể phù hợp với quan điểm của thánh Âutinh dưới góc nhìn Nhất Thể là Hữu Thể tuyệt đối và Thiện Thể, nơi đó không phát sinh sự dữ. Sự dữ không đến từ Thiên Chúa (Nhất Thể) mà đến từ thọ tạo (vạn vật). Thế nhưng quan điểm trên của Tân Plato, không thể áp dụng hoàn toàn cho Thiên Chúa vì Nhất Thể phát sinh sự vật một cách không có trật tự, vì thế sự vật càng gần Nhất Thể thì càng thiện, còn càng xa Nhất Thể thì kém Thiện. Trong khi, Thiên Chúa tạo dựng mọi loài có trật tự và tất cả đều tốt đẹp[23] như trong trình thuật sách Sáng Thế đã viết. Như vậy, có thể thánh Âutinh đã bị ảnh hưởng bởi học thuyết của Tân Plato, nhưng ngài đã triển khai nó một cách phù hợp với niềm tin Ki-tô giáo.
Kế đến, thánh Âutinh chống lại với quan điểm của thuyết Nhị Nguyên. Phái Nhị Nguyên cho rằng: Khởi thủy nơi Thiên Chúa có hai nguyên lý đối kháng: Sự Thiện và Sự Dữ[24]. Có lẽ trong cuộc đời của thánh Âutinh, ngài sẽ chẳng thể quên chín năm ngài theo đuổi quan điểm của phái Nhị Nguyên này. Thế nhưng sau đó ngài bắt đầu hoài nghi, ngài tự chất vấn chính mình rằng: “Sao nơi sự Thiện Tuyệt Đối là Thiên Chúa lại có sự phân li giữa thiện và ác?[25] Một Thiên Chúa toàn tri, toàn năng và đầy yêu thương lại có sự hiện diện của sự ác trong nội tại tính của mình? Chính khởi đi từ sự hoài nghi, ngài trở về với một Thiên Chúa là cội nguồn của mọi thiện hảo, là sự thiện hảo tuyệt đối[26] và chẳng có gì lớn hơn ngoài Ngài.
Thế nhưng, vấn đề đặt ra Thiên Chúa không là căn nguyên sự dữ, nơi Ngài không có sự tồn tại của sự dữ, nhưng rõ ràng sự dữ vẫn tồn tại, vậy tại sao Thiên Chúa toàn năng không lấy quyền năng của Ngài ngăn chặn không cho sự dữ xuất hiện? Thánh Âutinh trả lời: Vì một mục tiêu tốt đẹp nào đó Thiên Chúa để cho (hay cho phép) sự dữ xuất hiện, lúc đó do quyền năng, Ngài biến đổi sự dữ thành sự lành. Cho phép nghĩa là Thiên Chúa vẫn còn quyền kiểm soát sự dữ, nếu không Ngài không còn toàn năng nữa.[27] Giả sử sống trong một thế giới mà Thiên Chúa không ngừng can thiệp để loại trừ bất cứ sự dữ hay đau khổ nào khỏi cuộc sống con người, thì chính sự can thiệp như thế sẽ đồng nghĩa với việc loại bỏ luật lệ thiên nhiên. Hơn nữa Thiên Chúa đã ban cho con người quyền tự do, nếu Thiên Chúa kiểm soát sự dữ, chỉ ban chững điều tốt đẹp, liệu rằng có còn sự tự do thực sự - tự do quyết định, tự do hành động. Hơn nữa nếu Thiên Chúa kiểm soát hết, hóa ra con người chỉ là “con rối”, “con rô bốt” trong thế giới mà Thiên Chúa tạo nên. Đàng khác một sự can thiệp như thế khiến thế giới này không còn những thách đố phải vượt qua, không còn những vấn đề phải giải quyết, như vậy cũng làm tiêu tan ý nghĩa cuộc sống, tình thương không còn môi trường để bộc lộ, không còn chỗ cho sự tự hiến. Hơn nữa, nếu cuộc sống chỉ có điều tốt, ai cũng tốt, ai cũng như ai, thì xem ra cuộc sống này thật tẻ nhạt và chẳng chút phong phú. Chẳng còn chút gì để gọi cuộc sống là một món quà mà ai cũng khao khát, thèm muốn được khám phá. Thậm chí, nếu loại trừ đau khổ, sự dữ ra khỏi thế giới, ai chắc cuộc sống này sẽ trở nên hoàn hảo nhất, trở nên một thế giới xứng đáng để sống nhất. Nhìn dưới góc độ này, sự dữ và đau khổ có thể có những giá trị tích cực.
Ấy thế, nói sự dữ mang lại lợi ích hay những giá trị tích cực hoàn toàn không sai, nhưng chắc chắn một điều rằng khi sự dữ, đau khổ mang lại những giá trị tích cực thì cũng phải trả giá biết bao hủy hoại, vì trong thực tế, sự bất hạnh thường làm cho con người đi trệch hướng hơn là làm cho nó trỗi dậy. Đến đây, tôi chợt nhớ một câu chuyện của vị linh mục nọ. Cha kể rằng: Có cô gái mới cưới chồng được mấy hôm thì mất chồng, cô tới gặp cha để xin cầu nguyện cho linh hồn của chồng. Nhưng vì quá buồn và bất mãn với cuộc đời, với Thiên Chúa, cô hỏi cha: Tại sao Chúa lại để con đau khổ? Nếu Ngài thương con sao Ngài nỡ lấy đi người con yêu quý nhất, người làm con hạnh phúc nhất? Hơn nữa, Ngài đâu thể ngủ với con, đâu thể thỏa mãn những nhu cầu trong đời sống vợ chồng, đâu thể khiến con có em bé? Thế đấy, những câu hỏi cô gái đặt ra khiến vị linh mục cảm thấy sượng sùng và khó lòng cho cô gái một lời an ủi thỏa đáng. Kế đến, nếu quan điểm Thiên Chúa để cho sự dữ xuất hiện thì có thể suy rằng Thiên Chúa trực tiếp dính líu vào sự ác, đau khổ và điều này làm cớ cho con người phủi trách nhiệm trước những sự ác mà mình gây ra. Chính vì thế khi gặp sự dữ, đau khổ con người dễ dàng than trách, đổ lỗi hay bất mãn với Thiên Chúa vì ở đời không nhiều người nhớ đến Chúa khi họ hạnh phúc, sung túc, thế nhưng khi gặp đau khổ, người người than trách, kêu gào và luôn miệng hỏi: Thiên Chúa, Ngài đâu rồi? Sao Ngài để con đau khổ?
Như vậy, cho dù cách lý luận của thánh Âutinh để bảo vệ Thiên Chúa nếu tránh được cho Thiên Chúa trách nhiệm tạo ra sự dữ và đau khổ nói chung, nhưng thật sự vẫn còn nhiều nghi ngại về vấn đề sự dữ và đau khổ đối với người vô tội. Trong tác phẩm Về Từ Cõi Chết, Wiesel nhớ lại cảnh một đứa trẻ vô tội đang bị treo cổ, ông viết: “…khi nhìn một đứa bé khác mang nét mặt của một thiên thần u sầu, bị treo cổ, thì lúc đó, ai đó sau lưng mình kêu lên: “Lúc này Thượng đế ở đâu?”[28] Hay thực trạng ngày nay bao đứa trẻ chưa kịp chào đời đã bị tước quyền sống ngay trong bụng mẹ. Như vậy, “mầu nhiệm” sự dữ luôn mãi là một thách đố, một vấn nạn không chỉ đối với những người có niềm tin Ki-tô giáo, nhưng còn là nỗi ưu tư của bất kì ai khi họ bước vào đời, bước vào một cuộc sống đâu đâu cũng thấy sự dữ, thấy đau khổ. Có thể dưới cái nhìn của một người bi quan, họ sẽ đổ lỗi cho Thiên Chúa vì Ngài “cho phép” sự dữ tồn tại trong khi Ngài có quyền năng để loại trừ nó và Ngài mặc cho con cái của Ngài đau khổ. Hay họ sẽ đổ lỗi cho tha nhân vì anh mà tôi đau khổ, hay cho hoàn cảnh. Nhưng với cái nhìn của một người lạc quan dù họ có niềm tin vào Thiên Chúa hay không, họ sẽ chấp nhận sự dữ như một phần của cuộc sống, nghĩa rằng đã là cuộc sống thì có vui – buồn, sướng – khổ, tốt – xấu. Vì thế, khi con người bước vào cuộc sống, con người cũng sẽ mặc nhiên chấp nhận những điều đó đến với mình.
Để kết thúc bài viết, tôi muốn mượn lại tư tưởng của thánh Âutinh khi ngài “lao mình” vào suy tư, nghiên cứu vấn nạn sự dữ để bảo vệ Thiên Chúa – một Thiên Chúa toàn năng, toàn tri, và luôn yêu thương đong đầy. Ngài nói: “Đó là những tư tưởng mà con đang trăn trở về sự dữ. Linh hồn tội nghiệp mà nỗi sợ chết và việc đi tìm chân lý không mấy hiệu quả đã gây nên nhiều ưu tư rất xót xa”.[29] Rõ ràng thánh Âutinh đã nổ lực rất nhiều trong việc lập luận bảo vệ Thiên Chúa trước sự dữ, để thấy rằng Thiên Chúa không phải là tác nhân của sự dữ, nơi Thiên Chúa chỉ có sự thiện tuyệt đối và sự dữ có mặt trong vũ trụ này không phải là xấu hoàn toàn, nhưng nó có một giá trị nhất định để qua sự dữ không chỉ thấy Thiên Chúa toàn năng, toàn tri, nhưng còn để con người thấy được cuộc sống này thật mầu nhiệm, thật đáng sống, đáng khám phá. Có thể những gì thánh Âutinh biết, ngài suy tư, cảm nghiệm và lý luận về sự dữ vẫn còn nhiều bỏ ngõ, chưa đi đến tận căn và trả lời một cách triệt để, dứt khoát, vì sự dữ đã là một mầu nhiệm thì sao con người có thể thấu hiểu hết, nhưng đó cũng chính là nền tảng giúp cho con người tiếp tục suy tư, khắc khoải về sự dữ.
Tài Liệu Tham Khảo
1.       AQUINAS, Thomas, Tổng Luận Thần Học về Thiên Chúa Tạo Dựng và Các Thiên Thần, Phần I, Vấn đề 44-64, NXB TP. HCM, 2001
2.       Augustino, Tự Thuật Thánh Augustino, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2010.
3.       Chu Văn, Những Con Đường Dẫn Đến Thiên Chúa, Giáo lý cho người trưởng thành.
4.       ĐTC Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng, NXB Tôn Giáo, 2013.
5.       HICK, John H, Philosophy of Religion, Fourth Edition, Prentice Hall, Englewood Cliffs, New Jersey 07632.
6.       Ngô Tường DZũng, Tự Thú của Thánh Augustinô, Texas, USA.
7.       Nguyễn Đăng Trực, Lý Học Về Thượng Đế, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh.
8.       Nguyễn Mạnh Tăng, Lịch Sử Triết Học, 2007.
9.       Nguyễn Quốc Lâm, Metaphysique – Dẫn Vào Siêu Hình Học (Jean Grondin, Introduction a la Metaphysique), Universite de Montreal, 2004.
10.    Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết học Tây Phương Hiện Đại, Tài liệu lưu hành nội bộ.
11.    Wiesel, Elle, Về Từ Cõi Chết, NXB Văn Học, 1958.
Kinh Thánh Tân Ước và Cựu Ước, L


[1] Sông Đắk Bla là một con sông đổ ra sông Sê San. Sông có chiều dài 157 km và diện tích lưu vực là 3.436 km². Sông Đắk Bla chảy qua các tỉnh Kon Tum, Gia Lai. (https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C4%83k_Bla_(s%C3%B4ng))
[2] Người viết đề cập đến người kinh nhằm phân biệt với người dân tộc.
[3] HICK, John H, Philosophy of Religion, Fourth Edition, Prentice Hall, Englewood Cliffs, New Jersey 07632, trang 39.
[4] HICK, John H, Philosophy of Religion, Fourth Edition, Prentice Hall, Englewood Cliffs, New Jersey 07632, trang 40.
[5] Nguyễn Đăng Trực, Lý Học Về Thượng Đế, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, trang 74.
[6] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết học Tây Phương Hiện Đại, Tài liệu lưu hành nội bộ, trang 133.
[7] Nguyễn Trọng Viễn, Lịch Sử Triết học Tây Phương Hiện Đại, Tài liệu lưu hành nội bộ, trang 133.
[8] 1 Gioan 4, 16.
[9] HICK, John H, Philosophy of Religion, Fourth Edition, Prentice Hall, Englewood Cliffs, New Jersey 07632, trang 15.
[10] ĐTC Giáo Hoàng Gioan Phaolô II,  Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng, NXB Tôn Giáo, 2013, trang 96.
[11] ĐTC Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng, NXB Tôn Giáo, 2013, trang 96.
[12] ĐTC Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Bước Qua Ngưỡng Cửa Hi Vọng, NXB Tôn Giáo, 2013, trang 100.
[13] Chu Văn, Những Con Đường Dẫn Đến Thiên Chúa, Giáo lý cho người trưởng thành, trang 195.
[14] Ngô Tường DZũng, Tự Thú của Thánh Augustinô, Texas, USA, trang 41
[15] Augustino, Tự Thuật Thánh Augustino, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, trang 203.
[16] Nguyễn Đăng Trực, Lý Học Về Thượng Đế, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, trang 73.
[17] St.Augustino, Contra Iulian, I, 9, PL 44, p.670.
[18] AQUINAS, Thomas, Tổng Luận Thần Học về Thiên Chúa Tạo Dựng và Các Thiên Thần, Phần I, Vấn đề 44-64, NXB TP. HCM, 2001, trang 177.
[19] AQUINAS, Thomas, Tổng Luận Thần Học về Thiên Chúa Tạo Dựng và Các Thiên Thần, trang 177.
[20] HICK, John H, Philosophy of Religion, Fourth Edition, Prentice Hall, Englewood Cliffs, New Jersey 07632, trang 42.
[21] Nguyễn Mạnh Tăng, Lịch Sử Triết Học, 2007, trang 107.
[22] Nguyễn Mạnh Tăng, Lịch Sử Triết Học, 2007, trang 106.
[23] St 2, 31.
[24] Nguyễn Quốc Lâm, Metaphysique – Dẫn Vào Siêu Hình Học (Jean Grondin, Introduction a la Metaphysique), Universite de Montreal, 200, trang 80.
[25] Nguyễn Quốc Lâm, Metaphysique – Dẫn Vào Siêu Hình Học (Jean Grondin, Introduction a la Metaphysique), Universite de Montreal, 2004, trang 80.
[26] Augustino, Tự Thuật Thánh Augustino, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, trang 203.
[26] Nguyễn Đăng Trực, Lý Học Về Thượng Đế, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, trang 74.
[27]Nguyễn Đăng Trực, Lý Học Về Thượng Đế, Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, trang 74.
[28] Wiesel, Elle, Về Từ Cõi Chết, NXB Văn Học, 1958, trang 9.
[29] AQUINAS, Thomas, Tổng Luận Thần Học về Thiên Chúa Tạo Dựng và Các Thiên Thần, trang 209.

Comments

Popular Posts