Tông Đồ Hè Năm 2020
Tông Đồ Hè Năm 2020
Giáo Xứ Khánh Minh
Khóm 4, Thị Trấn U Minh, Huyện U Minh, Tỉnh Cà Mau
Tuần I
Kết thúc năm học Thần I tại Học viện Dòng Tên, tôi và thầy
Anh Tuấn nhận bài sai xuống một giáo xứ ở Cà Mau mục vụ hè.
Tối ngày mùng 06 tháng 06, với niềm tín thác vào sự quan
phòng của Chúa và trong vâng phục cha Bề trên và cha giáo, hai anh em chúng tôi
rời Sài Gòn, bắt xe xuống Miền Tây. Thật sự, tôi rất hào hứng với chuyến tông đồ
này. Tôi phấn kích phần vì lần đầu tiên đi giúp xứ với danh nghĩa là một thầy
dòng Thương Khó Chúa Giêsu, phần vì đi giúp xứ ở Cà Mau – mảnh đất tôi luôn
khao khát đặt chân vì tôi đã nghe nhiều, thấy nhiều trong ti vi nhất là từ bộ
phim Đất Phương Nam, phần vì tôi muốn được trải nghiệm cuộc sống Miền Tây sông
nước. Đặc biệt, tôi muốn làm gì đó cho người nghèo, cho những đứa trẻ nghèo và
đồng thời rèn luyện đời sống mục vụ, đời sống ơn gọi cũng như đức tin của mình.
Như vậy, hôm nay là tròn 1 tuần, tôi đặt chân tới giáo xứ
Khánh Minh, do cha Phêrô Nguyễn Chí Hùng quản xứ. Tôi cứ nghĩ vùng đất U Minh sẽ
toàn rừng, xa xôi hẻo lánh. Nhưng tôi đã nhầm, vùng đất tôi đến là thị trấn,
đúng hơn là một thị trấn sông nước. Thật sự, đúng U Minh là vùng sông nước, bao
quanh là kênh rạch, thuyền bè. Ở đây, những con đường xi măng đã được làm khang
trang, những cây cầu khỉ, cầu cây, cũng dần thay bằng cầu xi măng, cầu sắt chắc
chắn hơn. Những ngôi nhà mái tranh, hầu hết, cũng đã thay thế bằng nhà tôn, nhà
gạch. Tuy nhiên, một điều tôi không ngờ, có lẽ tôi sẽ không bao giờ nghĩ tới
chính là muỗi. Ở đây rất nhiều muỗi. Mỗi tối ăn cơm, anh em chúng tôi phải đốt
nhang muỗi. Mấy hôm, chúng tôi còn chọc nhau mang cơm vào giường, mắc mùng, ăn
xong rồi nằm ngủ luôn. Cứ khoảng 7h tối là muỗi hoạt động. Chúng đông như quân
Nguyên, đông vô số kể. Chính vì thế, khoảng 7h rưỡi, sau cơm tối, chúng tôi
cũng lên bắt đầu đi ngủ.
Công việc chính của anh em tôi là đi thăm người dân trong xứ,
dạy giáo lí cho dự tòng và dạy tiếng Anh cho các em thiếu nhi trong xứ. Ban
sáng, chúng tôi có Thánh Lễ. Thánh Lễ ngày thường chỉ có khoảng 5 người, tính cả
linh mục và hai anh em tôi. Hôm nào đông thì 8 người. Giáo xứ Khánh Minh, trên
giấy tờ, có khoảng ba trăm rưỡi giáo dân, nhưng họ ở theo cụm, cách xa nhau. Có
nhiều gia đình cách xa nhà thờ tới 30 cây số. Hơn nữa, giáo dân ở đây chủ yếu
là người lớn, người già, nên họ chỉ có thể đi lễ Chúa Nhật, còn ngày thường thì
họ không đi được vì không có ai chở họ đi. Tuy ngày Chúa Nhật có hai Thánh Lễ,
nhưng vỏn vẹn cũng khoảng 100 người tham dự lễ.
Sau Thánh Lễ, anh em tôi quét dọn nhà thờ, sau đó ăn sáng, rồi
lên đường đi thăm người dân. Chúng tôi theo chân chú Hưng – trưởng khu U Minh.
Chú dẫn chúng tôi đi thăm các hộ gia đình Công giáo ở Nguyễn Phích, Khánh Hội,
Khánh Lâm, Khánh Tiến... Ngày nắng cũng như ngày mưa, anh em tôi với chú Hưng
đi hết khu này tới khu khác chỉ để thăm, trò chuyện và lắng nghe những câu chuyện
của họ. Đúng người Miền Tây, họ hiếu khách là vậy, luôn luôn chuẩn bị bàn nhậu
khi anh em tôi đến. Nhiều lúc bàn nhậu chẳng có gì nhiều, ngoài chút cá và chút
rau cùng với chai rượu. Ai thịch soạn hơn thì con gà, tô mực và thùng bia. Nếu
chúng tôi chỉ tới thăm rồi về, không ở lại dùng chén rượu, họ sẽ buồn, nên nằng
nặc mời chúng tôi chén rượu, rồi tâm tình chúng tôi nghe bao chuyện. Có lẽ tôi
sẽ viết thêm về văn hóa nhậu của người Miền Tây ở một bài viết khác.
Chiều đến, anh em tôi chia nhau dạy giáo lí. Tôi được cha xứ
giao cho dạy hai đôi dự tòng. Một đôi ngoài 40 tuổi, đôi kia đã ngoài 70. Đức
tin của họ pha trộn giữa niềm tin tôn giáo (Thiên Chúa Giáo) với tín ngưỡng thờ
ông bà, thờ Phật, thờ Bà Chúa Xứ, thậm chí còn có chút mê tín dân gian. Họ đến
học đạo và muốn theo đạo với một đức tin vô cùng đơn sơ và chân thành. Hơn nữa,
họ đã lớn tuổi, cuộc sống của họ có quá nhiều thứ phải lo, phải suy nghĩ, như
anh Lằng, chị Thảo thì lo bán vé số, lo cho con cái. Ông Ai bà Vâng thì lo sửa
ghe đóng thuyền. Chính vì thế, dạy giáo lí cho họ là một thách đố để làm sao họ
hiểu đạo và yêu mến đạo một cách đúng đắn, nhưng cũng phải làm sao để thật dễ
hiểu, thật gần gũi và giản dị thì họ mới tiếp thu được.
Chiều tối, hai anh em chúng tôi giúp các em nhỏ trong xóm học
tiếng Anh. Tôi thì phụ trách từ lớp 1 đến lớp 3, còn lớp lớn anh Tuấn lo. Tất cả
bọn trẻ chẳng có ai là Công giáo, dẫu ba hoặc mẹ là người Công giáo. Sau 1 tuần
dạy học, tôi mới nhận ra điều này. Lớp tôi có hơn 10 em. Chúng ở quanh nhà thờ.
Sáng chiều chúng tới trường, chiều tối thì í ới, qua học tiếng Anh, vui chơi với
anh em tôi. Thật sự, nói là dạy tiếng Anh cho trẻ em, nhưng chủ yếu tôi giúp
các em phát âm, cho các em nhảy múa mấy bài tiếng Anh và giúp các em nói mấy
câu đơn giản. Tôi chỉ muốn làm điều gì đó mang lại tiếng cười và dành chút thời
gian vui chơi với chúng.
Sau một tuần ở mảnh đất U Minh với giáo dân Khánh Minh, tôi
học được nhiều điều về cuộc sống của người dân nơi đây, về văn hóa trong ăn uống,
trong giao tiếp, trong tổ chức lễ tang, phong tục ma chay, trong cách giữ đạo
và thực hành đạo. Tưởng là xuống đây tôi sẽ giúp họ về đời sống đức tin, nhưng
chẳng phải, họ mới là người giúp tôi. Họ cho tôi có một cái nhìn mới về mục vụ,
về cách truyền giáo, về cách làm sao hòa hợp đức tin và những lễ nghi dân gian,
nhất là giúp tôi nói về Chúa một cách giản dị, đời thường và thực tế hơn là
sách vở và lí thuyết cao siêu.
Chẳng biết những ngày tới sẽ như thế nào, những cơn mưa có
còn dai dẵng, lũ muỗi có còn “tấn công” anh em tôi mỗi tối, hay tôi có thể ăn
những món cá “đặc biệt” ở xứ này hay chăng. Tôi chẳng biết, nhưng hiện tại tôi
vẫn yêu mến và nhiệt thành với sứ vụ của mình. Xin Chúa gia tăng nghị lực, sức
khỏe và lòng nhiệt thành trong con để con dấn thân trọn vẹn với những
gì con đã được sai đi.
14/06/2020
NHÀ THỜ GIÁO XỨ KHÁNH MINH
Xin Chúa gia tăng nghị lực, sức khỏe và lòng nhiệt thành trong con người của em và người anh em nhé! Mong anh em tiếp tục làm cho ngọn lửa bùng cháy mỗi ngày ngang qua gặp gỡ và dấn thân với những con người đơn sơ, dễ thương và đầy chân thành. Anh hy vọng sớm đọc được bài mới về văn hóa ăn nhậu của dân miền Tây nhé! Nguyện xin Chúa chúc lành cho mọi công việc của anh em. Cám ơn những con người đầy nhiệt huyết.
ReplyDelete