Ta Khát (Ga 19:28)
Ta Khát
(Ga 19:28)
Hôm nay, tôi muốn đưa mọi người đi với tôi đến Golgotha, nơi
Chúa Giêsu chịu treo trên Thánh giá. Mọi người có thể chọn cho mình một nơi có
tầm nhìn thật tốt để chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đau khổ như thế nào, nghe những
gì Người nói và cảm nhận những gì Người đang trải qua.
Mọi người có nghe thấy một trong những lời cuối cùng của
Chúa Giêsu mà Ngài nói lớn từ Thánh giá: “Ta khát” không? Đây là lời thứ năm
trong bảy lời cuối cùng của Chúa Giêsu trên Thánh giá. Tôi có thể nói lời này
là tâm tình đầy con người nhất được Chúa Giêsu nói ra. Chúa Giêsu khát vì Ngài
đã bị quân lính đánh đập, phải đội đầu bằng gai, vác thập tự giá, ngã ba lần
trên đường đi, và bị đóng đinh vào thập giá. Như vậy, Chúa Giêsu khát là một điều
hết sức dễ hiểu. Ngài đã mang trên mình tất cả các phẩm tính của con người và
khát là một nhu cầu chung mà mọi người đều trải qua. Vì vậy, chúng ta có thể dừng
lại và suy ngẫm về từ “Ta Khát” của Chúa Giêsu.
Đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất về lời của Chúa Giêsu: “Ta
Khát”, nhắc nhở chúng ta về bản tính con người của Chúa Giêsu. Đây không phải
là một vở kịch trên Thánh giá. Dĩ nhiên, đây không phải một vị thần đang giả vờ
trải qua một hành động tra tấn thể xác – điều mà không thể gây nên một tác động
nào tới Ngài. Nhưng, Chúa Giêsu tự cho phép mình bị đưa xuống hố của mọi sự
khát khao. Ngài cảm thấy cơ thể khát khi bị đẩy đến giới hạn gần chết của mình.
Đây là sự đau khổ thực sự về thể lí, trong đó khát là yếu tố mà hầu hết chúng
ta có thể nhận ra từ kinh nghiệm cá nhân của mình.
Tuy nhiên, cơn khát của Chúa Giêsu không chỉ là thể lý. Sự
khát của Chúa Giêsu không chỉ đơn giản là vì nước. Vậy, Chúa Giêsu khát điều
gì? Đúng vậy, những lời của Chúa Giêsu trên Thánh giá, “Ta Khát,” cho thấy nhiều
điều hơn nhu cầu thể lý của Ngài về nước. Đó là một cơn khát tinh thần mà tôi
muốn tập trung vào:
Thứ nhất, Tình Yêu. Ngài khát tình yêu của chúng ta. Chúa
Giêsu khao khát tình yêu từ mỗi người chúng ta. Ngài chấp nhận trút bỏ vinh, bằng
cách mang lấy thân phận nô lệ, sinh ra giống người trần thế, và chết trên Thánh
giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Ngài yêu chúng ta cho đến chết treo trên
Thánh giá và không bao giờ hối tiếc về tình yêu này. Vì thế, Ngài mong mỏi mỗi
người chúng ta nhận ra tình yêu này và đáp lại tình yêu đó của Ngài. Đúng vậy,
Chúa Giêsu yêu chúng ta và cũng muốn được chúng ta yêu.
Thứ hai, Ngài khao khát sự hoán cải của chúng ta để trở về với
Thiên Chúa, bất kể tội lỗi của chúng ta như thế nào. Chúa Giêsu đã chết trên Thánh
giá để ban sự sống cho chúng ta, để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta. Nhưng vẫn
còn rất nhiều người sống xa Chúa như đứa con hoang đàng xin cha chia tài sản để
đến một đất nước xa xôi, sống ngoài bàn tay của Thiên Chúa. Tuy nhiên, cũng giống
như người cha, Chúa Giêsu luôn khao khát chúng ta trở về nhà, trở về với Thiên
Chúa vì Ngài không bao giờ và chưa bào giờ muốn lạc mất chúng ta. Và bây giờ,
trên Thánh giá, Ngài bày tỏ sự khao khát chúng ta hoán cải để trở lại mối tương
quan với Ngài và ở lại với Ngài.
Cuối cùng, không phải là kết thúc, Ngài khao khát chúng ta
loan báo về tình yêu của Ngài cho thế giới qua cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu
Kitô. Đó là đặc sủng, linh đọa và sứ vụ của mỗi tu sĩ Thương Khó. Mỗi tu sĩ Thương
Khó được mời gọi rao giảng cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, nói cho thế giới biết
Chúa Giêsu yêu chúng ta như thế nào như Cha Thánh Phaolô Thánh Giá -đấng sáng lập
Dòng Thương Khó đã nói: “Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu là công việc vĩ đại nhất
diễn tả tình yêu của Thiên Chúa”.
Mặc dù ngày nay việc rao giảng sự Thương Khó của Chúa Giêsu
là một sứ vụ không mấy dễ dàng khi nhiều người chỉ muốn nghe Tin Mừng của sự
thingj vượng, hạnh phúc và đầy đủ hơn là phải nghe về đau khổ, cái chết. Nhưng
linh đạo về sự Thương Khó chưa bao giờ và không bao giờ là cũ kĩ và trở nên lỗi
thời. Vì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu luôn có ý nghĩa và giá trị theo thời gian
và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt là khi chúng ta đang đối mặt với đại dịch
Covid 19 hiện nay. Hơn bao giờ hết, chúng ta ý thức rõ dù không muốn đau khổ,
nhưng chúng ta không thể tự giải thoát mình khỏi những gì thế giới dang vật lộn.
Chính vì thế, Chúa Giêsu khát khao mỗi tu sĩ Thương Khó cách
riêng, và tất cả mọi Kitô hữu hãy làm điều gì đó cho những người đang đau khổ
xung quanh chúng ta. Hãy chia sẻ, nâng đỡ nhau qua đời sống cầu nguyện, hi sinh,
bác ái vì chính khi chúng ta hành động là chúng ta đang sống kinh nghiệm khát của
Chúa Giêsu và cũng làm dịu cơn khát đó của Ngài.
Cuđộ
Comments
Post a Comment