Thánh Vịnh 26
Yêu Chúa
Trong Thánh Vịnh 26
Mục Lục
II. Ý Nghĩa Thần Học Trong TV 26
1. Yêu Chúa Là Yêu Mến Đường Lối Của Chúa
2. Yêu Chúa Là Yêu Mến Sự Thiện Hảo, Xa Lánh Sự Dữ
3. Yêu Chúa Hết Lòng, Hết Linh Hồn, Hết Trí Khôn
1. Yêu Chúa Từ Kinh Nghiệm Của Chúa Giêsu
2. Yêu Chúa Từ Kinh Nghiệm Của Đức Mẹ Maria
3. Yêu Chúa Từ Kinh Nghiệm Của Một Tu Sĩ Thương
Khó
Dẫn Nhập
Trong cuốn sách The Book of Psalms,
cha Carroll Stuhlmueller,[1] ngài nói rằng:
“Thánh Vịnh (TV) là một ‘căn phòng cổ kính’ cất giữ, bảo tồn văn hóa, lịch sử,
đức tin và tình yêu của cha ông chúng ta (dân Israel). Khi đọc TV, chúng ta hồi
tưởng, sống lại hành trình đức tin quá đỗi thăng trầm của cha ông. Đồng thời, 150
TV cũng nói lên những khao khát, những cung bậc cảm xúc, những kinh nghiệm cá
nhân của người xưa dành cho Thiên Chúa và Thiên Chúa dành cho con người.”[2]
Trong những cung bậc cảm xúc của các vịnh
gia thể hiện trong 150 TV, cảm xúc “Yêu” là một chủ đề lớn, để lại nhiều suy tư
và cảm nghiệm thiêng liêng cho đời sống đức tin và cho việc cầu nguyện. Có nhiều
TV trình bày tình yêu của Thiên Chúa đối với con người và cũng không thiếu những
TV nói lên tình yêu của con người dành cho Thiên Chúa. Trong đó, tình yêu con
người dành cho Thiên Chúa thể hiện ở nhiều chiều kích như: yêu mến luật Chúa,
yêu nơi Chúa ngự, yêu vinh quang của Chúa, yêu mến lòng nhân hậu của Chúa, yêu
công trình sáng tạo của Chúa.
Trong bài viết này, người viết chọn TV 26
để tìm hiểu tình yêu của vịnh gia dành cho Thiên Chúa bằng phương pháp nghiên cứu
bản văn. Qua việc khởi đi từ bản văn, kết hợp nghiên cứu các biện pháp tu từ
cũng như cấu trúc của TV 26, người viết hi vọng có thể biết thêm, hiểu thêm và
cảm nghiệm được một phần đời sống đức tin, cũng như tình yêu của vịnh gia dành
cho Thiên Chúa được diễn tả qua TV này.
Đặc biệt, từ kinh nghiệm đức tin của vịnh
gia đã được khám phá trong TV 26, người viết cũng muốn tìm kiếm ý nghĩa thần học
ẩn giấu trong bản văn liên kết với Đức Kitô. Đồng thời, với gương mẫu đời sống
đức tin của Đức Trinh Nữ Maria, người viết muốn liên kết tình yêu của vịnh gia
với kinh nghiệm của Đức Mẹ. Cuối cùng là lời mời gọi sống được khởi đi từ việc
tìm hiểu kinh nghiệm đức tin của vịnh gia và ý nghĩa thần học của TV 26, với tư
cách là một tu sĩ Dòng Thương Khó Chúa Giêsu, người viết hi vọng tìm thấy những
lối hiểu giúp ích cho đời sống ơn gọi và sứ vụ của mình.
Thánh Vịnh 26[3]
1 Xin xử cho
con, lạy ĐỨC CHÚA,
vì con bước đi
trong sự vẹn toàn của con.
Con tin tưởng
vào ĐỨC CHÚA, không chao đảo.
2 Xin dò xét
con, lạy ĐỨC CHÚA, và xin thử thách con.
Xin luyện thận
con và tim con.
3 Vì tình
thương của Ngài ở trước mắt con,
và con bước đi trong chân lý của Ngài.
4 Con không ngồi
với những người xảo trá,
không đến với
những kẻ ám muội.
5 Con ghét bè
lũ xấu xa,
không ngồi với những kẻ gian ác.
6 Con rửa đôi
bàn tay con trong sự vô tội,
và đi vòng
quanh bàn thờ của Ngài, lạy ĐỨC CHÚA,
7 để làm cho
nghe được tiếng tri ân,
và tường thuật
mọi việc kỳ diệu của Ngài.
8 Lạy ĐỨC CHÚA,
con yêu nơi ở của Nhà Ngài
và chốn cư ngụ của vinh quang Ngài.
9 Xin đừng gộp
chung mạng con với kẻ tội lỗi,
và đời con với
người khát máu,
10 mà tội ác ở
trong đôi tay chúng,
và tay mặt chúng đầy của hối lộ.
11 Phần con,
con bước đi trong sự vẹn toàn của con.
Xin cứu chuộc
con và xót thương con.
12 Chân con đứng
vững nơi bằng phẳng,
giữa những đại
hội con sẽ chúc tụng ĐỨC CHÚA.
Với đề tài “Yêu Chúa Trong Thánh Vịnh
26”, người viết chọn bản văn học thuật KPB của nhóm các Giờ Kinh Phụng Vụ
(NCGKPV) để nghiên cứu. Sỡ dĩ người viết chọn bản văn này vì khi đối chiếu giữa
bản phổ thông KPA của NCGKPV và bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn, thì TV 26 của
bản KPB dịch sát với tiếng Do Thái và với tiếng Anh hơn.[4]
Cụ thể, trong câu 2 từ Do Thái “כִלְיוֹתַי” (kilyah: kidney (thận)), bản KJV dịch
là “reins”, bản KPA dịch “tâm can”, cha Nguyễn Thế Thuấn dịch “tâm can” và bản KPB
dịch là “thận”. Nếu phân tích từ, theo từ điển của Viện Ngôn Ngữ Học, khi nói
“tâm can” là chỉ về bộ phận tim và gan của con người,[5]
trong khi từ “כִלְיוֹתַי” được dịch là thận (kidneys) chứ không bao gồm tim và
gan. Như vậy, người viết quyết định chọn bản văn TV 26 của KPB để làm nguồn
nghiên cứu trong bài viết này.
Mặc
dù không thể chắc chắn hoàn toàn, nhưng dường như hầu hết các học giả[6]
khi nghiên cứu về TV 26 đều cho rằng tác giả của TV 26 là vua Đavít. Cụ thể, Allen
P. Ross cho rằng các TV 25, 26, 27, 28 được viết bởi Đavít và trong cùng một
khoảng thời gian với mô típ bao gồm lời buộc tội, lòng trung thành với Đức
Chúa, lời cầu nguyện để được minh oan, giải cứu và tin tưởng Đức Chúa sẽ lắng
nghe lời cầu nguyện.[7]
Tuy
nhiên, cũng có học giả nghi ngờ về Đavít là tác giả. Cụ thể, Wayne Jackson cho
rằng: nếu xem TV 26 là của Đavít thì thật vô lí[8]
vì một người có nhiều tì vết tội lỗi như Đavít sẽ không đưa ra lời khẳng định mạnh
mẽ về sự chính trực (người vô tội, người vẹn toàn) như TV đã đề cập trong c.1
và c.11. Ngoài ra, ở c.6 có nhắc tới “Altar” (bàn thờ) và c.8 có đề cập tới
“House” (Nhà Ngài). Theo tác giả, điều này được cho là ám chỉ “Temple” (đền thờ),
nhưng đền thờ không được xây dựng ở thời vua Đavít nhưng mãi thời vua Salomôn đền
thờ mới được xây dựng.
Như
vậy, việc xác định nguồn gốc và tác giả của TV 26 vẫn còn nhiều bỏ ngõ và chưa
có một nguồn chứng từ chính xác rõ ràng giúp cho việc nghiên cứu đi tới ngọn
ngành. Nhưng dựa trên truyền thống cổ của Israel và Thánh Kinh, việc đặt để TV
26 vào miệng Đavít cũng chỉ nhằm mục đích nói lên hoa trái xuất phát từ đời sống
đức tin của nhiều tín hữu qua nhiều thế hệ.[9]
Theo ĐGM Giuse Võ Đức Minh, ngài xếp TV
26 thuộc thể văn kêu cứu với mô típ:[10]
mô tả những cảnh khốn cùng, quẫn bách của con người phải đối mặt, sau đó bày tỏ
nỗi niềm đau khổ với Thiên Chúa để xin Người ra tay cứu giúp, an ủi, nâng đỡ. Cuối
cùng là tin tưởng Thiên Chúa giúp đỡ. Cùng quan điểm này, John Brook[11]
cho rằng bố cục của thể văn kêu cứu là mở đầu với việc kêu xin Thiên Chúa. Tiếp
đến mô tả nỗi khốn khổ. Sau đó cầu xin sự xót thương của Thiên Chúa và kết thúc
bằng một câu nói nên lòng phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ ra tay cứu
giúp.
Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu
và phân tích bản văn,[12]
người viết thấy rằng TV 26 không hoàn
toàn thuộc thể văn kêu cứu. Hơn nữa, nếu xếp TV 26 vào thể văn kêu cứu sẽ không
thể bao quát hết nội dung của TV này.
Bên cạnh đó, cha Giuse Ngô Ngọc Khanh,
ngài xếp TV 26 vào thể văn thanh minh vô tội.[13]
Cụ thể, TV thanh minh vô tội là lời cầu nguyện của người gặp tình cảnh bị vu
cáo, nên chạy đến trước thánh nhan Chúa để thanh minh, kêu khấn xin Người can
thiệp và tuyên sấm minh oan cho mình vô tội. Cùng quan điểm này có các học giả Carlos
Valle, Allen P. Ross và Peter C. Craigie. [14]
Ba ông cho rằng, thật khó để phân loại TV này, vì TV 26 dường như có mô típ của
thể văn kêu cứu, nhưng nó không hoàn toàn thể hiện rõ. Trong khi TV này giống như
một lời cầu nguyện cho sự minh oan và sự giải thoát khỏi những kẻ xấu xung
quanh để mong chứng minh mình trong sạch và chính trực trước mặt Thiên Chúa.
Nếu nói, TV 26 không hoàn toàn thuộc thể văn kêu cứu và vậy liệu rằng TV này có nhất thiết phải thuộc thể văn thanh minh vô tội như các học giả trên đã nhận định? Điều này không nhất thiết như cha Phạm Hữu Quang nhận định.[15] Ngài cho rằng, chính sự phong phú và đa dạng của thể văn trong cùng một TV vừa cho thấy sự đứt gãy của lịch sử, sự nỗ lực ghép nối của các bản văn từ những mảnh vỡ của các nhà nghiên cứu, từ những giai đoạn, những bối cảnh lịch sử khác nhau. Đồng thời, điều này cũng đòi hỏi người đọc phải nhạy bén, chậm rãi và “tiêu hóa” để có thể nhìn thấy được điều vịnh gia đã kí thác trong TV thông qua việc sử dụng thể văn.
Đức cha Giuse Võ Đức Minh cho rằng, thơ
ca Dothái thể hiện sự thần bí chiêm niệm của mình qua lối hành văn biền ngẫu,
song đối, cũng như việc sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, liên tưởng.[16]
Như vậy, có thể nói qua việc sử dụng các biện pháp tu từ, vịnh gia kí thác nhiều
ý nghĩa thần học, bối cảnh lịch sử, kinh nghiệm đức tin và những cung bậc cảm
xúc khác nhau trong bản văn. Khi tìm hiểu TV 26, người viết thấy rằng, vịnh gia
đã sử dụng nhiều biện pháp tu từ trong TV này như:
Thứ nhất, biện pháp biền ngẫu tứ đối ở
c.1 và c.2: xin xử, xin dò xét, xin thử thách, xin
đem thử lửa; ở c.4 và c.5: Con không
ngồi với những người xảo trá, không đến với những kẻ ám muội,
con ghét bè lũ xấu xa, không ngồi với những kẻ gian ác.
Thứ hai, biện pháp biền ngẫu song đối ở
c.9: xin đừng bắt con đồng số kiếp với tội nhân, xin đừng bắt
con cùng chung vận mệnh với bọn khát máu.
Thứ ba, biện pháp lặp cấu trúc câu. Mở
đầu TV 26, vịnh gia bắt đầu: “Xin xử cho con, lạy Đức Chúa, vì con bước
đi trong sự vẹn toàn của con”, thì kết thúc TV ở c.11 cũng lặp lại cấu
trúc này: “Phần con, con bước đi trong sự vẹn toàn của con.”
Ngoài ra, vịnh gia lặp lại sự ghét bỏ kẻ xấu ở c.4 và c.5 với c.9 và c.10: không
ngồi với quân xảo trá, không giao du với bọn giả hình, không thích bè lũ vô lương,
con không ngồi với phường gian ác (4-5); con không đồng số kiếp với
tội nhân, không chung vận mạng với phường khát máu (9).
Thứ tư, trong TV 26, vịnh gia đã sử dụng
khá nhiều hình ảnh ẩn dụ như “Sự vẹn toàn” và “Bước đi” c.1 và c.11,
“Thận” c.2, “Rửa tay” c.6, “Quà hối lộ” c.10.
Khi tiếp cận TV 26, các học giả đưa ra
nhiều cách phân tích, chia cấu trúc, bố cục của bản văn này. Trong giới hạn bài
viết, người viết xem xét cấu trúc đồng tâm đối xứng được nhiều học giả đồng ý
như Samuel Terrien, Derek Kidner, John Goldingay và các học giả trong The New
Interpreter’s Bible để nghiên cứu TV 26.
Theo Đức cha Giuse Võ Đức Minh, cấu
trúc đồng tâm đối xứng[17]
trong toàn bài thơ thường có một tư tưởng là trọng tâm, là chủ đề. Trọng tâm được
phong phú hoá bởi các tư tưởng, hình ảnh khác nhau, thậm chí có khi mâu thuẫn
nhau. Mục đích là tô điểm thêm cho chủ đề, làm cho trọng tâm được thêm phong
phú. Khi gặp lối cấu trúc này, điều quan trọng là ta cố tìm ra trọng tâm, đừng
để mình bị các hình ảnh khác đánh lạc hướng. Cấu trúc đồng tâm đối xứng sẽ có
hình thức như sau: A, B, C, B’, A’, trong đó yếu tố trọng tâm là C.
Samuel Terrien đã phân chia TV 26 theo
như cấu trúc này như sau:[18]
A: c.1,2,3: Yêu mến đường lối và chân
lí của Chúa
B: c.4,5: Ghét kẻ xấu
C: c.6,7,8: Yêu mến Nhà
Chúa
B’: c.9,10: Ghét kẻ xấu
A’: c.11, 12: Yêu mến đường lối của
Chúa và kiên vững chúc tụng Chúa
Qua cấu trúc đồng tâm đối xứng này,
Samuel Terrien, đã đặt tiêu đề cho TV 26 là yêu mến Nhà Chúa: “I love staying
in thy house” (Con yêu mến ở trong nhà Chúa). Ông cho rằng đây chính là “trọng
tâm”, là “chìa khóa” để hiểu toàn bộ TV này.[19]
Một số học giả khác cũng đi theo cách
phân chia cấu trúc đồng tâm đối xứng đối với TV 26 như Walter Brueggemann và
William H. Bellinger;[20]
Derek Kidner.[21]
Với cái nhìn cá nhân, khi quan sát TV
26, người viết thấy có sự lặp cấu trúc giữa c.1,2,3 và c.11,12; c.4,5 và c.
9,10; c. 6,7,8 như bao quát tất cả những câu còn lại trong TV 26. Thứ nhất, TV
26 mở đầu bằng động từ “xin” (xin xử cho con, xin dò xét con, xin thử thách
con, xin luyện thận con và tim con) và cụm từ “con bước đi trong sự toàn vẹn” ở
c.1 và c.2 thì TV cũng kết thúc với động từ “xin” (xin cứu chuộc con, xin xót
thương con) và “con bước đi trong sự toàn vẹn” ở c.11. Thứ hai, hình ảnh con
không tương quan với “kẻ ám muội”, “lũ xấu xa”, “người xảo trá”, “người kẻ
gian ác” ở c.4 và c.5 được lặp lại ở c.9 và c.10, con không tương quan với
“kẻ tội lỗi”, “người khát máu”, “người làm việc gian ác”, “người nhận quà hối lộ”.
Cuối cùng, c.6,7,8 được xem là trung tâm của toàn bộ TV khi chứa đựng tất cả
con người, ý hướng, tâm tư, tình cảm của vịnh gia. Nói đúng hơn là c.6,7,8 nói
lên một tình yêu hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn của vịnh gia dành cho
Thiên Chúa. Cụ thể, c.6 “con rửa đôi bàn tay con trong sự vô tội”, với hình ảnh
“rửa tay” vừa nói lên sự thanh tẩy, sám hối, vừa nói lên sự thanh sạch. “Đi
vòng quanh bàn thờ của Ngài” đây là hình ảnh “chân đi” vừa nói lên đời sống
luôn hướng về Chúa, vừa thể hiện niềm vinh dự được ở gần bàn thờ Chúa. Câu 7, “để
làm cho nghe được tiếng tri ân” đây là hình ảnh “tai nghe” tiếng Chúa, Lời Chúa,
luật Chúa; “tường thuật mọi việc kỳ diệu của Ngài” là hình ảnh “tâm trí”, nơi
giữ những kí ức, nhưng điều Chúa dạy. Câu 8, “con yêu nơi ở của Nhà Ngài”, hình
ảnh “thận” nơi thể hiện cảm xúc, tình cảm, tình yêu trong văn hóa Dothái. Như vậy,
với tất cả con người mình: đôi tay, đôi chân, đôi mắt, miệng, tim, thận, đầu, mọi
thứ đều quy hướng về Thiên Chúa để sống theo đường lối và tương quan với Chúa.
Như vậy, không phải ngẫu nhiên, Samuel
Terrien và nhiều học giả khác đã chia cấu trúc TV 26 theo lối đồng tâm đối xứng.
Theo cách trình bày trên của người viết cũng phần nào cho thấy tính hợp lí và
khách quan khi xếp loại và nghiên cứu TV 26 theo cấu trúc đồng tâm đối xứng. Tuy
nhiên, không phải tất cả các học giả khi nghiên cứu TV 26, đều khởi đi từ cấu
trúc này và đồng thuận với cách chia của Samuel Terrien. Ví dụ, Mitchell Dahood
và Pius Drijvers chia TV 26 thành 4 phần hoàn toàn khác với Terrien: c.1,2; c.3,4,5,6,7;
c.8,9,10 và c.11,12. Các ông nhấn mạnh tới sự công chính, vô tội của vịnh gia
trong TV 26.[22]
Như vậy, sau khi trình bày khái quát về
bản văn và thể văn của TV 26, người viết sẽ bước vào phần tìm hiểu ý nghĩa thần
học của TV này để không chỉ hiểu ý nghĩa của những biện pháp tu từ vịnh gia sử
dụng trong TV nhưng đồng thời khám phá ý nghĩa thần học được diễn tả ngang qua kinh
nghiệm đức tin trong tình yêu của vịnh gia dành cho Thiên Chúa.
II.
Ý Nghĩa Thần Học Trong
TV 26
1.
Yêu Chúa Là Yêu Mến Đường
Lối Của Chúa
TV 26 mở đầu với lời kêu xin đầy tâm
tình thống thiết và tin tưởng của vịnh gia vào Đức Chúa: “Xin xử cho con (c.1),
xin dò xét con (c.2), xin thử thách con (c.2) và xin luyện thận và tim con
(c.2)”. Việc sử dụng biện pháp lặp từ và biện pháp biền ngẫu tứ đối, vịnh gia vừa
muốn nói lên sự khẩn nài tới Đức Chúa xét lối sống và lương tâm trong sạch của
mình, vừa nói lên một đức tin mạnh mẽ, hoàn toàn tin tưởng vào sự công minh
chính trực của Đức Chúa.[23]
Vịnh gia dám phơi bày con người của mình để Đức Chúa “xử”, “dò xét”, “thử
thách” và “luyện” mà không hề sợ hãi, không nao núng, “không chao đảo” (c.1),
vì vịnh gia luôn “bước đi sự vẹn toàn”.
Hình ảnh ẩn dụ “Bước đi sự vẹn toàn” (integrity)
(c.1, 11) đó chính là một đời sống hoàn hảo (St 17,1), trong sạch, ngay thẳng,
tuân giữ các giới răn, mệnh lệnh của Chúa (1V 9, 4; 1V 2,3; TV 118), biết kính
sợ Thiên Chúa và lánh xa điều ác (Gióp 1,1). Như vậy, việc trung thành với đời
sống hoàn toàn quy hướng về Chúa, sống công chính, tuân giữ giới răn, có một
lòng yêu mến và kính sợ Thiên Chúa, nên vịnh gia mới dám mạnh dạn, tự tin để Đức
Chúa “phán xét” con người của mình.[24]
Allen P. Ross[25]
cho rằng hành động “con bước đi trong sự vẹn toàn” không chỉ muốn nói lên một
cuộc sống nhân đức và không tội lỗi, nhưng còn là một cuộc sống quy hướng về
Chúa cả trong suy nghĩ, hành động và những tiêu chuẩn sống. Peter C. Craigie[26]
cũng xem hành động bước đi này là một lối sống trung thành với theo luật Chúa cả
về đời sống luân lí lẫn thiêng liêng.
Ngoài ra, hình ảnh “Luyện thận và tim
con” (c.2), Allen P. Ross cho rằng “thận” được người xưa sử dụng khi xét về
lương tâm, xác định điều gì là đúng và điều gì là sai, và “trái tim” là trụ sở
của ý chí và tình cảm.[27] Calvin John xem “thận” là hình ảnh của cảm
xúc tình dục, nơi thể hiện cảm xúc của tình yêu. Ông cho rằng, người Do thái
khi nói đến thuật ngữ này là nói về sự tế nhị của người đàn ông.[28]
Do đó, vịnh gia ý thức được sự trong sạch của mình, dâng cả con người từ lối sống,
suy nghĩ, tình cảm của mình, hoàn toàn sống theo luật Chúa để làm vui lòng Đức
Chúa.
Tiếp theo, hình ảnh “tình thương của
Chúa ở trước mặt con và con bước đi trong chân lí của Người” (c.3), theo cha Phạm
Hữu Quang và cha Nguyễn Văn Bình[29]
“tình thương của Chúa” chính là giao ước trung thành của Đức Chúa đối với dân
Ngài. Một giao ước yêu thương thể hiện sự bảo vệ của Đức Chúa. Thế nên, đứng
trước giao ước với Đức Chúa, vịnh gia đã “bước đi trong sự vẹn toàn” và “trong
chân lí” của Đức Chúa, dù có phải đối mặt với muôn vàn sự dữ và kẻ gian ác,
nhưng vịnh gia vẫn trung thành bước đi trong sự vẹn toàn, trong sự công chính để
được Thiên Chúa “cứu chuộc và xót thương” (c. 11).
Như vậy, một mặt vịnh gia “tự tin” với
sự công chính và vô tội của mình trước mặt Đức Chúa, mặt khác vịnh gia cũng khiêm
nhường ý thức con người yếu hèn, mỏng giòn của mình trước sự dữ luôn rình rập để
nương tựa, cậy nhờ vào tình thương và sự che chở của Đức Chúa hầu mong có thể
“đứng vững” (c.12), “vững bước” sống theo đường lối của Chúa với tất cả phận
người.
Như vậy, qua kinh nghiệm của vịnh gia, việc
yêu mến đường lối của Chúa chính là một lòng trung thành giữ giới răn của Chúa,
bước theo chân lí của Ngài với tất cả đời sống của mình từ hành vi đến suy
nghĩ, lẫn cảm xúc, nhưng cũng không quên nương tựa và tin tưởng vào tình thương
của Chúa.
2.
Yêu Chúa Là Yêu Mến Sự
Thiện Hảo, Xa Lánh Sự Dữ
Ở phần trên, vịnh gia thể hiện tình yêu
của mình đối với việc trung thành với đường lối của Chúa ở khía cạnh nội tâm, ý
chí, tình cảm, ở c.4-5; c.9-10 cho thấy một thái độ yêu dứt khoát với sự dữ về
khía cạnh thực hành trong đời sống. Cụ thể, vịnh gia đi vào từng hoàn cảnh và
con người cụ thể qua biện pháp biền ngẫu: “không ngồi với người xảo trá” (c.4),
“không đến với kẻ ám muội” (c.4), “ghét bè lũ xấu xa” (c.5), “không ngồi với những
kẻ gian ác” (c.5), “không gộp chung với người tội lỗi” (c.9), “kẻ khát máu”
(c.9) và “kẻ nhận quà hối lộ” (c.10).
Vịnh gia đã từng nói: “Ngài không phải
là một vị thần ưa điều ác, ác nhân đâu được ở với Ngài, trước nhan Ngài đứa
kiêu căng làm sao đứng vững! Ngài ghét những kẻ làm điều ác.” (TV 5, 5-6). Như
vậy, người xảo trá, kẻ ám muội, lũ xấu xa, kẻ gian ác, người tội lỗi, kẻ khát
máu là những người Chúa ghét bỏ, không thể ngồi đồng bàn với Chúa. Hơn nữa, họ cũng là những nhóm người chống lại
Đức Chúa, không đi theo đường lối và mệnh lệnh của Chúa, như TV 139 đề cập: “Lạy
CHÚA, kẻ ghét Ngài, làm sao con không ghét? Làm sao con không tởm kẻ đứng lên
chống Ngài?”
Thế nên, vịnh gia đã cương quyết sống
theo đường lối của Chúa qua việc “nói không” với sự dữ, với những kẻ chống lại
Đức Chúa để minh chứng cho đời sống sự toàn vẹn, công bình, chính trực, thanh sạch
trước mặt Đức Chúa cả bề trong lẫn bề ngoài. Hơn nữa, những hành động trong c.4,
5,9,10 của TV 26 như: “không ngồi, không đến, không nhập bọn, không ưa, không gộp
chung” với những kẻ làm điều dữ thể hiện một lối sống không chỉ dựa trên giới
răn và mệnh lệnh của Chúa, nhưng còn tự mình ý thức một cung cách sống xứng hợp
với Chúa, chọn lựa một lối sống theo đường thiện hảo, dứt khoát không “kết
giao” với sự dữ để không sa ngã vào những cám dỗ hay đi theo đường lối của kẻ
ác, những người chống lại Thiên Chúa.[30]
Ngoài ra, cung cách sống thánh thiện của
một người yêu mến Thiên Chúa không có nghĩa là tách khỏi thế giới nơi mình sinh
ra và lớn lên nhưng ý thức mình là một con người trong tương quan với người
khác. Con người này không để cho sự dữ, kẻ xấu chi phối mình, nhưng biết chủ động
từ chối những gì là xấu xa, chống lại Thiên Chúa; biết cảnh tỉnh từng bước đi,
chỗ ngồi, chỗ đứng, những nhóm người mình kết giao.[31]
Như vậy, giờ đây, yêu mến Thiên Chúa
trong kinh nghiệm của vịnh gia không chỉ dừng lại ở việc tuân giữ luật và giới
răn của Thiên Chúa trong ý thức, cảm xúc nhưng cả trong những thực hành, những
chọn lựa của cuộc sống hằng ngày và trong tương quan với tha nhân, với thế giới.
Đây được xem là một chọn lựa sống quy hướng về Thiên Chúa – Đấng Thánh Thiện.
3.
Yêu Chúa Hết Lòng, Hết
Linh Hồn, Hết Trí Khôn
Samuel Terrien xem c.6,7,8 là phần trọng
tâm của toàn TV 26 với việc yêu mến và khao khát được ở trong Nhà Chúa của vịnh
gia.[32]
Sỡ dĩ ông xem đây là trung tâm của toàn thể TV 26 vì dựa vào cấu trúc đồng tâm
đối xứng, ông cho rằng c.6,7,8 là chìa khóa nắm giữ ý nghĩa của TV này, là điều
làm nên ý nghĩa toàn bộ cho việc trung thành sống theo đường lối của Chúa, yêu
mến luật Chúa, yêu mến đời sống thánh thiện. Câu 6,7,8 giải thích cho việc tại
sao toàn bộ đời sống của vịnh gia từ việc bước đi trong sự toàn vẹn và chân lí
của Chúa, tới đôi tay thanh sạch không nhận quà hối lộ, tới trái tim lí trí biết
cảnh tỉnh lối sống và một tình cảm luôn dành trọn vẹn cho Chúa. Như vậy, có thể
nói rằng, việc khao khát để được ở trong Nhà Chúa chính là niềm hạnh phúc nhất,
là điều mà đức tin của vịnh gia luôn khắc khoải. Đặc biệt, qua niềm khao khát
này, thể hiện một tình yêu mãnh liệt của vịnh gia dành trọn vẹn cho Thiên Chúa
- một tình yêu được xem là hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn mà người viết
đã trình bày ở phần cấu trúc.
Như vậy, cả đời sống luân lí và đời sống đức tin, vịnh gia luôn quy hướng về Thiên Chúa, đặt mình trong tương quan mật thiết và gắn bó với Ngài. Nhờ đó, vịnh gia mới được hồng ân ở trong Nhà Chúa, đối diện với Đấng Thánh, được cư ngụ trong sự thánh thiện của Đức Chúa - một Đức Chúa quyền năng, uy nghiêm và thánh thiện đang “cắm lều” (dwelling) cùng với con người trong trần gian để tương giao và gặp gỡ con người.[33] Hơn nữa, hình ảnh yêu mến Chúa thể hiện qua niềm khao khát được cư ngụ trong Nhà Chúa không chỉ nói lên tình thương và quyền năng của Thiên Chúa, Ngài là nơi ương ẩn, Đấng bảo vệ cho con cái trước những thế lực của sự dữ, người xấu; nhưng còn cho thấy sự tin tưởng, tín thác nép mình vào tình yêu của Đức Chúa một cách mạnh mẽ của vịnh gia khi chọn Chúa là tất cả cuộc đời của mình.
1.
Yêu Chúa Từ Kinh Nghiệm Của Chúa Giêsu
Chúa Giêsu là gương mẫu
sống theo đường lối của Thiên Chúa. Ngài đã khẳng định: “Tôi tự trời mà xuống,
không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 6,38)
hay "Tôi hằng làm những điều đẹp ý Người" (Ga 8,29). Chữ “hằng-
always” cho thấy Chúa Giêsu luôn luôn sống trong tương quan yêu thương mật thiết
với Chúa Cha. Ngài hằng thực thi “mệnh lệnh” và đường lối của Thiên Chúa. Con
người, cảm xúc, suy nghĩ, hành động, lời nói của Ngài quy hướng tuyệt đối về
Thiên Chúa trong bất cứ lúc nào, bất cứ tình huống cụ thể nào. Chính vì thế,
trong lúc khó khăn tột cùng như ở vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu vẫn một lòng: “Xin đừng
theo ý Con, một xin theo ý Cha” (Lc 22, 42). Ngài đã tín trung, “xin vâng” với
thánh ý và đường lối của Chúa, tự nguyện chịu khổ hình để ý Chúa Cha được hoàn
toàn thực hiện, hầu mang lại ơn cứu độ cho loài người.
Kinh nghiệm yêu mến Chúa
Cha nơi Chúa Giêsu còn thể hiện việc Ngài thanh tẩy, yêu mến Đền Thờ: “Người thấy
trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi
tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra
khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào
bàn ghế của họ” (Ga 2, 14-15). Khi Nhà Chúa không còn là nơi thánh thiêng, nơi
gặp gỡ nối kết giữa con người với Thiên Chúa, nhưng đã trở thành nơi buôn bán,
đổi chác, nơi của tục hóa trần gian, nơi tội lỗi, sự dữ len lỏi vào trong từng
ngóc ngách, nơi trở thành hang trộm cướp, lọc lừa, tranh giành và cấu xé lẫn
nhau, Chúa Giêsu đã mạnh dạn đứng lên “thanh tẩy”, loại bỏ những thứ trần tục,
xấu xa đó ra khỏi Đền Thờ, lấy lại giá trị thiêng liêng của Nhà Chúa vì Ngài ý
thức rõ “Nhà của Cha Ta là nhà cầu nguyện” (Lc 19,46).
Đặc biệt hơn, Nhà Chúa vẫn
luôn mãi là chốn thiêng liêng, nơi Thiên Chúa hiện diện với con người. Nhưng
Chúa Giêsu còn nhấn mạnh rằng: “Đã đến giờ người ta sẽ thờ phượng Chúa Cha
không phải trên núi này hay tại Giêrusalem, vì Thiên Chúa là Thần Khi và những
kẻ thờ phượng Người phải thờ trong Thần khí và sự thật” (Ga 4, 23). Như vậy Nhà
Chúa, giờ đây, không còn chỉ được hiểu là một biểu tượng hữu hình nơi Thiên
Chúa hiện diện, nhưng Nhà Chúa còn được hiểu chính là Chúa Giêsu như thánh
Gioan đã viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,
14).
Như vậy, kinh nghiệm “yêu” của Chúa Giêsu được thể hiện một cách cụ thể và rõ ràng qua đời sống gắn bó mật thiết với Chúa Cha và một lòng trung thành, tín thác và vâng phục thánh ý Chúa Cha dẫu phải chết trên Thập Giá. Ngoài ra, kinh nghiệm “yêu” này còn được khởi đi từ con người Chúa Giêsu là Đền Thờ sống động, nơi lôi kéo tất cả mọi người về với Ngài, là nơi trú ẩn, nơi bảo vệ, quan phòng và là nguồn mạch yêu thương.
2.
Yêu Chúa Từ Kinh Nghiệm Của Đức Mẹ Maria
Mẹ Maria – Đấng đầy ân sủng (Lc 1, 28) đã đón nhận ý Chúa với
lòng tùng phục và khiêm nhường. Có lẽ, chắc không ai trong nhân loại có khả
năng sống trọn vẹn thánh ý Chúa như Mẹ Maria. Đối với Đức Mẹ, chỉ có ý muốn
Thiên Chúa là trên hết, nên “xin Chúa cứ làm cho tôi theo như lời Ngài” (Lc 1,
38). Vậy nên từ khi cất tiếng xin vâng đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, để
đón nhận Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa vào trong cuộc đời của mình, cũng chính là
lúc Đức Mẹ sống lời xin vâng của mình mỗi ngày với thánh ý Chúa sống cho đến
cùng, đến tận chân Thập Giá. Đặc biệt, giờ phút đứng dưới chân Thập Giá chứng
kiến người Con yêu quý của mình chết treo đầy đau đớn, tủi hổ, đó chính là đỉnh
điểm của lời “xin vâng” và cũng nói lên một đời sống trọn vẹn thực thi thánh ý
Chúa và để cho Thiên Chúa hoàn thành kế hoạch của Ngài trên cuộc đời mình.
Ngoài ra, khi Đức Mẹ thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin
Chúa cứ làm cho tôi như lời Ngài” (Lc 1,38), thì “Ngôi Lời đã mặc xác phàm và cắm
lều giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Mẹ Maria đã chuẩn bị chỗ cho Thiên Chúa ngự trên
trái đất; nơi thân xác và linh hồn của Mẹ, Mẹ trở nên chốn cư ngụ của Thiên
Chúa. Giờ đây, Đức Maria trở thành Đền Thờ—nơi cư ngụ của Thiên Chúa giữa thế
gian. Thiên Chúa, Đấng đã đến trái đất, thật sự ngự nơi Đức Maria. Đức Maria là
ngôi lều cho Ngài, là Đền Thờ của Đức Chúa. Như vậy, Mẹ Maria đã dọn chỗ cho
Chúa trong linh hồn của mẹ và vì thế trở nên đền thờ thật nơi Thiên Chúa đã tự
nhập thể, nơi Thiên Chúa xuống trần gian.[34]
Như vậy, cũng giống như Chúa Giêsu, khi “xin vâng” với Thiên
Chúa, Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã phải nói “không” với chính mình và hoàn toàn sống
theo thánh ý của Thiên Chúa, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối của Chúa ngay cả
khi chấp nhận hi sinh cả mạng sống của mình. Đó là một đức tin không chao đảo,
xin vâng trọn vẹn, tuyệt đối, không đổi thay. Đây không chỉ đơn thuần là sự bằng
lòng mà còn là tiếng nói của trái tim, của cảm xúc, của lí trí, của toàn bộ
hành vi của con người để làm đẹp lòng Thiên Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời,
là quên đi chính mình và hoàn toàn phó mình trong tay Thiên Chúa.
3.
Yêu Chúa Từ Kinh Nghiệm Của Một Tu Sĩ Thương Khó
Từ kinh nghiệm “yêu” của vịnh gia trong TV 26, của Chúa Giêsu
và Đức Mẹ Maria trong hành trình sống trung thành với thánh ý Chúa Cha với tất
cả phận người, là một tu sĩ sống đặc sủng Thương Khó, rao truyền tình yêu, niềm
hi vọng và nguồn an ủi từ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu cho tất cả mọi người, nhất
là những ai đang đau khổ, người viết có thêm những động lực, những gương mẫu và
kinh nghiệm để sống căn tính tu sĩ của mình trong hành trình theo Chúa.
Điều này thể hiện qua lòng yêu mến chính ơn gọi thánh hiến của
mình, một ơn ban nhưng không của Thiên Chúa, để người viết tiếp tục sống tinh
thần của cha Thánh Phaolô Thánh Giá- Đấng sáng lập Dòng Thương Khó Chúa Giêsu
qua việc tuân giữ hiến pháp và tu luật của Dòng trong tinh thần yêu mến và vâng
phục; qua việc trung thành với ba lời khấn Phúc Âm với tất cả con người yếu đuối
để cầu xin sự nâng đỡ và quan phòng của Chúa; và dấn thân nhiệt thành trong đặc
sủng, linh đạo và sứ vụ của một tu sĩ Thương Khó là phục vụ người nghèo với những
khả năng và cách thế hữu hiệu nhất.
Yêu Chúa trong đời sống tu sĩ Thương Khó còn được diễn tả bằng
việc quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng đời sống đức tin, đời sống thiêng liêng, đời
sống cầu nguyện của mình để hầu cảm nghiệm sâu sắc “công trình vĩ đại thể hiện
tình yêu của Chúa Kitô nơi cuộc Thương Khó” và làm sống động kí ức về cuộc
Thương Khó của Chúa trong thời đại hôm nay như Hiến Pháp của Hội Dòng đã viết: “Hợp nhất với Đức Kitô, chúng ta ca ngợi những
công trình của Thiên Chúa, chúng ta chiêm ngắm công trình cứu chuộc của Đức
Kitô nơi tâm hồn mình và cộng tác với Ngài qua việc trải rộng mầu nhiệm này”
(Hiến Pháp số 38).
Như vậy, có thể nói rằng, với tư cách là một tu sĩ Thương Khó,
người viết được mời gọi yêu Chúa không chỉ dừng lại ở việc tuân giữ luật dòng,
trung thành các lời khấn Phúc Âm, chu toàn phận vụ của một tu sĩ, nhưng sâu xa
và nền tảng chính là để con người và cuộc đời mình kết hợp với Đức Kitô chịu
đóng đinh. Để từ đó, mọi hành vi, cảm xúc, suy nghĩ đều quy hướng về Đức Kitô
chứ không nhằm đề cao con người cá nhân đầy giới hạn và tội lỗi nơi bản thân
mình.
Brook, John. The School of Prayer, An
Introduction to the Divine Office for all Christians. New York: Harper
Collins Publishers, 1992.
Brueggemann, Walter & William H. Bellinger, Psalms.
New York: Cambridge University Press, 2014.
Calvin, John. Commentary on Psalms – Vol.1.
Grand Rapids, MI: Christian Classics Ethereal Library, 1526.
Craigie, Peter C. Word Biblical Commentary:
Psalms 1-50. Texas: Word Books Publisher, 1983.
Dahood, Mitchell. Psalms I, 1-50 (The Anchor
Yale Bible Commentaries). New York: Doubleday & Company, Inc., 1966
Drijvers, Pius. The Psalms: Their Structure and
Meaning. New York: Herder and Herder Press, 1964.
Jones, Alexander. The Jerusalem Bible.
Garden City, New York; London: Doubleday; Darton, Longman & Todd, 1966.
Kidner, Derek. Psalms 1-72: An Introduction and
Commentary on Books I and II of the Psalms. Cambridge: Inter-Varsity Press,
1973.
Martini, Carlo M. Khao
Khát Thiên Chúa – Cầu Nguyện Với Thánh Vịnh. Texas: Antôn & Đuốc Sáng.
2008.
Ngô Ngọc Khanh. Thánh Vịnh. Sài Gòn: Học Viện
Phanxicô, 2017.
Nhóm Các Giờ Kinh Phụng
Vụ. Lời Chúa Cho Mọi Người. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2010.
Phạm Hữu Quang, Nguyễn
Văn Bình. Sách Thánh Vịnh: Tìm Hiểu, Giải Thích, Suy Niệm, Cầu Nguyện.
Biên Hòa: NXB Đồng Nai, 2019.
Ross, Allen P. A Commentary on the Psalms –
Vol.1 (1—41). Grand Rapids, MI: Kregel Publications, 2011.
Stuhlmueller Carroll. The Book of Psalms.
Private Using of Congregation of the Passion of Jesus Christ.
Terrien, Samuel. The Psalms: Strophic Structure
and Theological. Grand Rapid: William B. Eerdmans Publishing Company, 2003.
Valles, Carlos. Psalms for Contemplation.
Chicago: Loyola press, 1998.
Viện Ngôn Ngữ Học. Từ Điển Tiếng Việt. Hà Nội:
Trung Tâm Từ Điển Ngôn Ngữ, 1992.
Võ Đức Minh. Nguyện Gẫm Với Thánh Vịnh. Hà
Nội: NXB Tôn Giáo, 2012.
Weiser, Autur. The Psalms: A Commentary (The
Old Testament Library). Philadelphia: The Westminster Press,1962.
[1] Cha Carroll Stuhlmueller là một linh mục
người Mĩ của Dòng Thương Khó Chúa Giêsu.
[2] Carroll Stuhlmueller, The Book of Psalms, Private Using
of Congregation of the Passion of Jesus Christ.
[3] Người viết chọn TV 26 của
bản văn học thuật (KPB) của nhóm phiên dịch các Giờ Kinh Phụng Vụ, sẽ được xuất
bản 2021. Hiện tại, người viết sử dụng bản văn online trên
https://ktcgkpv.org/bible?version=2 (truy cập ngày 05/12/2020).
[4] Bản tiếng Anh người viết
chọn bản dịch của The Jerusalem Bible.
[5] Viện Ngôn Ngữ Học, Từ
Điển Tiếng Việt (Hà Nội: Trung Tâm Từ Điển Ngôn Ngữ, 1992), 881.
[6] Các học giả ở đây là những người mà nhóm tiếp cận các bản
văn chú giải để nghiên cứu TV 26 như: Allen P. Ross, Autur Weiser, Samuel
Terrien, Walter Brueggemann, William H. Bellinger, P. G. Walsh, Mitchell
Dahood, Peter C. Craigie…
[7] Allen P. Ross, A Commentary
on the Psalms – Vol.1 (1—41) (Grand Rapids, MI: Kregel Publications, 2011),
607.
[8] Wayne Jackson, "Examine me, Lord - A Study of Psalm
26", Google, truy cập ngày 03/11/2020, https://www.christiancourier.com/articles/1444-examine-me-lord-a-study-of-psalm-26.
[9] Phạm Hữu Quang, Nguyễn Văn
Bình, Sách Thánh Vịnh: Tìm Hiểu, Giải Thích, Suy Niệm, Cầu Nguyện (Biên
Hòa: NXB Đồng Nai, 2019), 23 -24.
[10] Võ Đức Minh, Nguyện Gẫm
Với Thánh Vịnh (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2012), 71.
[11] John Brook, The School
of Prayer, An Introduction to the Divine Office for all Christians (New
York: Harper Collins Publishers, 1992), 180.
[12] Phần này người viết sẽ
trình bày ở phần II “Ý Nghĩa Thần Học của TV 26”.
[13] Ngô Ngọc Khanh, Thánh
Vịnh (Sài Gòn: Học Viện Phanxicô, 2017), 31.
[14] Carlos Valles, Psalms
for Contemplation (Chicago: Loyola press, 1998), 89.
[15] Phạm Hữu Quang, Nguyễn
Văn Bình, Sách Thánh Vịnh: Tìm Hiểu, Giải Thích, Suy Niệm, Cầu Nguyện,
42.
[16] Võ Đức Minh, Nguyện Gẫm
Với Thánh Vịnh, 38.
[17] Võ Đức Minh, Nguyện Gẫm
Với Thánh Vịnh, 59.
[18] Samuel Terrien, The
Psalms: Strophic Structure and Theological (Grand Rapid: William B.
Eerdmans Publishing Company, 2003), 258.
[19] Ibid.
[20] Walter Brueggemann, William H. Bellinger, Psalms (New York: Cambridge University
Press, 2014), 133.
Walter
Brueggemann và William H. Bellinger cũng chia TV này theo cấu trúc đồng tâm với
5 phần và phần 3 (câu 6,7,8) là phần trọng tâm của toàn bộ TV. Nhưng hai tác giả
này nhấn mạnh tới chủ để “giữ gìn, bảo vệ nơi Thánh, nơi Chúa ngự” (the
protection of the sanctuary).
[21] Derek Kidner, Psalms
1-72: An Introduction and Commentary on Books I and II of the Psalms (Cambridge:
Inter-Varsity Press, 1973),117.
Mặc dù
Derek Kidner không nói rõ TV 26 đi theo cấu trúc đồng tâm đối xứng, nhưng ông
cũng cho rằng cấu 6, 7, 8 là trọng tâm của TV 26.
[22] Mitchell Dahood, Psalms
I, 1-50 (The Anchor Yale Bible Commentaries) (New York: Doubleday &
Company, Inc., 1966), 161.
Pius Drijvers, The Psalms:
Their Structure and Meaning (New York: Herder and Herder Press, 1964), 241.
[23] Mitchell Dahood, Psalms I, 1-50 (The Anchor Yale Bible
Commentaries), 161.
[24] Autur Weiser, The
Psalms: A Commentary (The Old Testament Library) (Philadelphia: The
Westminster Press,1962), 241.
[25] Allen P. Ross, A
Commentary on the Psalms – Vol.1 (1—41), 610.
[26] Peter C. Craigie, Word
Biblical Commentary: Psalms 1-50, 226.
[27] Allen P. Ross, A
Commentary on the Psalms – Vol.1 (1—41), 613.
[28] John Calvin, Commentary
on Psalms – Vol.1 (Grand Rapids, MI: Christian Classics Ethereal Library,
1526), 421.
[29] Phạm Hữu Quang, Nguyễn
Văn Bình, Sách Thánh Vịnh: Tìm Hiểu, Giải Thích, Suy Niệm, Cầu Nguyện,
227.
[30] John Calvin, Commentary
on Psalms – Vol.1, 422.
[31] Phạm Hữu Quang, Nguyễn
Văn Bình, Sách Thánh Vịnh: Tìm Hiểu, Giải Thích, Suy Niệm, Cầu Nguyện,
99.
[32] Samuel Terrien, The
Psalms: Strophic Structure and Theological, 261.
[33] Samuel Terrien, The Psalms: Strophic Structure and
Theological, 262.
[34] Nơi Chúa Cư Ngụ,
Google, truy cập ngày 28/12/2020.
Comments
Post a Comment