Giáo Hội Là Dân Thiên Chúa

 

Giáo Hội Là Dân Thiên Chúa

Một Khái Niệm Phổ Quát Cho Mọi Dân, Mọi Thời

 


Dẫn Nhập

Hiến chế Tín lí về Giáo hội (Lumen Gentium -LG) của Công đồng Vatican II diễn tả mầu nhiệm Giáo hội qua nhiều hình ảnh sống động. Cụ thể, Giáo hội là Bí tích trong Đức Kitô (số 1), Giáo hội là Nước Chúa (số 5), Giáo hội là Thân thể của Đức Kitô (số 7), Giáo hội là Hiền thê tinh tuyền của Đức Kitô (số 6 -7), Giáo hội là Dân Thiên Chúa (chương II). Với những nỗ lực của Công đồng, mỗi hình ảnh trên diễn tả những khía cạnh khác nhau của cùng một thực tại mầu nhiệm là Giáo hội. Nhưng, hầu hết những hình ảnh ấy đều nhấn mạnh tới chiều kích thần linh của mầu nhiệm Giáo hội ngoại trừ hình ảnh Giáo hội là Dân Thiên Chúa. Nói cách khác, Giáo hội là Dân Thiên Chúa là khái niệm trình bày cách chân thực và sống động cả chiều kích nhân sinh cũng như chiều kích thần linh của thực tại mầu nhiệm Giáo hội.

Tuy nhiên, phải chăng hình ảnh Giáo hội là Dân Thiên Chúa lần đầu tiên được diễn tả trong chương II của LG? Thực sự, chúng ta thấy hình ảnh Dân Thiên Chúa được diễn tả nhiều lần trong Cựu ước lẫn Tân ước. Vậy khái niệm Giáo hội là Dân Thiên Chúa trong Lumen Gentium có tương quan gì với hình ảnh Dân Thiên Chúa trong Kinh thánh? Phải chăng dân Ítraen được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến thành dân riêng của Ngài là hình ảnh báo trước về Giáo Hội của Đức Kitô sau này? Ngoài ra, Dân Thiên Chúa phải chăng chỉ là khái niệm dành riêng cho dân Ítraen?

Để trả lời những câu hỏi trên, người viết sẽ tìm hiểu khái niệm Dân Thiên Chúa trong Cựu ước qua việc tuyển chọn và thiết lập giao ước của Thiên Chúa với dân Ítraen. Tiếp đến, người viết xem xét khái niệm Dân Thiên Chúa được hiểu trong Tân Ước và đâu là những đặc điểm và sứ mạng của Dân Thiên Chúa được nhấn mạnh. Đặc biệt, người viết muốn cho thấy khái niệm Dân Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở dân Israel nhưng còn áp dụng cho mọi dân, mọi thời như LG số 9 khẳng định: “Trong mọi thời đại và mọi dân tộc, bất cứ người nào kính sợ Thiên Chúa và thực hành đức công chính đều được Ngài đoái thương. Tuy nhiên, Thiên Chúa không muốn thánh hóa và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Ngài muốn qui tụ họ thành một dân tộc để họ nhận biết chính Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài trong thánh thiện”.

 

I. Dân Thiên Chúa Trong Cựu Ước

LG số 9 đã mô tả: “Cũng như dân Ítraen theo xác thịt, khi đang lữ hành trong sa mạc, đã được gọi là Giáo hội của Thiên Chúa,[1] cũng vậy, dân Ítraen mới tiến bước trong thời đại này đang tìm về thành thánh tương lai bất diệt (x. Dt 13:14) được gọi là Giáo hội Chúa Kitô (x. Mt 16:18)”. Như vậy, theo Công đồng, hình ảnh Dân Thiên Chúa được sử dụng trong Kinh thánh Cựu ước để diễn tả Israel được tái sử dụng để diễn tả Giáo hội của Đức Kitô. Vậy, khái niệm Dân Thiên Chúa được diễn tả như thế nào trong Cựu Ước? Giáo hội là Dân Thiên Chúa được trình bày ra sao?

1. Thuật Ngữ “Dân Thiên Chúa”

Trong Cựu ước, có ít nhất hai thuật ngữ trong thần học Thánh kinh để chỉ về thực tại “Dân” là ’am (עַ֣ם) và goy (גוי). Trong đó, từ ’am được sử dụng hơn 1800 lần và hầu như để nói tới dân Ítraen.[2] Trong khi, từ goy (גוי) (số nhiều là goyim ‘גויים’) diễn tả về các dân tộc khác hay còn gọi dân ngoại.[3]  Ngoài ra, từ ’am còn nói lên tương quan với Ítraen với Thiên Chúa, một dân được Thiên Chúa tuyển chọn và trở thành dân riêng của Ngài (Xh 3:7,10, 6:7). Vì thế, từ ’am được hiểu trong khái niệm “Dân Thiên Chúa” (People of God - הָאֱלֹהִ֑ים עַ֣ם).[4]

Như vậy, xét về nguyên nghĩa, từ ’am diễn tả nhiều ý nghĩa:[5] Trước tiên, nó chỉ về một nhóm người, một dân tộc trên cùng một lãnh thổ. Tuy nhiên, không chỉ nói lên tương quan giữa con người với nhau, nhưng từ ’am còn diễn tả tương quan gắn kết của những người cùng huyết thống với nhau để cùng xây dựng một thân thể, một nhóm người có sự gắn kết chặt chẽ và có cùng nguồn gốc. Đặc biệt, trong Kinh thánh, từ ’am diễn tả tương quan gắn bó đặc biệt giữa Thiên Chúa và dân người chọn – Ítraen như Kinh thánh viết: “Ta sẽ nhận các ngươi làm dân riêng của Ta, và đối với các ngươi, Ta sẽ là Thiên Chúa” (Xh 6:7) hay “Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, còn các ngươi sẽ là dân của Ta” (Lv 26:12).

Vậy, khái niệm Dân Thiên Chúa trong Cựu ước đã diễn tả như thế nào? Người viết đi vào tìm hiểu hai đặc tính: Tuyển chọn và Giáo ước của Dân Thiên Chúa.

2. Tuyển Chọn và Thiết Lập Giao Ước

Nguồn gốc lịch sử của dân Ítraen cũng tương tự như mọi dân tộc khác, nhưng cũng rất đặc biệt vì họ có Thiên Chúa can thiệp trực tiếp vào trong dòng lịch sử và được Người tuyển chọn như là một dân riêng giữa muôn dân và được thiết lập giao ước. Giữa bao dân tộc hùng mạnh, Thiên Chúa đã tuyển chọn cách nhưng không một dân du mục bé nhỏ, phức tạp để làm một dân thuộc quyền sở hữu của Ngài và thiết lập giao ước: “Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân… Nhưng vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha ông anh em” (Đnl 7:7-8).

Thực sự, việc Thiên Chúa tuyển chọn và thiết lập giao ước có ý nghĩa lớn lao và ảnh hưởng lâu dài đối với lịch sử dân Ítraen trong tương quan giữa họ với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bước vào lịch sử, đi vào trong tương quan hiệp thông với dân Ítraen một cách cá vị như một người Cha đầy lòng nhân hậu và từ bi, đầy yêu thương hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa (Xh 34:6). Chính khoảnh khắc Thiên Chúa tuyển chọn dân Ítraen là Dân Thiên Chúa ngang qua giao ước tại núi Sinai (Xh 19:5-6) được xem như một đặc ân của dân Ítraen. Họ không chỉ trở thành một dân thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa hay một dân được tuyển chọn bởi chính Thiên Chúa, nhưng họ còn là một dân được thánh hiến[6] cho Thiên Chúa (Đnl 7:6; Xh 19:5-6).[7] Ngoài ra, điều quan trọng trong tương quan giữa Ítraen và Thiên Chúa chính là do Thiên Chúa khởi xướng chứ không phải do dân Ítraen. Nói cách khác, Thiên Chúa đã đi bước trước để thiết lập tương quan với dân Ítraen như ngôn sứ Isaia đã diễn tả cách mà Thiên Chúa đã ngỏ lời với dân Người: “Ta đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi, ngươi là của riêng Ta” (Is 43:1).

Tuy nhiên, theo Yves Congar,[8] với đặc ân được chọn làm dân riêng, dân Ítraen cũng mang trên mình sứ mạng cao cả mà chính Thiên Chúa trao phó.[9] Cụ thể, họ phải là ánh sáng cho các dân tộc khác (Đnl 4:5-8).[10] Họ phải cẩn thận thi hành mệnh lệnh và Lề Luật mà ông Môsê đã truyền cho họ: Đó là yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của họ, đi theo mọi đường lối của Người, giữ các mệnh lệnh của Người, gắn bó với Người và phụng sự Người hết lòng, hết linh hồn họ.[11] Tiếp nữa, họ phải là một vương quốc tư tế,[12] một dân thánh (Xh 19: 6). Ngoài ra, họ còn có trách nhiệm đem lại cho Thiên Chúa tiếng tăm, danh dự và vinh quang (Gr 13:11).

Như vậy, việc dân Ítraen phải trở nên ánh sáng cho muôn dân và làm cho tiếng tăm và vinh quang của Thiên Chúa được loan truyền,[13] cho thấy dẫu Thiên Chúa tuyển chọn dân Ítraen làm dân riêng của Người, nhưng ơn cứu độ của Ngài không chỉ dành riêng cho một mình họ nhưng vượt qua biên giới Ítraen để đến với muôn dân (Is 56:3-8).[14] Đó cũng là lời Đức Chúa phán với Ápraham: “Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc" (St 12:3) và  “Ápraham sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân tộc sẽ được chúc phúc nhờ nó” (St 18:18).

Tóm lại, khái niệm Giáo hội là Dân Thiên Chúa trong Cựu ước được diễn tả trong tương quan tuyển chọn và thiết lập giao ước giữa Thiên Chúa với dân Ítraen. Họ là dân riêng, dân thánh và thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa. Đức Chúa trở thành Thiên Chúa duy nhất của họ. Tuy nhiên, dẫu là một dân đặc tuyển, nhưng họ có sứ mạng phổ quát. Nói cách khác ơn cứu độ Thiên Chúa kí thác nơi dân Ítraen phải tỏa lan tới hết mọi người, mọi dân tộc, qua mọi thời đại chứ không chỉ là một đặc quyền dành riêng cho Ítraen. Điều này còn được thể hiện một cách rõ ràng hơn qua Tân ước và khái niệm Giáo hội là Dân Thiên Chúa cũng được trình bày cụ thể hơn với một cộng đoàn không chỉ là dân Ítraen.

II. Dân Thiên Chúa Trong Tân Ước

Trước tiên, hình ảnh Dân Thiên Chúa trong Tân ước được thấy qua việc ông Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người, không phân biệt người Dothái hay dân ngoại, hãy ăn năn, sám hối vì Nước Trời đã gần đến và đông đảo dân chúng từ Giêrusalem, Giuđê và Giođan, kéo đến với ông Gioan Tẩy Giả để chịu phép rửa.[15]

Tiếp đến, Chúa Giêsu đã có một cách diễn tả mới về khái niệm Dân Thiên Chúa: bao gồm cả người Dothái và dân ngoại.[16] Theo Ngài, Dân Thiên Chúa được xác định không phải bởi mối quan hệ thể lí, huyết thống, nhưng Dân Thiên Chúa là những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa (Mt 12:48-50). Ngài không phân biệt giữa Dothái và dân ngoại: Ngài nói: “Tôi còn những chiên khác[17] không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về” (Ga 10:16).[18] Ngài đến là kêu gọi cả người Dothái lẫn dân ngoại. Mọi người đều được mời gọi nghe biết Tin Mừng và được hưởng cuộc sống đời đời.[19]

Đặc biệt, Dân Thiên Chúa trong Tân ước là do chính Ðức Kitô thiết lập, lấy máu mình mà chuộc lại và hi sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét:[20] “Trước kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Ðức Kitô, nhờ máu Ðức Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần… Người đã liên kết dân Dothái và dân ngoại thành một. Người đã hi sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét… Người đã tiêu diệt sự thù ghét…Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa” (Ep 2:13-19).[21] Như vậy, hình ảnh dân ngoại trong khái niệm Dân Thiên Chúa của Tân ước được xếp ngang hàng với dân Ítraen, cùng chia sẻ quyền thừa tự và ơn cứu độ của Israel Dân Chúa vì nhờ Ðức Kitô. Như thế, các dân ngoại cũng được hưởng phúc lành dành cho Ápraham (Gl 3:14; Ep 3:6). Họ giống như cành cây ôliu được tháp thân cây ôliu chính, và cùng được hưởng sự sống dồi dào từ rễ cây ôliu chính (Rm 11:18). Vậy, nếu Dân Thiên Chúa trong Cựu Ước chỉ về dân Ítraen thì khái niệm Dân Thiên Chúa trong Tân ước được mở rộng bao gồm cả dân Dothái lẫn dân ngoại. Tất cả là những người tin vào Đức Kitô:[22] “Nhờ đức tin tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Ðức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Dothái hay Hylạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Gl 3:26-28).

Ngoài ra, nếu trong Cựu ước, Dân Thiên Chúa gắn liền với hình ảnh Ítraen – một dân riêng, được tuyển chọn, một dân thánh của Ngài, qua Tân ước Dân Thiên Chúa không chỉ diễn tả thực tại của những người tin vào Đức Kitô, nhưng Dân Chúa còn được thể hiện một cách cụ thể hơn, hữu hình hơn ngang qua ý tưởng ekklesia[23] “Church - Hội thánh” (Mt 16:18; 18:17).[24] Giáo hội là Dân Thiên Chúa được xem là một cộng đoàn Kitô hữu mà “giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người” (1Pr 2:9); được Thiên Chúa thương mến và tuyển chọn (1Tx 1:4); được hưởng ơn cứu độ trong Ðức Kitô, và được hưởng vinh quang muôn đời (2Tm 2,10).[25] Ngoài ra, Giáo hội là Dân Thiên Chúa trong Tân ước còn thể hiện qua chiều kích hiệp thông: Hiệp thông trong cùng chia sẻ một đức tin, một Thân Thể, một Thần Khí, một sứ điệp Tin Mừng, một phép rửa.[26]

Tóm lại, khái niệm Giáo hội là Dân Thiên Chúa trong Tân ước không còn là một khái niệm dành riêng cho dân Ítraen, cũng không phải là một cộng đoàn Dân Chúa hoàn toàn tách biệt khỏi Ítraen. Tuy nhiên, đây là một cộng đoàn Dân Chúa bao gồm những người tin vào Đức Kitô, không còn phân biệt Dothái hay Hylạp, nhưng tất cả là con cái Đức Kitô quy tụ nhau lại để nói lời Chúa và cử hành Bẻ Bánh, đồng thời có chung một sứ mạng là loan báo Tin Mừng Đức Kitô.

III. Dân Thiên Chúa Trong Hiến Chế Lumen Gentium

Trong LG, Công đồng đã dành riêng chương II để trình bày về chủ đề Dân Thiên Chúa với nhiều ý tưởng. Thứ nhất, Công đồng xem Giáo hội là một dân tộc mới đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng của Người, thành hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, dân tộc được Thiên Chúa thu phục (LG 9). Thứ hai, Công đồng nhấn mạnh tới những đặc sủng khác nhau của Dân Thiên Chúa trong Giáo hội (LG 10-12). Thứ ba, Hiến Chế nói đến đặc tính Công giáo của Dân Thiên Chúa và khả năng thuộc về Giáo hội nơi những tôn giáo và tín ngưỡng khác trong thế giới. Tất cả đều được mời gọi vào sự hiệp nhất công giáo của Dân Thiên Chúa (LG 13-17). Cuối cùng, Công đồng đề cập tới tính phổ quát về sứ mạng truyền giáo của Dân Thiên Chúa. Thiên Chúa đã phả bỏ ranh giới giữa dân được tuyển chọn Ítraen với dân ngoại và quy tụ mọi người để tạo thành một Dân Mới mà không loại trừ “di sản trần thế của bất cứ dân tộc nào”.[27]

Như vậy, Công đồng đã tiếp nhận và phát triển khái niệm Dân Thiên Chúa – một khái niệm đã có trong Cựu ước và Tân ước mà chúng ta vừa xem xét ở trên để cho thấy Giáo hội bén rễ vào cả trong lịch sử cứu độ lẫn trong lịch sử, xã hội loài người. Điều này không chỉ lên tính liên tục với dân Ítraen, nhưng còn cho thấy sự mới mẻ của Giáo hội - một Dân Mới của Thiên Chúa (LG 9). Tuy nhiên, dẫu Dân Thiên Chúa mang chiều kích lịch sử - xã hội, Giáo hội là Dân Thiên Chúa cũng mang chiều kích siêu nhiên, vì đây là ý tưởng khởi xướng từ Thiên Chúa. Dân Thiên Chúa là một Dân Tộc được thành hình nhờ Thiên Chúa quy tụ (LG 9), chứ không phải do ý chí thuần túy của con người. Cách khác, Dân Thiên Chúa không phải là một cộng đoàn sinh ra từ sự tập hợp những con người có cùng tình cảm tôn giáo và càng không phải là một sản phẩm của một dân tộc hay một sự nỗ lực thiết lập của một nhóm người.[28] Như Congar nhận định Giáo hội là Dân Thiên Chúa là một Dân được tuyển chọn, được thiết lập, được thánh hiến bởi Thiên Chúa để trở thành những chứng tá, những “sứ giả” loan báo ơn cứu độ của Thiên Chúa cho mọi người trong thế giới.[29]

Tiếp đến, có thể nói điều làm cho Giáo hội trở thành Dân Thiên Chúa là bởi có Đức Kitô làm Thủ Lãnh (LG 9). Chính Giáo hội có Đức Kitô là đầu và mọi thành viên là chi thể, nên mọi kitô hữu trong Giáo hội đều có cùng một phẩm giá và đều nhận được “ân huệ làm con cái Chúa, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hi vọng duy nhất và một đức ái không phân chia” (LG 31). Ngoài ra, bởi “chính trong Thần Khí duy nhất hoạt động” (LG 9) trong các tín hữu, nên mọi người trong Dân Thiên Chúa đều có phẩm giá ngang nhau trong Chúa Thánh Thần.[30] Đồng thời, mọi Kitô hữu cùng có chung một mục đích là xây dựng Thân Thể Mầu Nhiệm Ðức Kitô và phục vụ lẫn nhau[31] dù trong Dân Thiên Chúa có những đặc sủng khác nhau (LG 12).

Ngoài ra, Công đồng còn nhấn mạnh tới khía cạnh Dân Thiên Chúa đang trên đường lữ hành, đang tiến bước giữa lòng lịch sử loài người với sứ mạng của Ðức Kitô để hướng tới thời hoàn tất cánh chung (LG 9). Nói cách khác, vì Giáo hội là Dân Thiên Chúa mang tính lịch sử, nên Giáo hội vẫn đang từng bước hình thành, chưa hoàn tất, chưa đạt tới đích; đã, đang, và sẽ tiếp tục biến đổi.[32] Như vậy, vì tự bản chất Giáo hội luôn có sự năng động nơi chính mình, nên Giáo hội không thể nào bị trói buộc vào một thời đại, một nền văn hóa, một nền triết hoặc thần học nhưng Giáo hội cũng ra sức giữ cho mình được hoàn toàn tự do trước mọi thực tại của thế gian đang biến đổi này.[33] Đồng thời, trên đường lữ hành, Dân Thiên Chúa còn có sứ vụ là “một mầm mống vững chắc nhất của hiệp nhất, hi vọng và cứu rỗi cho toàn thể nhân loại” và được Thiên Chúa “sử dụng như khí cụ cứu rỗi cho mọi người, và được sai đi khắp thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất (Mt 5:13-16)” (LG 9). Như vậy, là Dân Thiên Chúa, Giáo hội có bổn phận trở nên “một dân cho muôn dân,” nghĩa là dấn thân cho mọi người được sống như Thiên Chúa muốn và làm cho vương quyền Thiên Chúa đến được với họ.

Tổng Kết

Khái niệm Giáo hội là Dân Thiên Chúa nhấn mạnh đến lịch sử tính của Giáo hội: Giáo hội là một cộng đoàn được hình thành do sự quy tụ của Thiên Chúa. Đó là một liên tục giữa Giáo hội với dân Ítraen: được kêu gọi, tuyển chọn, được thiết lập giao ước, và đang lữ hành tiến về cánh chung. Tiếp đến, Giáo hội là Dân Thiên Chúa không chỉ là một thực tại hoàn toàn mang tính nhân loại, nhưng trước hết Dân Thiên Chúa là sự khởi xướng của Thiên Chúa. Ngài đã quy tụ tất cả mọi người lại với nhau trong cùng một đức tin, một Thần Khí, một Thân Thể, nhất là có Đức Kitô là đầu và có Chúa Thánh Thần hoạt động trong Giáo hội. Cuối cùng, Giáo hội là Dân Thiên Chúa có chung một sứ mạng là loan báo Tin Mừng Đức Kitô cho mọi người và mọi thời. Dân Thiên Chúa phải được lan rộng khắp thế giới và đi sâu vào lịch sử nhân loại để làm trọn lời Thiên Chúa đã phán qua miệng tiên tri: "Từ đông sang tây, Danh Ta sẽ được lừng lẫy khắp muôn dân; khắp nơi đều sát tế và dâng lễ vật thanh sạch kính Danh Ta" (Mal 1,11).

 

 

Tài Liệu Tham Khảo

 

Azike, Gerald. The People of God in Lumen Gentium. Rome: Gregorian & Biblical Press, 2016.

Beal, Rose M. Mystery of the Church, People of God. Washington D.C: The Catholic University of American Press, 2014.

Bonsu, Robert Osei. The Church as the People of God and Its Relation to the Church as a Community. University of Africa, Biblical-Theological Studies, 2012. https://africansdahistory.org/wp-content/uploads/2018/03/The-Church-as-the-People-of-God-by-Osei-Bonsu.pdf

Công Đồng Vatican II. Hiến Chế Tín Lí Về Giáo Hội (Lumen Gentium). Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện Piô X, Đà Lạt – Việt Nam, 1972.

Dulles, Avery Cardinal. The Sacramental Ecclesiology of "Lumen Gentium". Vol. 86. Rome: Gregorian & Biblical Press, 2005.

Minh, Hà Văn. Giáo Hội Như Là Dấu Chỉ Của Bí Tích. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2015.

Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ. Kinh Thánh Cựu Ước Và Tân Ước: Lời Chúa Cho Mọi Người. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2006.

O’Collins, Gerald. Rethinking Fundamental Theology: Toward a New Fundamental Theology. New York: Oxford University Press, 2011.

Rush, Ormond. The Eyes of Faith: The Sense of the Faithful and the Church's Reception of Revelation. Washington D.C: The Catholic University of America Press, 2021.

Sullivan, Francis A. “The One Church: A Communion of Churches,” The Church We Believe In. New York: Paulist Press, 1988.

Toàn, Hoàng Đức. Giáo Hội Học. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009.

Túy, Phạm Quốc. Dân ngoại Trong Tân Ước. Báo Công Giáo & Dân Tộc. Phát hành ngày 14/08/2020.http://www.cgvdt.vn/loi-chua-va-cuoc-song/dan-ngoai-trong-tan-uoc_a11506)

Wright, Christopher J.H. The People of God and the State in the Old Testament. https://theologicalstudies.org.uk/pdf/state-ot_wright.pdf.

 



[1] X. Nkm 13:1; Ds 20:4; Ðnl 23:1.

[2] Robert Osei Bonsu, The Church as the People of God and Its Relation to the Church as a Community, 2012, 59. https://africansdahistory.org/wp-content/uploads/2018/03/The-Church-as-the-People-of-God-by-Osei-Bonsu.pdf

X. Ds 11:29; 2Sam 1:12; 14:13; Ed 36:20; Tl 5:13…

[3] Gerald Azike, The People of God in Lumen Gentium (Rome: Gregorian & Biblical Press), 2016, 93-94.

[4] Gerald Azike, The People of God in Lumen Gentium, 93.

[5] Ibid., 94.

[6] Từ “thánh” có nghĩa là được tách riêng ra khỏi điều ô uế. Trong tiếng Do thái, từ này bắt nguồn từ chữ “Kadash” (קָדוֹשׁ) nghĩa là tách biệt (set apart, separated). Vậy, “dân thánh” có nghĩa là một dân tộc thánh, được biệt riêng ra giữa vòng các dân tộc khác và để dành riêng cho Thiên Chúa.

[7] Gerald Azike, The People of God in Lumen Gentium, 94.

[8] Yves Congar (1904-1995) là một linh mục Dòng Đa Minh, người Pháp. Ngài được coi như một trong các thần học gia nổi bật của Công Giáo trong thế kỷ 20. Ngài nổi bật với việc nghiên cứu về bộ môn Giáo Hội học. Ngài vốn là người cổ vũ rất sớm phong trào đại kết. Đồng thời ngài gây ảnh hưởng lớn đối với Vatican II.

[9] Gerald Azike, The People of God in Lumen Gentium, 95.

[10] Robert Osei Bonsu, The Church as the People of God and Its Relation to the Church as a Community, 59.

[11] X. Đnl 6:1-2; Gs 22:5; 2V 17:13.37…

[12] Trong các tôn giáo, tư tế là người đến gần Thiên Chúa và là trung gian của Thiên Chúa. Nhưng toàn thể dân Ítraen được đặc ân này là nhận biết Thiên Chúa và đến gần Người theo một cách mà các dân khác không có. (NPDCGKPV, Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước: Lời Chúa Cho Mọi Người (Hà Nội: NXB Tôn Giáo), 2006, 141.)

[13] Dân Ítraen trở nên như một dân tộc trung gian để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa tới toàn thể nhân loại.

[14] Gerald Azike, The People of God in Lumen Gentium, 95. Robert Osei Bonsu, The Church as the People of God and Its Relation to the Church as a Community, 60.

[15] Robert Osei Bonsu, The Church as the People of God and Its Relation to the Church as a Community, 60.

X. Mt 3:1-12; Mc 1:2-8; Lc 3:1-18; Ga1:6-8.

[16] Ibid. X. Mt 8:10,11; Cv 10: 1,2,34; 13:47; Rom 2:10; Ep 2:12.

[17] Những chiên khác ý muốn nói tới dân ngoại. Francis A. Sullivan, “The One Church: A Communion of Churches,” The Church We Believe In (New York: Paulist Press, 1988), 45.

[18] X. Rm 2:9-11; Ep 2:19-20; Cl 3:11.

[19] X. Ga 10:16; Cv 13:47-48; Rm 9:24-26; 1Cr 1:24-25; 2Tm 4:17.

[20] Bức tường ngăn cách là sự thù ghét đã bị phá vỡ. Người Dothái và người ngoại hòa giải với nhau và với Thiên Chúa.

[21] Phạm Quốc Túy, Dân ngoại trong Tân Ước, Báo Công Giáo & Dân Tộc, Phát hành ngày 14/08/2020. (http://www.cgvdt.vn/loi-chua-va-cuoc-song/dan-ngoai-trong-tan-uoc_a11506)

[22] Robert Osei Bonsu, The Church as the People of God and Its Relation to the Church as a Community, 61.

[23]Ekklesia” là một thuật ngữ để diễn tả một nhóm người tin vào Chúa Giêsu Kitô. Họ được gọi và quy tụ lại để nghe lời Chúa và cử hành Bí tích Thánh Thể với nhau. Gerald Azike, The People of God in Lumen Gentium, 123.

Ngoài ra, danh từ “Ekklesia” khi được chuyển sang tiếng Việt thì cũng được hiểu dưới nhiều từ: Hội Thánh, Giáo Hội, Giáo Đoàn, nhà thờ. Ngay từ trong nguyên gốc Hy Lạp Tân Ước, “Ekklesia” đã mang nhiều nghĩa: a) đôi khi nó ám chỉ một cộng đoàn các Kitô hữu tại một nơi nào đó (một ngôi nhà, một thành phố, một miền) (1Cor 16:19; Rm 16:5; Cl 4:15) và như vậy có thể dùng ở số nhiều; b) lúc khác, nó ám chỉ cộng đoàn duy nhất của tất cả mọi người tin theo Chúa Kitô (Mt 16:18; 18:17; Cv 5:11; 1Cr 12:28). Francis A. Sullivan, Church We Believe In, 34-35. 

[24] Robert Osei Bonsu, The Church as the People of God and Its Relation to the Church as a Community, 61.

X. Cv 8:3; 9:31; 1Cor 12:28.

[25] Gerald Azike, The People of God in Lumen Gentium, 125.

[26] Francis A. Sullivan, The Church We Believe In, 38-43.

X. Ep 4:4-6; 1Cor 10:16-17; Gl 1:6-9; Cv 4:32-37; Rm 15:25-27.

[27] Hà Văn Minh, Giáo Hội Như Là Dấu Chỉ Của Bí Tích (Hà Nội: NXB Tôn Giáo), 2015, 28.

[28] Hoàng Đức Toàn, Giáo Hội Học (Hà Nội: NXB Tôn Giáo), 2009, 44.

[29] Gerald Azike, The People of God in Lumen Gentium, 232.

[30] Hà Văn Minh, Giáo Hội Như Là Dấu Chỉ Của Bí Tích, 32.

[31] X. 1Cr 14:3.5.12; 2Cr 12:19; Ep 4:12.29.

[32] Hoàng Đức Toàn, Giáo Hội Học, 46-47.

[33] X. 1Cr 7:31; 1Ga 2:17.

Comments

Popular Posts