Suy Niệm Lời Chúa: Thứ 7 Tuần VII Thường Niên Năm C

Mc 10, 13-16

"Khi ấy, người ta đưa những trẻ nhỏ đến cùng Chúa Giêsu để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ khiển trách họ. Thấy vậy, Chúa Giêsu bất bình và bảo các ông rằng: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy bảo thật các con: Ai không đón nhận nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó”. Rồi Người ôm chúng, đặt tay ban phép lành cho chúng."


Suy Niệm

 Tin chắc rằng ai trong chúng ta cũng đã từng là một đứa trẻ về mặt thể lí. Vậy kinh nghiệm về một đứa trẻ là gì? Chúng ta có thể liệt kê một vài kinh nghiệm như: Đó là lém lỉnh nhưng luôn thật thà, chất phát; Là dễ giận nhưng cũng rất dễ quên, dễ làm hòa; Là ngu ngơ, hồn nhiên trong một thế giới quá nhiều điều khó hiểu, nhưng vẫn sống rất nhiệt thành và tươi vui; Là rất yếu đuối, mỏng manh nên luôn cần yêu thương và quan tâm; Là “vô sản” chẳng gì ngoài cha mẹ.

Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu đã dành một tình cảm đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Ngài nói: “Hãy để các trẻ nhỏ đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng” (Mc 13, 15). Tuy nhiên, để hiểu hơn câu nói này của Chúa Giêsu, chúng ta cùng tìm hiểu chút về bối cảnh văn hóa Dothái thời bấy giờ. Trong xã hội Dothái thời Chúa Giêsu, có hai nhóm người được xem là không có tiếng nói, không được xem trọng, dễ bị lãng quên: bà góa và trẻ nhỏ. Đối với trẻ nhỏ, các em sẽ không có địa vị, không có tiếng nói, chỉ khi nào đến tuổi 12, các em mới được nhìn nhận có chỗ đứng trong cộng đoàn. Trong bài Lời Chúa, các môn đệ dường như cũng đã có tâm thức xem thường trẻ nhỏ như thế, cho nên khi người ta đem chúng đến với Chúa Giêsu thì các ông khiển trách và xua đuổi. Có thể nói rằng, đó chính là thái độ loại trừ, thái độ bỏ lại những người yếu đuối.

Chúa Giêsu đã không đồng ý với thái độ đó, nên Ngài đã lên tiếng một cách mạnh mẽ: “Cứ để trẻ em đến với Thầy và đừng ngăn cấm chúng” (Mc 13, 14) và tuyên bố “Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ nhỏ, sẽ không được vào nước đó” (Mc 13,15). Tuy nhiên, phải chăng Chúa Giêsu đề cao trẻ em vì chúng khờ dại hay yếu ớt? Cũng có thể đúng, nhưng sâu xa hơn, nhìn trẻ nhỏ để chúng ta nghĩ về những con người giống như các em trong xã hội ngày nay.

Thứ nhất, trẻ em trong xã hội Dothái đã bị quan niệm xã hội loại trừ, bỏ lại. Chúng ta có thể xem các em đại diện cho những người đang bị loại trừ, bỏ lại ngoài xã hội ngày nay. Đó có thể là những người khuyết tật, những bệnh nhân HIV, những người vi phạm một điều gì đó nghiêm trọng. Nhưng những ai bị người đời loại trừ, ghét bỏ thì Thiên Chúa lại che chở, quan tâm. Thứ hai, như em đã nói, trẻ em là những người “vô sản” hoàn toàn, là những người nghèo của những người nghèo. Như vậy, các em đại diện cho những người nghèo ngoài xã hội, những ai đang chật vật, lam lũ mà chẳng thể kiếm đủ cái ăn cái mặc, chẳng thể thoát khỏi vòng tròn đói khổ. Nhưng, chúng ta thấy, Chúa Giêsu luôn dành một tình yêu đặc biệt với người nghèo. Thứ ba, vì Nước Thiên Chúa là của những người giống như trẻ em. Các em chính “công dân” kiểu mẫu của Nước Trời, một kiểu “công dân” chẳng có gì ngoài tình yêu và sự tín thác vào Thiên Chúa. Thật sự, trẻ nhỏ không có gì để cho đi ngoại trừ tình yêu, một thứ tình yêu mà người lớn như chúng ta chẳng thể được diễn tả bằng lời, dù chúng ta biết rõ đó là thứ tình yêu gì và nó đáng trân quý ra sao. Đó chính là thứ tình yêu mà Thiên Chúa cũng hằng khao khát chúng ta yêu Ngài như vậy. Đồng thời, chính sự dám phụ thuộc, dám dán chặt cuộc đời mình vào đường lối của Thiên Chúa, như cách một đứa trẻ hoàn toàn phụ thuộc và tin tưởng vào cha mẹ là điều chúng ta được mời gọi để sống như là công dân Nước Thiên Chúa.

          Như thế, hình ảnh trẻ nhỏ trong bài Lời Chúa hôm nay đưa đến cho chúng ta nhiều suy tư. Chúng ta không chỉ được mời gọi có một lối sống đơn sơ, bé nhỏ, trong sáng để vào Nước Trời hay một thái độ sống khiêm nhường, tin tưởng và phó thác vào Thiên Chúa, nhưng sâu xa hơn cả chúng ta được mời gọi hướng tới “những người khác” – những người đang bị xã hội loài trừ, bỏ lại. Tuy nhiên, nói là xã hội nhưng một cách gián tiếp hay trực tiếp, đâu đó có cả mỗi người chúng ta. Thật vậy, lắm khi, chúng ta cũng bỏ lại những người nghèo, những người cần được giúp đỡ, những người đang đau khổ vì một lí do nào đó. Vậy, Nước Trời không là đặc quyền bất kì một cá nhân hay chỉ dành riêng cho một nhóm người nào đó, nhưng Nước Trời là phổ quát và dành cho tất cả mọi người. Nên chúng ta hãy cũng giúp nhau để vào Nước Trời như khao khát cháy bỏng của Thiên Chúa.

Comments

Popular Posts