Chúa Giêsu & Giakêu

 PHÚC ÂM: Lc 19, 1-10

“Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

 Khi ấy, Chúa Giêsu vào Giêricô và đi ngang qua thành, thì kìa, có một người tên là Giakêu, ông là thủ lãnh những người thu thuế và là người giàu có. Ông tìm cách để nhìn xem Chúa Giêsu là người thế nào, nhưng không thể được, vì người ta đông quá, mà ông lại thấp bé. Vậy ông chạy lên trước, trèo lên một cây sung để nhìn xem Người, vì Người sắp đi ngang qua đó.

Khi vừa đến nơi, Chúa Giêsu nhìn lên và trông thấy ông ấy, nên Người bảo ông rằng: “Hỡi Giakêu, hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi”. Ông vội vàng trụt xuống và vui vẻ đón tiếp Người. Mọi người thấy vậy, liền lẩm bẩm rằng: “Ông này lại đến trọ nhà một người tội lỗi”. Ông Giakêu đứng lên thưa cùng Chúa rằng: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Chúa Giêsu bảo ông ấy rằng: “Hôm nay nhà này được ơn cứu độ, bởi người này cũng là con cái Abraham. Vì chưng Con Người đến tìm kiếm và cứu chữa điều gì đã hư mất”.



Suy Niệm 

Bài Tin Mừng hôm nay đưa chúng ta tới một cuộc gặp gỡ rất đặc biệt mà thánh Luca đã thuật lại ở Giêrico giữa Chúa Giêsu và Giakêu. Tại sao nó đặt biệt và đặc biệt thế nào? Ai là người chủ động trong trong cuộc gặp gỡ này? Cuộc gặp gỡ này mang lại điều gì?

Trước tiên, là một người trưởng thu thuế, Giakêu đang có rất nhiều việc phải làm, “nhà bao việc” nào thuế má cần kiểm tra và tiền bạc cần phải đếm, nhưng khi nghe Chúa Giêsu đi qua, ông dứt khoát, gạt công việc qua một bên để đi nhìn cho bằng được Chúa Giêsu là người như thế nào. Nhưng vì ông không được cao lắm, mà nhóm người theo Chúa thì lại quá đông và ồn ào, nên ông đã có sáng kiến: Leo lên cây để nhìn thấy Chúa rõ. Nhưng hành động "leo lên cây" hay ngày nay các bạn trẻ hay dùng từ “để nhiều chuyện” thì dường như không phù hợp với Giakêu. Vì Giakêu là một tay thuộc hàng giàu có, có danh phận trong xã hội, làm trưởng của những người thu thuế là “xếp lớn”. Nhưng đứng trước Chúa Giêsu, ông quên đi mình là ai, và để nhìn thấy Chúa, ông chẳng còn quan tâm tới địa vị miễn là được thấy Chúa.

Rõ ràng, chúng ta thấy Giakêu đã rất chủ động trong cuộc gặp gỡ với Chúa, dù chỉ là sự tò mò. Nhưng với khao khát gặp Chúa, ông dám làm mọi thứ để gặp Ngài. Ông đã cho thấy một sự khao khát mãnh liệt bên trong ông để gặp gỡ, nhìn thấy Chúa.

Còn Chúa Giêsu thì sao? Giữa bao nhiêu con người vây quanh Ngài, ấy thế Ngài đã nhìn thấy Giakêu. Lúc này, hai ánh mắt gặp nhau. Ánh mắt của Chúa Giêsu chạm vào mắt của Giakêu. Lúc này không chỉ có ánh mắt hiều kì tìm gặp Chúa của Giakêu, nhưng còn ánh mắt dịu dàng, đầy bao dung của Chúa tìm gặp con người.

Không chỉ nhìn Giakêu, Chúa liền thốt lên: “Này Giakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” Quá bất ngờ, làm sao Chúa biết chính xác tên của Giakêu -dù họ chưa 1 lần trò chuyện. Rồi Ngài không biết Giakêu – một người thu thuế - được xem là phường tội lỗi trong xã hội Dothái, mà Ngài – một con người thánh thiện lại xin ở lại nhà ông. Đứng trước Chúa Giêsu, Giakêu chẳng còn nghĩ đến tiền bạc, danh vọng, địa vị và đứng trước Giakêu, Chúa Giêsu cũng không nhìn vào tội lỗi nơi ông, nhưng nhìn vào những vết thương trong tâm hồn cần được chữa lành nơi Giakêu.

Như vậy, không chỉ Giakêu chủ động tìm gặp Chúa, nhưng Chúa cũng chủ động tìm gặp ông. Và xét cho cùng, thực sự Chúa đã đi bước trước để tìm gặp Giakêu qua việc gọi tên và có ý định từ trước để ở lại nhà ông. Vậy, nếu Giakêu chỉ có một ao ước nhỏ nhoi là được nhìn thấy Người, thì gười lại cho ông cả một ân huệ lớn lao vượt quá lòng ông mong ước: Đó là Ơn Cứu Độ.

Cuộc gặp gỡ đặc biệt này, khiến Giakêu thốt lên: “Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn”. Rõ ràng, cuộc gặp gỡ đặc biệt và cả hai người đều đạt được những điều thật vô giá. Giakêu đã hoán cải đời sống bằng những hành động cụ thể, sẵn sàng chia sẻ tài sản của mình cho người nghèo, sẵn sàng sửa lỗi nếu đã lỡ thiếu công bằng, bác ái khi làm phận vụ thu thuế.

Còn với Chúa Giêsu, Ngài đã kéo được Giakêu về với mình, ra khỏi sự mù quàng của tội lỗi và cho ông thấy ông là một người được Chúa yêu thương, được tha thứ, được Chúa ban ơn cứu độ, chứ không phải là một phải một kẻ tội lỗi bị gạt ra khỏi trái tim của Chúa.

Vậy, chúng ta học được gì từ cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu và ông Giakêu. Chúng ta lắm khi cũng là những Giakêu với đầy tội lỗi, đầy vết thương. Vì tội, chúng ta không còn nhìn thấy Chúa rõ và lại càng e dè tự ti khi tới nhà thờ hay ngồi cầu nguyện với Chúa. Vì tội lỗi nơi mình, chúng ta chưa dám nhìn vào ánh mắt của Chúa, chưa chủ động tìm gặp Chúa, chưa nhen nhóm lại ngọn lửa yêu mến của con dành cho Chúa. Để rồi chúng ta sợ Chúa, sợ Chúa phạt, sợ Chúa không còn tha thứ những lỗi lầm của mình nữa.

Nhưng chúng ta đâu biết, khi chúng ta e dè, tự ti không dám nhìn vào ánh mắt của Chúa, thì có một Chúa Giêsu vẫn luôn trông chờ, kiên nhẫn và tìm mọi cách để tha thứ, để lôi kéo con người khỏi tội lỗi. Ánh mắt của Ngài luôn hướng về chúng ta. Không phải để xét nét, tìm lỗi để phạt, nhưng là để cho chúng ta thấy chúng ta luôn được Chúa bên cạnh, như ánh mắt của cha mẹ luôn hướng về đứa con bé bỏng đang tập đi. Thật sự, Chúa chẳng muốn chúng ta phạm tội, càng không muốn chúng ta thỏa hiệp với tội, ở trong tội. Vì tội làm chúng ta xa Chúa. Nhưng không vì chúng ta phạm tội mà Chúa bỏ rơi, ghét bỏ chúng ta. 

Vì thế, chúng ta đừng bỏ qua những cơ hội để gặp gỡ Chúa, mà hãy sáng tạo và chủ động tạo ra những cuộc gặp gỡ với Ngài để thiết lập mối tương quan gắn bó với Chúa. Đặc biệt, chúng ta hãy chạy đến với Thánh Lễ, với Bí tích Thánh Thể và chuẩn bị tâm hồn để rước Chúa vào lòng trong mỗi Thánh Lễ. Hãy để Chúa được ở lại trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta. Hãy để Ngài được đụng chạm, gặp gỡ chúng ta khi buồn, khi vui, khi thành công lẫn thất bại, khi hân hoan lẫy chán nản.

Cuối cùng, mỗi chúng ta ai cũng khao khát được gặp gỡ Chúa, được Chúa biến đổi, được Chúa tha thứ và làm mới cuộc đời mình để có thể can đảm dám sống cuộc sống dứt khoát với tội lỗi. Và cuộc sống lắm lúc làm chúng ta sa ngã, phạm tội. Nhưng hãy dứt khoát như Giakêu, chạy đến với Chúa và sẵn sàng thay đổi. Vì Chúa luôn có đó, ở đó vì chúng ta, một Thiên Chúa luôn say mê để gặp gỡ con người.

 

Comments

Popular Posts