Dụ Ngôn Tên Nhà Giàu Ngu Si (Luca 12, 13-21)

 Suy Niệm Lời Chúa: Thứ Hai Tuần 29 Thường Niên Năm C

Dụ Ngôn Tên Nhà Giàu Ngu Si

(Luca 12, 13-21)

Tuần trước, khi tôi suy ngẫm về bài Tin Mừng hôm nay, tôi đã hỏi một người anh em trong suốt quãng đường từ nhà tới trường và từ trường về nhà. “Anh sẽ làm gì nếu bạn có một tỷ hoặc nhiều hơn thế?" Anh chỉ im lặng và mỉm cười. Tôi thực sự tò mò và muốn biết suy nghĩ của anh ấy. Tôi cứ ngặn hỏi anh, cuối cùng anh ấy nói với tôi: “Thứ anh mày cần lúc này không phải là tiền mà là làm thế nào để sống một cuộc sống trọn vẹn nhất trong đời sống dâng hiến của mình. Con đường anh mày chọn là trở thành một tu sĩ Dòng Thương Khó Chúa Giêsu – dâng hiến đời mình cho Chúa và phục vụ những người anh chị em đang gặp khó khăn. Cho nên, thứ anh mày tìm kiếm không phải là tiền bạc hay tài sản mà là Chúa.

Suy nghĩ về những gì anh chia sẻ, tôi nhận ra, điều anh nói cũng là điều Thiên Chúa đã cảnh báo ông nhà giàu ngu si. Ngài nói: “‘Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,20-21)

Đầu tiên, chúng ta nên chú ý đến từ: “Đồ ngốc”. Trong Cựu ước, cụm từ “đồ ngốc” hay “ngu si, khờ khạo” để chỉ những người phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, như vịnh gia nói: “Kẻ ngu si tự nhủ: ‘Làm chi có Chúa Trời!’ (Tv 14:1). Vì vậy, người đàn ông giàu có trong Tin Mừng bị coi là một kẻ ngốc, một kẻ ngu si vì anh ta đã lãng quên Chúa. Ông quá bận rộn với việc tìm kiếm của cải vật chất. Ông để Chúa một góc nào đó trong cuộc đời mình mà chẳng mảy may đoái hoài. Ông đã để những thứ ông kiếm được che khuất đi sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời ông. Để rồi, tâm trí ông chỉ còn hình bóng của tiền bạc của cải. Hơn nữa, ông ta cũng là một kẻ ngốc vì đã đặt bản mình lên trên hết. Không có một thái độ biết ơn và cũng không muốn chia sẻ những gì mình có. Ấy thế, khi ông chết, tiền bạc của cải của ông chẳng có ý nghĩa gì đối với Thiên Chúa.

Tiếp theo, chúng ta cùng tìm hiểu cụm từ: “Làm giàu trước mặt Thiên Chúa?” Nó có nghĩa là hãy trân quý những gì Chúa Giêsu trân quý: là tương quan của chúng ta với Ngài và tha nhân, là sự sợ hãi lo lắng linh hồn hư mất, là tình yêu và lòng trắc ẩn khi làm tổn thương tha nhân. Giàu có đối với Chúa là giàu hành động tốt, giàu lòng quảng đại và giàu các mối tương quan. Trong thư gửi cho Timôthê, Thánh Phaolô nói rất rõ ràng: “Những người giàu ở trần gian này, anh hãy truyền cho họ đừng tự cao tự đại, cũng đừng đặt hy vọng vào của cải phù vân, nhưng vào Thiên Chúa, Đấng cung cấp dồi dào mọi sự cho chúng ta hưởng dùng. Họ phải làm việc thiện và trở nên giàu có về các việc tốt lành, phải ăn ở rộng rãi, sẵn sàng chia sẻ.Như vậy họ tích trữ cho mình một vốn liếng vững chắc cho tương lai, để được sự sống thật.”(1Tm 6,17-19).

Thật vậy, chúng ta biết rõ rằng việc kiếm tiền hay một cuộc sống thịnh vượng giàu sang, tự bản chất, không có gì là sai trái và tội lỗi. Chúng ta cũng chẳng có tội lỗi gì khi chúng ta có nhiều tiền, nhiều tài sản, có một cuộc sống giàu sang. Tiền bạc hay của cải không đánh giá chúng ta có thánh thiện hay không, cũng không phải là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa đang ở với chúng ta hay dành cho chúng ta. Đồng thời, nó cũng không phải là dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa hài lòng với chúng ta hay không, vì “mặt trời của Thiên Chúa mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính (Mt 5,45). Hơn nữa, cũng chẳng có gì sai trái khi chúng ta biết tiết kiệm để lo cho tương lai của mình. Hôm nay, chúng ta có thể làm việc, nhưng chúng ta không thể làm việc hết cả cuộc đời nhất là khi già yếu, ốm đau. Cho nên việc tiết kiệm tài sản, tiền bạc là một điều nên làm và cần làm để giúp đảm bảo cho cuộc sống được ổn định. Chúa Giêsu chưa bao giờ và Ngài cũng không bao giờ nói chúng ta đừng làm điều đó.

Tuy nhiên, cuộc sống của chúng ta còn nhiều điều hơn thế. Những lời “cảnh báo” của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống này còn nhiều điều hơn là chúng ta có bao nhiêu tiền, sở hữu bao nhiêu tài sản. Tiền bạc tài sản không thể đảm bảo chúng ta sẽ có một cuộc sống tốt hơn khi chúng ta chết, đặc biệt là sự sống vĩnh cửu. Vì vậy, thay vì cố gắng làm giàu và tĩnh trữ thật nhiều của cải, thì tất cả chúng ta hãy “làm giàu trước mặt Thiên Chúa” và “tích trữ nhiều tài sản trên trời”. Hơn nữa, chúng ta phải đảm bảo rằng chúng ta biết nhận ra đâu là Thiên Chúa của đời mình để chạy theo thờ lạy. Chúng ta có lạy thần tiền, thần thời gian, thần gia đình, thần ngày lễ không? Hay, chúng ta cúi đầu trước Thiên Chúa – Đấng Cứu Độ, Đấng ban thưởng Nước Trời cho chúng ta. Cho nên, chúng ta luôn phải phân định, minh xét đâu là sự ưu tiên trong cuộc đời mình như người an hem trong câu chuyện ban đầu đã chia sẻ: Thứ anh tìm không phải là tiền, 1 tỉ hay 10 tỉ nhưng là Thiên Chúa.



Comments

Popular Posts