Cái Tôi

Hồ Sỹ Đoàn C.P

        Một tháng đã trôi qua, nhưng chúng ta ắt hẳn vẫn chưa thể quên câu chuyện cô giáo Lê Na chửi học viên tại trung tâm Anh ngữ ở Hà Nội. Câu chuyện đã thu hút được rất nhiều người tham gia bàn tán, mổ xẻ về văn hóa ứng xử của giáo viên và học sinh trong môi trường sư phạm. Ngay đến, Phó giáo sư Văn Như Cương cũng được mời để tham gia vào việc “phán xét” ai đúng, ai sai trong sự việc trên. Ngẫm đi ngẫm lại, xét ra sự việc cũng đi từ việc không kiểm soát được Cái Tôi của chính những người trong cuộc. Thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu đã từng nói: “Hầu như tất cả mọi sự va chạm trên đời này đều bắt nguồn từ Cái Tôi và sự đổ vỡ cũng bắt đầu từ đó”.
       Cái Tôi chính là cá tính riêng của mỗi người và nó đã được đặt để từ khi ta bước vào thế giới này. Cùng với quá trình sống, ta được tiếp xúc với nhiều nền giáo dục và môi trường sống khác nhau. Từ đó, ta hình thành một Cái Tôi không lẫn vào ai được.
       Thế nhưng, cách thể hiện Cái Tôi của nhiều người ngày càng trở nên kiêu ngạo, ích kỉ và thậm chí là ngu ngốc. Nó đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến các cuộc xung đột. Thời gian qua, có nhiều nhiều vụ án mạng với những lý do hết sức lãng xẹt xuất phát bởi những va chạm từ Cái Tôi, chẳng hạn như: nhìn đểu, khen bạn gái người khác xinh, không có chỗ đỗ xe, rồi đâm chết nhau vì tranh nhau trả tiền, vì không cho hát, vì ngồi nhầm bàn nhậu, vì nghi hái trộm ớt.
        Thật đáng buồn hơn, khi cách thể hiện Cái Tôi không đúng chỗ, đúng cách của một bộ phận giới trẻ trong xã hội ngày càng trở nên lố bịch. Cái Tôi được đo lường bằng vũ lực. Có lẽ chúng ta không thể quên hình ảnh hai nữ sinh ở Sài Gòn hẹn nhau ra phố đi bộ Nguyễn Huệ đánh nhau nhằm dằn mặt trong cách xưng hô ai là chị ai là em. Hay đầu tháng 9/2015, một đoạn video của một nhóm nữ sinh đánh nhau như phim hành động chỉ vì câu nói “xấu mà chảnh”, khiến người xem ngán ngẫm về cách nhìn Cái Tôi của giới trẻ ngày nay.
         Thứ đến, một cuộc khảo sát của nhóm giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục của Đại học Sư phạm TPHCM về những khó khăn của sinh viên mới tốt nghiệp đã chỉ ra nhiều rào cản đối với cử nhân trong quá trình xin việc cũng như trong giai đoạn đầu thích ứng với nghề. Có đến 77,33%  sinh viên chưa biết tiết chế tính cách là một trong những nguyên nhân gây ra những “va chạm” với đồng nghiệp, làm rạn nứt các mối quan hệ.

       Ngoài ra, nhiều vụ đổ vỡ trong hôn nhân cũng xuất phát từ Cái Tôi được đặt không đúng chỗ của người chồng hoặc người vợ, đặc biệt là cặp vợ chồng trẻ. Trước khi bước vào đời sống vợ chồng, nhiều bạn trẻ chưa trang bị cho mình những kỹ năng cơ bản nhất. Sự bất đồng về quan điểm, lợi ích, những ảnh hưởng của lối sống thực dụng khiến mâu thuẫn phát sinh và tiêu cực trong cách giải quyết. Mỗi lúc va chạm, Cái Tôi lên cao khiến cho các cặp vợ chồng trẻ không thể bình tĩnh lắng nghe sự giải thích của “nửa kia”, không chịu thừa nhận sai lầm thuộc về mình nên quyết định ly hôn được đưa ra rất chóng vánh.

        Chúng ta đang sống trong một xã hội đề cao quyền tự do cá nhân, khuyến khích thể hiện Cái Tôi, nhưng đó phải là một Cái Tôi lành mạnh và được trang bị nhiều kiến thức sống cũng như cách ứng xử sao cho phải phép và hòa hợp với mọi người. Dẫu biết, mỗi người là một cá vị riêng biệt, thế nhưng khi nó khác biệt quá nó sẽ thành dị biệt, lạc lõng và thậm chí là lố bịch.  Biết rằng, cách bảo vệ hay đề cao Cái Tôi là một lẽ tự nhiên thể hiện lòng tự trọng của mỗi người, nhưng đừng vì quá tự ái hay thích thể hiện mà biến Cái Tôi của mình trở nên ích kỉ và kiêu căng, xem người khác không ra gì. Rồi cuộc sống sao có thể tránh được những va chạm, xung đột, nhưng thay vì đề cao một niềm kiêu hãnh ngốc nghếch, ta có thể ứng xử kiêm tốn và chừng mực hơn. Thay cho lời kết, tôi xin mượn tư tưởng của một triết gia Pháp để kết thúc bài viết: “Sống ở đời, ta hãy nhớ: ta chỉ là một giọt nước giữa đại dương bao la, một hạt cát giữa sa mạc mênh mông và cũng chỉ là một mầm cây giữa cách rừng rộng lớn”.

Comments

Popular Posts