Socrates, Platon
So với
Socrates, Platon đã có những bước tiến vượt bậc về mặt tư tưởng. Em hãy trình
bày các bước vượt bậc này?
Bài làm
Khi nhắc đến triết gia Socrates,
những người được học hay từng nghe đến ông đều ngưỡng mộ trước tài năng, phẩm
chất và tư tưởng mà ông đã góp phần vào kho tàng tri thức triết học nhân loại.
Thời đại ngày nay, chúng ta bắt gặp rất nhiều quan điểm rằng: Chúng ta hãy quan
tâm đến con người của mình, hãy biết mình và mình cần gì, sống làm sao thật
hạnh phúc thì cách đây hơn 23 thế kỉ, thời kì Cổ đại, Socrates đã đưa ra khẩu
hiệu “Gnothi Seauton” nghĩa là “ Hãy tự biết mình”. Ông đã kêu gọi giới
học giả hãy quan tâm đến con người, hãy trở về chính mình thay vì tìm kiếm hay
khám phá những thứ “xa xôi” trong vũ trụ bao la. Mặc dù Socrates không để lại
bất cứ một tác phẩm hay tài liệu nào liên quan đến các tư tưởng triết học nhưng
qua Platon- vị học trò xuất sắc của Socrates - đã soạn tác văn chương và giúp
diễn tả chính xác tư tưởng triết học của ông. Bên cạnh đó Platon còn được xem
là một triết gia có nhiều bước tiến vượt bậc về mặt tư tưởng so với thầy mình.
Trước tiên, ta cùng tìm hiểu về những tư
tưởng của Socrate. Chúng ta biết rằng, ở gia đoạn Tiền – Socrate (thế kỷ VI –
III TCN), nếu các triết gia chỉ tập trung nghiên cứu về thiên nhiên, về vũ trụ
để trả lời câu hỏi: “Các sự vật thực sự
là gì?”, thì đến thời Socrates, ông lại hướng quan tâm của mình vào đời sống
hiện sinh của chính con người. Thay vì đặt ra những câu hỏi lớn về nguyên lí cuối
cùng của sự vật trong vũ trụ, ông đã chuyển các mối quan tâm của triết học bây
giờ tới những vấn đề liên quan trực tiếp đến hành vi con người với câu nói nổi
tiếng “Hãy tự biết mình”. Vì thế con
người phải lấy chính mình làm đối tượng suy tư và tìm hiểu, đừng làm cho mình
trở nên xa lạ với chính mình. Sự quan tâm đến con người của Socrates có thể xem
như bước ngoặt từ triết học tự nhiên sang triết học đạo đức, từ nguyên lý về vũ
trụ sang nguyên lý nhân sinh.
Bên cạnh đó Socrates đã tạo ra một cái
Hồn, “Psyche”, là cái ở trong chúng
ta mà nhờ đó chúng ta được xem là người khôn hay kẻ ngu, tốt hay xấu, để nhận
ra chân lí hoặc biết hành động của mình đúng hay sai. Mặc dù ông gặp khó khăn
trong việc mô tả cái Hồn một cách chính xác, nhưng ông chắc chắn hoạt động của
Hồn là nhận thức. Vì thế sự quan tâm hàng đầu của con người là chăm sóc cái Hồn
một cách đúng đắn và khi ai đó chăm sóc Hồn mình một cách đúng đắn thì có những
hành vi cư xử phù hợp với những nhận thức của ta về những giá trị đạo đức đích
thực.
Chính từ quan niệm này, Socrates cho rằng
nhiệm vụ của một nhà trị nước (Tư tưởng về chính trị) là chăm sóc “linh hồn” của
đồng bảo mình, giúp họ ngày càng thiện hảo và đó là mục đích cuối cùng của
chính trị. Ngoài ra, tri thức của điều thiện là cơ sở và nền tảng của thuật trị
nước,vì thế muốn xã hội phồn vinh thì phải đặt đất nước vào tay của những người
sáng suốt và có chuyên môn tương xứng.
Về khía cạnh nhận thức luận, Socrates
chủ yếu thể hiện qua khía cạnh đạo đức của con người. Đạo đức học của ông mang
tính chất duy lý, ông thừa nhận Đạo Đức và Tri Thức thống nhất là: Mỗi điều thiện
đó là tri thức và mỗi điều ác đó là sự dốt nát và mỗi hành vi vô đạo đức đều là
kết quả của sự dốt nát của chúng ta. Ông cho rằng cái Thiện phổ biến là cơ sở của
đạo đức, là tiêu chuẩn của đức hạnh, muốn tuân thủ theo cái Thiện thì phải nắm
bắt được nó, hiểu nó và để phát hiện được cái phổ biến, phải có phương pháp tìm
ra chân lý thông qua các cuộc tranh luận.
Từ đó ta có thể nhận thấy tư tưởng của
Socrates đã mở ra một thời kì trục cho lịch sử triết học Tây Phương. Socrates đã
lấy con người làm trung tâm của vũ trụ quan. Hơn nữa, triết học của ông chủ yếu
bàn về con người dưới khía cạnh đạo đức. Bên cạnh đó ông coi tri thức là nền tảng
của đạo đức và hạnh phúc chính là đức hạnh và hạnh phúc là đức hạnh. Vì thế
chúng ta có thể nhận định rằng tử tưởng triết học của Socrates dựa trên một niềm
tin mạnh mẽ vào sự cao cả của lí trí. Chính vì thế đạo đức học của ông chính là
thuyết Duy trí lạc quan. Tuy nhiên Socrates chỉ dừng lại ở việc đưa ra một “định
hình nền tảng” cho các tư tưởng triết học của mình, trong khi đó Platon – học
trò xuất sắc của Socrates đã có một bước tiến vượt bậc trong việc đưa các tư tưởng
triết học thành những hệ thống rõ ràng,
sâu sắc và thực tiễn hơn.
Tiếp theo, ta cùng tìm hiểu những bước
tiến nổi bật trong tư tưởng của Platon được thể hiện như thế nào so với Socrates. Platon được biết đến là triết
gia đầu tiên trình bày các đề tài một cách có hệ thống, khúc chiết. Mặc dù
Platon chịu ảnh hưởng của Socrates về nhận thức luận trong việc đề cao vai trò của tri thức. Thế
nhưng nếu Socrates chỉ nêu ra tri thức là đức hạnh, giúp ta phân biệt đúng sai
và dẫn ta tới cuộc sống hạnh phúc, thì học thuyết tri thức của Platon được
trình bày một cách rõ ràng và có hệ thống trong tập sách Republic với hình ảnh con đường chia đôi và huyền thoại Cái Hang. Về
hình ảnh con đường chia đôi, ông phân biệt giữa hai cấp độ: Thường kiến và tri
thức. Ông khẳng định thế giới vật chất hay khả giác, bao gồm sự quan sát hay
phán đoán của khoa học là thường kiến. Cấp độ cao hơn là tri thức. Thay vì kinh
nghiệm giác quan, con người sẽ tham gia vào sự nhận biết bằng lí trí. Huyền thoại
Cái Hang là hình ảnh về các sự vật mà ta thấy trên tường chỉ là thế giới khả
giác, trong khi các sự vật bên ngoài cái hang mới là thế giới thực, mới là thực
tại cao cả. Từ đó ông quan niệm có hai
thế giới: khả niệm và ý niệm
Nếu Socrates chỉ đưa ra được cái gọi
là “psyche” – cái Hồn trong mỗi con
người là cái trung tâm để nhận biết, để nhận thức đúng sai và tìm ra chân lí
thì, Platon đã chia linh hồn con người thành ba phần: lý trí, ý chí và dục vọng. Ba yếu tố gắn với
ba nhân đức của con người là sự khôn ngoan, lòng dũng cảm và sự tiết độ. Nhất
là con người không chỉ có hồn và còn có xác. Vì thế muốn tâm hồn mình được bình
an, có một sự trật tự và hòa hợp thì các phần của hồn phải làm đúng chức năng,
nhưng để làm được điều đó thì cần tời việc huấn luyện.
Về tư tưởng chính trị, Socrates chỉ dừng
lại ở việc khái quát việc chăm sóc “linh hồn” của đồng bảo mình bằng tri thức
đó là mục đích lớn nhất của chính trị và giúp xã hội phồn vinh, thì Platon đã
đưa ra một cơ cấu nhà nước có tổ chức rõ ràng gồm ba tầng lớp: Sư phạm (các nhà
nghị viện) là tầng lớp những người sáng suốt, có lý trí để lãnh đạo đất nước;
chiến binh là tầng lớp những người có ý chí, sức mạnh để bảo vệ đất nước và cuối
cùng là thợ thủ công là tầng lớp lao động trong xã hôi. Vậy, muốn xã hội tốt đẹp
thì phải có sự trật tự giữa ba tầng lớp này.
Ngoài ra một bước tiến quan trọng nữa
của Platon là vũ trụ quan. Nếu Socrates bỏ qua các vấn đề về vũ trụ, thiên
nhiên xung quanh con người để tập trung vào con người thì Platon đã xây dựng
nên một tư tưởng đầy đủ về vũ trụ quan. Theo ông, vũ trụ có trật tự và có mục
đích, vì thế ông vận dụng nhận định của Pythagore để nói lên trật tự và tính tổ
chức của vũ trụ. Từ đó, ông cũng bác bỏ quan điểm của các nhà vũ trụ luận trước
kia cho rằng vũ trụ hoàn toàn do vật chất tạo thành. Hơn nữa nơi Platon đã có
quan niệm về thời gian và không gian “sự phát sinh vũ trụ này là kết quả của sự
phối hợp giữa hai yếu tố ý niệm và lí trí”.
Bên cạnh đó ta cũng xét tư tưởng về Thượng Đế của Socrates và Platon. Socrates
có một tầm hồn sùng đạo và đặt niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thượng Đế - Đấng mà
ông tin là người điều khiển mọi sự, đấng đó là Daimonion. Ông nói rằng: “ Nhìn ngắm vũ trụ, ta thấy Thượng Đế đã
an bài và bảo toàn mọi sự, nhưng chính Ngài ta không thấy được”. Từ những lời
này thì đây là lí chứng và cơ sở giúp Platon triển khi vững mạnh hơn trong cuốn
Le Philebe qua miệng Socrates. Đối với
Platon, ông đã xây dựng nên hệ thống Siêu hình hoc Duy Tâm với thuyết Linh Tượng
trong đó Thượng Đế là tuyệt đối, là thực thể tối cao, hoàn hảo nhất của vũ trụ.
Ngài là kiến trúc sư hình thành thế giới này. Hay trong cuốn Republic, Platon đã xây dựng nên một Thượng
Đế cụ thể hơn. Người là đấng quan phòng và cham sóc mọi sự và ông gọi Thượng Đế
là Demiourges. Từ đó ông chống lại
thuyết vô thần cùng thuyết đa thần. Như vậy, Socrate đã phác thảo những nét đầu
tiên của chủ nghĩa duy tâm khách quan; Platon đẩy nó lên một trình độ hệ thống.
Mặc dù trên đây không phải là một bài viết tập hợp tất cả mọi tư tưởng của
Socrates và Platon và có một sự so sánh chuẩn xác hoàn toàn về những bước tiến
vượt bậc của Platon so với Socartes, thế những qua đó chúng ta cũng phần nào
thấy được Platon đã trình bày các đề tài, các tư tưởng của mình như thế nào so
với Socrates. Từ đó, ta thừa nhận rằng từ việc ảnh hưởng tư tưởng và những tri
thức “nền tảng” của Socrates, Platon đã
có một bước chuyển mình, rất tiến bộ trong việc xây dựng nên tư tưởng có hệ
thống, rõ ràng hơn và chặt chẽ hơn, không chỉ nằm trên lí thuyết nhưng còn áp
dụng một cách thực tế. Một nét nổi bật ta cũng phải nhắc đến rằng Platon đã
dành thời gian và tâm huyết để viết lại các tư tưởng, các đề tài của mình để
xác định tính đúng đắn và chân xác về nguồn gốc của tư tưởng theo thời gian,
trong khi Socrates chẳng để lại một tài liệu hay tác phẩm nào về tư tưởng của
ông mà chỉ dựa vào lời kể của người khác.
Tài liệu tham khảo
1.
Nguyễn
Ước, Ba mươi triết gia Tây Phương.
2.
Nguyễn
Hồng Giáo O.F.M, Lịch sử triết học Tây
Phương Thời Cổ đại.
3. Nguyễn Trọng Viễn O.P, Lịch sử triết học Tây Phương, tập 1, Thời
Thượng Cổ.
4. Nguyễn Mạnh Tăng, Lịch sử triết học.
5. Mai Sơn (biên soạn), 101 triết gia, 2007.
6. Samuel Enoch Stumpf, Lịch sử triết học và các luận đề.
7. William S. Sahakan, Mabel L. Sahakan, Tư tưởng các triết gia vĩ đại, 2001.
Comments
Post a Comment