Vấn đề vĩnh hằng (Parmenide) và biến dịch(Heraclite)
Vấn đề
vĩnh hằng (Parmenide) và biến dịch(Heraclite) Platon và Aristotle giải
quyết như thế nào?
Khi
nhắc đến triết học Tây phương Cổ đại, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nghĩ ngay
đến những triết gia vĩ đại với những tư tưởng triết học để đời và đóng góp không
nhỏ vào kho tàng tri thức triết học của nhân loại như Tales, Heraclite, Parmnide,
Socrates, Platon, Aristotle… Những vấn đề triết học mà họ tập trung nghiên cứu
không chỉ dừng lại ở việc đi tìm câu trả lời về những bí mật trong thế giới tự
nhiên của vũ trụ bao la này, mà còn tập trung đi sâu khám phá con người dười
nhiều góc nhìn như tri thức luận, đạo đức học hay siêu hình học. Bên cạnh đó,
cũng xuất hiện những tư tưởng, học thuyết có tính đối chọi nhau như sự vĩnh hằng
trong quan điểm của Parmenide (~ 515 TCN) và sự biến dịch trong quan điểm của
Heraclite (540 - 475 TCN). Thực sự khi nhắc đến vấn đề này, chúng ta không thể
bỏ qua tư tưởng triết học trong cách giải quyết vấn đề vĩnh hằng và biến dịch của
hai nhà triết gia lớn là Platon và học trò xuất sắc của ông, Aristotle. Vậy ta
cùng đi sâu tìm hiểu để làm rõ vấn đề vĩnh hằng (Parmenide) và biến dịch(Heraclite)
đã được Platon và Aristotle giải quyết như thế nào trong tư tưởng triết học của
họ.
Trước
tiên, ta cùng tìm hiểu vấn đề vĩnh hằng và biến dịch đã được Parmenide và
Heraclites trình bày như thế nào. Với Heraclite,
ông khẳng định tính vô thường của vạn vật. Vạn vật biến đổi không ngừng (lửaàkhíànướcàđất và ngược lại). Không có bản
thể bất biến thường trụ, mà nó luôn trong dòng chảy biến dịch thường xuyên.
Trong khi đó, Parmedides lại khẳng định Hữu thể, Bản thể vũ trụ thì bất biến, bất
diệt, vĩnh hằng, tự hữu. Với ông, sự biến đổi và phát triển chỉ đơn thuần là ảo
giác của con người, vì đằng sau nó, thực tại là bất biến, vĩnh hằng.
Vì thế, Platon - người đầu tiên tìm cách giải quyết vấn
đề do Heraclite và Parmenide để lại – đã cố gắng giải đáp vấn đề này một cách
có hệ thống, có tính tổng quát và sâu xa trong bản chất của vấn đề. Để có một
cách hiểu ngọn ngành về vấn đề vĩnh hằng và biến dịch trong tư tưởng triết học
của Platon, chúng ta phải đi từ học thuyết về các ý tưởng của ông.
Học thuyết về ý tưởng (ý
niệm) chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong triết học của Platon vì đây
được xem là nền tảng của thế giới quan của ông. Quan niệm của Platon về ý niệm
tồn tại, về vật chất không tồn tại, về sự vật cảm tính, về những con số… Các ý
niệm theo cách hiểu của Platon đó là các khái niệm, tri thức đã được khách quan
hóa. Các ý niệm được coi là tồn tại nói chung, bất biến và vĩnh viễn. Nó nằm ở thế giới
trên kia, tách biệt với thế giới vật chất. Nó phải là phi vật chất, hoàn hảo và bất di bất dịch.
Ông cũng đặt ra và giải quyết hàng loạt câu hỏi:
Thế nào là tồn tại đích thực? Thế nào là “cái bóng” của sự tồn tại đích thực,
và thế nào là “tồn tại khác”? Ông cho rằng tồn tại đích thực phải là tồn tại
vĩnh cửu, bất biến, tự thân đồng nhất, bền vững, siêu cảm tính, bất khả phân,
vĩnh cửu. “Cái bóng” của tồn tại đích thực là sự sinh thành, tính nhất thời, khả
biến, có khả năng trở thành cái khác (không đồng nhất tự thân), luôn chịu sự
quy định của điều kiện không gian, thời gian, cảm tính, khả phân, khả hủy (biến
dịch).
Bên cạnh đó, khi nhắc đến ý niệm của Platon, ta
cũng không quên nói đến “Trí khôn”. Platon rất đề cao trí khôn (nhận thức) và ông
cho rằng trí khôn không còn là thế giới vật chất vì thế giới vật chất thì trôi
nổi biến dịch và trí khôn phải xuất phát từ thế giới ý niệm, bất biến. Chẳng hạn, một
cái cây thì thay đổi, nhưng ý niệm về cái cây thì vĩnh cửu, bất biến.
Hay trong tác phẩm Timoeus, Plato cho rằng kinh nghiệm giác
quan không thể là nguồn nhận thức của con người vì các đối tượng được nhận thức
bằng kinh nghiệm giác quan luôn biến hóa, đổi thay. Muốn có một nhận thức đích
thực con người phải vượt lên trên kinh nghiệm giác quan, vận dụng lý trí của
mình để khám phá ra những thực tại khả tri là những mô thể bất biến tự tại thuộc
thế giới lý niệm – cái không nằm ở thế giới vật chất.
Kế đến, theo ông hồn vũ trụ là vĩnh cửu, nhưng
thế giới biểu hiện bên ngoài thì đầy nhưng biến đổi, cũng như nơi con người, con
người thì gồm hai yếu tố: Hồn và Xác. Linh hồn là yếu tố vĩnh cửu, trong khi
thân xác lại chứa nguyên lí thay đổi. Vì ông cho rằng, Xác – biến đổi
trong phạm vi khả giác, Hồn – thuộc phạm vi khả tri, khả niệm, mang tính chất bất
biến. Linh hồn tồn tại độc
lập với thể xác con người và vì linh hồn thuộc thế giới ý niệm nên linh hồn bất
tử, vĩnh hằng.
Ngoài ra, vấn đề vĩnh hằng và biến dịch đươc ông
trình bày rõ ràng trong cách nhìn về thời gian. Theo ông, thời gian chỉ xuất
hiện khi các hiện tượng được phát sinh, khi có những sự vật bất toàn và thay
đổi như chúng ta biết. Còn trước đó, bất cứ cái gì tồn tạo đều vĩnh cửu. Chính
cái ý nghĩa của thời gian là thay đổi, vì thế khi không có thay đổi thì không
có thời gian. Nhưng thời gian diễn tả sự hiện diện của hai mặt trong vũ trụ là
thời gian (biến dịch) và tính vĩnh cửu, vì vũ trụ được sắp đặt bởi trí khôn, nó
chứa yếu tố vĩnh cửu và vì vũ trụ là sự kết hợp giữa các bề mặt, nên nó chứa
các yếu tố biến dịch và thời gian. Nhưng sự thay đổi đó không diễn ra tùy tiện
nhưng rất đều đặn, nên chính quá trình thay đổi đó biểu lộ sự hiện diện của trí
khôn vĩnh cửu.
Chính vì thế qua việc sử dụng học thuyết về ý
niệm, ông đã phần nào giải quyết được sự đối chọi giữa hai vấn đề vĩnh hằng và
biến dịch hay nói sâu xa hơn là sự tồn tại. Nghĩa là không chỉ có sự vĩnh hằng,
bất biến của của “ý niệm” – Hồn, trí khôn,
nhưng còn có sự thay đổi biến dịch của thời gian, vật chất.
Kế đến chúng ta cùng xem cái giải
quyết vấn đề vĩnh hằng và biến dịch của Aristotle. Nếu Platon giải quyết vấn đề
vĩnh hằng và biến dịch từ học thuyết về các ý tưởng – cái tách rời với thế giới
khả giác, và chỉ nằm trong thế giới khả niệm, thì Aristotle
cũng sử dụng ý tưởng (ý niệm) để giải quyết vấn đề, nhưng ý niệm của ông thì nằm
trong sự vật khả giác mà trí khôn “trừu xuất” ra. Ví dụ từ những miếng đồng, thỏi
sắt ta rút ra ý tưởng “kim loại”.
Aristotle cho rằng
mọi vật hiện hữu trong vũ trụ này thì sống động, vận động và phát triển không
ngừng. Ông nêu lên tính chủ yếu của vận động không phải ở bên ngoài sự vật,
nhưng cốt lõi là vận động nội tại ngay bên trong sự vật, nó làm cho tiềm thể trở
thành hiện thể. Vì thế, trong các công trình của thiên nhiên thì các sự vật vật
chất đều tiềm tàng nguyên lí chuyển động ngay trong chính mình nó. Nghĩa là
không có sự chuyển động thật sự nào bên ngoài sự vật, mà chúng tự tiến đến mục
đích của cuộc vận hành của chúng.
Ngoài ra, vận
hành, chuyển dịch trong thiên nhiên không có nghĩa là từ vật này biến đổi, trở
thành vật khác, không phải từ loài này biến đổi thành loài kia, nhưng chính
trong sự chuyển động, biến dịch vẫn có cái bản chất tồn tại vĩnh hằng.
Aristotle đã đưa
ra quan điểm về hiện thể và tiềm thể. Trong đó, hiện thể và tiềm thể là một cặp
nguyên lí cấu tạo sự vật mà ta phải dùng để cắt nghĩa một vật đã là vật đó rồi
mà còn có thể biến đổi, biến dịch. Ví dụ như hạt thóc thành mạ, mạ thành lúa.
Như Aristotle nói, thay đổi là đi từ tiềm thể đến hiện thể.
Bên cạnh Aristotle
cũng cho rằng mỗi vật gồm hai nguyện lí cấu tạo là mô thể và chất thể. Nếu so
sánh với hiện thể và tiềm thể thì mô thể là hiện thể và chất thể là tiềm thể.
Mô thể là cái làm cho một vật là vật đó, chứ không phải là vật khác và nó thì bất
biến, vĩnh hằng. Thế nhưng chất thể thì mang trong mình nguyên lí chuyển động
và ngưng nghỉ làm cho các vật được hình thành từ nó. Vì thế nguyên lí biến dịch
nằm ngay trong sự vật và nó nằm dưới dạng hiện thể hay tiềm thể và ông cho rằng
chúng ta là một hiện thể thay đổi không ngừng.
Ngoài ra,
Aristotle coi thế giới hữu hình là một thế giới gồm những sự vật chuyển động,
nhưng chuyển động phải bao gồm tiềm thể. Mọi vật đều có tiềm thể chuyển động,
nhưng chúng phải được tác động bởi một cái gì đó hiện đang chuyển động. Nghĩa
là bất kì cái gì chuyển động cũng đều bị chuyển động bởi một cái khác. Vì thế
Aristotle gọi đó là Động cơ nguyên thủy. Đối với ông, động cơ nguyên thủy không
phải là cái chuyển động đầu tiên, vì ông không quan niệm có một thời gian bắt đầu
cho chuyển động. Ông cũng không coi động cơ chuyển động là Tạo Hóa. Vì thế, Aristotle đã dùng động cơ nguyên thủy
để cắt nghĩa cho nguyên lí của sự chuyển động, hay động cơ nguyên thủy biểu hiện
cho nguyên lí vĩnh cửu của chuyển động. Vì chuyển động vĩnh cửu nên không bao
giờ có một “thời gian” nào mà thế giới các sự vật không ở trong tiến trình chuyển
động.
Aristotle đã lí giải
rằng, bất cứ vật thể nào trong vũ trụ đều có bốn nguyên nhân. Thứ nhất là căn
nguyên về hình thức - ý tưởng (mô thể), thứ hai là căn nguyên về vật chất (chất
thể), thứ ba là căn nguyên hiệu quả hay căn nguyên chuyển động (tác thành) và
cuối cùng là căn nguyên mục đích. Đối với ông, tất cả những căn nguyên này đều
hoạt động trong sự vật khi nó phát triển, thay đổi, lớn lên và hình thành. Vì
thế, tất cả sự chuyển động sẽ được giải thích giống như sự hợp nhất giữa hình
thức và vật chất.
Vậy, qua việc đưa ra quan niệm về hiện thể, tiềm
thể, mô thể, chất thể và “động cơ nguyên thủy”, Aristotle cũng đã phần nào giải quyết được sự đối lập giữa hai
vấn đề vĩnh hằng và biến dịch của Heraclite, Parmnide để lại.
Như vậy, sự biến đổi không ngừng của vạn vật
(Heraclite), hay vũ trụ là một bản thể vĩnh hằng, bất biến (parmenide) là hai
vấn đề không nhề đơn giản trong lịch sử Tây phương thời Cổ đại. Thế nhưng, qua
cách giải quyết vấn đề của Platon và Aristotle, chúng ta có cơ hội tiếp cận một
tri thức mới về vấn đề nội tại của sự vật về sự tồn tại của vũ trụ, của con
người, của chính các sự vật. Sự vĩnh hằng, bất biến nó
không chỉ tồn tại trong “ý niệm” – cái
nằm ở thế giới trên, tách rời với thế giới vật chất, thế giới khả niệm, mà nó
còn nằm ngay trong chính sự vật, “chính trong sự chuyển động, biến dịch
vẫn có cái bản chất tồn tại vĩnh hằng” hay còn gọi đó là mô thể. Hay sự biến
dịch không phải chỉ còn ở thời gian, ở thế giới khả giác, ở thân xác của con
người, vật mà nó còn là sự thay đổi chất thể và làm cho tiềm thể trở thành hiện
thể. Như thế, chúng ta có nhìn thấy sự vật bề ngoài có vẻ yên tĩnh, bất động,
nhưng chính nội tại bên trong nó thì biến dịch không ngừng nghỉ và cái ý niệm về một vật, sự vật, cái làm nên nó thì luôn
tồn tại vĩnh hằng, bất biến và nó không hề đối chọi hay mâu thuẫn nhau mà đó là
một sự hài hòa của vũ trụ, sự vật
Comments
Post a Comment