Văn minh sự chết

Paul Crowther đã viết: “We can draw a vital intellectual point, namely that one cannot simply reject postmodernism[1] (Chúng ta có thể rút ra một nhận định quan trọng mang tính trí tuệ rằng chúng ta không thể đơn giản chối bỏ chủ nghĩa hậu hiện đại). Rõ ràng, trong tiến trình phát triển của lịch sử, không ai trong chúng ta dám phủ nhận hay chối bỏ chủ nghĩa hậu hiện đại vì nó là một phần của thực tại trong dòng chảy của lịch sử con người. Hơn nữa, bất kì giai đoạn lịch sử nào cũng tồn tại song song hai chiều kích tích cực và tiêu cực trong tất cả các lĩnh vực phát triển. Giai đoạn hậu hiện đại cũng không ngoại lệ. Thế nhưng, chiều kích tiêu cực của chủ nghĩa hậu hiện đại đang đưa dẫn con người tới một sự diệt vong vô cùng nguy bách. Những gì chủ nghĩa hậu hiện đại đang tiến bước và phát triển, dường như đang dẫn nền văn minh nhân bản của con người tới nền một nền văn minh mà người viết gọi đó là “nền văn minh sự chết”.
Người viết gọi nền văn minh mà chủ nghĩa hậu hiện đại đang hướng tới là “nền văn minh sự chết” bởi:
Có thể nói, văn hoá hậu hiện đại đã tác động mạnh mẽ vào não trạng của con người. Đời sống con người chỉ còn là cái bóng, là ảo ảnh và tạm bợ. Nó gợi dậy ở mỗi cá nhân cảm giác về sự trống rỗng, vô vị, vô nghĩa, rối loạn, lạc điệu, thiếu chuẩn mực và sự hỗn độn của một thế giới đứt gẫy mạch lạc. Thế giới sống của con người chỉ còn là những kí hiệu và những sản phẩm “độc đáo” mà do chính con người tự hào tạo ra, đó chính là những sản phẩn công nghệ thông tin, người máy (cyborg), trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence).
Chúng ta nhìn thấy giai đoạn hậu hiện đại một sự phát triển vượt bậc trên khía cạnh khoa học công nghệ. Nơi đó con người “hiện thực hóa” nhưng ảo vọng mà con người muốn thực hiện nơi thế giới thực tại. Con người muốn liều mình, phiêu lưu trong thế giới “ảo” của kĩ thuật. Nơi đó con người chấp nhận để mình trở thành những chủ thể bị lừa dối trong thế giới ảo. Nhưng thật xót xa, khi một hữu thể có lý trí lại chọn “ném” mình vào thế giới ảo chỉ để thỏa mãn những nhu cầu hiện thức hóa những ảo vọng của mình, chỉ để sự tự do của mình được phiêu lưu trong không gian ảo và vô tình con người lệ thuộc và biến mình thành một công cụ sở đắc của khoa học công nghệ.
Kế tiếp, việc sáng chế ra người máy (cyborg) hay sinh vật cơ khí hóa. Xét về mặt tích cực, người máy có thể làm tăng khả năng chống lại ốm đau, bệnh tật của cơ thể và nó còn có thể bù đắp cho sự thiếu hụt bẩm sinh. Tuy nhiên, nếu người máy được định hướng, không nhằm chống lại hoặc ngăn ngừa các yếu tố bất lợi trong sự tồn tại của cơ thể, nhưng nhằm mục đích chuyển đổi cấu trúc nhận thức (transformation of cognitive structures) thì điều này dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đặc biệt, khi người máy được hỗ trợ khả năng nhận thức kết hợp với trí thông minh nhân tạo (artificial intelligence), người máy sẽ trở nên vượt trội hơn trí tuệ con người, dẫn đến con người mất quyền kiểm soát đối với hệ thống do chính mình sáng tạo ra. Thậm chí, hệ thống máy tính, những người máy đã điều khiển, chỉ huy, ra mệnh lệnh ngược lại đối với con người, làm chủ con người, bắt con người phải hành động theo ý đồ của chúng cho những mục đích xấu. Đến một mức độ nào đó, trí tuệ của con người trở nên vô thức, hành vi của con người lệ thuộc vào sự điều khiển ngược lại bởi “trí tuệ nhân tạo”. Và những con người bị lệ thuộc đó sống trong một “thế giới ảo” được điều hành, quản trị bởi hệ thống máy tính hay những người máy có “trí tuệ nhân tạo”. Như vậy, vô tình con người đã tạo ra một kẻ thù phi nhân tính và đe dọa đến sự tồn vong của con người và khả năng bạo lực hầu như không ai có thể lường được.
Như vậy, thế giới mạng, người máy và trí thông minh nhân tạo không còn là khoa học viễn tưởng, nhưng chúng đã bước ra thế giới thực nhờ vào những bàn tay, khối óc đầy tham vọng của con người. Rõ ràng, việc cho ra đời của người máy kết hợp với trí thông minh nhân tạo vô hình chung đã dẫn đến một quá trình cơ giới hóa xác định sự tồn tại của con người, nơi đó con người bị đàn áp, nô dịch bởi những “sản phẩm độc đáo” do chính con người tạo ra, nơi đó đưa dẫn con người tới nền văn minh của sự chết, một nền văn minh phi nhân bản.
Rõ ràng, khi một nền văn minh mà quá trình cơ giới hóa xác định sự tồn tại thì thật khó để tìm chỗ đứng cho các giá trị nội tại như giá trị văn hóa, đạo đức, nhân bản. Bởi, thế giới vốn dĩ là của con người, nhưng một khi người máy làm chủ nó thì những giá trị văn hóa, đạo đức, nhân bản hoàn toàn bị loại bỏ thay vào đó chỉ còn là “hiệu lệnh”, “kí hiệu”.
Như vậy đứng trước mối nguy hại cấp bách mà chủ nghĩa hậu hiện đại đang phải đối mặt, triết học có tiếng nói gì và cần phải nhập cuộc như thế nào? Thật sự, triết học không chối bỏ giai đoạn chủ nghĩa hậu hiện đại. Thay vào đó, triết học bàn đến một lối tư duy phê phán với hy vọng thiết lập một quan điểm triết học phê bình có thể giúp điều chỉnh sự chuyển tiếp những gì xảy ra sau chủ nghĩa hậu hiện đại.
Với tác giả Paul Crowther, triết học mà ông muốn đặt nền tảng và quan tâm chính là triết học tái thiết nền tảng (refoundational philosophy). Triết học tái thiết nền tảng quay trở về với “nền tảng” để phê phán, phân tích và xem xét. Đây là một sự trở về với những giá trị thực, có ý nghĩa để giải quyết những vấn đề đương thời. Triết học tái thiết nền tảng sẽ khám phá cơ chế nội tại của quá trình làm ý thức con người trở nên mụ mị, mê muội, phi nhân bản trong quá trình cơ giới hóa, đồng thời nó còn cố gắng chứng minh sự bấp bênh, bất khả tín, tính chất “giả nguỵ” về một thế giới được nhào nặn bằng con đường làm cho ý thức của con người mụ mị đi như thế. 
Chúng ta có thể hình dung rõ hơn ở ví dụ sau: Trên một mảnh đất đã được xây cất một căn nhà, nhưng theo thời gian căn nhà này bắt đầu xuất hiện những mối nguy đến sự tồn tại của những người đang sống trong đó. Vậy, họ cần phải xem xét, phê phán và tiến tới hành động, có thể là sửa chữa và thậm chí phá bỏ căn nhà đó vì sự an toàn của chính họ và bên cạnh đó họ cần thiết kế một lối xây khác để từ chính nền đất đó, một căn nhà khác được mọc lên và đáp ứng được những nhu cầu quan trọng cho những con người ở đó. Như vậy, triết học tái thiết nền tảng cũng giống như vậy, cũng được xây dựng nên một nền tảng cố định, dám phá bỏ những gì nguy hại và tái thiết lại một mô hình mới phù hợp với sự phát triển của lịch sử nhân loại.
Ở đây, người viết có thể nói rằng, mục đích triết học tái thiết nền tảng quan tâm và hướng tới chính là “sự an toàn” của con người trong dòng chảy phát triển của lịch sử nhân loại. Con người và những giá trị nhân bản được đặt làm nền tảng, là mục đích tối hậu chứ không phải là phương tiện hay một công cụ nào đó phục vụ cho tiến trình phát triển của lịch sử. Trong khi, quá trình cơ giới hóa trong giai đoạn hậu hiện đại, con người đang trở thành công cụ của quá trình phát triển đó. Như vậy, triết học tái thiết nền tảng muốn lấy lại vị trí xứng đáng cho con người. Nếu chúng ta xem xét con người dưới góc độ nền tảng và là một giá trị căn bản thì việc phát triển quá trình cơ giới hóa sẽ được xem xét lại. Khoa học công nghệ vẫn là một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại trong giai đoạn hậu hiện đại, nhưng ở đó những giá trị nhân bản phải được đề cao ở vị trí xứng đáng.
Như vậy, “nền văn minh sự chết” sẽ là điểm cuối của nền văn minh con người, nếu chúng ta cứ tiếp tục bước đi, nhấn chìm mình vào những gì mà con người tự hào là những thành quả vượt bậc của tri thức con người. Mọi giá trị bị phá hủy, con người trở thành công cụ của chính quá trình cơ giới hóa mà mình tạo ra, và một nền văn minh phi nhân bản ra đời. Thế nhưng, con người vẫn mãi là một chủ thể năng động trong tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Vì vậy, sự tự ý thức giúp con người thức tỉnh trước những vấn nạn thời đại đặt ra. Chúng ta cần phải làm gì? Cần một góc nhìn mang tầm triết học tái thiết lại hay chấp nhận một sự tất yếu của một quá trình? Chắc chắn, là một sự tái thiết phải được đặt lên hàng đầu.



[1] CROWTHER, Paul, Philosophy after Postmodernism, London and New York, the first published 2003, p.43.


Comments

Popular Posts