Phòng Riêng Và Những Con Đường Trong Cuộc Đời Của Cha Thánh Phaolô Thánh Giá

 

Phòng Riêng Và Những Con Đường

Trong Cuộc Đời Của Cha Thánh Phaolô Thánh Giá

1. Castellazzo

1.1 Phòng Riêng

Tại Castellazzo, phòng riêng của cha thánh Phaolô nằm cạnh phòng thánh của nhà thờ thánh Carôlô (Charles). Đó là một căn phòng tuy nhỏ bé, nghèo nàn và ẩm ướt, nhưng là nơi thánh thiêng, nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên Chúa và cha thánh Phaolô. Nơi đây cũng chính là cái nôi của dòng Thương Khó Chúa Giêsu và hiến pháp của dòng ra đời. Ngoài ra, căn phòng nhỏ bé đó không chỉ được xem là nơi của đền tội nhưng còn là nơi của sự xuất thần (ecstasy). Hơn hết, căn phòng này là nơi cha thánh Phaolô Thánh Giá nuôi dưỡng và kín múc tình yêu và lòng xót thương của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh.

1.2 Con Đường

Cha thánh Phaolô Thánh Giá đã băng những con đường tại Castellazzo để tìm kiếm và phân định ơn gọi của mình. Nơi đó cũng in dấu những bước chân đầu tiên trong sứ vụ của ngài như một nhà giảng thuyết. Trên những nẻo đường ở Castellazzo, ngài đã gặp gỡ những người nghèo, những người ngài sẵn sàng chia sẻ cơm bánh. Nơi đó những bước chân trần đã trải qua những ngày nắng mưa, những ngày tuyết giá lạnh lẽo. Nhưng tất cả, những con đường đó đã dẫn ngài tới sứ vụ của mình. Đặc biệt, chính nơi đây, Đức Trinh Nữ Maria đã tỏ lộ sự huyền nhiệm trong ơn gọi của cha thánh Phaolô. Đó chính là con đường của người nghèo.

2. Núi Argentario

2.1 Phòng Riêng

Tại núi Argentario, phòng riêng của cha thánh Phaolô Thánh Giá là nơi ngài đã viết rất nhiều thư hướng dẫn thiêng liêng cho những người ngài gặp gỡ và đồng hành trong đời sống đức tin và dâng hiến. Căn phòng này cũng là nơi ngài suy niệm, chiêm ngắm về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu dưới những hình ảnh tuyệt với nhất của biển cả, núi non. Trong căn phòng nhỏ trên núi Argentario, cha thánh xem bản thân mình như một con bướm đêm trong chiếc lòng đèn đang bị thiêu đốt bởi ngọn lửa thánh thiêng của tình yêu Thiên Chúa để được kết hợp nên một với Thiên Chúa Toàn Năng.

2.2 Con Đường

Những con đường trên núi Argentario chưa bao giờ là dễ đi và đẹp đẽ. Nơi đó, cha thánh không chỉ gặp gỡ, chữa lành và nâng đỡ bao con người đau khổ bị bỏ rơi nhưng còn là nơi để lại nhiều kỉ niệm khó quên nhất trong sứ vụ của ngài. Nơi ngài luôn có một sự thu hút đặc biệt khiến các tội nhân và những người nghèo luôn tìm đến ngài. Có thể nói, những con đường tại núi Argentario là những chặng hành trình sứ vụ cha thánh đã tới những vùng ngoại vi để mang Tin Mừng và rao giảng về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu tới mọi người. Chính những con đường đất đó, giờ đây lại in dấu chân trần của một vị thánh. Ngoài ra, những con đường tại núi Argentario còn mang những kí ức của những năm đầu tiên xây dựng cộng đoàn của dòng Thương Khó Chúa Giêsu trong hoàn cảnh khó khăn, đói kém, chiến tranh. Những con đường cha thánh Phaolô Thánh Giá đi qua, đã phục vụ, đã giúp đỡ cả người nghèo lẫn binh lính, cả những người chỉ huy lẫn thường dân, đó là những con đường của bác ái, của yêu thương.

3. Vetralla

3.1 Phòng Riêng

Phòng riêng của cha thánh Phaolô Thánh Giá tại Vetralla là một căn phòng để lại nhiều vẻ đẹp thánh thiêng, nhiều điều quý giá mang dấu ấn của sự trung thành và kiên định. Cha thánh đã sống tại căn phòng này trong nhiều năm và dường như dành hầu hết thời gian cho việc cầu nguyện, chiêm ngắm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh. Căn phòng này cũng in dấu những ngày tháng đau bệnh của ngài cùng với chiếc nạng bên cạnh người em trai cũng đau ốm trên giường bệnh. Em trai ngài chính là cha Gioan Baotixita. Cha đã cũng đồng hành, nâng đỡ và hướng dẫn cha thánh Phaolô trong việc xây dựng cộng đoàn. Ngoài ra, phòng riêng của ngài tại Vetralla còn được xem là nơi “sống nghèo một cách triệt để đến cả hơi thở”. Đây chính là căn phòng của cầu nguyện, của sự chiến đấu với những thế lực sự dữ.

3.2 Con Đường

Những con đường ở Vetralla được xem là nơi trái tim của cha thánh “đập đúng nhịp” với sứ vụ rao giảng và truyền giáo của ngài. Ngài đã rảo bước khắp mọi ngóc ngách mà chẳng màng những khó khăn, trắc trở. Ngài đến với tất cả mọi người với một tinh thần đơn sơ. Ngài nói về Đức Kitô cho tất cả những ai ngài gặp gỡ. Những con đường ở Vetralla còn được xem là nơi của bình an bởi vì chính những nẻo đường đó, cha thánh đã hoà giải những tội nhân với Chúa, với tha nhân với một trái tim ấm áp, một thái độ hài hòa, một tinh thần diệu hiền. Nơi đây sức mạnh, quyền năng của Chúa Chịu Đóng Đinh, của cuộc Thương Khó đã được cha thánh miệt mài, trung thành rao giảng. Cũng chính nơi đây cha thánh cũng đã xây dựng nhiều cộng đoàn Thương Khó trên những con đường ngài đã đến và gieo hạt giống ơn gọi.

4. Rôma

4.1 Phòng Riêng

Trước tiên, phòng riêng của cha thánh Phaolô Thánh Giá tại Rôma là nơi ngài mất. Nơi của những cuộc gặp gỡ cuối cùng, nơi ngài nói những lời cuối, nơi ngài để lại di chúc thiêng liêng. Chính tại căn phòng này, cha thánh đã hiến dâng dòng Thương Khó Chúa Giêsu cho Thiên Chúa và dành trọn trái tim, cuộc đời của mình cho Thiên Chúa. Dẫu căn phòng này gắn bó với những hình ảnh ốm đau, bệnh tật cuối đời của cha thánh, nhưng hơn hết, căn phòng này là nơi cuộc sống của cha thánh trổ sinh hoa trái trong ơn nghĩa với Thiên Chúa. Nơi mọi thứ kết thúc và bắt đầu.

4.2 Con Đường

Chẳng thể biết có bao nhiêu câu chuyện, bao nhiêu năm từ khi còn trẻ tới khi về già, cha thánh Phaolô Thánh Giá đã rao bước trên những con đường ở Rôma? Ngài đã từng đến Rôma và khao khát được gặp Đức Giáo Hoàng từ những năm 1721, nhưng ngài đã bị từ chối. Thay vì gặp Đức Giáo Hoàng, ngài đã gặp một người nghèo và cùng chia sẻ một mẫu bánh mì với ông. Đó có thể là con đường của sự thất vọng, nhưng cũng có những con đường khác mở ra với hi vọng, đặc biệt là con đường dẫn ngài tới Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả với lời khấn hứa tưởng nhở cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu mãi mãi. Những con đường ở Rôma còn in dấu những bước chân không mòn mỏi, với thao thức tìm kiếm sự phê chuẩn luật dòng của Giáo Hội, cũng như những sự giúp đỡ khác cho cộng đoàn. Đặc biệt, những con đường này đã dẫn ngài tới ơn gọi linh mục. Đó là những con đường rao giảng và cũng chính nơi đây, ngài được tôn vinh.

Bài Viết: Cha Alessandro Foppoli, CP.


Comments

Popular Posts