Năm Thánh Kỉ Niệm 100 Năm Thành Lập Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần
Dòng Thương Khó Chúa Giêsu
Khu Vực Châu Á – Thái Bình Dương
Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần
Năm Thánh Kỉ Niệm 100 Năm Thành Lập Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần
(1922-2022)
2022 là một năm đặc biệt, đánh dấu một trăm năm thành lập Tỉnh
Dòng Chúa Thánh Thần. Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần thuộc khu vực Châu Á - Thái
Bình Dương (The Configuration of the Passionists in Asia Pacific - PASPAC) của
Hội Dòng Thương Khó Chúa Giêsu. Khu vực PASPAC bao gồm: 4 Tỉnh Dòng, 2 Phụ Tỉnh
và 10 quốc gia. Trong đó 4 Tỉnh Dòng, 2 Phụ Tỉnh bao gồm:
·
Tỉnh Dòng Nữ Vương Hòa Bình - Province of Regina
Pacis (REPAC): Inđônêsia
· Tỉnh Dòng Các Thánh Tử Đạo Hàn Quốc - Province
of Korean Martyrs (MACOR): Hàn Quốc và Trung Quốc
·
Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần - Province of the Holy
Spirit (SPIR): Úc, New Zealand, Papua New Guinea và Việt Nam
·
Tỉnh Dòng Thương Khó Đức Kitô - Province of the
Passion of Christ (PASS): Philippines
·
Phụ Tỉnh Thánh Tôma Tông Đồ - Vice Province of
St. Thomas the Apostle (THOM): Ấn Độ
·
Phụ Tỉnh Các Thánh Tử Đạo Nhật Bản - Vice
Province of Japanese Martyrs (MAIAP): Nhật Bản
Như vậy, để đi vào biến cố quan trọng Kỉ Niệm Năm Thánh 100
Năm Thành Lập Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng nhau nhìn lại lịch sử
thành lập Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần.
Năm 1841, Chân phước Dominic Barberi đã thành lập cộng đoàn Dòng
Thương Khó Chúa Giêsu đầu tiên bên ngoài nước Ý (tại Ere ở Bỉ). Đây là bước đệm để hạt giống Thương Khó đến với đất
nước Anh, một đất nước mà cha tổ phụ - Thánh Phaolô Thánh Giá luôn mơ ước mang
ơn gọi Thương Khó tới. Tháng 9 năm 1842, Chân phước Dominic Barberi đã chính thức
thiết lập cộng đoàn Thương Khó tại Anh. Từ đó, Hội Dòng phát triển và lớn mạnh ở
Anh và sau đó lan rộng ra một số nước xung quanh, trong đó có Ireland. Lúc này,
Tỉnh Dòng Thánh Giuse của Dòng Thương Khó Chúa Giêsu được thành lập với hai quốc
gia: Anh và Ireland.
Ngày 24/06/1843, trước lời mời của Tổng Giám Mục Sydney, John
Bede Polding, một nhóm nhỏ gồm bốn linh mục Thương Khó trong đó có ba người Ý
và một người Thụy Sĩ đã đặt chân tới đảo Stradbroke của Úc (ngày nay thuộc tiểu
bang Queensland) để bắt đầu sứ mạng truyền giáo đầu tiên đối với những người thổ
dân bản địa. Các ngài là cha Raymund Vacarri 41 tuổi, cha Luigi Pesciaroli 34
tuổi, cha Maurice Lencioni 28 tuổi và cuối cùng linh mục Thương Khó người Thụy
Sĩ và là người duy nhất biết nói tiếng Anh là Joseph Snell. Sau đó, có thêm cha
Peter Magganotti, người Ý cũng tới Úc để thi hành sứ vụ.
Mặc dù nhóm truyền giáo này chỉ hiện diện tại Úc trong ba
năm, nhưng các ngài cũng đã nỗ lực và rất dũng cảm trong sứ mạng truyền bá Phúc
Âm hóa. Tuy nhiên, trước những khó khăn vì điều kiện sống quá khắc nghiệt cùng
với những khoản chi phí truyền giáo họ không thể chi trả và cả những vấn đề nội
bộ của Hội Dòng và Giám Mục địa phương nên sứ mạng truyền giáo Dòng Thương Khó
Chúa Giêsu tại Úc của bốn nhà truyền giáo sớm phải dừng lại vào ngày 20/07/1846.
Sau hơn 40 năm, ngày 21/11/1887, một lần nữa từ lời mời của
Tổng Giám Mục Sydney, Patrick Francis Moran, một nhóm các linh mục Thương Khó
khác đến từ Tỉnh Dòng Thánh Giuse đã trở lại Úc để xây dựng cộng đoàn. Họ là bốn
linh mục, tu sĩ người Ireland: Cha Alphonsus O’Neill 57 tuổi, cha Colman Nunan 27
tuổi, cha Patrick Fagan 27 tuổi, thầy Lawrence Carr 53 tuổi và một linh mục người
Anh là cha Marcellus Wright. Sau đó hai linh mục Thương Khó người Anh cũng được
gởi đến Úc là cha Clement Cain và cha Joseph Cassidy.
Đầu tiên, họ định cư ở Marrickville, Sydney, tiếp đến là
Goulburn và sau đó là Adelaide. Giai đoạn này với ảnh hưởng từ làn sóng truyền
giáo mạnh mẽ từ Anh Quốc tới Úc, cộng với Hội Dòng Thương Khó Chúa Giêsu đã
phát triển ổn định, nên đã có nhiều người Úc đầu tiên gia nhập Hội Dòng.
Từ những năm 1890, Dòng Thương Khó Chúa Giêsu ở Úc đã có rất
nhiều người gia nhập và sứ vụ của Hội Dòng không chỉ dừng lại ở mục vụ giáo xứ,
nhưng còn phát triển mạnh mẽ ở nhiều khía cạnh, đặc biệt là giúp tĩnh tâm ở các
thành phố, thị trấn, vùng quê hẻo lánh ở Úc. Năm 1891, Úc có hai tu sĩ Thương
Khó đầu tiên tuyên khấn là thầy Leonard Brereton và thầy Julian Byrne.
Sau đó, tháng 07 năm 1922, đáp ứng yêu cầu của Cha Silvio di
Vezza, Bề trên Tổng quyền của Dòng Thương Khó Chúa Giêsu, Thánh Bộ Truyền Giáo ở
Rôma đã chấp thuận việc thành lập Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần với ba cộng đoàn và
26 linh mục, tu sĩ Thương Khó. Tháng 10/1922, cha Bertrand Mangan được bổ nhiệm
làm Giám Tỉnh đầu tiên. Tháng 12/1922, Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần được tách ra từ
Tỉnh Dòng Thánh Giuse chính thức có hiệu lực.
Năm 1955, Úc mở rộng sứ vụ qua Papua New Guinea (PNG). Bốn nhà truyền giáo Thương Khó đầu tiên qua
PNG là Hilary O’Donnell, Gregory Kirby, Anselm Turner và Ignatius Willy. Do những
khó khăn trong việc đào tạo, mục vụ và thiết lập cộng đoàn, cho nên mãi tới tháng
02/2007, trong một tu nghị Tỉnh Dòng, vùng truyền giáo PNG mới chính thức trực
thuộc Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần. Trở lại với những năm 1960, Tỉnh Dòng Thánh Giuse
thiết lập một cộng đoàn tại Hamilton, ở New Zealand. Tuy nhiên, các tu sĩ Thương
Khó theo hệ giáo sĩ được chuyển qua Úc để đào tạo. Năm 1966, vùng truyền giáo New
Zealand đã sát nhập vào Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần. Tháng 10/2005, một trong ba nhà
truyền giáo ngoại quốc tới Việt Nam thiết lập Dòng Thương Khó Chúa Giêsu có cha
Jefferies John Foale, một linh mục người Úc thuộc Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần.
Sau mười năm, hoạt động sứ vụ và thiết lập cộng đoàn, ngày 28/03/2015, điểm truyền
giáo Việt Nam cũng sát nhập vào Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần. Như vậy, cho tới
nay, Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần gồm bốn quốc gia: Úc, New Zealand, Papua New
Guinea và Việt Nam.
Năm Thánh sẽ bắt đầu vào ngày 11 tháng 07, ngày tròn một trăm
năm sắc lệnh của Thánh Bộ Truyền Giáo đã chấp thuận việc thành lập Tỉnh Dòng
Chúa Thánh Thần và kết thúc vào ngày 16 tháng 12, ngày Tỉnh Dòng Chúa Thánh Thần
tách ra từ Tỉnh Dòng Thánh Giuse chính thức có hiệu lực.
Comments
Post a Comment