Suy Niệm Lời Chúa Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Năm C: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 15, 3-7)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 15, 3-7)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các
người biệt phái và luật sĩ dụ ngôn này rằng: “Ai trong các ông có một trăm con
chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa
mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó
vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà
nói rằng: ‘Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!’ Cũng
vậy, Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là
vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải”.
Suy Niệm:
Hôm nay Giáo hội long trọng mừng lễ
Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vậy, Giáo hội muốn diễn tả chiều kích gì nơi Trái Tim của
Chúa hay Giáo hội muốn con cái quy hướng về điều gì nơi Chúa Giêsu? Để làm sáng
tỏ những thắc mắc trên, chúng ta cùng khám phá, cùng suy tư qua bài Lời Chúa Lc
15, 3-7.
Trước tiên, chúng ta thấy điều gì
trong câu nói của Chúa Giêsu: “Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất
một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con
chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? (Lc 15, 4)? Theo lẽ thường, lời nói của
Chúa Giêsu chứa đầy nghịch lí. Sao ai nỡ để 99 con chiên trong hoang địa để đi
tìm 1 con chiên lạc? Thật khó có thể hình dung và chấp nhận. 99 phải lớn hơn 1
rất nhiều lần chứ. Hơn nữa là hoang địa, một nơi rộng thênh thang, nhưng cũng lắm
hiểm nguy rình rập những chú chiên. Rõ ràng thà mất một con lạc, còn hơn bỏ lại
99 con bơ vơ trong hoang địa. Chẳng may vừa không tìm được con chiên lạc, lại mất
luôn 99 con chiên kia thì sao? Hóa ra không khéo thì mất cả chì lẫn chài ah.
Suy nghĩ của Chúa thật nghịch lí và khó hiểu.
Tiếp đến, hành động của Chúa lại
khiến tư tưởng của con người phải suy nghĩ vì khi tìm thấy chiên lạc thì “vác
chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng:
‘Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!’” (Lc 15, 5-6).
Có phải nhất thiết là phải vác chiên lên vai, phải kêu bạn hữu và những người
thân cận để ăn mừng? Cũng chỉ là một con chiên đi lạc mà tìm thấy được thôi.
Không! Nếu chúng ta chỉ dừng lại
những câu Lời Chúa trên cũng như dừng lại trong suy nghĩ và cách lập luận của
con người, chúng ta mãi chỉ là những người “đồng sàn dị mộng”. Chúng ta sẽ
không thể đi vào tình yêu của Ngài. Tại sao lại là tình yêu của Chúa Giêsu?
Đầu tiên, nếu nói về nghịch lí của
Chúa Giêsu, chúng ta không thể không nói đến biến cố Nhập Thể. Sao Ngôi Lời
Thiên Chúa lại tự nguyện trở nên người phàm và cắm lều cư ngụ giữa chúng ta (Ga
1, 14), hay Ngài đã tự làm trống rỗng chính mình để nhận lấy thân nô lệ, trở
nên giống phàm nhân sống như người trần thế (Pl 2, 7). Nếu trong thân phận là
Thiên Chúa, nơi đó Ngài có sự huy hoàng rực rỡ của địa vị cao nhất, quyền năng
hiển hiện trong việc tạo dựng vũ trụ, và quyền tể trị được thể hiện trong quyền
cai trị phổ quát của Ngài trên tất cả các tạo vật của Ngài. Trong khi, thân phận
nô lệ Ngài chẳng có gì: không có danh dự; chỉ có sự xấu hổ. Tại sao Ngài lại tự
nguyện nhận lấy? Thật nghịch lí phải không! Rõ ràng, theo cách suy nghĩ và lập
luận của người đời, chúng ta chẳng thể nào hiểu nỗi. Ấy thế mà Thiên Chúa đã
làm.
Cho nên, khi nói tới tình yêu của
Chúa khi bỏ 99 con chiên ngoài hoang địa để đi tìm con chiên lạc, Chúa muốn nhấn
mạnh tới “con chiên lạc”. Có thể con chiên này lạc vì cố ý đi lạc, nhưng cũng có
thể vô tình mà đi lạc. Nhưng cho dù là cố ý hay vô tình, con chiên vẫn đang một
mình ngoài kia. Giữa hoang mạc, một mình nó chống chọi với bao nhiêu sự dữ, khó
khăn, thậm chí còn nguy hiểm tới tính mạng. Một Thiên Chúa yêu không loại trừ
ai, yêu bằng cả tính mạng của mình, sao nỡ để con chiên lạc đó bơ vơ một mình
như vậy. Lúc này không phải phép toán 99 lớn hơn một, nhưng là phép toán về
tình yêu. Sao nỡ để một “con chiên” lạc lối ngoài kia, chẳng biết nó có thức
ăn, có bị lạnh, có bị thú dữ tấn công? Nếu là một người cha, người mẹ thực sự,
sao nỡ để đứa con lạc của mình như vậy. Cho nên, Chúa mới nói: “tìm cho kì được”,
nghĩa là bằng mọi cách và mọi giá phải tìm cho bằng được con chiên lạc.
Chúng ta phải nhớ rằng 99 con
chiên kia luôn có một vị trí nhất định trong lòng của Chúa và chắc chắn dù để lại
ngoài hoang địa, Ngài vẫn có cách để bảo vệ chúng theo một đoàn chiên duy nhất.
Hơn nữa dù gì, 99 con vẫn đang ở cùng nhau, nên thú dữ ít ra cũng sẽ sợ mà
không tấn cống. Cho nên, điều Ngài ưu tư, đứng ngồi không yên vẫn là con chiên
lạc. Như Chúa Giêsu đã từng nói: “Cha không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn
này phải hư mất (Mt 18,14) và Phaolô cũng khẳng định: “Cha muốn cho mọi người
được cứu độ và không muốn mất một ai (1Tm 2,4). Rõ ràng, Ngài không muốn lạc mất
bất cứ con chiên nào, dù nó có cố tình hay vô ý Ngài vẫn phải lên đường tìm kiếm,
lôi kéo, quyến rũ và làm bằng mọi cách thế để đưa nó về. Điều này cho thấy Tình
Yêu của Chúa hay Trái Tim của Ngài luôn dành cho từng người, dù họ có tội lỗi
ra sao, sai lạc thế nào, Ngài vẫn lặn lội, ruổi theo và tìm cho bằng được.
Chính vì thế, chúng ta mới hiểu tại
sao sau khi tìm được con chiên lạc, Chúa đã nói: “vác chiên trên vai, trở về
nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận và chia vui” (Lc 15, 6-7). Chúa Giêsu
đã diễn tả niềm vui thực sự khi tìm thấy chiên lạc. Đó là niềm vui tột cùng của
người tìm lại những gì đã mất. Nếu chúng ta đặt mình vào trong tâm tình của Chúa,
chúng ta chẳng thấy gì là lạ thường. Thử hỏi, một người đặt con chiên lạc là mối
quan tâm hàng đầu, luôn đau đáu đứng ngồi không yên vì nó, để tìm thấy nó, để đưa
nó về nhà là phải làm đủ mọi thứ và mọi giá thì khi tìm được nó sao không vác nó
lên vai và kêu gọi mọi người ăn mừng. Đây quả là một kinh nghiệm hiện sinh mà tất
cả chúng ta đều có thể hiểu và cảm được. Khi mất thứ gì đó quan trọng trong đời,
nhưng sau đó tìm lại được thì hạnh phúc biết dường nào. Chúa Giêsu cũng hạnh phúc
như vậy, thậm chí còn hạnh phúc hơn. Hạnh phúc của Ngài thật đơn giản và đầy tính
sẻ chia. Tìm được thì hân hoan, chia sẻ niềm vui và mời mọi người cùng ăn mừng.
Một thứ hạnh phúc mà tin chắc rằng không mấy ai trong chúng ta ngày nay dám làm
và muốn làm. Chúa khó hiểu, Chúa nghịch lí chỉ là vì chúng ta chưa khám phá, chưa
hiểu về Trái Tim của Chúa và chưa cảm nhận, chưa kinh nghiệm, chưa ở trong tương
quan với Tình Yêu của Chúa.
Như vậy, để tóm kết, chúng ta cùng
trở về chiều kích tình yêu, đi vào bên trong trái tim của Chúa Giêsu để ở lại,
cảm nhận và chiêm ngắm tình yêu lạ lùng, mạnh mẽ, sẵn sàng làm mọi thứ vì con
người, yêu đến chẳng còn gì nơi mình, yêu đến chết tức tưởi. Nhưng nơi trái tim
đó cũng là một tình yêu vô cùng yếu đuối, si tình, sợ mất, đau khổ, dằn vặt. Điều
này thể hiện, khi lạc mất bất cứ ai, Ngài làm mọi thứ và tìm cho kì được. Thiên
Chúa chúng ta là thế, nơi trái tim Ngài chỉ có tình yêu, đâu đâu cũng chỉ là tình
yêu và đối tượng duy nhất của tình yêu đó chính là mỗi chúng ta, từng con người
một. Dù là người công chính, hay tội lỗi, sa ngã, trái tim của Chúa vẫn yêu mỗi
người theo cách riêng, cá vị và đặc thù.
Comments
Post a Comment