Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi (Ga 16, 12-15)

 Suy Niệm Lời Chúa Lễ Chúa Ba Ngôi

Ga 16, 12-15


Nguồn hình: Tổng Giáo Phận Hà Nội

https://www.tonggiaophanhanoi.org/thien-chua-ba-ngoi-mot-chan-ly-duc-tin-duoc-mac-khai-lm-giuse-nguyen-van-huu/

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con”.

Suy Niệm:

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cùng dành thời gian ngồi lại, cùng nhau tìm hiểu và chiêm ngắm mầu nhiệm huyền diệu này, cụ thể qua đoạn Lời Chúa Ga 16,12-15. Khi nói đến mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, sách giáo lý Hội thánh Công giáo khẳng định: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu”.

Tuy nhiên, trước khi suy tư về Chúa Ba Ngôi, chúng ta cùng dừng lại ở từ “mầu nhiệm”. Nhiều người cho rằng, điều gì không thể lí giải, không thể hiểu nổi, vượt khỏi khả năng hiểu biết con người về Thiên Chúa thì gọi là mầu nhiệm. Quan niệm trên có thể đúng phần nào đó, tuy nhiên, “mầu nhiệm” không phải hoàn toàn là con người không biết gì về Thiên Chúa, rồi gắn cho mầu nhiệm. Rõ ràng, chúng ta biết không ít về vị Thiên Chúa mà chúng ta đang tôn thờ, ngày ngày cầu nguyện và đặt trọn đức tin của mình vào Ngài. Chúng ta biết Ngài qua vũ trụ, thế giới tự nhiên, qua tiếng nói lương tâm, qua những mạc khải siêu nhiên, qua Kinh Thánh và cụ thể nhất là qua con người Đức Giêsu Kitô – là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa.

Trong bài Lời Chúa hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy” (Ga 16,15). Qua câu này, chúng ta thấy được tương quan vô cùng đặc biệt giữa Chúa Cha và Chúa Giêsu, Con Một của Chúa Cha. Chúa Cha đã chia sẻ cho Chúa Con tất cả những gì sâu nhất nơi chính mình. Trong Kinh Tín Kính, chúng ta hằng tuyên xưng Chúa Cha là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất. Chính Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con từ trước muôn đời, và Chúa Cha đã trao cho Chúa Con những quyền năng mà chỉ mình Chúa Cha mới có như quyền có sự sống nơi mình (Ga 5,26) và quyền xét xử kẻ sống và kẻ chết (Ga 5,27-28). Đặc biệt, Chúa Cha đã cho Chúa Con thông hiệp vào tất cả những gì mình có, kể cả thiên tính, để mọi sự Chúa Cha có thì Chúa Con cũng có và được ngang hàng với Chúa Cha (Pl 2,6).

Tiếp đến, với Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu cho các môn đệ thấy công việc chính của Thánh Thần là dẫn dắt các môn đệ đi vào trong sự thật trọn vẹn. Chúa Giêsu đã mặc khải toàn bộ sự thật về Thiên Chúa và về chính Ngài cho các môn đệ, nhưng để hiểu được sự thật ấy lại cần Chúa Thánh Thần soi sáng và dẫn dắt. Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: Thầy là Sự Thật (Ga 14,6). Để hiểu được trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Giêsu là Ngôi Lời nhập thể, ta cần sự trợ giúp của Thần Khí Sự Thật (Ga 16,13).

Như vậy, không phải chúng ta không biết gì về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và càng không phải là mầu nhiệm này trừu tượng, khó hiểu. Để hình ảnh Chúa Ba Ngôi đi vào đời sống, Giáo phụ Tertullianô đã từng sử dụng hình ảnh loại suy để nói về mầu nhiệm này rằng: “Chúa Con được sinh ra từ Chúa Cha, nhưng không tách biệt khỏi Người. Vì Thiên Chúa phát sinh Ngôi Lời... như một thân cây sinh ra cành cây, một dòng suối sinh ra một dòng sông, mặt trời sinh ra tia sáng... Thần Khí là ngôi thứ ba từ Thiên Chúa (Chúa Cha) và Chúa Con, như là hoa trái từ cành cây là yếu tố thứ ba từ cây, như con kênh từ dòng sông là yếu tố thứ ba từ dòng suối, như tia sáng là yếu tố thứ ba từ mặt trời”.

Hay nhà thần bí Richard và thánh Bônaventura cũng diễn mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi bằng ngôn ngữ của tình yêu. Các ngài xem chính tình yêu trào tràn bên trong Ba Ngôi đã làm cho Chúa Cha-Chúa Con-Chúa Thánh Thần tự do chia sẻ cả thần tính của mình. Nói cách khác, mỗi Ngôi Vị đã đi ra khỏi con người để đến với Ngôi Vị khác và hòa nên một. Việc hòa nên một này, cho thấy cả Ba luôn ở trong nhau, hiệp thông với nhau và cùng chia sẻ một tình yêu vừa tròn đầy, vừa sung mãn, vừa đầy đức ái. Nhưng, tình yêu chia sẻ trọn vẹn này không hề làm giảm đi sự sống nơi mỗi Ngôi Vị, mà còn làm viên mãn sự sống nơi các Ngôi Vị.

Để kết thúc, khi chúng ta nói: “Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trọng tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu”, chúng ta không khẳng định một cách mơ hồ, trừu tượng, lí trí và hoàn toàn giáo thuyết. Điều chúng ta tin đã được mạc khải qua đời sống, lời nói, việc làm của chính Đức Giêsu Kitô. Đồng thời, khi chúng ta suy tư và chiêm ngắm mầu nhiệm này, chúng ta không chỉ dừng lại ở những tín điều, thuật ngữ và hình ảnh, nhưng chúng ta đang bước vào trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi để kinh nghiệm cách Ba Ngôi luôn luôn hoạt động, luôn yêu thương, trao ban cho đến cùng và luôn hiện diện cách gần gũi và thân quen trong mọi khoảnh khắc lịch sử của con người và từng người. Đó là điều thể hiện đức tin của chúng ta cũng như mẫu gương để chúng ta sống, thực hành đời sống Kitô hữu.

Comments

Popular Posts