Trinh Nữ Thánh Hiến
Trinh Nữ Thánh Hiến: Hình Thức Tu Trì Năm Thế Kỉ Đầu Của Giáo Hội Sơ Khai
Nguồn hình: https://www.vaticannews.va/en/vatican-city/news/2018-07/order-virgins-ecclesiae-sponsae-imago.html
Trong đời sống
của Giáo hội, ngoài hình thức tu trì của các tu sĩ theo kiểu đan viện, dòng tu,
hiệp hội, tu hội đời, còn một hình thức tu trì khác đã xuất hiện từ rất sớm,
ngay từ những thế kỉ đầu trong lịch sử Giáo hội. Đó là sự xuất hiện các đoàn
trinh nữ thánh hiến (Ordo Consecrationis Virginum). Qua việc tự nguyện cam kết
đời mình, họ trở thành những trinh nữ thánh hiến cho Thiên Chúa. Họ thánh hiến
mình để trở thành những “cô dâu” trinh khiết của Đức Kitô trong đời sống thiêng
liêng. Những trinh nữ này mang trên mình sứ vụ phục vụ Giáo hội và Đức Kitô bằng
đời sống cầu nguyện và dấn thân chu toàn các công việc được giao bởi giám mục.
Sở dĩ người viết
chọn mốc thời gian năm thế kỉ đầu, cụ thể là thế kỉ I -V, bởi theo ghi chép của
các giáo phụ (những giáo phụ người viết sẽ tìm hiểu trong bài viết ngắn này), đây
giai đoạn đã bắt đầu hình thành các đoàn trinh nữ thánh hiến trong Giáo hội,
cũng như đã có những tài liệu ghi chép khá cụ thể về phụng vụ, các nghi thức và
lời nguyện thánh hiến trinh nữ (thế kỉ V). Đặc biệt, ở thế kỉ IV, Công đồng
Carthage (năm 390) đã đưa ra những quy định về giáo luật liên quan tới việc thánh
hiến trinh nữ.
Vậy, ở năm thế kỉ đầu của Giáo hội, đoàn trinh nữ thánh hiến đã xuất hiện như thế nào? Các nghi thức thánh hiến trinh nữ được cử hành ra sao? Đâu là ý nghĩa thần học cơ bản về việc thánh hiến trinh nữ ở giai đoạn này? Trong bài viết ngắn, một phần dựa vào nguồn tư liệu của cha Nichola Emsley O.S.B. về Nghi thức Thánh hiến Trinh nữ (The Rite of Consecration of Virgins), một phần dựa vào nền tảng Thánh Kinh, đặc biệt dưới những bản khảo luận nghi chép về thánh hiến trinh nữ của các giáo phụ ở thế kỉ I - V, người viết hi vọng có thể đi sâu và phần nào làm rõ những câu hỏi đã nêu ở trên.
I.
Nguồn Gốc Đoàn Trinh Nữ
Thánh Hiến
Trong Cựu Ước, sự đồng trinh
(virginity) của người phụ nữ đồng nghĩa với việc không có khả năng sinh sản.
Trong khi đó, nếu người nữ không thể sinh con lại là một nỗi ô nhục và bị xem là
hình phạt xấu hổ đến từ Thiên Chúa (St 30,23; 1Sm 1,11; Hs 9,11-14). Xã hội thời
đó cho rằng đồng trinh là đi ngược với tự nhiên và sứ mạng nguyên thủy khi sáng
tạo (St 1,22)[1] như
vợ của ông Manoac, mẹ của Samson (Tl 13,1– 4,20), hay bà Anna, mẹ của tiên tri
Samuel (1Sm 1, 9-11), và gần hơn là bà Êlisabet, mẹ của thánh Gioan Tẩy Giả. Cụ
thể, câu chuyện của con gái ông Gíptác, vì lời hứa của ông Gíptác với Đức Chúa,
ông đã dâng hiến con gái mình cho Ðức Chúa và để làm lễ toàn thiêu. Chính vì lời
hứa này, cô con cái của ông Gíptác đã xin cha hoãn hai tháng để được đi lang
thang trên các núi đồi, mà khóc cho đời con gái cùng với các bạn (Tl 11,32-40).
Như vậy, có thể nói rằng, trong văn hóa
Cựu Ước, sự đồng trinh nơi người nữ xem ra không được xã hội đề cao, cho dẫu việc
giữ trinh tiết cho đến khi kết hôn luôn được cổ võ (St 24, 16). Nhưng việc giữ
trinh tiết này cũng chỉ có tính giai đoạn. Đó là trước khi lấy chồng (St 24,16;
Đnl 19,24) hay chỉ là luật đòi buộc để giữ sự trong sạch theo lễ nghi (Lv
21,7). Thậm chí dù trong Cựu Ước cũng đã xuất hiện những người phụ nữ sống thủ tiết
như hình ảnh bà Giuđitha đã thủ tiết để theo chồng sau khi chồng chết (Gđt 8,4)
và từ đó bà cũng bắt đầu ăn chay và phụng sự Thiên Chúa trong suốt thời gian ở
góa (8, 6-8). Tuy nhiên những điều này cũng chưa thể nói lên một cách rõ ràng
cho việc xuất hiện những người phụ nữ sẵn sàng thánh hiến trinh tiết để phụng sự
Thiên Chúa trong văn hóa Cựu Ước.
Qua Tân Ước, trong các Tin Mừng và thư
của Phaolô, chúng ta đã bắt gặp nhiều lần Chúa Giêsu và thánh Phaolô nói về sự trinh
khiết, về sự độc thân vì mầu nhiệm Nước Trời. Chẳng hạn, nơi Mt 22,30-31, Chúa
Giêsu mặc khải rằng: “Trong ngày sống lại, người ta chẳng lấy vợ lấy chồng,
nhưng sẽ giống như các Thiên Thần trên trời.” Nơi khác, Ngài nói: “Quả vậy, có
những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những
người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết
hôn vì Nước Trời (Mt 19,10-12) hay trong Lc 18,29 còn đề cập đến chuyện “bỏ
nhà, bỏ vợ, bỏ anh em, cha mẹ hay con cái vì Nước Thiên Chúa”. Như vậy, Chúa
Giêsu đã mở ra một viễn tượng mới, đó là sự chọn lựa sống độc thân vì Nước Trời
hay một cách diễn giải xa hơn là giữ đời sống trinh khiết vì Nước Trời và những
ai tham dự vào đời sống trinh khiết của Giáo hội thì được gọi là những hiền thê
của Đức Kitô.[2]
Ngoài ra, trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đã đề cập: ‘Người trinh
nữ chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác” (1Cr 7, 34a).
Nếu so sánh văn hóa Cựu Ước và Tân Ước,
có một sự khác biệt rõ ràng trong quan niệm về trinh nữ và vai trò của họ trong
Giáo hội. Nếu Cựu Ước cho rằng con cái đông đúc là một sự chúc lành của Thiên
Chúa, còn một người phụ nữ son sẻ thì bị xã hội coi như một hình phạt. Sự trinh
tiết lại càng đáng than khóc hơn nữa, như câu chuyện của con gái ông Gíptác được
kể lại trong sách Thủ Lãnh. Thế nhưng, văn hóa Tân Ước đã có một sự thay đổi rõ
rệt, ngoài hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria,[3]
Tân Ước đã cho thấy sự hiện diện của các trinh nữ trong Hội thánh nguyên thuỷ,
chẳng hạn như bốn người con gái ông trợ tá Philipphê sống tại Xêdarê (Cv 21,9).
Đồng thời, lá thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi giáo đoàn Côrintô cũng cho ta
biết rằng tại đây có những trinh nữ, và sự độc thân để chuyên lo việc Chúa là một
ân huệ chứ không phải là điều đáng thương tiếc (1Cr 7,8-34).[4]
Như vậy, sự hiện diện của các trinh nữ chuyên lo việc phụng sự Chúa và giúp đỡ các tông đồ trong sứ vụ truyền giáo đã được ghi nhận ngay từ các tác phẩm Tân Ước. Nhưng các tác giả Tân Ước cũng không cho thấy việc các trinh nữ này có quy tụ lại với nhau sống thành đoàn thể như thế nào, nếp sống của các trinh nữ này được tổ chức ra sao. Nói cách khác, hình thức tu trì của các trinh nữ thánh hiến trong Giáo hội sơ khai thực sự chưa rõ ràng.
Đến thời các giáo phụ, nhiều khảo luận
của các giáo phụ Kitô giáo cho thấy những nhóm phụ nữ Kitô hữu đã chọn lối sống
trinh khiết (propositum virginitatis). Ở cuối thế kỉ thứ I, thánh Inhã thành
Antiôkia (khoảng 108-140) trong tác phẩm Ad Smyrnaeos, ngài đã đề cập đến một
nhóm người nữ, thuộc về Giáo hội ở Smyrna,[5]
đã thực hành đời sống khiết tịnh. Tuy nhiên, các trinh nữ này lại được xếp vào
nhóm những người phụ nữ goá bụa.[6]
Ở thế kỉ thứ II, trong tác phẩm First Apology, thánh Justinô (khoảng 100-165),
cũng nói về các người nam và người nữ đã sống đời sống khiết tịnh đến trọn đời.[7]
Hay, trong các cộng đoàn Kitô hữu ở thế kỉ thứ II, thánh Polycarp (khoảng 69
-155) đã nhắc tới các trinh nữ sau phó tế.[8]
Ngoài ra, ở thế kỉ thứ III, tác phẩm La Tradition Apostolique của Hippolytus (khoảng
170-236) cũng cho thấy các trinh nữ thực sự chiếm một vị trí đặc biệt trong
Giáo hội ở Rôma. Họ là những người thường xuyên giữ chay và cầu nguyện cho Giáo
hội.[9]
Ở thế kỉ thứ IV, một trong những giáo
phụ viết nhiều về đề tài trinh nữ là thánh giáo phụ Ambrôsiô (340 – 397)[10]
với tác phẩm nổi bật “Concerning Virginity” được viết năm 377.[11]
Trong tác phẩm này, Ambrôsiô không chỉ nói về các trinh nữ, nhưng còn cho thấy
sự xuất hiện của nghi thức thánh hiến trinh nữ của người em gái là Marcellia. Đồng
thời, câu chuyện trinh nữ tử đạo Agnes của thánh Ambrôsiô cũng để lại nhiều cảm
hứng về đề tài trinh nữ.[12]
Ngoài ra, thánh Ambrôsiô còn nói rõ rằng khi một trinh nữ đã công khai khấn đồng
trinh. Họ vẫn có thể tiếp tục sống với cha mẹ, nhưng họ phải sống dưới quyền và
sự hướng dẫn của giám mục và phải thực hành đời sống khổ chế. Khi vào nhà thờ,
các trinh nữ ngồi ở một khu vực riêng, có màn che. Họ được Giáo hội công nhận
và bảo vệ.[13] Bên
cạnh đó, thánh Grêgôriô thành Nyssa (330-395) đã dành riêng tác phẩm Life of Saint Macrina để nói lên tình yêu sắc son, chung thủy
của Macrina – một trinh nữ đã thánh hiến cho Thiên Chúa.[14]
Ở thế kỉ V, những lời khuyên dành cho
các trinh nữ giữ đức khiết tịnh trong đời sống thánh hiến cũng được diễn tả
trong lá thư của thánh Jêrômê (347 – 420) gởi cho trinh nữ Eustochium.[15]
Thánh nhân mô tả các trinh nữ thánh hiến ở Rôma thời đó có một nếp sống vô cùng
nhiệm nhặt. Họ thực hành đời sống nghèo khó, thường xuyên ăn chay, chê ghét bản
thân, lấy khăn voan che mặt, khi ra ngoài thì nhìn xuống đất để giữ đời sống
trinh khiết của mình.[16]
Đặc biệt, ở giai đoạn các giáo phụ sơ
khai này, ngoài những trinh nữ sống cùng với gia đình, thì trong xã hội bắt đầu
xuất hiện các nhóm trinh nữ đã quy tụ và xây dựng đời sống chung, đồng thời con
số các trinh nữ trong xã hội cũng gia tăng đáng kể.[17]
Lúc này, trong Giáo hội sơ khai đã bắt đầu nhắc đến các đoàn trinh nữ (ordo
virginum). Họ là những người nữ được thánh hiến nhằm mục đích cầu nguyện và dấn
thân cho việc phụng vụ Chúa tại các nhà thờ và giáo phận. Đặc biệt, ở Rôma, việc
giữ trinh tiết vì Nước Trời được xem có giá trị chỉ sau giá máu của các thánh tử
đạo.[18]
II.
Nghi Thức Thánh Hiến
Trinh Nữ Năm Thế Kỉ Đầu
Những nguồn tư liệu đầu tiên và có thể
nói là rõ ràng nhất khi nhắc đến nghi thức cử hành thánh hiến trinh nữ được xác
định khoảng năm 352/353, khi Giáo hoàng Liberius cử hành nghi thức thánh hiến
cho Marcellina, em gái của thánh Ambrôsiô ở Rôma vào ngày lễ Giáng Sinh tại Đền
Thánh Phêrô.[19]
Theo Ambrôsiô, trong Thánh Lễ còn xuất hiện nhiều trinh nữ khác và nghi thức
thánh hiến được diễn ra một cách long trọng như một cuộc hôn nhân vĩnh cửu giữa
người trinh nữ với Đức Kitô.[20]
Nghi thức thánh hiến trinh nữ thời của Giáo hoàng Liberius đã bắt đầu có nghi
thức trao khăn voan cho trinh nữ bởi Giáo hoàng. Việc trao khăn voan vừa thể hiện
cuộc hôn nhân vĩnh cửu giữa trinh nữ với Đức Kitô, vừa cho thấy “ấn niêm phong”
người trinh nữ đã thánh hiến thuộc trọn về Thiên Chúa.[21]
Sau đó, đến thời Giáo hoàng Siricius,
ngài chỉ định rõ rằng trong Thánh Lễ thánh hiến trinh nữ, sau các bài đọc, Giáo
hoàng sẽ giảng giải cho các trinh nữ biết về ý nghĩa và trách nhiệm của sự
thánh hiến. Tiếp theo trinh nữ tiến lên trước mặt Giáo hoàng và tuyên bố công
khai dâng hiến trinh tiết cho Thiên Chúa. Sau đó Giáo hoàng đặt khăn voan lên đầu
trinh nữ như là biểu tượng của người phụ nữ đã thành hôn. Cuối cùng là một lời
nguyện dài để chúc lành. Đặc biệt, nghi thức thánh hiến này phải diễn ra trong
Thánh Lễ vào ngày lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh, hoặc Phục Sinh.[22]
Sỡ dĩ Thánh Lễ thánh hiến trinh nữ được tổ chức vào các ngày lễ này vì theo
nhãn quan thần học thời bấy giờ muốn nhấn mạnh lại “cuộc hôn ước” (Con Thiên
Chúa làm người, mặc lấy xác phàm, sống giữa thế gian) giữa Thiên Chúa với con
người, với Giáo hội. Giờ đây, ngang qua cuộc hôn nhân thiêng liêng của trinh nữ,
Giáo hội đang cho thấy lòng trung thành và tình yêu của mình đối với Đức Kitô.[23]
Công đồng Carthage năm 390 do Giám mục Aurelius
chủ tọa đã có một quy định rõ ràng về giáo luật liên quan đến các việc thánh hiến
các trinh nữ như: Các linh mục không được cử hành nghi thức thánh hiến cho các trinh
nữ (Giáo luật số VI). Các trinh nữ muốn thánh hiến phải từ 25 tuổi trở lên
(giáo luật số XVI). Các giáo sĩ không được vào nhà của các trinh nữ một mình mà
không có sự đồng ý của giám mục (Giáo luật số XXXVIII). Những trinh nữ đã rời
gia đình, sống quy tụ theo các đoàn trinh nữ, thì giám mục phải có trách nhiệm
chăm sóc họ (Giáo luật số XLIV). Để bảo vệ trinh tiết khỏi sự xâm hại hay cưỡng
bức, các trinh nữ sẽ được trao khăn voan khi đủ 25 tuổi như một dấu chỉ của sự
kết hôn với Thiên Chúa (Giáo luật số CXXVI).[24]
Cha Paschal Botz, O.S.B cho rằng:[25]
Bản chất của Nghi thức Thánh hiến Trinh nữ ở những giai đoạn đâu không phải là
một nghi thức ngắn gọn, đơn giản, nhưng là một nghi thức phụng vụ trang trọng,
nhờ đó, phước lành lớn nhất của Thiên Chúa có thể đến với trinh nữ thánh hiến.
Đó là một bí tích được ban cho các trinh nữ trong Giáo hội và bởi Giáo hội. Đó
là một phước lành dành riêng bởi các giám mục (vào những thế kỷ đầu của Giáo hội,
nó được dành riêng cho Giáo hoàng).
Nếu thế kỉ IV, những quy định về phụng
vụ liên quan tới việc thánh hiến trinh nữ dường như chưa rõ ràng, thậm chí còn
mang tính cá nhân. Đến thế kỉ V, phụng vụ liên quan tới nghi thức thánh hiến
các trinh nữ đã được đưa vào quy định trong sách nghi lễ Verona.[26]
Sách nghi lễ Verona đã đề cập tới những nghi thức phụng vụ về thánh hiến trinh
nữ với lời nguyện (Hanc igitur) thánh hiến riêng như: Respice, Domine
propitious, Deus castorum corporum.[27]
Hơn nữa, ngoài những ngày lễ Giáng Sinh, lễ Hiển Linh, hoặc Phục Sinh, Thánh Lễ
thánh hiến trinh nữ còn được cử hành vào ngày lễ thánh Phêrô và Phaolô và những
ngày lễ trọng trong tháng chín.[28]
Như vậy, phụng vụ về nghi thức thánh hiến trinh nữ ở năm thế kỉ đầu dẫu còn nhiều vấn đề bỏ ngõ, còn mang nặng yếu tố kết hôn của con người. Tuy nhiên, có thể thấy, qua từng giai đoạn lịch sử của Giáo hội, sự xuất hiện các trinh nữ, rồi các đoàn trinh nữ, bên cạnh đó là các nghi thức thánh hiến tự phát, sau đó cũng dần dần được quy định cụ thể trong sách nghi lễ Rôma và nhất là các điều khoản rõ ràng trong giáo luật để bảo vệ đời sống tu trì của các trinh nữ. Điều này cho thấy, sự công nhận và coi trọng hình thứ tu trì của các đoàn trinh nữ ở thời kì đầu của Giáo hội. Vậy yếu tố thần học việc thánh hiến trinh nữ được các giáo phụ trình bày ra sao? Cuộc “hôn nhân thiêng liêng” giữa các trinh nữ với Đức Kitô phải được hiểu thế nào?
III.
Ý Nghĩa Thần Học Thánh
Hiến Trinh Nữ
Trước khi đi vào tìm hiểu ý nghĩa của
việc thánh hiến trinh nữ, người viết muốn truy tầm lại thuật ngữ “thánh hiến”
(consecration). Nếu tìm trong các cuốn từ điển, từ “consecration” được sử dụng
trong nhiều bối cảnh, nhiều nghĩa. Theo nghĩa rộng, đó có thể là dâng hiến, là
hi sinh cuộc đời mình cho một mục đích cao cả, một sứ vụ nào đó. Trong những ngữ
nghĩa của “consecration” trên, con người đóng vai trò là tác nhân chính trong
các hành động dâng hiến.
Tuy nhiên, theo một nghĩa chặt khác, từ
"thánh hiến" được dùng để nói lên sự biến đổi trong bản chất của người
được thánh hiến. Ví dụ, việc truyền phép trong Thánh Lễ, bánh và rượu được sau
khi được truyền phép trở thành Mình và Máu của Chúa Kitô. Chỉ có Chúa mới có thể
làm một điều này. Như vậy, trong việc thánh hiến các trinh nữ, từ "thánh
hiến" cũng được dùng theo nghĩa chặt, mang tính tôn giáo và thánh thiêng.
Trinh nữ được thánh hiến là việc Thiên Chúa “tách” người trinh nữ ra khỏi tình
trạng thế tục và chuyển sang tình trạng thiêng liêng, vào một tương quan tình
yêu mật thiết thiêng liêng. Sau khi thánh hiến, trinh nữ không còn thuộc về thế
giới này nữa, nhưng trinh nữ ấy chỉ thuộc về Chúa, là “cô dâu trinh khiết” của
chàng rể “Đức Kitô”. Đặc biệt, Thiên Chúa trở thành tác nhân chính trong việc
thánh hiến các trinh nữ.[29]
Trở lại ý nghĩa thần học của việc thánh
hiến trinh nữ, do ảnh hưởng bởi truyền thống giáo phụ, các nghi thức cử hành phụng
vụ và những suy tư thần học trong đời sống của Giáo hội ở năm thế kỉ đầu, những
điều này đã tạo nên sự phong phú trong các suy tư thần học về thánh hiến trinh
nữ.[30]
Các chủ đề thần học về thánh hiến trinh nữ không chỉ dừng lại ở “trinh tiết”
(virginity), hay cuộc “kết hôn thánh” (consecrated marriage) giữa người trinh nữ
và Đức Kitô diễn tả mầu nhiệm thánh – bữa tiệc Nước Trời, hoặc hình ảnh của
Giáo hội trung thành, trinh khiết ngang qua đời sống chứng tá của các trinh nữ,
nhưng sau xa còn cho thấy dấu chỉ cách chung, là niềm hi vọng của người Kitô hữu
về cuộc sống mai hậu nơi Nước Chúa.
Trong bài viết của cha Nichola Emsley
O.S.B, ngài có nhắc tới ở thế kỉ thứ IV, trong truyền thống Công giáo, trinh tiết
(virginity) được đề cao chỉ sau giá máu của các thánh tử đạo. Tuy nhiên, trinh nữ và các thánh tử đạo đều là
những người làm chứng cho tình yêu cao cả của Thiên Chúa và đều nói lên niềm
tin vào sự phục sinh cùng với Đức Kitô trong ngày sau hết. Đặc biệt, khi một
trinh nữ thánh hiến thực sự và trung thành tuyệt đối trong ơn gọi thánh hiến của
mình vì tình yêu Chúa Kitô và phục vụ Giáo hội, thì trinh nữ đấy cũng đang chết
đi hằng ngày vì Đức Kitô. Vì thế, các trinh nữ thánh hiến cũng đang tử đạo hằng
ngày với tình yêu của mình như cách các vị tử đạo bằng việc đổ máu của họ.
Trong một bài khảo luận về trinh tiết
(virginity), thánh Gioan Kim Khẩu (John Chrysostom - 347 – 407) đã nhận định việc
đề cao đời sống trinh khiết của các trinh nữ không phải là một sợi dây quấn
quanh cổ để tước đoạt hết ý chí tự do của người trinh nữ. Tuy nhiên, việc tự
nguyện thánh hiến trinh tiết của mình vì Nước Trời, vì Đấng Tình Quân Kitô. Sau
khi thánh hiến, đời sống của họ không chỉ diễn tả bề ngoài bằng các nghi thức
thánh hiến, nhưng trong tâm hồn họ đã được khi khắc dấu ấn thiêng liêng, chỉ
thuộc về Thiên Chúa mà không ai có thể chiếm đoạt.[31]
Ngoài ra, thánh Augustinô (354 -430) trong khảo luận De Sancta Virginitate XI,
ngài đã viết cho các trinh nữ rằng: Chúng tôi ca ngợi các trinh nữ không phải bởi
vì họ là người đồng trinh, nhưng bởi vị họ đã thánh hiến cho Thiên Chúa qua việc
giữ đức khiết tịnh, dành trọn tình yêu cho Thiên Chúa cả tâm hồn và thể xác.[32]
Đặc biệt khi nói tới cuộc “kết hôn
thánh” hay một cuộc “hôn nhân huyền nhiệm” giữa trinh nữ với Đức Kitô, từ thế kỉ
thứ II, giáo phụ Tertullianô (khoảng160-220) được xem là người đầu tiên sử dụng
thuật ngữ “kết hôn huyền nhiệm” để nói tới việc thánh hiến trinh nữ cho Thiên
chúa.[33]
Sau đó, thánh Cyprianô (210-258) cũng đã triển khai đề tài “kết hôn huyền nhiệm”
này trong khảo luận De Habitu Virginum rằng: “Đức Kitô, Chúa và đầu của các
trinh nữ cũng là hôn phu của các ngài. Các trinh nữ sẽ cùng sẻ chia thân phận
cùng với Người”.[34] Cụ
thể hơn, trong nghi thức thánh hiến với việc trao khăn voan che phủ đầu là biểu
tượng của việc kết hôn. Tuy nhiên giờ đây là một cuộc “kết hôn thánh” giữa
Thiên Chúa và con người (trinh nữ), đồng thời cho thấy dấu ấn của sự “niêm
phong” người trinh nữ thuộc về Đức Kitô.
Tiếp theo, các trinh nữ thánh hiến còn mang
nơi mình toàn bộ hình ảnh và đời sống của Giáo hội. Nếu Giáo hội được xem là hiền
thê của Đức Kitô thì từ những thế kỉ đầu tiên, các trinh nữ cũng được thánh
giáo phụ gán cho tước hiệu là hiền thê của Chúa. Ngoài ra, nếu Giáo hội đã được
Thiên Chúa tuyển chọn, gây dựng, bảo vệ và trung tín đến muôn đời, thì các
trinh nữ cũng đã được chính Thiên Chúa tuyển chọn và khắc sâu trong tâm hồn họ
dấu ấn thánh hiến vĩnh cửu. Đặc biệt, nếu Giáo hội là dấu chỉ hữu hình sự hiện
diện của Thiên Chúa giữa trần gian, là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô với bản
chất thánh thiện, trong trắng và trung thành với Thiên Chúa, thì các trinh nữ
thánh hiến cũng phản chiếu hình ảnh của Giáo hội qua tình yêu trinh khiết của
các trinh nữ hiến dâng dành cho Đức Kitô và sự dấn thân phục vụ tha nhân trong
Giáo hội.
Cuối cùng các trinh nữ thánh hiến cũng diễn tả hình ảnh cánh chung. Là cô dâu của Chúa Kitô, các trinh nữ thánh hiến không chỉ được mời gọi tìm kiếm và hướng về sự sống đời đời như những Kitô hữu khác, nhưng họ còn là dấu chỉ của hy vọng cho cuộc sống mai sau. Đồng thời, họ là một lời nhắc nhở sống động cho mọi người rằng cuộc sống mai hậu với Đức Kitô là tiệc cưới trên Thiên Quốc của Con Chiên và Hiền Thê của Đức Kitô. Điều này đã được thánh Gioan thốt lên trong sách Khải Huyền: “Nào ta hãy vui mừng hoan hỷ dâng Chúa lời tôn vinh, vì nay đã tới ngày cử hành hôn lễ Con Chiên, và Hiền Thê của Người đã trang điểm sẵn sàng, nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền” (Kh 19, 6-7). Như vậy, các trinh nữ giống như những nữ tiên tri, nhắc nhở Giáo hội về lễ cưới vinh quang trên Thiên Quốc mà tất cả mọi tín hữu trong Giáo hội đều được mời dự yến tiệc cùng với Chàng Rể Giêsu Kitô.
Tài Liệu Tham Khảo
Ambrose. Concerning
Virginity (I, II, III). https://www.newadvent.org/fathers/34073.htm.
Athanasius. “Second
Letter to Virgins”, in Women in the Early Church. Ed. Patricia Cox
Miller. Washington, D.C.: Catholic University of America Press, 2005.
Botz, Paschal. “The
Consecration of Virgins: What it is and what it should do”, in Information
Packet on the Vocation to Consecrated Virginity for Women Living in the World.
https://consecratedvirgins.org/usacv/sites/default/files/documents/VocRes1-1InfoPkt_new.pdf
Clark, Elizabeth A. Women
in the early Church. Delaware: Michael Glazier, Inc, 1983.
Emsley, Nichola. “The
Rite of Consecration of Virgins.” In Handbook for Liturgical Studies, Volume
IV: Sacraments and Sacramentals. Ed. Anscar J. Chupungco. Minnesota:
Liturgical Press, 2016.
Gregory. Life of
Saint Macrina. Ed. Patricia Cox Miller. Washington, D.C.: Catholic
University of America Press, 2005.
Tegels, Aelred. Virginity
in Liturgy. Marian Studies: Vol. 13, Article 9.
https://ecommons.udayton.edu/marian_studies/vol13/iss1/9/
Thành, Phan Tấn. Đời
Sống Tâm Linh. Tập 2. Roma, 2002.
Yarbrough, Anne.
“Christianization in the Fourth Century: The Example of Roman Women”, in Women
in Early Christianity, Vol XIV. Ed. David M. Scholer. New York: Garland
Publishing, 1993.
[1].
Thiên Chúa chúc phúc cho muôn loài (trong đó có con người) rằng: "Hãy sinh
sôi nảy nở thật nhiều” (St 1,20), nên việc sinh đẻ con đàng cháu đống mới là một
phúc lành mà Chúa hứa ban cho người công chính (Tv 128,3; 144,12)
[2].
Nichola Emsley, “The Rite of Consecration of Virgins,” in Handbook for
Liturgical Studies, Volume IV: Sacraments and Sacramentals, ed. Anscar J.
Chupungco (Minnesota: Liturgical Press), 2016, 332.
[3].
Đức Trinh Nữ Maria là người phụ nữ đầu tiên đáng được coi là một trinh nữ. Khi
thiên thần được sai đến với một trinh nữ, từ Hylạp gọi là Parthenos (Lc 1,27),
từ này chỉ mọi thiếu nữ, hiểu là những người đồng trinh, tuy nhiên để nói về Đức
Mẹ Maria, đến câu 34 mới xác định việc đồng trinh theo đúng nghĩa: “Tôi không
biết đến việc vợ chồng (Lc 1,34).
[4].
Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, Tập 2 (Roma, 2002), 73.
[5].
Giáo hội ở Smyrna là một trong bảy Giáo hội ở Tiểu Á bao gồm: Ephesus,
Pergamos, Thyatira, Smyrna, Sardis, Laodice và Philadelphia. Đây là một trong
các cộng đoàn Kitô hữu thời kỳ đầu của Giáo hội (Kh 2,8-11)
[6].
Thánh Inhã thành Antiôkia trong tác phẩm Ad Smyrnaeos đã viết như sau:
“Greetings to the families of my brothers, along with their wives and children,
and to the virgins enrolled with the widows. I bid you farewell in the Father’s
power. Philo, who is with me, sends you greetings… Farewell in God’s grace”.
[7].
Nichola Emsley, The Rite of Consecration of Virgins, 332.
[8].
Tác phẩm Ad Philippenses của Polycarp thành Smyrna, trong chương 5 đã nói tới
phận vụ của phó tế, người trẻ và các trinh nữ (The Duties of Deacons, Youths,
and Virgins). Trong đó các trinh nữ phải là những người có đời sống trinh khiết.
(http://www.documentacatholicaomnia.eu/03d/00690155,_Policarpus_Smyrnaeus,_Epistula_ad_Philippenses_[Schaff],_EN.pdf)
[9].
Trong tác phẩm La Tradition Apostolique, Hippolytus viết:
“Widows and virgins will fast often and pray for the Church” (Những bà góa và
các trinh nữ thường xuyên giữ chay và cầu nguyện cho Giáo hội)
(https://www.newadvent.org/fathers/0136.htm)
[10].
Thánh giáo phụ Ambrôsiô có nhiều tác phẩm nói về đề tài trinh nữ như: De
virginibus, De virginitate, De institutione virginis, và Exhortatio
virginitatis
[11].
Elizabeth A. Clark, Women in the early Church (Delaware: Michael
Glazier, Inc, 1983), 107.
[12].
Thánh Ambrôsiô để lại một bài giảng về thánh nữ Agnes đề ngày 21-1-375. Theo
thánh Ambrôsiô, thánh nữ Agnes được phúc tử đạo hồi 13 tuổi. Agnes tiếng Hy Lạp
là Agnè = “thanh sạch” và được tôn kính là thánh quan thầy cho đức trinh khiết.
[13].
Anne Yarbrough, “Christianization in the Fourth Century: The Example of Roman
Women”, in Women in Early Christianity, Vol XIV, ed. David M. Scholer,
(New York: Garland Publishing, 1993), 161.
[14].
Gregory of Nyssa, Life of Saint Macrina, trans. Patricia Cox Miller
(Washington, D.C.: Catholic University of America Press, 2005), 193.
[15].
Thánh Eustochium (369-419) tại Rôma. Ngài là con ái của thánh Paula và nghị viện
Toxotius và là con thiêng liêng của thánh Jêrômê. Năm 382, Eustochium được
thánh Jêrômê hướng dẫn và đã khấn đồng trinh.
[16].
Anne Yarbrough, Christianization in the Fourth Century: The Example of Roman
Women, 161.
[17].
Nichola Emsley, The Rite of Consecration of Virgins, 333.
[18].
Ibid.
[19].
Ambrose, Concerning Virginity (Book III),
Chapter I, https://www.newadvent.org/fathers/34073.htm
[20].
Ibid.
[21].
Nichola Emsley, The Rite of Consecration of Virgins, 338.
[22].
Ibid., 333.
[23].
Aelred Tegels, Virginity in Liturgy, Marian Studies: Vol. 13, Article 9,
https://ecommons.udayton.edu/marian_studies/vol13/iss1/9/
[24].
Synodum Cartaginense – Canones, The Canons Of The CCXVII Blessed Fathers Who
Assembled At Carthage. Commonly Called The Code Of Canons Of The African
Church. Downloaded from http://www.ccel.org/ccel/schaff/npnf214.html
[25].
Paschal Botz, “The Consecration of Virgins: What it is and what it should do”, in Information Packet on the Vocation to Consecrated
Virginity for Women Living in the World,
https://consecratedvirgins.org/usacv/sites/default/files/documents/VocRes1-1InfoPkt_new.pdf
[26].
Sách nghi lễ Verona là một trong những cuốn sách nghi lễ phụng vụ cổ nhất còn
sót lại theo nghi lễ Rôma ở thế kỉ V-VI. Đây được xem là một tập Sách Lễ chỉ chứa
những lời nguyện cho một số Thánh Lễ nhất định.
[27].
Nichola Emsley, The Rite of Consecration of Virgins, 333- 334.
[28].
Ibid., 334.
[29].
Bernard Hwang, “Consecration of Virgins”, in Information Packet on the
Vocation to Consecrated Virginity for Women Living in the World,
https://consecratedvirgins.org/usacv/sites/default/files/documents/VocRes1-1InfoPkt_new.pdf
[30].
Nichola Emsley, The Rite of Consecration of Virgins, 339.
[31].
John Chrysostom, On Virginity, in Information Packet on the Vocation to
Consecrated Virginity for Women Living in the World, 195.
[32].
Phan Tấn Thành, Đời Sống Tâm Linh, 74.
[33].
Ibid.
[34].
Ibid.
Comments
Post a Comment