Đời Sống Cộng Đoàn

 Đời Sống Cộng Đoàn



Đời Sống Cộng Đoàn

Clive Staples Lewis (1898-1963) – một thần học gia người Anh đã từng xem con người như là “một đội tàu đang vận hành”. Để đội tàu được vận hành một cách hiệu quả và đi đến bến một cách suôn sẻ, ông cho rằng, đội tàu đó cần ba yếu tố:

  • ·         Thứ nhất, trong lúc di chuyển các con tàu không được va chạm vào nhau
  • ·         Thứ hai, mỗi con tàu phải đủ khả năng đi biển. Mỗi con tàu phải được trang bị cho mình một tình trạng máy móc tốt
  • ·         Thứ ba, cả đội tàu đều phải có chung một mục tiêu, một đích đến. Nói cách khác, đội tàu có chung bến đỗ.

Vậy, nếu chúng ta nhìn nhận đời sống cộng đoàn của các dòng tu cũng giống như hình ảnh đội tàu mà Lewis mô tả, thì đời sống cộng đoàn dường như cũng liên quan đến ba điều:

  • ·         Thứ nhất, đời sống cộng đoàn cần đến sự hòa hợp giữa các cá nhân.
  • ·         Thứ hai, mỗi thành viên trong hội dòng phải có khả năng đi tu. Mỗi tu sĩ phải trang bị cho chính mình một tình trạng “máy móc” tốt.
  • ·         Thứ ba, mọi thành viên trong hội dòng phải xác định được đặc sủng, linh đạo của hội dòng, cũng như sứ vụ đặc thù của chính dòng mình. Điều này giúp cho các tu sĩ cùng hướng về một mục đích chung, một sứ vụ chung của hội dòng.

Chúng ta cùng khám phá cụ thể ba cách diễn đặt trên:

Thứ nhất, đời sống cộng đoàn cần đến sự hòa hợp giữa các cá nhân. Khi chúng ta nói đến cụm từ “đời sống cộng đoàn”, một ý thức chung hiện lên trong suy nghĩa rằng đó là đời sống chung của nhiều con người. Có cộng đoàn 3 người, 5 người, 10 người, nhưng cũng có nhiều cộng đoàn con số lên tới hàng trăm, hàng ngàn sống quy tụ với nhau. Hơn nữa, chúng ta là những hữu thể cá vị riêng biệt và đặc thù, dù rằng, chúng ta cùng mang hình ảnh của Thiên Chúa và được Thiên Chúa yêu thương một cách công tâm, không ai hơn ai. 

Chính vì thế, chúng ta khác biệt nhau về tính cách, về tư tưởng, về lối sống. Chúng ta mang chính con người, lịch sử, văn hóa đặc thù của mình vào trong cộng đoàn để sống chung với nhau. Tuy nhiên việc chúng ta sống chung với nhau không có nghĩa chúng ta bỏ đi tất cả căn tính, đặc thù riêng của mình để trở thành những con người rô-bốt hoàn toàn giống nhau về mọi mặt. Một cộng đoàn tốt không phải là một cộng đoàn trong đó mọi thành viên đều hoàn toàn giống nhau, không có sự khác biệt. Vậy làm sao để hiệp nhất, để sống chung với nhau khi có sự khác biệt? Phải chăng là loại trừ nhau? Không! Chắc chắn không, sự hiệp nhất không phải là loại trừ sự khác biệt, nhưng là chấp nhận sự đa dạng và khác biệt. Như vậy, đời sống cộng đoàn cần đến sự hòa hợp giữa các cá nhân, đón nhận nhau, tôn trọng sự khác biệt để không loại trừ nhau và không hướng đến sự độc tôn trong cộng đoàn.

Thứ hai, mỗi thành viên trong hội dòng phải có khả năng đi tu và mỗi tu sĩ phải trang bị cho chính mình một tình trạng “máy móc” tốt. Khi ứng cử vào vị trí nào đó của một công ty, chúng ta luôn được đòi hỏi những yêu cầu cụ thể, khách quan để đáp ứng cho vị trí họ cần tuyển. Có thể là có kinh nghiệm, có chuyên môn, phải là nam, hay có những vị trí phải là nữ, tuổi đời bao nhiêu…Đi tu, xét theo một nghĩa chặt nào đó, mỗi hội dòng cũng có những chỉ tiêu tuyển chọn ơn gọi phù hợp với đặc sủng, linh đạo và sứ vụ của hội dòng. Đã là cộng đoàn dòng tu, một trong những chỉ tiêu quan trọng để xét tuyển ơn gọi chính là khả năng sống cộng đoàn. Nghĩa là khả năng sống chung, làm việc chung với người khác. Nếu một ứng viên nào đó bước vào dòng, nhưng lại không thể sống chung với anh chị em, chỉ thu thu và làm việc một mình thì đó có thể chưa phải dấu chỉ của ơn gọi thuộc về hội dòng đó. 

Tiếp đến, đi tu là cá nhân mỗi người đặt để cuộc đời mình vào sự quan phòng và dẫn dắt của Thiên Chúa. Những điều đó không có nghĩa người đó hoàn toàn thụ động và ù lì trong chính đời tu của mình. Nói cách khác, mỗi thành viên trong cộng đoàn phải có sự năng động và biết trang bị cho chính mình một “khả năng đi tu”. Khả năng đi tu là gì? Sẽ có nhiều thứ chúng ta có thể liệt kê, nhưng ít nhất những khả năng đi tu quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua: như chúng ta mới nói ở trên, khả năng sống chung với người khác, khả năng cầu nguyện, khả năng phục vụ tha nhân, khả năng bước đi trong đêm tối đức tin, khả năng cân bằng và hài hòa cảm xúc, khả năng học hành, khả năng chia sẻ, khả năng chịu đựng…. Mỗi người phải tự trang bình cho mình vừa nhân đức, vừa tri thức, vừa kinh nghiệm. Nhưng trên tất cả, mỗi người phải có khả năng yêu Chúa và yêu tha nhân. Nếu một tu sĩ không có khả năng yêu Chúa, và yêu người, chắc chắn chiếc thuyền đó không thể đi xa. Nếu cứ cố gắng thì ắt sẽ chìm.

Thứ ba, mọi thành viên trong hội dòng phải xác định được đặc sủng, linh đạo của hội dòng, cũng như sứ vụ đặc thù của chính dòng mình. Điều này giúp cho các tu sĩ cùng hướng về một mục đích chung, một sứ vụ chung của hội dòng. Bất kì một hội dòng nào được thành lập theo giáo luật thì cũng có đặc sủng, linh đạo và sứ vụ đặc thù. Đó chính là sự hoạt động năng động, đa dạng của Chúa Thánh Thần nơi mỗi hội dòng. Chúng ta không thể nào nói Dòng Đa Minh cũng như Dòng Tên, Dòng Tên cũng như Dòng Thương Khó Chúa Giêsu, Dòng Thương Khó cũng như Dòng Cát Minh. Dù, xét theo nghĩa khái quát, mỗi hội dòng đều hoạt động liên kết với Mẹ Giáo Hội, rao giảng về Lời, về Tình Yêu của Đức Kitô, nhưng mỗi hội dòng có một sự đặc thù mà chúng ta vẫn hay dùng thuật ngữ “đặc sủng” – là ân sủng riêng mà Thiên Chúa ban cho riêng từng Hội Dòng. 

Ví dụ Dòng Thương Khó Chúa Giêsu có đặc sủng từ chính Mầu Nhiệm Vượt Qua: Đau Khổ - Cái Chết – Phục Sinh của Đức Kitô. Chính vì thế, mỗi tu sĩ Thương Khó được mời gọi không chỉ chiêm ngăm, nhưng còn rao giảng về một Đức Kitô Chịu Đóng Đinh. Chúng ta không thể nào trở thành một tu sĩ triển nở nếu chúng ta quá hời hợt với đặc sủng và linh đạo của chính dòng mình. Chúng ta cũng không thể cùng nhau xây dựng cộng đoàn, cùng nhau định hướng các hoạt động khi mơ hồ với chính “gia nghiệp” mà đấng tổ phụ của dòng để lại. Chúng ta càng không thể làm ước mơ của Chúa được hiện thực một cách hiệu quả khi chúng ta không cùng nhau thi hành sứ vụ. Ba chiều kích: Đặc Sủng – Linh Đạo – Sứ Vụ không thể tách rời nhau. Ba chiều kích này hướng dẫn, soi sáng nhau.

Để đúc kết, chúng ta có thể nói thế này để một đời sống cộng đoàn triển nở, hiệu quả, hiệp nhất và phát huy tinh thần Tin Mừng, đời sống cộng đoàn đó vừa gồm yếu tố “cánh chung” tương lai là mỗi thành viên cùng nhau hướng về một mục đích chung dựa trên đặc sủng – linh đạo và sứ vụ đặc thù của hội dòng mình. Nhưng đời sống cộng đoàn cũng bao gồm yếu tố “hiện tại” lúc này, bây giờ là mỗi người phải tự mình trau dồi, đào luyện bản thân cả chiều kích thiêng liêng lẫn chiều kích tri thức và mục vụ. Đồng thời, mỗi thành viên trong cộng đoàn phải có một thái độ, cởi mở đón nhận nhau, sống hài hòa với nhau trong sự đa dạng và khác biệt.

Comments

Popular Posts