Câu chuyện nhỏ giữa dòng đời vội vã

         
        Câu chuyện nhỏ giữa dòng đời vội vã

        Những ngày giữa tháng Tám, câu chuyện "ông bố 9x" Phùng Đức Ninh cầm một tấm bảng xin việc đứng giữa ngã tư Cầu Giấy (Hà Nội) với nội dung: “Tôi vừa tốt nghiệp, tôi đã là Bố. Tôi cần một công việc để mua sữa cho con. Bạn cần tuyển tôi. Liên hệ: Conanbn90@gmail.com" đã thu hút rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. Cách tìm việc "độc" và "lạ" của Ninh đã khiến rất nhiều người có một cái nhìn không mấy thiện cảm.

      Cụ thể, một bài viết trên trang VTC News đã dùng ngôn từ để mỉa mai hành động của Ninh như: “Anh đã ném lòng tự trọng của mình để ‘ngửa tay’ xin việc, xin sự thương hại”. Ngoài ra, họ còn so sánh anh giống “một kẻ ăn bám như kí sinh vào xã hội”. Khi câu chuyện của anh được đăng tải lên các trang xã hội, nhiều người bảo anh là một kẻ “lười biếng”, “bạc nhược”, “hèn nhát”. Không ít người còn có những lời lẽ xúc phạm đến gia đình nhỏ của cậu. Câu chuyện càng trở nên nóng khi Ninh - một anh chàng “sức dài vai rộng”, là tân cử nhân của trường Đại học Điện lực Hà Nội được so sánh với Hải – một người bị bệnh Down bẩm sinh – làm bảo vệ và phục vụ bàn ở một quán phở ở Gò Vấp  (TP. HCM). Vì thế, trong mắt nhiều người, Ninh trở nên một chàng trai bạc nhược và không có lòng tự trọng.
     Thế nhưng, hành động của "ông bố 9x" này có thực sự đáng để lên án và xúc phạm nặng nề như vậy không? Thay vì chỉ trích, sao chúng ta không suy xét ở một khía cạnh khác với một cái nhìn thông cảm trong hoàn cảnh “cùng đường bí lối” của Ninh.
      Chúng ta đang sống trong một đất nước có hàng ngàn sinh viên ra trường mỗi năm. Theo Tổng cục Thống kê Dân số và Lao động, năm 2010, người có trình độ Đại học ở độ tuổi 21-29 thất nghiệp chỉ chưa đầy 60.000 người (chiếm 6,84%), nhưng đến năm 2013, số người thất nghiệp có trình độ Đại học ở độ tuổi dưới 30 đã tăng lên thành 101.000 người (9,89%). Hàng năm, sinh viên ra trường đều đều, nhưng công việc thì chẳng đáp ứng đủ. Nhiều sinh viên muốn bám trụ lại mảnh đất thành thị, họ phải lăn lưng, thậm chí hạ mình xuống trước người khác để có một công việc. Thậm chí, công việc đó không liên quan gì đến cái họ đã được học và những đồng tiền nhận được cũng chẳng đáng là bao. Còn anh Ninh, anh cũng đang hạ mình xuống để tìm một việc làm - một nơi để anh ta bán sức lao động chứ anh ta không động đến nồi cơm của ai. Anh không ăn cướp cũng không quỳ gối, lạy lục, xin xỏ lòng thương hại của người đi đường. Thay vì ngồi viết một cái đơn xin việc, rồi đăng lên mạng hoặc chạy tới chạy lui hết công ty này đến công ty khác để phỏng vấn, thì Ninh chọn một cách “tiện lợi” hơn, mang tính chiến lược “quảng cáo” rộng hơn và được nhiều người chú ý hơn là đứng giữa đường với tấm bảng xin việc.
      Thử hỏi bao nhiêu sinh viên nghĩ được hình thức viết đơn xin việc và đi xin việc sáng tạo và độc đáo như vậy? Chắc chắn anh phải là một người bản lĩnh và biết cách để thu hút sự chú ý của các nhà tuyển dụng. Thay vì ngồi “ném đá” hoặc mỉa mai hành động của anh, sao chúng ta không chia sẻ cho nhau với những lời động viên. Có thể may mắn sẽ đến với anh, sẽ có một nhà tuyển dụng nào đó thích cách anh làm, thích tính sáng tạo và sự độc đáo nơi con người anh.
      Thứ đến, đứa con bé bỏng của anh mới chào đời. Anh phải chịu sức ép nặng nề về tài chính để xây dựng tổ ấm cho gia đình nhỏ của mình. Trước tình trạng phá thai đầy rẫy như hiện nay, việc chấp nhận làm cha ở tuổi hai lăm với một cơ sở kinh tế yếu kém thì Ninh là một chàng trai dũng cảm, một người chồng đầy trách nhiệm và là một người bố tuyệt vời. Ninh xứng đáng nhận được những lời động viên để tiếp thêm nghị lực.
       Chúng ta có biết rằng, trong lúc này, mỗi lời mỉa mai, xúc phạm anh như một viên đá chặn lại quyền được uống sữa của đứa bé. Ninh không làm gì sai, cũng không có gì phải nhục, phải đáng xấu hổ. Anh đang làm một điều hết sức tuyệt vời với bổn phận của một người cha dành cho đứa con gái yêu quý của mình.
       Ngoài ra, một chàng trai hai lăm tuổi, cầm tấm bảng xin việc với những dòng chữ được viết một cách nắn nót và rõ ràng cũng phần nào cho thấy anh không phải là một kẻ biếng nhác. Hơn nữa, việc làm của anh không vi phạm pháp luật, không vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội. Anh đang làm một công việc hết sức nghiêm túc. Hay nói rõ hơn Ninh đang xin việc để được lao động chân chính, được kiếm tiền từ đôi tay và sức lực của mình. Vì thế, ta cần khâm phục sự dũng cảm, sẵn sàng đứng đường giữa trưa nắng rát bỏng để xin việc nuôi vợ con của ông bố 9x này hơn là đẩy anh tới ngõ cụt của những bế tắc và đau khổ.
        Thật đáng buồn khi một hành động đáng được thông cảm, nâng đỡ như thế lại bị một số tờ báo khai thác ở một khía cạnh tiêu cực như vậy. Sao những người viết báo không dùng phương tiện báo chí như  một sự kích lệ để gieo vào lòng độc giả mần mống của sự lương thiện? Sao những người  “anh hùng bàn phím” thay vì chửi bới, xúc phạm, sao không đùm bọc, chia sẻ với Ninh bằng một lời cầu nguyện cho anh vượt qua khó khăn đó?
          Ai trong chúng ta cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh bế tắc, nên chắc chắn, hơn ai hết chúng ta hiểu rõ sự cần thiết của lời động viên, sự thông cảm và khích lệ nhau. Phùng Đức Ninh cũng vậy, hành động của anh xứng đáng được tôn trọng và nhận được sự thông cảm hơn thay vì trách cứ hay xỉ vả anh. Ninh không phải là một tân sinh viên “sức dài vai rộng” không có lòng tự trọng, một ông bố hèn nhác, bạc nhược mà là một người đầy bản lĩnh đáng được tôn trọng và thông cảm.

Comments

Popular Posts