Tu - Tinh

Đại thi hào Nguyễn Du là một nhà thơ đã để lại dấu ấn vô cùng sâu sắc trong lòng người dân Việt Nam qua những tác phẩm chứa đầy những cung bậc cảm xúc và tái hiện nên bức tranh đầy màu sắc của xã hội thời bấy giờ. Khi nhắc tới ông, chúng ta nhớ ngay đến “Truyện Kiều” - một tác phẩm kinh điển của nền văn thơ Việt Nam. Qua “Truyện Kiều” cụ Nguyễn Du đã mượn thân phận “tài hoa, bạc mệnh” của nàng Kiều để tái hiện xã hội phong kiến thối nát của Việt Nam và thân phận nổi trôi của người phụ nữ Việt những 80 của thế kỉ XIX. Trước những bế tắc của dòng đời, qua miệng của nàng Kiều, cụ đã phải thốt lên: “Tu là cỗi phúc, tình là dây oan”. Cụ đã khắc họa lên khao khát của bao con người thời đó là được thoát khỏi những đau khổ, oan trái của cuộc đời bằng việc quy yên của Phật.  Vậy ta hãy cùng tìm hiểu liệu “tu là cỗi phúc, tình là dây oan” có còn phù hợp với cuộc sống thời nay.
Trước tiên, có lẽ không cần phải giải thích từng từ trong câu nói trên, chúng ta cũng có thể ngầm hiểu được ý muốn tác giả muốn đề cập đến đó chính là: Việc dứt bỏ cuộc sống trần tục để đi tu sẽ đưa ta đến với nguồn mạch của hạnh phúc, của sự tốt đẹp, còn tình ái chỉ khiến ta dính líu tới đau khổ, ai oán. Chính vì thế với tác giả, đi tu là cách tốt nhất để trở về với nguồn cội của hạnh phúc, nguồn mạch của bình an, sự tốt đẹp và tránh khỏi “cõi trần tục lụy” hay ai oán của tính ái.
Thế nhưng, nếu hiểu theo cách trên thì chúng ta sẽ thấy sự đối nghịch rằng: đi tu sẽ giúp ta thoát khỏi những vứng bận và cho ta một cuộc sống hạnh phúc, thế nhưng ta có thể thấy rất ít người bước theo con đường này. Đâu đó, ta nghe được những câu như “tới đường cùng mới đi tu”, “có khùng mới đi tu”, “nhà nghèo mới thích đi tu”, “tu là chốn chôn vùi cuộc đời”…đại loại là những từ mỉa mai người ta dùng để chỉ những người đi tu. Hay, có nhiều người do thất tình, làm ăn thua lỗ, chán cuộc sống hay một lí do nào đó mới dấn thân bước vào đời tu. Và nếu “tình là dây oan” thì sao bao người sẵn sang chết vì tình, làm mọi thứ vì tình và Lý Mạc Sầu trong phim “Thần Điêu Đại Hiệp” đã phải thốt lên: “Hỏi thế gian tình ái là chi, mà đôi lứa thề nguyền sống chết”. Có lẽ nói tới đây, ta cũng có thể thấy được sự đối lập hoàn toàn giữa câu nói của cụ Nguyễn Du và thực tế ngày nay. Thế nhưng, ta cũng không thể kết luận hay đánh giá suy nghĩ của cụ trong câu nói trên là sai. Vì thế, ta cùng tiếp tục tìm hiểu những khía cạnh khác trong câu nói của cụ.
Trước tiên ta cùng tìm hiểu chữ “tu”. Theo từ điển Hán – Việt, tu là sửa, là gọt dũa bản thân để trở nên tốt hơn. Vậy, ta phải hiểu đi tu chính là để sửa mình trước. Mỗi tôn giáo có mỗi cách đi tu khác nhau. Người Công Giáo đi tu là theo Chúa Giesu. Những người quyết định chọn con đường này phải trải qua một quá trình dài để đào tạo, rèn luyện cả về tri thức, lẫn nhân bản để trở thành những tu sĩ, linh mục phục vụ người khác nhất là người nghèo, ốm đau, bệnh tật. Họ được mời gọi để bước theo Chúa Giesu với sự khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục. Người Phật giáo đi tu là vào quy y cửa Phật, là ăn chay niệm Phật. Họ cũng được đào tạo để trở thành những sư thầy hay ni cô với một tâm hồn siêu thoát và dấn thân để phục vụ những người kém may mắn. Ngoài ra, đi tu cũng chính là nơi những người tu hành có đời sống gắn bó, cột chặt với Đấng họ tôn thờ. Họ tin tưởng chỉ có Đấng đó mới đem lại bình an và hạnh phúc đích thực, vì thế với một niềm phó thác, họ đặt tất cả những vui, buồn, sướng, khổ trong cuộc đời vào tay Đấng họ tôn thờ. Đi tu còn là cơ hội để người tu hành rèn luyện bản thân mình trở nên mạnh mẽ để đối diện với tham, sân, si hay tính dục trong con người họ. Tâm hồn họ trở nên nhẹ nhàng, không vướng bận trước bon chen, giành dật của sự đời và không phải quỵ lụy trước tình yêu trai gái. Nói tóm lại, những người đã chọn bước vào con đường này thì tu là cỗi phúc. Tu là nơi họ cảm thấy thỏa mãn được những nhu cầu và khao khát của bản thân. Trong cuộc sống có rất nhiều đã từ bỏ cuộc sống vật chất của họ để bước vào con đường tu hành như ông Doshi – người được mệnh danh là 'ông vua' nhựa của Ấn Độ, vừa từ bỏ cơ ngơi hàng trăm triệu USD để trở thành nhà sư. Hay cầu thủ Chase Hilgenbrinck (Mỹ) - một hậu vệ người Mỹ đã bỏ nghiệp bóng đá để trở thành một linh mục Công Giáo. Hay ở Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Viết Chung với hơn mười năm gắn bó với nghề tại bệnh viện Da liễu Sài Gòn đã từ bỏ tất cả, bất chấp sự phản ứng dữ dội của gia đình để trở thành một linh mục của dòng Vinh Sơn Bác Ái. Từ đó ta thấy được, tình yêu và sự thúc bách trong con người của những người khao khát dấn thân vào con đường đi tu thật mãnh liệt và không phải ai cũng có thể làm được.
Thế nhưng, thực tế ngày nay có rất ít người dấn thân vào con đường tu trì. Với nhiều người, đi tu là con đường cuối cùng, là sự lựa chọn bất đắc dĩ. Như ta thấy, xã hội càng phát triển thì nhu cầu hưởng thụ của cá nhân càng được đề cao. Theo quan điểm của rất nhiều người, hạnh phúc là có thật nhiều tiền, nhà lầu, xe hơi, công việc ổn định, gia đình con cái đuề huề. Họ không muốn từ bỏ danh vọng, địa vị, quyền lực, tiền bạc và các nhu cầu về thể xác. Với câu nói cửa miệng của nhiều bạn trẻ ngày nay: “Sống là tận hưởng”, nên họ chạy theo những thú vui xác thịt, sống chỉ biết nghĩ đến giây phút hiện tại. Cho nên, việc ăn chay, niệm Phật, hay sống khó nghèo, không lập gia đình hay từ bỏ những nhu cầu cá nhân là việc ngốc nghếch. Từ đó ta có thể thấy, nhiều người sẵn sang từ bỏ tất cả để đi tu, nhưng cũng không ít người xem đi tu là một hành động ngu ngốc của những kẻ điên.
Tiếp đến, chúng ta cùng bản về chữ “tình”. Khi nhắc đến chữ “tình”, chúng ta thường nghĩ ngay đến tình yêu đôi lứa, tình yêu nam nữ. Một nhà tư tưởng khuyết danh đã nói: “Tình yêu là hương vị ngọt ngào của cuộc sống”. Thật vậy, tình yêu đã mang đến cho con người những thứ tình cảm thật thiêng liêng mà nhiều lúc không thể diễn tả trên trang giấy hay bằng một hình ảnh cụ thể. Trong cuộc sống, chúng ta không thể thiếu vắng tình yêu. Tình yêu có sức mạnh vô cùng to lớn. Nó giúp ta vững tin và can đảm vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Tình yêu làm cho cuộc sống của ta đẹp hơn, yêu đời hơn, đưa ta vượt lên trên những điều tầm thường. Thật sự, vì tình yêu, nhiều người sẵn sàng làm bất cứ mọi việc, thậm chí là chết vì người mình yêu. Trong cuộc sống, có rất nhiều minh chứng về tình yêu mà ta bắt gặp hằng ngày trên các trang báo, trang mạng như tình yêu đũa lệnh của cô người mẫu xinh đẹp Thanh Thảo (1m80) với chàng lùn Xuân Tiến (1m30). Họ đã có một tình yêu đẹp, khiến bao người ngưỡng mộ. Hay chàng trai dị tật Minh Hà đã kết hôn với Hải Anh – một cô gái xinh đẹp, giàu có, thành đạt. Họ đến với nhau bằng một tình yêu chân thật, không vụ lợi và tình yêu của họ đã đánh thức quan niệm về tình yêu vật chất của bao người trẻ ngày nay. Những minh chứng trên cho ta thấy vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu trong cuộc sống này. Tình yêu đã mang lại hạnh phúc đích thực cho rất nhiều người.
Thế nhưng, trong cuộc sống, tình yêu cũng gây nên ngang trái cho bao người. Tình yêu làm cho bao người phải đau khổ, phải tan nát cõi lòng. Tình yêu làm cho lòng thù hận, lòng tham lam, sự ghen tuông, sự ích kỉ và cả thú tính trong mỗi chúng ta có cơ hội trỗi dậy. Nhiều người sẵn sàng làm mọi thứ để có được tình yêu, để giữ tình yêu hoặc chiếm hữu nó. Tình ái còn là nguyên nhân dẫn đến bao hệ lụy khác trong xã hội như ngoại tình, mại dâm, li dị, giết người. Nhiều người vì tình mà tự vẫn, hay giết hại lẫn nhau, nhưng đau đớn nhất là vì tình mà người thân trong gia đình sẵn sàng sát hại nhau. Vài tuần qua, có lẽ chúng ta vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì tình mà hai chàng trai đã giết hại sáu mạng người ở Bình Phước. Chúng ta thật sự đau lòng khi chỉ vì tình mà mạng sống của con người bị tước đoạt một cách dã man. Từ đó ta nhận thấy rõ mặt trái của tình yêu, thấy rõ “dây oan” trong tình ái.
Từ những điều chúng ta vừa đề cập trên, câu nói của cụ Nguyễn Du đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Mỗi người có một cách nhìn và quan điểm riêng về tình ái, đi tu và hạnh phúc. Dù ta chọn tình hay đi tu thì mục đích cuối cùng cũng là hạnh phúc, là tìm nguồn bình an trong tâm hồn, là thỏa mãn được những đam mê, khao khát trong sâu thẳm đáy lòng của ta. Chúng ta đang sống trong một xã hội vô cùng phức tạp với nhiều âu lo và áp lực. Nhiều lúc ta tìm đến chốn tu hành vì ta quá mệt mỏi với sự chộp giật, bon chen, với một tâm hồn đầy lo toan, tính toán giữa chợ đời hay “dây oan” tình ái làm ta đau khổ nên ta muốn tránh sự đời tìm chốn bình an, hạnh phúc nơi mái chùa hay tu viện. Nhưng cũng không ít người tìm đến chốn tu hành vì những lí do vô cùng cao cả là họ muốn được yêu thương và phục vụ nhiều người hơn, đặc biệt là người nghèo, người khuyết tật hay những người bị xã hội ruồng bỏ. Đi tu là lúc họ không còn sống cho bản thân mình và những lúc được phục vụ, giúp đỡ và sống có ích cho người khác là niềm hạnh phúc của họ. Còn ngoài xã hội, tình yêu mang đến bao nhiêu đau khổ và nhiều vấn nạn khác, nhưng cuộc sống của ta không thể sống thiếu tình yêu. Nó là một phần trong nhịp sống thực tại, là sợi dây vô hình gắn kết các mối quan hệ giữa con người với con người hay giữa con người với những thứ xung quanh. Từ đó, ta có thể thấy rằng sự bình an, hạnh phúc hay đau khổ nó không phụ thuộc vào việc đi tu, hay vào tình ái mà chính chúng ta, chính cách sống và thái độ sống trong chính mỗi con người ta.


Comments

Popular Posts